Nỗi buồn hậu chiến mới thật sự buồn. Đất nước tan hoang sau bao nhiêu đợt cải tạo, cải tạo người, cải tạo công thương, cải tạo nông nghiệp. Lòng người ly tán, nông dân bỏ đất đi từng đoàn từ sông Tiền xuống Cà Mau Rạch Giá làm mướn, bạn bè mới người vượt biển thoát, người bị bắt lại đi tù. Cuộc chiến ở hai đầu không sao hiểu nổi, chiến tranh nữa hả, chiến tranh rồi sao, lại chiến tranh nữa rồi! Nông dân bất chấp, biểu tình ngồi hàng tháng ở các cơ quan công quyền Sài Gòn. Có lẽ miền Tây què quặt luôn từ hồi đó, khi mười năm họ đóng góp người cho cuộc viễn chinh ở đất người, cho công cuộc hợp tác hóa bằng mọi giá và cả việc không hòa hợp hòa giải gì mấy. Tôi đã ngồi vào bàn thử sức với truyện ngắn trong tâm trạng bất an kỳ lạ. Bài bút ký in báo Văn Nghệ được khen có chất văn học có lẽ nhờ cái tít Ngày Không Đi Cùng Mặt Trời. Sau đó, cũng báo Văn Nghệ in Bên Dãy Chàng Ô viết về những người bộ đội không như anh bộ đội ngày trước khi xa dân xa nước. Con trai nhỏ ba tuổi, nằm trên võng sau bàn viết của một nhà báo tỉnh luôn chán phè bởi các bài báo hay cộp trần và những cuộc giao bàn hàng tuần chỉ có thông tin mỗi ba thứ lính-lúa-lương, hết! Phải viết văn, giãi bày, chuyển tải và tự do cá nhân.

KỲ DIỆU MỘT NỖI BUỒN MÊNH MÔNG 
 
DẠ NGÂN

        Cuống nhau của tôi thuộc về miền đất Hậu Giang chua phèn, tôi vẫn tự hào mình gốc miệt vườn. Miệt vườn, thưa các bạn, nói theo học giả Sơn Nam, miền Tây Nam bộ thực chất chia nhau ba miệt: miệt biển, miệt đồng và miệt vườn. Miệt biển là Rạch Giá – Cà Mau; miệt đồng Sóc Trăng – Bạc Liêu (có thêm Trà Vinh) - nơi từng có những bá hộ sở hữu cả một cánh đồng hàng trăm ngàn héc-ta. Miệt vườn uốn lượn sông Tiền sông Hậu, nơi những bước chân Nam tiến đầu tiên mê say phù sa cồn bãi đã lập nên những làng vườn bát ngát biến những thứ trái thổ cư của dân Khmer bản địa thành cây hàng hóa: dừa, xoài, vú sữa, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt…
Miệt vườn trong niềm tự hào của tôi là cung cách sống với chữ nghĩa, với nhau và với thiên nhiên hoa trái. Trong tâm trạng dòng thứ không đủ đất để phỉ chí, ông nội tôi đã bồng chống hết đại gia đình năm anh em rời bản quán Cao Lãnh, ghe bầu đi chèo và buồm lá dừa nước vượt sông Hậu rồi đi dài theo kênh xáng Xà No, cắm sào ở cuối một nhánh sông Hậu toàn tràm, bần, khỉ và đom đóm. Sức sống miệt vườn vì cách bức, càng cực kỳ mãnh liệt trong các ông bà. Mỗi anh em tìm tậu cho mình một sở đất, một người em trai của ông nội tôi thửa nguyên một cái doi rộng hàng trăm héc-ta. Ông tôi chọn một cái vịnh, hai héc-ta vừa sức, trồng dâu nuôi tằm dệt vải chờ đất thau chua xổ phèn rồi mới lên liếp, lập ra thứ vườn y như Cao Lãnh.
Tôi được sinh ra và lớn lên trong bóng mát. Tâm hồn tôi tràn ngập tiếng chim, tiếng gió, tiếng lá và mùi hương của đủ thứ trái. Đặc biệt, bà nội tôi, ba tôi và các cô tôi rất nghiêm khắc với phát âm và câu cú. Miệt vườn là vậy đó con ơi, không được nói ngọng, phải lưu loát, văn phải hay chữ phải tốt, nếp nhà phải vén khéo, sống phải trọng danh dự, không sa đà các thứ đam mê, không nợ nần tiền bạc. Và ông mê Truyện Kiều bà mê Lục Vân Tiên, các cô tôi thì có một kho tục ngữ thành ngữ trong câu chuyện với nhau, với xóng giềng hoặc răn dạy con cháu.
Ba đi theo Việt Minh lúc tôi còn chưa ra đời, ba để lại ánh sáng ở nhà qua hai người phụ nữ là chị và em gái ông mà tôi luôn tò mò và ngưỡng mộ ở cốt cách và hiểu hiết của họ cho dù như rất nhiều phụ nữ nông dân thời đó, họ không được đi học, tức là họ mù chữ. Một người làm dâu nhà ông Cả, ruộng vài trăm héc-ta nhưng được chồng yêu như một đôi trí thức, đi đâu cũng có nhau, có giận hờn cũng không ngủ riêng và món xôi năm màu của cô thì tôi xao xuyến mãi tận bây giờ: xôi trắng nước cốt dừa, xôi tím nếp cẩm, xôi màu vàng màu hồng xi rô và xôi màu xanh lá dứa, dù cho tá điền ăn trưa thì xôi cũng phải đủ màu! Cô út thấy chị lấy chồng nông dân cực quá, nghe theo mai mối, lấy chồng nhà giàu, chồng ký giả tây học từ tóc tới chân, nhà chồng là tiệm vàng ở tỉnh lỵ, cô mù chữ mà trót lọt hết, dâu cả, nói năng, ứng xử, làm dâu làm vợ bên chồng không chê được chỗ nào. Khốn nỗi nhà chồng toàn người theo tây theo Mỹ, nhiều khi cô tôi lâm cảnh “ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản”.
Vậy đó, tôi được di truyền một nếp nghĩ và nếp sống để mẫn cảm với chung quanh và với những điều bí ẩn của số phận định đoạt cho từng gia tộc trong hai cuộc chiến dằng dặc. Vịnh nhà tôi, con sông Nước Đục cuối sông Hậu của tôi là vùng Việt Minh. Tôi nhớ những anh Vệ quốc đoàn cao ráo thơm lừng, tôi mới vài tuổi mà đã biết nhớ và sau này, tôi định nghĩa mùi thơm ấy là mùi của người có học. Năm 1954, ba tôi không đi tập kết vì là con một nên ở lại tiếp tục thoát lý theo kháng chiến. Bốn năm sau ông bị chỉ điểm bắt, phiên tòa cho tù chính trị dưới thời Ngô Đình Diệm kêu án hai mươi năm khổ sai Côn Đảo. Tôi lớn lên ở vùng “xôi đậu”, ban ngày bên Quốc gia cầm súng đi rảo, ban đêm bên Tối trời ra kêu dân ném những bảng khẩu hiệu tố cộng đi. Giằng co khốn khổ, ban đêm bà nội khóc nhớ thương ba, cô út, cô Tư của tôi vật vã: “Má đừng có khóc hoài để mọi người sống mà tính kế nữa chớ!” Má tôi lặng lẽ muôn đời, khóc thầm, làm không ngơi tay, ban đêm còn thắp đèn thắp đuốc ra vườn làm cỏ. Tôi ghi khắc nội tâm của một gia đình giữa hai bờ nội chiến, chống chọi, côi góa, tuyệt vọng.
Biết bao nhiêu đơn độc trong thời niên thiếu ấy. Ba thụ án mới có 6 năm, ở Côn Đảo, lại hoạt động chị bộ bị lộ thư và bị cấm cố xà lim, bị tẩn đến chết. Tôi mười tuổi. Sáu tháng sau cái tang con trai duy nhất, ông nội tôi ngủ không dậy nữa, gần như tự vẫn. Chấm hết. Cô út tôi thì góa trước, thời Việt Minh bao vây thành thị, ông dượng tôi bệnh thương hàn và chết vì không thuốc. Bà nội góa, má góa, người cô đứng mũi chịu sào quen với góa, góa sạch. Vườn góa nhưng cây trái ông tôi để lại với liếp với mương nuôi cả gia đình toàn đàn bà con nít. Tôi tha thẩn một mình suốt ngày với vườn dừa, chòm mả, tu hú diều hâu, cây cam cây quýt, làm lụng mà như rong chơi, không ai bắt tôi không được thổn thức. Tôi đắm chìm tự do trong nỗi mồ côi của mình. Và những buổi học ở những ngôi trường lúc nào cũng quá xa với bước chân trẻ nhỏ, có lúc nó ở bên giang đồng, chao ơi, những đường cày ải, những củ năn, những con cò trắng trên lưng trâu, bầy nòng nọc trong vũng nước và cả lũ giang sen, cúm núm, bồ nông… ở dưới doi của ông chú tôi, kỳ diệu một nỗi buồn mênh mông.
Tôi được các thầy cô tiên đoán sẽ thành nhà báo hay nhà văn gì đó khi cầm bài làm văn của tôi để đọc trước lớp, thời tiểu học nhiêu khê ấy. Ròm rỏi nhất, bao giờ cũng ngồi bàn đầu, bài làm văn bao giờ được đọc và cô thầy âu yếm yêu thương, tôi say sưa với sứ mệnh, phải hay hơn, phải viết cho ngày mỗi hay để được yêu thương. Thời hai bên phân chia chiến tuyến rõ rệt, vịnh nhà tôi, một đoạn sông Nước Đục của tôi là nơi oanh kích tự do. Tuổi thiếu niên bầm dập, học bổ túc văn hóa từ đó, di động, cuộc sống của thiếu sinh quân. Hết cấp II, lớp 7, theo chương trình thống nhất với miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, chúng tôi phải thoát ly gia đình, vào Cứ. Mười bốn tuổi, không sợ chết, thấy nhiều cái chết nhưng chưa biết sợ, đi thôi, ở nhà thì tản cư, xuống hầm, cũng bom đạn ùng oàng, cũng chết. Không có lựa chọn thứ hai thì cứ con đường duy nhất ấy mà đi, vừa đi vừa gom góp thu nhận, sống là thu và nhận mà nên.
Hai năm học và thực hành làm báo ở Khu 9 (U Minh) vô cùng quan trọng với tôi sau Mậu thân ấy. Thư viện, thư viện của Ban Tuyên Huấn Tây Nam bộ. Sách dựng trong những chiếc thùng gò bằng tôn nguyên là thùng nông dân U Minh thu hoạch cá đìa, sở dĩ phải đựng trong thùng là để nếu gặp giặc càn, “thư viện” phải biến mất, những thùng tôn phải xuống ghe, sách phải được cất trong những căn hầm bí mật và bí mật thật, tôi không thể biết nó ở đâu. Cơ man sách, tôi vẫn nhớ cảm giác hoa mắt của mình mỗi khi ghé vào những chiếc thùng có những gáy sách nhiều màu dựng chặt cứng trong đó. Sách đi bằng đường dây từ Bắc vào, biết bao nhiêu xương máu và công phu. Tôi được tiếp xúc lần đầu với Sông Đông Êm Đềm, Chiến Tranh Và Hòa Bình, Tội Ác Và Trừng Phạt, Bông Hồng Vàng, Những Người Khốn Khổ, Thơ Dâng, Ông Già Và Biển Cả, Chuông Nguyện Hồn Ai, Của Chuột Và Người…Thật choáng váng và tha thiết cảm ơn cuộc đời có những cuốn sách. “Gặp” ở đây đủ cả Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Huy Cận, Hoài Thanh, Nam Cao, Nguyễn Thi, Nguyên Ngọc và cả Nguyễn Quang Sáng “rất miền Tây” nữa. Ôm sách và ôm đèn dầu, các chú bắt tắt đèn để lấy sức cho hôm sau, lén các chú che đèn lại, hôm sau hai cái hốc mũi đóng khói đen ngòm tố giác tất cả. Trong các đợt chỉnh huấn chẳng biết để làm gì mà chỉnh liên miên luôn bị phê bình là “tiểu tư sản”, “lãng mạn”, “cầu kỳ phức tạp”, “nặng chủ nghĩa cá nhân”. Phê mãi rồi thì người phê chán và người bị phê cũng không biết vì sao thức khuya đọc sách là  chủ nghĩa cá nhân, lãng mạn, tiểu tư sản!
Năm 1975, ai sống sót mới biết mình đã không chết. Biết bao nhiêu ám ảnh bởi cả tuổi xuân, tuổi học hành đã nướng hết mà “thu hoạch” được chỉ là một câu hỏi: có phải là nội chiến không? Bên nào cũng thấm thía mất với còn, không ai nhẹ hơn ai. Những người bạn tưởng là đã chung chiến hào thì sẽ chung mãi, không ngờ cách biệt quá nhanh, kẻ đi lên vung vinh tự mãn, người đứng lại do nhận chân hoặc dạt sang bên để ngẫm nghĩ đã. Những người bạn mới từng bên kia chiến tuyến, họ ôm sách từ nhà đến “vỡ hoang” cho, Tầng Đầu Địa Ngục, Vĩnh Biệt Tình Em, Cuốn Theo Chiều Gió, Một Thời Để Yêu Một Thời Để Chết…Và những đĩa nhạc thính phòng, những thước phim “bí mật” bởi cái mác Hollyood.

Nỗi buồn hậu chiến mới thật sự buồn. Đất nước tan hoang sau bao nhiêu đợt cải tạo, cải tạo người, cải tạo công thương, cải tạo nông nghiệp. Lòng người ly tán, nông dân bỏ đất đi từng đoàn từ sông Tiền xuống Cà Mau Rạch Giá làm mướn, bạn bè mới người vượt biển thoát, người bị bắt lại đi tù. Cuộc chiến ở hai đầu không sao hiểu nổi, chiến tranh nữa hả, chiến tranh rồi sao, lại chiến tranh nữa rồi! Nông dân bất chấp, biểu tình ngồi hàng tháng ở các cơ quan công quyền Sài Gòn. Có lẽ miền Tây què quặt luôn từ hồi đó, khi mười năm họ đóng góp người cho cuộc viễn chinh ở đất người, cho công cuộc hợp tác hóa bằng mọi giá và cả việc không hòa hợp hòa giải gì mấy. Tôi đã ngồi vào bàn thử sức với truyện ngắn trong tâm trạng bất an kỳ lạ. Bài bút ký in báo Văn Nghệ được khen có chất văn học có lẽ nhờ cái tít Ngày Không Đi Cùng Mặt Trời. Sau đó, cũng báo Văn Nghệ in Bên Dãy Chàng Ô viết về những người bộ đội không như anh bộ đội ngày trước khi xa dân xa nước. Con trai nhỏ ba tuổi, nằm trên võng sau bàn viết của một nhà báo tỉnh luôn chán phè bởi các bài báo hay cộp trần và những cuộc giao bàn hàng tuần chỉ có thông tin mỗi ba thứ lính-lúa-lương, hết! Phải viết văn, giãi bày, chuyển tải và tự do cá nhân.

Tháng Tư năm 1982 được mời đi Trại sáng tác Vũng Tàu. Toàn những cây viết đình đám, Nguyễn Quang Thân (với Người Không Đi Cùng Chuyến Tàu bị cho là nổi loạn), Nhật Tuấn, Nguyễn Mạnh Tuấn, Đào Hiếu, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Nhật Ánh, Lý Lan, Trần Thùy Mai, Đinh Thị Thu Vân... phụ trách là nhà văn Nguyên Ngọc và mấy nhà văn nữa. Ngẩn tò te khi họ nói về tác giả Nobel này tác giả Nobel kia. Nguyễn Quang Thân viết hẳn cho một danh sách các tác gia Nobel của từng quốc gia em về tìm đọc, nhá. Khi về lại Cần Thơ, ngưng viết hai năm chỉ đi thư viện để đọc. Một thư viện tỉnh ở góc phố rất đẹp của thị xã đẹp và những năm tháng sống cùng với sách, không gì bổ ích hơn.
Viết và không gửi đi. Nhà văn Nguyên Ngọc năm 1984 ấy đã đến miền Tây tá túc với bạn bè em cháu thân thiết. Nhà thơ Nguyễn Bá của Hội Văn Nghệ tỉnh Cần Thơ mời ông ở lại. Nhà văn già từng “phụ trách” nhà văn trẻ ở Vũng Tàu khuyến khích “Viết được gì cứ đưa ta xem thử”. Quãng Đời Ám Áp được chú Ngọc khen, như được chắp cánh. Rồi Con Chó Và Vụ Ly Hôn, sau nữa là Trên Mái Nhà Người Phụ Nữ. Tôi thấy dường như mình đã tìm được cái tạng của mình, khơi được cái mạch thống khổ mà mình đã cất giữ bằng những năm tháng chiến tranh và hậu chiến máu và nước mắt.

Nếu có điều gì để tự khen, tôi khen mình đã “dám” đi học Trường Viết văn Nguyễn Du năm tôi đã 41 tuổi. Toàn các chuyên đề của các giáo sư các chuyên gia đầu ngành đã tích lũy bằng cả đời họ: giáo sư Trần Quốc Vượng vừa nhìn chằm chằm vào học viên vừa đe “Việt Nam chưa có khoa học lịch sử, xin các anh chị nhớ cho”; giáo sư Nguyễn Huệ Chi với triết học Bách Gia, giáo sư Đặng Nghiêm Vạn với dân tộc học, giáo sư Hoàng Ngọc Hiến với “văn học là dấu ấn cá nhân”, giáo sư Phạm Vĩnh Cư với toàn bộ, thiết kế, cân nhắc người được thỉnh giảng và truyền cho học viên tinh thần sống và viết là phải duy mỹ. Nếu có điều ân hận trong đời, tôi ân hận vì đã không chyên tâm với một ngoại ngữ nào, nhà văn mà mù ngoại ngữ thì thật là bất hạnh!

Mỗi người viết đều có con đường văn chương của mình. Với tôi, con đường lấy đêm làm ngày ấy quá gập ghềnh nhưng thật đáng sống. Con đường nếu xem thời gian là từng viên gạch thì tôi vẫn đang cặm cụi đặt từng viên cho mỗi bước đi của mình, một cuốn sách đáng đọc mà mình chưa đọc trong túi xách, laptop thay cây viết và sổ tay, hăm hở, bạt mạng và lại hồi hộp như xưa khi một ấn phẩm ra đời./.