Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM hôm nay kỷ niệm 40 năm thành lập. Với nền tảng là Trường Nghệ Thuật Sân Khấu 2 đã góp phần đào tạo nhiều gương mặt lừng lẫy cho làng nghệ thuật phương Nam, Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM lưu giữ dấu ấn nhiều nhân vật văn hóa đáng nhớ của nước nhà. Một trong những người đầu tiên đặt bàn tay dựng xây Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM, chính là đạo diễn Bích Lâm. Nhân ngày vui của Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TPHCM, cùng nghệ sĩ Xuân Hương lần giở lại những ký ức về cha mình, càng thấy trân trọng hơn vẻ đẹp của một thời đã qua, đã xa: “Ba tôi yêu má tôi lắm. Mỗi khi nói với bạn bè về má tôi, ông gọi bà là "Nguyệt Nga của thời đại", vì má tôi rất đẹp mà lại thuỷ chung chờ đợi ba tôi suốt 20 năm. Tuy biết rằng má tôi mong ông nghỉ ngơi để sống cùng vợ con cho vui tuổi già - bù lại những năm tháng xa cách, nhưng ba tôi vẫn tiếp tục đi đến các địa phương để mở lớp đào tạo đạo diễn, diễn viên và gầy dựng phong trào cho địa phương”.


Đạo diễn BÍCH LÂM trong hồi ức đứa con gái nối nghiệp sân khấu

XUÂN HƯƠNG

Cứ mỗi lần gặp đồng nghiệp của ba tôi kể những câu chuyện vui hoặc kỷ niệm về ba tôi, tôi nghĩ rằng sao người ấy hạnh phúc quá, được gần gũi ba tôi hơn cả tôi nữa. Bởi vì khi ba tôi xuống tàu tập kết ra Bắc thì tôi hãy còn nằm trong bụng mẹ. Mãi đến năm 14 tuổi, tôi mới được gặp ba lần đầu trong mấy ngày ngắn ngủi. Rồi lại bặt tin. Đến năm 1975, gia đình tôi mới được đoàn tụ. Nhưng rồi ba tôi lại tiếp tục công việc của ông, còn tôi phải đi học xa nên thời gian gần gũi với ba tôi cũng không nhiều. Tôi còn nhớ lần đầu tiên gặp ba tôi, tôi thấy mình như được sống trong chuyện thần thoại, vì đó là lần đầu tiên trong đời tôi có cảm giác hạnh phúc khi được sống bên cạnh ba má má tôi. Sau khi đất nước thống nhất, ba tôi cũng muốn con cái nối nghiệp ông. Ông hỏi tôi thích theo nghề không, tôi gật đầu. Ông hạ gọng kính xuống nhìn tôi trân trối rồi nói: "Con hãy nhìn cô Kim Cương, cô Thanh Nga... họ vừa đẹp vừa có tài. Còn con giống ba một cách xuyên tạc ( ba tôi là một người rất đẹp trai), lại không biết con có năng khiếu hay không. Thôi, dẹp mộng đó đi con, chứ lỡ mà con vô nghề rồi không có năng khiếu gì hết, bước ra sân khấu khờ khạo như một con voi sa lầy. Lỡ hôm ấy có ba đi coi, không biết ba trốn đi đâu. Con cứ hoạt động nghiệp dư, nếu thấy được thì dù con có già đến cỡ nào người ta cũng mời con vô!".

      Tôi dẹp mộng trở thành diễn viên để theo học nghề âm thanh phim ở Xưởng phim Tổng Hợp TPHCM. Cứ mỗi lần ở đó tổ chức văn nghệ là tôi lại viết kịch châm biếm và dàn dựng cho các bạn diễn. Dĩ nhiên là tôi cũng là diễn viên trong những vở kịch đó. Dù không được học hành gì nhưng những gì tôi làm đã gây được tiếng vang. Trong những lần đi họp, chú Mai Lộc là lãnh đạo xưởng phim, nói với ba tôi rằng: "Anh hãy cho cháu Hương theo nghề anh kẻo uổng vì tôi thấy cháu có năng khiếu." Nhiều lần như vậy, cuối cùng ba tôi mới đồng ý cho tôi thi vô Trường Nghệ Thuật Sân Khấu 2, nơi ba tôi làm Hiệu trưởng, nhưng ba tôi dặn Hội Đồng Giám Khảo: "Hãy sát hạch thật gắt. Nếu có năng khiếu thì hãy cho đậu, bằng không thì cứ đánh rớt!". Sau buổi sát hạch đó tôi được chọn vô trường với số điểm khá cao và sau đó được cho đi học ở Liên Xô.

     Lúc tôi chuẩn bị đi học xa, nhà có nuôi gà nên má tôi làm con gà tiễn tôi. Hôm sau ba tôi đi làm về có mua nãi chuối, ông nói với tôi: "Má con "giàu" nên có gà đãi con, ba là cán bộ nghèo nên chỉ có tiền mua nãi chuối. Con ăn đi rồi qua đó ráng học cho nên người!".

     Ba tôi yêu má tôi lắm. Mỗi khi nói với bạn bè về má tôi, ông gọi bà là "Nguyệt Nga của thời đại", vì má tôi rất đẹp mà lại thuỷ chung chờ đợi ba tôi suốt 20 năm. Tuy biết rằng má tôi mong ông nghỉ ngơi để sống cùng vợ con cho vui tuổi già - bù lại những năm tháng xa cách, nhưng ba tôi vẫn tiếp tục đi đến các địa phương để mở lớp đào tạo đạo diễn, diễn viên và gầy dựng phong trào cho địa phương. Biết má tôi buồn vì cứ phải ở nhà một mình nên ông hiếm khi nói trước với má tôi về những chuyến đi. Còn nhớ một lần, ông "bí mật" soạn quần áo rồi đến giờ hẹn xe đến rước, ông giấu giỏ quần áo sau lưng, mặt vẫn hướng về phía má tôi, chân đi thụt lùi ra cửa ngõ. Đến lúc má tôi không còn vói tay theo để níu ông được, ông mới nói lớn:"Bà ơi! Tui đi nghen bà!" Cứ như vậy ông đi khắp nơi để đem tài năng cống hiến cho đời.

    Sau khi tôi tốt nghiệp xong, vì công việc nên tôi cũng ít có dịp để gần ba nhiều. Chỉ những ngày cuối cùng của ba, hai cha con mới được trọn vẹn bên nhau. Trong những ngày ấy, mặc dù bị những cơn đau tim và nhiều căn bệnh khác làm ba tôi đau đớn vô cùng, nhưng ông không một lời than thở. Ông âm thầm chịu đựng một mình vì bản tính của ông không thích làm người khác bận lòng. Dù biết rằng không qua khỏi, nhưng mỗi lúc mở mắt ra thấy tôi bên cạnh là ông luôn nở nụ cười. Trong hơi thở nặng nhọc ông vẫn luôn nói về sự cống hiến, về những việc làm còn dang dở, về những dự đị h tương lai và những trăn trở về những vấn đề xã hội đang tồn tại.

      Nhân dịp đài truyền hình HTV thực hiện chương trình "Những Cánh Chim Không Mỏi" về ba tôi, tôi lần giở lại những tài liệu, những công trình và hình ảnh còn để lại. Vẫn còn đây nét chữ ba tôi trên những trang kịch bản, những bản thảo về lịch sử, những nghiên cứu về nghệ thuật, những câu chuyện vui và giai thoại về vùng đất An Lạc quê hương ba tôi...và nhiều công trình nghiên cứu khác, tôi mới hiểu được rằng khát vọng cống hiến và công lao của ba tôi thật là to lớn. Theo nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng thì ba tôi là người "có thể dốc hết đến đồng xu cuối cùng để giúp bạn, là một người sống chan hoà và hết lòng với anh em nên anh Bích Lâm có nhiều bạn là điều dễ hiểu". Chính vì vậy trong buổi kỷ niệm "Những Cánh Chim Không Mỏi" do HTV tổ chức để tưởng nhớ ông, đã có rất đông những đồng đội, những đồng nghiệp, những học trò và bạn bè của ba tôi ở nhiều lãnh vực đã đến dự. Tất cả đều dành cho ba tôi tình cảm sâu đậm. Họ đã kể những câu chuyện khó quên về ông. Qua đó tôi được hiểu rõ thêm về ông - về nhân cách của một con người, về tài năng và sự cống hiến cũng như cách ông đã sống như thế nào. Cũng theo nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng thì ba tôi "là một người không bao giờ xu nịnh và là một con người tài năng, luôn trung kiên với đất nước".

     Lúc mới tham gia cách mạng, ba tôi gia nhập quân đội và đã được thăng chức Tiểu đoàn trưởng, sau đó ba tôi chuyển qua làm báo và giữ chức Chủ Bút tờ báo Tiền Đạo. Sau đó ba tôi chuyển qua làm nghệ thuật và tốt nghiệp Đạo diễn tại Praha (Tiệp Khắc). Ngoài ra, có lúc ba tôi hoạt động với tư cách như một nhà ngoại giao, khi ông được bà Nguyễn Thị Bình giao nhiệm vụ tham gia Hội Nghị Sân Khấu Chống Mỹ. Tại đây ông đã thuyết trình về nhiệm vụ, vai trò và cách thức hoạt động của sân khấu giữa những trận mưa bom hoặc giữa những trận giao tranh. Tại đây ông cũng không quên nêu cao vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập - từ bà Trưng, bà Triệu đến bà Nguyễn Thị Định, bà Nguyễn Thị Bình và cả những người phụ nữ chờ chồng như những "hòn vọng phu" qua hai cuộc kháng chiến. Phần thưởng cao quý mà ba tôi nhận được từ Hội Nghị là giải thưởng con gà trống bằng vàng, vì qua ba tôi các đại biểu đã hiểu được tầm vóc của dân tộc Việt Nam.


    Theo lời bạn bè của ba tôi thì ông là một người có tài, có tâm, hiểu biết rộng, vui tính, có duyên ăn nói, liêm khiết, luôn thuỷ chung với gia đình và bè bạn và có lòng yêu nước nồng nàn. Những tác phẩm do ông dàn dựng như Trương Định, Khuất Nguyên, Xâm Lược, Tô Hiến Thành xử án, Nửa Tuần Trăng Kỳ Lạ...đều thể hiện lòng yêu nước của ông. Theo lời đạo diễn Minh Trị thì ba tôi là một người có nhiều cống hiến nhưng ông làm một cách âm thầm, không ồn ào và luôn hy sinh vì người khác. Ba tôi là một người chỉ thích cống hiến nhưng không bao giờ ham chức quyền. Chức vụ cao nhất của ba tôi là Cục Trưởng Cục Biểu Diễn - Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời CHMNVN, nhưng ba tôi sẵn sàng “từ quan” để lo chuyện đào tạo cho chính quyền mới nên ông đã tách Khoa Kịch Nghệ - Cải Lương - Nhạc Cụ của trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ để thành lập trường Nghệ Thuật Sân Khấu 2 - là Trường ĐH Sân Khấu Điện Ảnh TPHCM ngày nay. Những người đã từng tiếp xúc và làm việc với ba tôi đều kể về ông với cả sự mến phục. Đó là cái di sản tinh thần quý báu mà ba tôi để lại cho con cái. Mỗi khi gặp bạn bè của ba tôi kể về ông, tôi cảm thấy yêu thương người ấy một cách lạ lùng. Bởi vì trong tình cảm, trong tâm hồn người ấy có một phần đời của ba tôi.