Vào những năm 1965 đến 1975, học sinh trung học chỉ học ngày một buổi. Còn một buổi được quyền sử dụng theo ý thích của mình. Nhiều thằng học sinh dốt như tôi phải bổ sung kiến thức mình đã học bằng cách học thêm từ trường tư. Thời đó, trường tư mở như nấm. Các trường tư thục trung học nổi tiếng như Tân Văn (ngôi nhà cổ ba mặt tiền ở đường Võ Văn Tần), Văn Học (đường Điện Biên Phủ, trụ sở chi nhánh báo Giáo Dục & Thời Đại hiện nay - hiệu trưởng là nhà thơ Nguyên Sa), Trường Sơn (của nhà văn Nguyễn Sỹ Tế, hình như GS Huỳnh Như Phương là học trò trường này)… ngoài những lớp cấp trung học từ đệ thất đến đệ nhất còn mở những lớp dạy thêm toán-lý-hóa, sinh ngữ, văn... nhiều cấp lớp cho học sinh. Trường công như Petrus, Gia Long, Chu Văn An… không mở lớp dạy thêm nhưng một số giáo sư (hai) dạy giỏi ở các trường này đều có giờ dạy ở các trường tư sau khi đảm bảo giờ dạy của mình ở trường chính. Cũng có nhiều giáo sư nổi tiếng không thèm dạy ở một trường công nào mà chỉ mở trường ở nhà tự dạy mà học trò chen lấn nhau để ghi danh.


Ngày xưa tôi đi học thêm

LÊ VĂN NGHĨA

Không phải gần đến ngày khai giảng “chính thức” tôi lại mượn ý bài Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh mà tôi chỉ muốn nói đến cái sự học… dốt của mình.. Thời đi học của tôi, phải thưa thật, là tôi gắn bó thân thiết với các lớp học… thêm. Năm đầu tiên thi vào lớp đệ thất trường công, tôi rớt cái đụi. Tôi phải chờ khóa thi tuyển năm sau. Trong thời gian chờ đợi, tôi phải đi học. Trường công thì không có mở lớp dạy luyện thi đệ thất nên phải tìm đến các lớp luyện thi tại các trường tư. Nghe lời bạn bè, tôi xin vào thọ giáo lớp dạy luyện thi tại nhà của ông thầy giáo Trường Bình Tây, nổi tiếng là dạy giỏi.

Vì thầy dạy giỏi nên lớp rất đông học trò sàn sàn cỡ tuổi tôi, đã có “thành tích” thi rớt vào trường công ít lắm là… một năm. Lớp chật chội, nóng bức vô cùng vì quá đông học sinh xin vào học. Sau cùng thầy phải mở thêm một lớp vào buổi khác để giải quyết yêu cầu của phụ huynh học sinh đến năn nỉ cho con em mình vào học. Một trong những lý do phụ huynh có nêu khi xin vào lớp của thầy là “cho nó đỡ bớt lêu lổng, chơi đùa”.
Năm sau, nhờ học theo phương pháp của thầy, tôi lấy lại căn bản và thi đậu vào Trường Petrus Ký (Trường Lê Hồng Phong bây giờ). Thế là tôi đi học trường công nhưng cũng lại bắt đầu con đường đi… học thêm của mình.

Vào những năm 1965 đến 1975, học sinh trung học chỉ học ngày một buổi. Còn một buổi được quyền sử dụng theo ý thích của mình. Nhiều thằng học sinh dốt như tôi phải bổ sung kiến thức mình đã học bằng cách học thêm từ trường tư. Thời đó, trường tư mở như nấm. Các trường tư thục trung học nổi tiếng như Tân Văn (ngôi nhà cổ ba mặt tiền ở đường Võ Văn Tần), Văn Học (đường Điện Biên Phủ, trụ sở chi nhánh báo Giáo Dục & Thời Đại hiện nay - hiệu trưởng là nhà thơ Nguyên Sa), Trường Sơn (của nhà văn Nguyễn Sỹ Tế, hình như GS Huỳnh Như Phương là học trò trường này)… ngoài những lớp cấp trung học từ đệ thất đến đệ nhất còn mở những lớp dạy thêm toán-lý-hóa, sinh ngữ, văn... nhiều cấp lớp cho học sinh. Trường công như Petrus, Gia Long, Chu Văn An… không mở lớp dạy thêm nhưng một số giáo sư (hai) dạy giỏi ở các trường này đều có giờ dạy ở các trường tư sau khi đảm bảo giờ dạy của mình ở trường chính. Cũng có nhiều giáo sư nổi tiếng không thèm dạy ở một trường công nào mà chỉ mở trường ở nhà tự dạy mà học trò chen lấn nhau để ghi danh.

Theo tôi biết mức độ thì đây là trường hợp của GS Bùi Hữu Đột. Thời đó học sinh theo học những lớp toán tại nhà của thầy rất đông, một ngày có đến bốn lớp. Hai lớp sáng dành cho học sinh đi học trường công buổi chiều, hai lớp chiều dành cho học sinh trường công buổi sáng. Còn mùa hè thì khỏi phải nói. Đừng tưởng là thời trước 1975, chúng tôi được nghỉ hoàn toàn ba tháng rồi chơi thoải mái đâu. Có thể nghỉ đi chơi hay xả hơi một tháng, sau đó phải tự đi tìm trường tư học thêm để hoặc củng cố kiến thức lớp vừa rồi hoặc học trước để vào niên học mới khỏi bỡ ngỡ. Muốn giỏi thì phải đi học thôi. Bắt đầu vào hè thì trên trang quảng cáo của các tờ báo, băng-rôn của các trường tư đầy những lời kêu gọi học sinh các cấp lớp học các lớp hè toán-lý-hóa, sinh ngữ. Học sinh trường công đi học thêm do nhu cầu tự thân muốn học giỏi, tiến bộ của mình, trường công không ép và các thầy trường tư lại càng không ép được. Riêng Bộ Giáo dục hay đô trưởng không hề quan tâm đến chuyện thầy trường công dạy thêm trường tư hoặc học sinh trường công học chính khóa rồi lại đi học thêm trường tư hay không. Dạy và học là nhu cầu tự thân của thầy và trò. Nếu thầy thấy cần phải có thêm tiền để cuộc sống gia đình thoải mái hơn thì cứ đi dạy. Thầy dạy dở thì học sinh sẽ không học và trường tư sẽ không cho thầy nằm trong danh sách giáo ban. Còn về phía học sinh, nếu có tiền và có thời giờ thì cứ đi học cho giỏi chứ không hiệu trưởng hay thầy nào bắt họ phải đi học. Chính quyền không can thiệp vào chuyện dạy thêm và học thêm của trường tư. Bộ Giáo dục chỉ giám sát chuyện trường tư có đủ tiêu chuẩn giáo dục và học phí như thế nào mà thôi.

Lâu lâu, gặp lại thế hệ học sinh Petrus, Gia Long, Mạc Đĩnh Chi, Trưng Vương, Chu Văn An thời trước có một “cơ số” người bây giờ là giáo sư của một số trường đại học nước ngoài. Những người này - hồi xưa cũng học thêm trường tư le lưỡi tè le hột me luôn!