Sự chậm rãi trải nghiệm và sự lặng lẽ quan sát của Lê Văn Thảo, đã giúp tác phẩm của ông, kể cả tiểu thuyết lẫn truyện ngắn, đều rất đắc địa ở những chi tiết. Nhà văn Lê Văn Thảo tự thú “bản tính chậm lụt, chuyện trước mắt không mấy khi kịp hiểu ra, thường viết về những kỷ niệm, những hồi ức xưa cũ”. Lời lẽ khiêm tốn ấy hoàn toàn thuyết phục khi đọc những tác phẩm của ông như “Làng lở”, “Tìm chồng cho má”, “Đứa con trở về” hoặc “Những năm tháng nhọc nhằn”. Thế nhưng, với bộn bề đô thị, nhà văn Lê Văn Thảo vẫn có cách nhìn nhận, cách khái quát, cách khám phá những vấn đề thời sự một cách tinh tế. Truyện ngắn “Người viết thư thuê” có thể xem như một ví dụ tin cậy!



LÊ VĂN THẢO VÀ MỘT CÂU HỎI VỀ PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

LÊ THIẾU NHƠN

Nhà văn Lê Văn Thảo – Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, đã qua đời lúc 1 giờ sáng ngày 21-10-2016, hưởng thọ 78 tuổi. Đời văn của Lê Văn Thảo chuyên tâm dõi theo những con người bình thường mà cao đẹp, những số phận nhỏ nhoi mà lấp lánh. Hành trình sáng tạo của Lê Văn Thảo đã khép lại, nhưng vẫn mở ra nhiều suy tư cho bạn đọc thế hệ sau!

Nhà văn Lê Văn Thảo tên thật Dương Ngọc Huy, là con trai của chí sĩ Dương Văn Diêu. Năm 1962, khi đang học khoa Toán tại Sài Gòn, Lê Văn Thảo đã nghe lời cha khuyên để thoát ly vào chiến khu Nam bộ. Sự nghiệp văn chương của Lê Văn Thảo bắt đầu từ tập truyện ngắn “Đêm Tháp Mười” ấn hành năm 1972, khi tác giả đã ở tuổi 33.

Nhập cuộc văn chương khá muộn, con đường của Lê Văn Thảo còn đặc biệt hơn khi càng về già thì bút lực càng thăng hoa. Tuổi trung niên, Lê Văn Thảo vẫn viết đều đặn nhưng không mấy thành công. Chỉ sau tuổi tri thiên mệnh, Lê Văn Thảo mới thực sự định vị được phong cách cá nhân. Nói sòng phẳng hơn, giá trị văn chương của Lê Văn Thảo nằm hết ở những tác phẩm viết trong hai mươi năm cuối đời, từ “Một ngày và một đời”, “Cơn giông” cho đến “Sóng nước Vàm Nao”, “Lên núi thả mây”.

Cũng giống như trường hợp Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo là một nhà văn Nam bộ có vốn sống đầy đặn. Sự chậm rãi trải nghiệm và sự lặng lẽ quan sát của Lê Văn Thảo, đã giúp tác phẩm của ông, kể cả tiểu thuyết lẫn truyện ngắn, đều rất đắc địa ở những chi tiết. Nhà văn Lê Văn Thảo tự thú “bản tính chậm lụt, chuyện trước mắt không mấy khi kịp hiểu ra, thường viết về những kỷ niệm, những hồi ức xưa cũ”. Lời lẽ khiêm tốn ấy hoàn toàn thuyết phục khi đọc những tác phẩm của ông như “Làng lở”, “Tìm chồng cho má”, “Đứa con trở về” hoặc “Những năm tháng nhọc nhằn”. Thế nhưng, với bộn bề đô thị, nhà văn Lê Văn Thảo vẫn có cách nhìn nhận, cách khái quát, cách khám phá những vấn đề thời sự một cách tinh tế. Truyện ngắn “Người viết thư thuê” có thể xem như một ví dụ tin cậy!

Chuyện người làm nghề viết thư thuê hơn nửa thế kỷ ở Bưu điện Sài Gòn tên là Dương Văn Ngộ, hầu như ai cũng biết. Không chỉ báo chí đề cập nhiều lần, mà Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam còn xác lập kỷ lục cho ông Dương Văn Ngộ là “người viết thư thuê lâu năm nhất Việt Nam”. Lẽ thường, cái gì đã xuất hiện đầy kín trên truyền thông thì rất khó đi vào văn chương. Bởi vì, chỉ cần tác giả non tay thì tác phẩm văn chương sẽ trở thành một thứ minh họa non nớt và ngớ ngẩn. Và ở chính cái lằn ranh chông chênh ấy, Lê Văn Thảo đã khẳng định được tài năng của một nhà văn chuyên nghiệp!

Truyện ngắn “Người viết thư thuê” được Lê Văn Thảo hoàn thành tháng 5-2009. Lấy nguyên mẫu ông Dương Văn Ngộ, nhân vật của Lê Văn Thảo không có tên, và mở đầu cũng không khác gì những điều đã phản ánh trên báo chí “Bưu điện coi ông như người nhà, xếp cho ông góc riêng cuối dãy ghế khách hàng, họp cuối năm liên hoan lễ tết đều mời dự. Một phần do ơn nghĩa, một phần khác cũng do xét đến công lao của ông. Ông viết một bức thư, bưu điện có thêm con tem gửi đi”.

Những gì ông Dương Văn Ngộ đã kể trên báo chí, đều được nhà văn Lê Văn Thảo đưa vào truyện ngắn “Người viết thư thuê” có tính chắc lọc hơn và có tính hài hước hơn, nhằm phác họa cá tính nhân vật. Như tình huống cười ra nước mắt: “Một đám con trai con gái tuổi choai choai đến nhờ ông viết thư, hết đứa này đến đứa khác, cùng nội dung na ná như nhau. Thư thăm hỏi người thân đi xa, trong rừng trên biển, ngoài hải đảo xa xôi. Thư gửi người nước ngoài bên Pháp, bên Mỹ. Ông biết chuyện gì rồi. Bọn học trò làm biếng, nhờ ông viết thư thay cho bài tập. Ông lấy tiền không thiếu đứa nào, đến ngày hẹn phát mỗi đứa một phong bì dán kín dặn về nhà hẳn mở. Thư viết: “Gửi mấy đứa học trò làm biếng! Bài tập phải tự mình làm, ông không còn sống lâu sau này viết thư cho mấy đứa nữa đâu”.
Nếu liệt kê vui buồn của người viết thư thuê thì truyện ngắn sẽ tương tự một bút ký lan man. Nhà văn Lê Văn Thảo đã cài cắm vào “Người viết thư thuê” một câu chuyện day dứt để chuyển mọi thông tin báo chí sang tín hiệu văn chương. Đó là câu chuyện cô bé bán vé số mang mấy đồng tiền lẻ đến nhờ ông viết một lá thư trình bày nỗi oan ức. Cô bé từng giúp việc cho một gia đình giàu có với nhiệm vụ chăm sóc đứa con cưng của chủ nhà. Ngày thôi nôi, bỗng dưng bị mất sợi dây chuyền vàng được đeo trên cổ thằng nhỏ. Có ai đụng vào thằng nhỏ đâu, chỉ mình cô bé ẵm bồng và tắm rửa cho nó. Cô bé tìm kiếm từ góc sân ngoài vườn cho đến gầm bàn trong nhà, vẫn không thấy sợi dây chuyền vàng. Chủ nhà lắm của, không hề hạch tội, nhưng cô bé áy náy lắm. Cô bé là trẻ mồ côi được trung tâm an sinh xã hội giới thiệu vào đây giúp việc. Cô bé mặc cảm với cái định kiến “người giàu không ăn cắp, người nghèo mới ăn cắp”. Vì vậy, cô bé bỏ đi, chấp nhận ngủ công viên và lang thang cùng đám bụi mưu sinh qua ngày.

Tình cờ một ngày cô bé phát hiện dưới đáy va li của mình có sợi dây chuyền vàng, do thằng nhỏ con chủ nhà cảm thấy vướng víu nên tháo ra khỏi cổ mà vứt bừa đi. Cô bé muốn chủ nhà năm xưa tỏ tường mọi việc và trả lại sợi dây chuyền vàng. Cô bé đề nghị ông viết thư thuê nói rõ ngọn ngành và mang dùm sợi sây chuyền vàng đến tận tay người sở hữu. Bao nhiêu tiền công, cô bé cũng trả, nếu số bạc lẻ trên tay vẫn chưa đủ thì “sẽ dành dụm gửi thêm, hoặc kiếm cách khác”.

Ông viết thư thuê đã thực hiện giao dịch bằng tinh thần nghiêm túc. Kết quả, khi ông đưa lá thư và sợi dây chuyền vàng thì bị chủ nhà lớn tiếng la lối: “Ông phải biết mình viết gì. Nói con nhỏ ngồi nhìn đống vàng chất lên mình đứa bé mà lòng tan nát. Nói nó biết phận mình, người nghèo ăn cắp người giàu không ăn cắp. Nói con nhỏ thề không bước chân trở lại nhà này nữa. Còn thiếu chữ nào làm cho nhà này tan nát không?”. Ông viết thư thuê bẽ bàng rời khỏi cơn giận dữ kia. Ông cố tránh nghỉ việc ở bưu điện cả tuần để tránh mặt họ, và ông cũng không có cách nào gặp lại cô bé tội nghiệp. Bởi lẽ, ít lâu sau ông cay đắng biết số tiền mà cô bé hứa “kiếm cách khác” chính là tham gia một băng cướp nhí và bị bắt. Cái ảnh cô bé cùng 7 đồng phạm in trên báo, đã ám ảnh ông viết thư thuê!
Lê Văn Thảo quan niệm: “Điều quan trọng nhất của nhà văn theo tôi là tính chân thực. Một chút phô trương, giả dối, làm dáng trong văn chương là hỏng. Nhà văn có tài là người biết bỏ cái gì, chứ không phải viết cái gì. Nhà văn đâu chỉ nên miêu tả một cách khách quan, lạnh lùng về nhân vật và diễn biến sự việc. Nhà văn phải biết lắng cảm xúc, có sự gạn lọc, không đứng ngoài và đứng trên sự thật”. Với truyện ngắn “Người viết thư thuê”, sự thật mà Lê Văn Thảo không phải cuộc đời của ông Dương Văn Ngộ, mà là cái định kiến “người giàu không ăn cắp, người nghèo mới ăn cắp”. Cô bé giúp việc từ bản chất lương thiện đã bị xô đẩy vào vũng lầy tăm tối. Dư âm truyện ngắn là câu hỏi ai có lỗi? Khi chúng ta đều thấy không ai có lỗi cả, thì đấy là lời cảnh tỉnh nhất cho nhân phẩm con người đang bị đe dọa bởi những điều thị phi trớ trêu!

Truyện ngắn “Người viết thư thuê” ít nhiều cho thấy nhà văn Lê Văn Thảo không chỉ có thế mạnh với những hồi ức chiến tranh bom đạn hoặc dĩ vãng ngậm ngùi. Nhà văn Lê Văn Thảo luôn thao thức với cuộc sống xung quanh mỗi ngày. Nhà văn Lê Văn Thảo không còn nữa, nhưng di sản văn chương ông để lại giúp bạn đọc hiểu hơn một tấm lòng người cầm bút Nam bộ “tôi gần gũi nhiều hơn với những người bình thường, những người nghèo khổ, dân dã, những người có thân phận hẩm hiu, bất hạnh”. 

                                                     Sài Gòn, 24-10-2016