Gần đây, nhiều bạn làm thơ trong các câu lạc bộ thơ của các đô thị, có rộ lên một khuynh hướng làm thơ ba câu theo kiểu thơ Hai kư Nhật Bản. Chắc ít ai lại mô phỏng câu nệ theo âm tiết của ngôn ngữ Nhật mà chủ yếu học cách khêu gợi mông lung do thanh, do âm, do vần và cả do nghĩa tiếng Việt gợi nên. Không biết Hà Đức Ái có bị tác động xa gần của khuynh hướng viết ngắn ấy không. Anh đã dành thời gian làm những bài thơ hai câu, ba câu, chủ yếu theo thể lục bát và theo thơ tự do. Ở những bài thành công, với lục bát, anh rất gần với phong vị trữ tình ca dao và ở thể tự do, lại phảng phất hồn cốt châm ngôn của tục ngữ. Cũng là một hướng tìm.



HÀ ĐỨC ÁI LỜI NGẮN TÌNH DÀI

VŨ QUẦN PHƯƠNG

Gần đây, nhiều bạn làm thơ trong các câu lạc bộ thơ của các đô thị, có rộ lên một khuynh hướng làm thơ ba câu theo kiểu thơ Hai kư Nhật Bản. Chắc ít ai lại mô phỏng câu nệ theo âm tiết của ngôn ngữ Nhật mà chủ yếu học cách khêu gợi mông lung do thanh, do âm, do vần và cả do nghĩa tiếng Việt gợi nên. Không biết Hà Đức Ái có bị tác động xa gần của khuynh hướng viết ngắn ấy không. Anh đã dành thời gian làm những bài thơ hai câu, ba câu, chủ yếu theo thể lục bát và theo thơ tự do. Ở những bài thành công, với lục bát, anh rất gần với phong vị trữ tình ca dao và ở thể tự do, lại phảng phất hồn cốt châm ngôn của tục ngữ. Cũng là một hướng tìm. Lắng nghe trở lại trong giọng dân gian cũ, trong dáng vẻ hình ảnh xưa, một nội dung tình càm của cuộc sống hôm nay.
Người ơi sao nỡ quên nhau
Câu thơ viết dở làm đau ngọn đèn

Ấy là ngọn đèn của ngày xưa, thắp bằng dầu lạc, bấc khêu lên mép đĩa mà sáng. Nó kề ngay sát mặt, nên người viết mới dễ đem lòng mình mà nghĩ nó cũng đang đau. Thơ Hà Đức Ái gợi hình ảnh trong lòng tôi như thế. Nhưng một thanh niên mới lớn, trong hình dung, cái ngọn đèn ấy là bóng điện công pắc thì cũng không bị vơi cảm xúc.
Người đi biền biệt nơi xa
Trách người nhóm lửa để ta cháy lòng

Sức gợi của cặp câu này là lửa nhóm ở nơi kia mà lòng cháy ở nơi này. Nó là dấu vết của thời khăn gói gió đưa, bộ theo đường ngựa, thủy theo đường thuyền và cái bếp ngày hai lần nhóm lửa còn dùng than dùng củi. Nhưng người thời nay, đi phản lực nhanh hơn tiếng động, nấu bằng bếp từ trường, bằng lò vi sóng vẫn đủ nao lòng chia xẻ được với thơ. Phải chăng đấy là quán tính của hồn người hay sức trầm tích của văn hóa dân tộc lắng sâu trong đáy cảm nghĩ của mỗi người. Hà Đức Ái biết tận dụng ưu thế của truyền thống làm lực xuất phát cho chặng đi này. Anh sẽ “tân thời” dần trong cách nghĩ và bút pháp:
Nhớ ơi nhớ mọc âm thầm
Không gieo sao vẫn nẩy mầm, ra hoa

Cách nghĩ, kiểu tư duy mượn vào khoa học thực vật nhưng trong diễn đạt, trong lối bập bênh của hai đầu ngôn ngữ không...sao vẫn là của thời nón thúng quai thao.
Có khi một câu hỏi tu từ diễu cái người vênh vênh hướng thượng:
Nụ hôn đằm thắm núi chờ
Mây cao hơn núi bây giờ hôn ai

Núi, mây hình xưa ảnh cũ những lại đẩy khéo kẻ làm cao vào tình thế bẽ bàng, già kén kẹn hom. Có lẽ là nét đanh đá mát mẻ rất đương thời.
Cũng thế, cái cách vừa tập Thiền vừa vơ váo rất thời nay đã làm bật ra câu hỏi, gậy ông đập lưng ông: 
Đã là cõi tạm đời ta
Sao còn đố kỵ cho xa Niết bàn?

Đọc lục bát hồn xưa giọng cũ của Hà Đức Ái, gặp được nét cười hóm hỉnh, nghịch ngợm một cách nghiêm trang như vậy có cái thích thú như nghe các chàng trai cô gái thời a còng @ lúng liếng ý a quan họ trên sân khấu hội diễn có trang âm hiên đại. Hà Đức Ái mê thơ lục bát, anh dùng lục bát làm giọng của mình. Rồi lại dùng giọng mình mà ngợi khen lục bát:
Lục bát là men của trời
Hòa trong giọng Việt, say người nước Nam.

Ý vị của câu thơ là đặt khái niệm lục bát ngang tầm với giọng Việt, người Nam. Anh coi thơ là chất men biến ngôn ngữ thường ngày thành rượu.
Một nửa số bài ngắn trong tập làm theo thể tự do. Bài ngắn câu. Câu ngắn tiếng. Dáng vẻ ấy gần với tục ngữ. Nhưng gần tục ngữ hơn lại ở chỗ nội dung bài thường là kết quả của chiêm nghiệm việc đời, của đúc kết ứng xử. Bài thơ mang tư tưởng, trao kinh nghiệm sống hơn là chia xẻ tình cảm, bộc lộ buồn vui. Chiêm nghiệm từ một quan sát: 
Lửa bốc nhanh mau tắt
Người nổi nhanh 
Mau chìm
 
Sự đời không hẳn thế nhưng quả có thế. Có khi cả bài là một lời khuyên, thật thà, trung thực như đạo lý lão nông chọi lại thói chào mời phố chợ chuyên đồ dởm:
Rượu đắng cay
Mình không uống
Không mời
 
Có khi một bài học, quan sát từ người mà lưu giữ cho mình. Chất lượng thẩm mỹ bài thơ chưa cao nhưng ý cảnh báo có ích:
Quả chín bị chim rỉa
Người tốt bị đặt điều
 
Đôi lúc trong vóc dáng mộc mạc của lời nói đậm đặc, Hà Đức Ái có được sự thâm trầm hàm súc:
Rượu uống vụng
Say nhanh
Buồn - độc thoại

Vế đầu nghe vui, kinh nghiệm một tay uống vụng lão luyện. Vế sau thấm thía buồn, kinh nghiệm người nhiều phen tự mình an ủi lấy mình, không làm bận đến ai như con thú bị thương vào hang tối, tự liếm vết đau mình.
Thơ ngắn, ngoài nội dung tình cảm hay, ý tưởng hay, còn cần thiết tạo nên thi vị từ cách diễn đạt. Diễn đạt sao cho chữ nghĩa, hình ảnh, âm điệu, vần nhịp...gắn bó mật thiết chằng chịt giữa các câu thơ. Thơ có vài câu mà lại rời nhau thì bài sụp đổ. Câu tục ngữ quen thuộc Ăn vóc học hay chỉ có bốn chữ, mà thành hai vế, có quan hệ đối xứng. Đối từ loại, đối nghĩa chữ: ăn - học / vóc - hay. Rồi quan hệ nối tiếp: vần vóc soi mặt vào vần học, mà dắt luôn vế hai đi theo. Ăn tạo sức vóc - Học tạo hay biết. Tám chữ cô lại thành bốn. Ca dao cổ rất thoáng trong lục bát nhưng những đan cài móc nối cũng rất phong phú, tạo lan tỏa ý tình rất thú vị cho người ưa ngẫm nghĩ: “Rủ nhau xuống bề mò cua. Đem về nấu quả mơ chua trên rừng. Em ơi chua ngọt đã từng. Non xanh nước biếc ta đừng quên nhau”. Hai vế chất liệu của biển (câu I) và của rừng (câu II) đều song song có mặt trong câu III câu IV, để nói cái ý đừng quên nhau. Hà Đức Ái đã biết sáng tạo trong cách học truyền thống: “Chiều chiều ngó áng mây trôi. Trời quang biển lặng mà tôi giật mình”. Ta có thể bóc ra từng lớp. Lớp đầu; ba khái niệm thiên nhiên to rộng mây, trời, biển đặt ngang cấp nhau, làm chủ ba động từ êm ả trôi, quang, lặng. Lớp hai: một con người, nhỏ lẻ, cái tôi, như một đối xứng với ba thiên nhiên trên, qua chữ mà, làm chủ một động từ đầy đột biến, bất ngờ giật mình. Lớp ba: ấy là lúc chưa giật mình thì cái tôi ấy nó thế nào? Nó ngó vào thiên nhiên xa rộng những chiều chiều, nó cũng êm ả trong trạng thái ngó mung lung ấy. Giật mình là có một đột biến, biểu lộ một tâm trạng đốn ngộ. Đốn ngộ ấy do đâu. Tâm trạng ấy thế nào. Tác giả không nói. Và đấy là chỗ để ý vị bài thơ ngân nga.
Hà Đức Ái ca ngơi mùa xuân ca hát trong trẻo tinh khôi trong tiếng của suối, trong màu của nước. Cái đẹp của vô tri. Còn sự sống tri giác thì buồn, buồn quá, bởi nó đang gầy đói: 
Mùa xuân suối reo
Nước trong veo
Cá nghèo – tong teo

Xin bạn đọc lưu ý cái vần eo tai ác. Reo, veo , nghèo Và còn bồi thêm teo: tong teo với hai âm tờ mỏng mảnh. Thi tại ngôn ngoại khá dư ba.
Mừng cho một hướng tìm của Hà Đức Ái. Nhưng không nên ngắn quá thế này. Nhiều trường hợp số câu ấy chưa tải đủ ý một bài thơ.