Chuyện nghề của đạo diễn Đặng Nhật Minh: "Bộ phim có những đại cảnh hoành tráng, trong khi tôi chưa bao giờ làm đại cảnh. Bởi vậy sắp quay những cảnh đông người là tôi run lắm. Đêm quay cảnh đánh nhau ở Bắc Bộ phủ, khi thấy lính Tây, lính ta, xe tăng, xe bọc thép, súng ống, bao cát bày la liệt trước mắt, tôi đâm hoảng hồn. Tôi cố trấn tĩnh, mời Chủ nhiệm Nha và Phó đạo diễn Nhuệ Giang lại để bàn bạc. Tôi ngồi xuống vỉa hè vẽ sơ đồ trên giấy chỗ bố trí xe tăng, xe bọc thép và vị trí đặt những quả nổ, giao cho Chủ nhiệm Nha chỉ huy. Rồi quay sang Phó đạo diễn Nhuệ Giang, nói bây giờ chú là bên địch, chỉ huy lính Tây; cháu là bên ta, chỉ huy bộ đội mình. Chú cháu mình đánh nhau. Quay cảnh gì trước, cảnh gì sau chú sẽ bàn với hai quay phim (cảnh này chúng tôi quay hai máy). Cứ thế mà làm"


KÝ ỨC “HÀ NỘI MÙA ĐÔNG 1946”

ĐẶNG NHẬT MINH

Hà Nội với chiều dài lịch sử ngàn năm là chất liệu đặc biệt và tạo cảm hứng cho rất nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó có điện ảnh. Mỗi người nhìn Hà Nội một góc khác nhau, riêng tôi nhìn Hà Nội bằng cảm xúc của một người Việt luôn khát khao hòa bình và đó cũng là cảm hứng để tôi làm bộ phim “Hà Nội mùa Đông năm 46”. Bộ phim nói về không khí căng thẳng của Hà Nội trước ngày toàn quốc kháng chiến - một cuộc chiến mà người dân và chính quyền cách mạng Việt Nam không hề mong muốn. Một giai đoạn lịch sử của Hà Nội đã lên phim, đầy dư âm và cũng nhiều kỷ niệm trong tôi.
Năm 1983, tại Liên hoan Phim quốc tế Mátxcơva tôi được xem bộ phim Gandhi của điện ảnh Ấn Độ. Đây là một phim đồ sộ nói về cuộc đời của Thánh Gandhi. Đạo diễn người Anh Richard Attenborough được mời làm đạo diễn và đích thân bà Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi trực tiếp chỉ đạo việc sản xuất phim này. Bộ phim đã làm tôi rất xúc động. Tôi nhận ra rằng giữa Gandhi và Hồ Chí Minh có những điểm tương đồng nào đó, phải chăng đó là lòng yêu nước, lòng nhân ái, vị tha xuất phát từ bản chất hiếu hòa của người phương Đông. Tôi đọc báo kể rằng năm 1957 khi dẫn đầu phái đoàn Việt Nam sang Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khóc trước mộ Gandhi. Tôi nhận ra con người Hồ Chí Minh có một Gandhi trong đó.
Sau này có dịp ra nước ngoài nhiều, tôi nhận ra rằng còn có rất nhiều người ở nước ngoài tuy phục Việt Nam đã đánh thắng hai đế quốc Pháp - Mỹ, nhưng cho rằng người Việt Nam hiếu chiến, thích giải quyết mọi công việc bằng vũ lực. Họ không biết rằng trong lịch sử cận đại của Việt Nam có một giai đoạn người Việt Nam không muốn có chiến tranh, chỉ muốn giải quyết mọi công việc với người Pháp để giành độc lập bằng thương lượng. Đó chính là giai đoạn cuối năm 1946, một giai đoạn còn ít người nước ngoài biết đến.
Từ đó, ý nghĩ làm một bộ phim về Hồ Chí Minh năm 1946 hình thành dần trong tôi, nung nấu trong tôi suốt những năm dài. Tôi tìm đọc rất nhiều sách báo trong nước có liên quan đến giai đoạn đó. Bạn bè người Việt Nam ở nước ngoài cũng sốt sắng giúp tôi có được những cuốn sách viết về giai đoạn này của các tác giả người Pháp. Thậm chí, trước khi quay, anh Trần Hải Hạc ở Paris còn gửi cho tôi cuốn “Paris - Saigon - Hanoi” của Philippe Devillers vừa xuất bản. Tôi bắt tay vào viết kịch bản cuối năm 1988. Đầu năm 1989, tôi mời thêm nhà thơ kiêm biên kịch Hoàng Nhuận Cầm viết chung, vì Hoàng Nhuận Cầm là con trai nhạc sĩ Hoàng Giác - một nghệ sĩ sống vào giai đoạn lịch sử đó - mang đầy chất hào hoa của đất Hà thành. Đến cuối năm 1989 kịch bản hoàn thành. 
Về việc diễn viên đóng vai Bác Hồ, nghệ sĩ Tiến Hợi thể hiện rất thành công. Ban đầu, diễn viên tôi quyết định chọn là một cán bộ làm ở Đài truyền hình. Anh có vầng trán cao (không cần phải hóa trang nhiều), phong thái đĩnh đạc. Hóa trang thử thấy giống. Nhưng đến ngày bắt đầu quay thì đêm trước anh ra hiệu cắt tóc. Nhìn cái đầu cắt cao vống lên hai bên thái dương và sau gáy, tôi không còn nhận ra nhân vật của mình nữa. Hóa trang Phan Đình Sáu lôi ra một bộ tóc giả đã được chuẩn bị sẵn, trùm lên.
Tôi thất vọng đến tột độ và quyết định thay người khác. Tôi nghĩ đến Tiến Hợi. Trước đây tôi đã có thử nhưng không giống (Hợi chỉ giống Hồ Chủ tịch trên sân khấu với bộ tóc giả). Có người cho biết Tiến Hợi đang theo Đoàn kịch Hà Nội vào TPHCM biểu diễn. Tôi yêu cầu chủ nhiệm liên lạc thử. May sao đúng lúc Tiến Hợi đã ra Hà Nội. Tôi đưa Hợi về nhà lấy băng dính màu da người cắt cắt, dán dán, từ từ mở rộng trán của Hợi ra xem có giống không. Tôi vui mừng nhận ra rằng nếu cạo bớt tóc phía trước, vén trán của Hợi lên thì rất giống.
 Tôi gọi hóa trang đến yêu cầu gọt tóc đúng chỗ tôi đã dán băng dính. Hôm quay cảnh đầu tiên có Hợi trong vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi tôi hô tắt máy, bỗng có tiếng vỗ tay rào rào. Tôi quay lại, thấy tất cả anh em trong đoàn phim ai nấy đều hân hoan. Thì ra cả đoàn phim đều hồi hộp theo dõi việc chọn người đóng vai Bác Hồ. Đó là những tràng vỗ tay đầu tiên dành cho bộ phim. Nó làm tôi thấy vững tâm. Đúng là số trời đã định: vai Hồ Chủ tịch phải do Tiến Hợi đảm nhiệm. Không thể có ai khác.
Bộ phim có những đại cảnh hoành tráng, trong khi tôi chưa bao giờ làm đại cảnh. Bởi vậy sắp quay những cảnh đông người là tôi run lắm. Đêm quay cảnh đánh nhau ở Bắc Bộ phủ, khi thấy lính Tây, lính ta, xe tăng, xe bọc thép, súng ống, bao cát bày la liệt trước mắt, tôi đâm hoảng hồn. Tôi cố trấn tĩnh, mời Chủ nhiệm Nha và Phó đạo diễn Nhuệ Giang lại để bàn bạc. Tôi ngồi xuống vỉa hè vẽ sơ đồ trên giấy chỗ bố trí xe tăng, xe bọc thép và vị trí đặt những quả nổ, giao cho Chủ nhiệm Nha chỉ huy. Rồi quay sang Phó đạo diễn Nhuệ Giang, nói bây giờ chú là bên địch, chỉ huy lính Tây; cháu là bên ta, chỉ huy bộ đội mình. Chú cháu mình đánh nhau. Quay cảnh gì trước, cảnh gì sau chú sẽ bàn với hai quay phim (cảnh này chúng tôi quay hai máy). Cứ thế mà làm.
Chúng tôi quần nhau suốt một đêm, đánh vật với từng cảnh quay. Đại bác, xe tăng làm vỡ 75 tấm cửa kính của tòa nhà Bắc Bộ phủ. Các quả nổ làm tanh bành cả sân trước và tầng dưới của tòa nhà. Đêm quay cảnh đánh nhau ở tầng hai Bệnh viện K (nơi làm giả tầng hai Bắc Bộ phủ) cũng vậy. Thật là một đêm hãi hùng. Các bác sĩ, y tá xông lên mắng Chủ nhiệm Nha: Các anh là đồ dã man. Bệnh nhân vừa mới mổ xong nằm không yên với các anh. Các anh định giết người à? Chúng tôi cũng đành trơ mặt ra cố quay cho xong (để đến sáng, giám đốc bệnh viện chắc sẽ đuổi thẳng chúng tôi một cách không thương tiếc). Sau đêm đó tôi thề rằng sẽ không bao giờ làm phim hoành tráng nữa.
Khi phim vừa dựng xong hình ảnh, chưa có tiếng, chưa có nhạc, thậm chí còn thiếu một số cảnh, ông David Overbey - người tuyển phim của LHP Toronto sang Việt Nam. Nghe nói tôi đang hoàn tất bộ phim mới, ông yêu cầu Cục Điện ảnh cho xem. Xem xong, ông lập tức ngỏ ý mời phim tham dự LHP Toronto năm 1997. Và “Hà Nội mùa Đông năm 46” đã ra mắt với thế giới chỉ 2 tuần sau khi vừa có bản đầu. Trước buổi chiếu tôi rất hồi hộp bởi đây là một phim chính trị, lại có hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh từ đầu đến cuối. Không biết khán giả Canada, các nhà phê bình phim, các nhà báo nước ngoài đón nhận như thế nào. Nhưng sự lo lắng của tôi là thừa bởi người xem ngồi kín cả rạp, ông David Overbey đích thân giới thiệu đạo diễn phim với khán giả.
Lẽ ra phim "Hà Nội mùa Đông năm 46" đã không bao giờ có mặt trên cõi đời này, vì đã bị loại ra từ vòng đầu tiên vào cuối năm 1993, khi tôi tham dự một cuộc thi viết kịch bản phim truyện do Cục Điện ảnh phát động. Tình cờ một lần gặp Bộ trưởng Trần Hoàn trong hành lang Quốc hội, tôi hỏi ông: Kịch bản "Hà Nội mùa Đông năm 46" tôi viết đã lâu, nó không được giải trong cuộc thi, nhưng liệu Bộ Văn hóa có duyệt cho làm phim không? Ông Trần Hoàn nói: Để tôi đọc đã. Ông Bộ trưởng là đồng hương Trị Thiên - Huế với tôi. Ông là người chứng kiến giây phút cuối cùng của cha tôi, bác sĩ Đặng Văn Ngữ ở Trường Sơn (ông có viết một bi hồi ký cảm động về những ngày cùng cha tôi trên đường vào chiến khu Trị Thiên). Sau khi đọc xong kịch bản ông đã ký quyết định cho phim “Hà Nội mùa Đông năm 46” được đưa vào sản xuất. Đó là vào tháng 2-1996, khi mùa Đông đã sắp qua.
 Những gì xảy ra trong những ngày cuối năm 1946 chi phối số phận của nhiều người Việt Nam, trong đó có gia đình tôi. Quả thật nếu ngày đó ở bên Nhật, cha tôi không tình cờ đọc được Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh để rồi từ bỏ tất cả công việc nghiên cứu khoa học, trở về nước tham gia kháng chiến, cuộc đời tôi bây giờ đã đi theo một hướng khác. Chắc chắn tôi sẽ là một Việt kiều sống và làm việc ở Nhật.