Một số bạn tỏ ra nhớ tiếc một thời Thơ tràn ngập đời sống nhân dân. Đi đâu người ta cũng đọc Thơ. Nói đụng tới vấn đề gì là người ta trích Thơ của các nhà thơ làm minh họa. Có lúc với một bài thơ chưa hẳn hay lắm song qua giọng ngâm được trình bày trong buổi Tiếng Thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam đêm trước thì ngày hôm sau hầu như cả nước đã thuộc dăm câu và bình luận xôn xao… Có lúc tại bất cứ Hội nghị nào người ta cũng đọc Thơ xen kẽ với chương trình văn nghệ phục vụ. Và người làm thơ thì càng nhiều, hầu như ai ai cũng thích làm thơ, thậm chí có người chẳng biết niêm luật thơ thế nào cũng cố bẻ vần đọc dăm ba câu trình làng để cố chứng minh cho bà con biết mình cũng có “tâm hồn thi sĩ”. Những ấn tượng mạnh của một thời Thơ đã qua đó cũng cần được xem xét lại nghiêm túc hôm nay.  



THƠ LẠM PHÁT, THƠ HIẾU HỈ VÀ THƠ HẠ GIÁ

                                              ĐINH KỲ THANH

    Nhiều bạn làm thơ lâu nay thường than phiền rằng tấm lòng yêu thơ của công chúng nước ta ngày càng giảm sút. Các báo, tạp chí… mấy năm nay cũng thường không mặn mà lắm với thơ. Các bài thơ đăng báo thường bị độc giả xem thường và chẳng chịu ngó ngàng. Những đêm bình thơ, giới thiệu thơ thường ít hấp dẫn công chúng. Ngay cả những ngày Hội thơ được tổ chức ở nhiều nơi cũng không thu hút được nhiều khán thính giả và cho thấy rõ quần chúng bây giờ đã có chiều lạnh nhạt với Nàng Thơ.
   Một số bạn tỏ ra nhớ tiếc một thời Thơ tràn ngập đời sống nhân dân. Đi đâu người ta cũng đọc Thơ. Nói đụng tới vấn đề gì là người ta trích Thơ của các nhà thơ làm minh họa. Có lúc với một bài thơ chưa hẳn hay lắm song qua giọng ngâm được trình bày trong buổi Tiếng Thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam đêm trước thì ngày hôm sau hầu như cả nước đã thuộc dăm câu và bình luận xôn xao… Có lúc tại bất cứ Hội nghị nào người ta cũng đọc Thơ xen kẽ với chương trình văn nghệ phục vụ. Và người làm thơ thì càng nhiều, hầu như ai ai cũng thích làm thơ, thậm chí có người chẳng biết niêm luật thơ thế nào cũng cố bẻ vần đọc dăm ba câu trình làng để cố chứng minh cho bà con biết mình cũng có “tâm hồn thi sĩ”.
  Những ấn tượng mạnh của một thời Thơ đã qua đó cũng cần được xem xét lại nghiêm túc hôm nay. Ngày nay cuộc sống đã khác nhiều rồi. Nền công nghệ giải trí và các phương tiện nghe nhìn hiện đại đã cuốn hút hầu như hàng loạt công chúng yêu thơ vào các thểû loại hấp dẫn khác. Ca nhạc, vũ trường, phim ảnh, băng vidéo, dĩa CD, VCD, DVD, sách báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình, sân khấu các loại đâu đâu cũng sẵn có. Thậm chí các ngành nghệ thuật khác cũng có thể xâm nhập từng nhà, vào tận đầu giường ngủ của mọi người để cạnh tranh với Thơ. Hơn thế nữa trong cuộc sống mới sôi động với tốc độ công nghiệp hóa và hiện đại hóa tới chóng mặt quả thật con người khó còn thời gian rảnh rỗi để làm thơ, đọc thơ, ngâm thơ và thưởng thức thơ. Chính vì thế chúng tôi nghĩ khối lượng công chúng yêu thơ có thu hẹp lại cũng là có lý. Và khi khối công chúng yêu thơ càng thu hẹp lại thì trình độ thưởng thức thơ của họ càng được nâng cao lên. Họ càng đòi hỏi khắt khe hơn nên chính họ sẽ giúp cho chúng ta có dịp sàng lọc thơ ca và tránh được tình trạng nôm na mách qué bẻ vè gây nên tình trạng lạm phát nhà thơ và lạm phát thơ. Có lẽ ngày nay trên thế giới này không có quốc gia nào lại có số người làm thơ đông đảo chiếm tỷ lệ cao trong dân số như nước Việt mình. Nhưng nếu có một đất nước mà đại đa số dân đều làm thơ và khoái đọc thơ, thưởng thức thơ chắc đất nước đó cũng chẳng còn có đủ điều kiện để tập trung trí tuệ nhằm phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật và nâng cao đời sống ! Và biết đâu đó cũng sẽ là một đại họa cho dân tộc giống như mấy ngàn năm phong kiến Việt Nam chỉ biết đề cao lối học từ chương khoa cử đã dẫn cả nước ta rơi vào thảm trạng lạc hậu đói nghèo…
    Với riêng lực lượng những người làm thơ ở nước ta hiện nay thì nhìn vào đội ngũ họ chúng ta càng thấy ro õtrình độ của họ quá chênh nhau. Ngoài một số người thực sự yêu thơ có trình độ học vấn khá, có tâm hồn giàu xúc cảm, có tài năng sử dụng ngôn từ, hình ảnh và nhạc điệu để sáng tác nên những câu thơ lay động lòng người, chúng ta thấy còn quá đông những những người làm thơ dở, phản nghệ thuật. Có một số người sau khi công bố được một vài bài thơ hay đã trở thành nhà đầu cơ kinh doanh buôn bán thơ ca. Họ sáng tác thơ như bửa củi thuê. Cứ nhằm các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, của đất nước, các dịp lễ Tết…để phát ra hàng loạt bài thơ vô thưởng vô phạt, nội dung nghèo nàn trống rỗng, tình cảm đơn điệu, khuôn sáo chung chung… song rất hợp thời sự tiện lợi cho báo chí tuyên truyền. Thứ thơ sản xuất như hàng công nghiệp đó thường tràn ngập các báo, tạp chí, đặc san vào các dịp lễ Tết đã giúp cho một số kẻ đầu cơ thơ ca thu về hàng chục triệu đồng nhuận bút vì họ có thơ in trên hàng vài chục tờ báo, tạp chí khác nhau. Chính những người làm thơ kiểu này đã góp phần đẩy công chúng yêu thơ xa dần với nàng thơ vốn thiêng liêng tao nhã. Chính họ cũng đã góp phần hạ thấp giá trị của thơ ca khi họ chuyên sản xuất hàng nhái, hàng giả, hàng gian.
    Chúng ta cũng không nên  vội vã trách cứ công chúng không mặn mà với thơ như  trong vài thập kỷ trước. Ngay cả những quốc gia phát triển có mức sống văn hóa cao, có truyền thống tôn trọng nghệ thuật cũng không hề có được một khối lượng lớn công chúng yêu thơ. Nước Pháp có biết bao nhà thơ nổi tiếng toàn cầu song các đêm thơ vẫn không thể nào thu hút được đông đảo khán thính giả như các đêm ca nhạc, tạp kỹ hoặc trình diễn múa ba-lê, ca nhạc kịch… Ngay cả tại quê hương kịch tác gia vĩ đại Sếch-xpia tối tối vào nhà hát Hoàng gia mang tên ông chúng tôi cũng chỉ thấy rất ít khán giả người Anh vào xem các vở diễn nổi tiếng như  Mác-bét , Ham-let, Rô-mê-ô và Giu-li-et hoặc Giấc mộng đêm hè. Còn ở nước Hoa Kỳ giàu có nhất thế gian thì các buổi đọc thơ, bình thơ… càng lèo tèo, thảm hại biết bao. Không những các bạn trẻ Mỹ quay lưng lại với thơ mà ngay cả một số lớn người già, người đứng tuổi cũng nhận định thơ là một thứ gì lăng nhăng, phù phiếm hoặc là của dành riêng cho những người lãng mạn thoát ly đời sống…
     Có nhìn ra các nước gần xa chúng ta mới thấy yêu thêm quý trọng thêm khối công chúng yêu thơ còn đông đảo lắm ở nước ta. Với khối công chúng này các nhà thơ Việt Nam chân chính còn có hẳn một mỏ vàng thật sự để khai thác và phục vụ. Các nhà thơ hôm nay xin hãy sáng tác thật hay, thật công phu để đừng phụ lòng công chúng yêu thơ.
    Một nhà thơ lớn của Liên Bang Xô Viết là Mai-a-côp-xki đã từng thiêng liêng hóa việc sáng tác thơ bằng câu nói nổi tiếng: “Trong hàng tấn quặng lời nhà thơ hãy chắt lọc để đúc nên một viên đạn chữ…” Vậy rõ ràng làm thơ phải là một kỳ công và phải xuất phát từ  một cảm hứng lớn, một tư tưởng lớn, một xúc động trào dâng. Thơ phải như một sản phẩm tinh thần thiêng liêng dành cho những trái tim đồng điệu chứ không thể là những câu vè ngô nghê nhạt nhẽo sản xuất hàng loạt theo kiểu nuôi gà công nghiệp và nhằm đẻ siêu trứng!
   Sự phân hóa đội ngũ độc giả, khán, thính giả ngày nay theo chúng tôi là hợp quy luật tự nhiên. Và lượng thông tin dồi dào đầy ắp hàng ngày từ khắp thế giới đổ về qua Internet, qua sách báo, tạp chí, ti vi, đài phát thanh, qua các phương tiện nghe nhìn hiện đại khác nữa sẽ giúp chúng ta nhận ra rõ những ai còn yêu Thơ, chung thủy chí cốt với Thơ. Số độc giả, khán thính giả đó càng ít càng tinh, càng quy ùhóa. Và có lẽ số nhà thơ dỏm càng ít đi thì số nhà thơ thật sự càng có giá trị hơn, càng được tôn vinh đúng mức hơn.
   Điều mà chúng ta buồn nhất là trong cơ chế thị trường, nhiều người rửng mỡ lắm tiền hoặc cơ hội muốn tạo danh khoác áo trí thức…lại tha hồ bỏ tiền thuê in ấn, xuất bản và phát hành hàng loạt tập “thơ thẩn” gây nhiễu loạn thi đàn. Cũng không ít kẻ cơ hội sẵn sàng lăng xê họ để kiếm chác, nhất là khi các “nhà thơ” kia lại là các vị chức sắc, có tiền, có quyền ban phát lợi lộc. Tôi cũng thật buồn khi phải đọc trong vô số các tờ báo, tạp chí của các ngành, các địa phương và các đơn vị những bài thơ “con cóc” của các vị thủ trưởng cao cấp của họ đẻ ra từ những cuộc liên hoan thù tạc hay các hội nghị tổng kết, hội thảo chuyên ngành. Các bài vè đó đựợc in trang trọng nơi trang đầu như là những câu sấm truyền rao giảng về đường lối, chủ trương… Những sản phẩm thô thiển đó chứng minh rõ một thói xấu xu nịnh, phản Thơ và chỉ phản ánh một sự cẩu thả, thiếu khả năng sáng tác, thẩm định và thưởng thức Thơ của cả người viết lẫn người biên tập đồng thời cũng thể hiện rõ sự thiếu tôn trọng độc giả của các ông chủ báo khi bắt người đọc phải chịu đựng các món hàng giả, hàng dỏm.
   Đã đến lúc chúng ta cần chống lại các hiện tượng bẻ vần các khẩu hiệu phục vụ cho các phong trào hoặc kêu gọi quần chúng hưởng ứng các cuộc vận động rồi kẻ chữ to trương ra các đường phố, ngõ xóm như kiểu vận động bà con làm phân và sinh đẻ có kế hoạch… Thật nhố nhăng khi trên đường làng có những hàng chữ to viết thẳng vào tường :
             Nhà em có đống phân đầy
          Cho bu em ấm cho thầy em no…
Và cũng thật thảm hại khi mở đầu chương trình biểu diễn ca nhạc quần chúng ở địa phương nọ lại có vị hứng chí đọc “thơ” theo kiểu :
        Chim kêu trên nóc chuồng bò,
      Sau đây tiếng hát, giọng hò chúng em
 Hoặc khi có người dẫn chương trình lại nhiệt tình giới thiệu :
        Miền Nam gọi thuyền bằng ghe
      Sau đây Dáng đứng Bến Tre bắt đầu…
 Thơ, suy cho cùng phải là tiếng nói thiêng liêng cao cả, một khúc điệu riêng tinh tế của một tâm hồn đang trào dâng cảm xúc gửi tới những người đồng điệu nhằm nâng cao nhận thức, nâng cao mỹ cảm và tạo nên sự thanh khiết, tinh vi, tế nhị cho tâm hồn họ chứ đâu phải một thứ lương khô, rơm rác dành tặng cho bầy nhai lại đang đói ăn, đứt bữa!  Mong rằng cả nước ta sẽ bớt dần tình trạng lạm phát thơ ca và sẽ sớm mất đi hàng loạt “nhà thơ” chuyên làm hàng gian, hàng giả để kiếm tiền hoặc tự tô vẽ cho mình nhằm che đậy các chuyện bê bối khác hay lập lờ mua bán hư danh …