Chuyện về hưu của giám đốc NXB Hội Nhà văn, cơ quan cấp hai của Hội nhà văn Việt Nam, không có gì đáng nói. Nếu như vị giám đốc ấy, nhà văn Trung Trung Đỉnh không bức bối trả lại… quyết định về hưu, một hành động hi hữu xưa nay. Sự việc lùm xùm này, giống như một “ngõ lỗ thủng” (tên một tác phẩm của Trung Trung Đỉnh) ở Hội đông đảo hội viên nhất nhì Việt Nam, cũng là nơi sản sinh và đề cao những giá trị tinh thần…. Tôi hỏi Trung Trung Đỉnh: “Theo anh, lí do gì người ta muốn cho anh về gấp?”. Nhà văn cho rằng: “Thực ra ý đồ của ông Chủ tịch là làm thật nhanh để đưa ông Quí lên. Nhưng ông ý không thể áp đặt được, muốn đưa ai lên cũng phải theo qui trình: 3 lần ông Thỉnh yêu cầu NXB làm thăm dò trường hợp của ông phó giám đốc Trần Quang Quí thì cả 3 lần đều không đạt, 2 lần trượt cấp ủy. Tôi nói luôn với BCH (có mặt cả ông Quí ngồi đó): Tôi không bàn giao cho người mà 3 lần thăm dò tín nhiệm, 2 lần cấp ủy đều trượt, như vậy là một đảng viên kém uy tín”.



“NGÕ LỔ THỦNG” Ở HỘI NHÀ VĂN

HỒNG DIỆU

 “Quả bom” sát ngày thương binh- liệt sĩ
Những người yêu văn học đều biết nhà văn Trung Trung Đỉnh trước hết là một người lính. Sau chiến tranh, ông trở về cuộc sống đời thường mang theo những vết thương  đi cùng năm tháng. Cho nên, cứ đến dịp 27/7 hằng năm ông lại ngóng chờ bạn bè: “Ngày 26/7, sát ngày 27/7, tôi đang hóng mấy người bạn là cựu chiến binh đến để chúc mừng nhau, ăn nhậu, thì ông Trần Đăng Khoa tới. Trước đó,  cô phó giám đốc NXB có thông báo: Hôm nay chú Khoa đến có việc. Tốt quá. Tôi cứ nghĩ “chú Khoa” đến để chúc mừng tôi và đồng đội. Nhưng chú ấy đến lại nói: Em đến báo cáo bác, em thừa lệnh của đồng chí Chủ tịch, đưa thông báo về hưu của bác, của cô Thư (nhà văn Nguyễn Thị  Anh Thư, Phó tổng biên tập NXB Hội nhà văn), anh Quí (nhà thơ Trần Quang Quí, Phó giám đốc kiêm phó tổng biên tập NXB Hội nhà văn). Tôi kéo ông Khoa xuống phòng họp vì anh em đã chờ ở đó rồi. Ông Khoa nói lí do và đưa cho tôi cái phong bì trong đó có cái quyết định:  Ông Phạm Trung Đỉnh (tức nhà văn Trung Trung Đỉnh) nghỉ quản lí để giao toàn bộ công việc cho ông Trần Quang Quí đúng ngày 1/8. Hôm đó là ngày 26/7, tức là sau  5 ngày tôi phải bắt tay bàn giao toàn bộ công việc. Tôi thấy cái quyết định của bà Thư và tôi có đề ngày giờ về hưu cụ thể, của ông Quí lại đề chung chung: Quí 2, năm 2017, tức là sang năm, không đề ngày, giờ. Tôi thấy ngạc nhiên, bèn hỏi ông Phó chủ tịch Hội nhà văn: “Tôi có bị kỷ luật gì không? Có vấn đề gì không”? Ông Khoa bảo: “Có gì mà kỷ luật”. Tôi thắc mắc: “Không có kỷ luật tại sao trong mấy ngày tôi phải bàn giao công việc như thế?”. 
Ông Khoa đáp: “Thì anh là trưởng phải bàn giao cho phó chứ sao?”. Tôi chưa chịu: “Vâng, tôi bàn giao. Nhưng tôi hỏi lại, tôi có bị kỷ luật không?”.  Ông Khoa khẳng định lại: “Không”. Tôi nói: “Tôi thấy quyết định này không hợp lí, tôi trả lại anh. Anh cứ đem về báo cáo lại với ông chủ tịch đi”.  Sau đó, ông Khoa đem xuống phòng hành chính của NXB gửi lại. Tôi nói với phòng hành chính mang quyết định sang Hội nhà văn”.
Kể đến đây, tác giả “Ngõ lỗ thủng” bình: “Tôi hơi bị xúc phạm vì mình ở đây lâu năm rồi, đi bộ đội lâu năm rồi, làm việc bao năm nay rồi, về hưu không là cái gì quan trọng, mình cũng đang ngóng chờ, đang nghĩ đến những cuộc đi chơi với bạn bè, đang nghĩ đến chuyện cơ quan phải tổ chức như thế nào trước khi về cho vui vẻ. Tự nhiên làm như thế, tôi sốc. Tôi bỏ đi”.
Một ngày hai quyết định bàn giao
Theo tài liệu nhà văn Trung Trung Đỉnh lưu lại, trong cùng ngày 25/7, BCH Hội nhà văn Việt Nam đưa đến hai quyết định về việc nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể trường hợp ông Phạm Trung Đỉnh. Hai quyết định (đưa hai lần)  có hai nội dung không giống nhau. Quyết định ban đầu ghi: “Ông Phạm Trung Đỉnh, Giám đốc nhà xuất bản- Hội nhà văn Việt Nam nghỉ quản lí để bàn giao cho ông Trần Quang Quí, Phó giám đốc phụ trách từ ngày 1 tháng 8 năm 2016”.  Quyết định thứ hai ghi: “Ông Phạm Trung Đỉnh, Giám đốc NXB-Hội nhà văn Việt Nam nghỉ quản lí để bàn giao cho Ban giám đốc Nhà xuất bản. Thời gian bàn giao từ ngày 1 tháng 8 năm 2016 đến ngày 31 tháng 8 năm 2016. Trước sự chứng kiến của ông Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch kiêm Trưởng ban tổ chức- Hội viên”.
Trước phản ứng dữ dội của Giám đốc NXB Hội nhà văn, cả ban giám đốc được BCH Hội nhà văn mời đến họp: “Ông Chủ tịch Hội nói đủ thứ chuyện nhưng câu đầu tiên vào họp, ông Thỉnh nói: “Khi tôi đi làm lí lịch về đại biểu Quốc hội có mục bạn thân nhất của ông là ai, tôi đã trả lời: Là Trung Trung Đỉnh. Tôi về nhà con tôi, con tôi hỏi: Bạn thân nhất của bố bây giờ là ai? Tôi nói: Trung Trung Đỉnh”. Trung Trung Đỉnh kể đến đây lại bình: “Tôi thấy ông Thỉnh nói hay quá. Tôi định phản ứng nhưng nghĩ là cũng không nên. Sau đó ông ý còn nói dông dài, nào tôi nhận được thư ngỏ của anh Đỉnh, nào anh Đỉnh đề xuất người này người kia nhưng BCH chúng tôi họp thì mỗi nhân vật đề xuất chỉ được một phiếu”.
Tôi hỏi Trung Trung Đỉnh: “Theo anh, lí do gì người ta muốn cho anh về gấp?”. Nhà văn cho rằng: “Thực ra ý đồ của ông Chủ tịch là làm thật nhanh để đưa ông Quí lên. Nhưng ông ý không thể áp đặt được, muốn đưa ai lên cũng phải theo qui trình: 3 lần ông Thỉnh yêu cầu NXB làm thăm dò trường hợp của ông phó giám đốc Trần Quang Quí thì cả 3 lần đều không đạt, 2 lần trượt cấp ủy. Tôi nói luôn với BCH (có mặt cả ông Quí ngồi đó): Tôi không bàn giao cho người mà 3 lần thăm dò tín nhiệm, 2 lần cấp ủy đều trượt, như vậy là một đảng viên kém uy tín”.
Rồi Trung Trung Đỉnh tổng kết: “Chuyện về hưu của tôi là chuyện dĩ nhiên. Không phải bàn. Tôi đã chủ động trước rồi. Tôi đã viết thư ngỏ trước khi chuẩn bị về hưu, tôi muốn chuẩn bị trước. Nếu BCH ủng hộ NXB thì rất nên sang NXB xem cụ thể thế nào rồi có ý kiến. Họ không thăm dò, không gặp gỡ… Như thế là đánh mất uy tín của anh em NXB. Tôi cũng đề xuất xin ông Sương Nguyệt Minh, thay thế tôi 3 năm nay rồi. Về phía cá nhân Sương Nguyệt Minh thì không vấn đề gì nhưng nếu BCH đồng ý thì cử người sang bên quân đội xin ông về thôi, chứ ông Sương Nguyệt Minh đâu thể tự làm được”.
Liệu cuộc nghỉ hưu của Trung Trung Đỉnh có bắt nguồn từ mâu thuẫn cá nhân giữa ông và Chủ tịch Hội nhà văn? Sự mâu thuẫn có phải như trong giới đồn thổi, bắt đầu từ bài chân dung Trung Trung Đỉnh viết về người đứng đầu Hội nhà văn, đã hồn nhiên khoe quá khứ “đi buôn” của nhà thơ nổi tiếng? Tác giả “ngõ lỗ thủng” lắc đầu: “Âm ỉ nhiều thứ rồi, không phải từ bài chân dung đó đâu. Sau này, tôi in sách còn nhiều thứ nữa. Tôi là người viết, khi viết tôi phải trung thực. Tôi viết thế là vui, là hay chứ, không thể ghét tôi được. Ông ý ghét tôi vì nhiều thứ. Hồi tôi còn ngồi BCH họp cái gì tôi cũng nói thẳng, nói thật. Hôm trước họp BCH ai cũng ca ngợi ông Thỉnh tốt đẹp, trong sáng, tình cảm, tôi biết tôi thua rồi nhưng tôi không có ý chiến đấu mà chỉ muốn nói thẳng, nói thật ý của tôi. Tôi không có nhu cầu xin gì cả”.
Về chuyện về hưu ở Hội nhà văn, Trung Trung Đỉnh kể: “Các cơ quan cấp 2 của Hội đều lần khân. Những cán bộ của Hội nhà văn có “luật” đến tuổi về hưu cộng thêm 5 tuổi nữa. Sau này, bỏ “luật”, chỉ cộng thêm 2 tuổi nữa thôi, sau tuổi về hưu. Song cũng có thực hiện như vậy đâu”. Về phần mình, nhà văn Trung Trung Đỉnh tiết lộ: “Tôi đã làm 3 đơn xin về hưu từ ngày đủ tuổi đến nay. Hôm họp BCH, ông Thỉnh có nhắc, đã giữ lại 3 quyết định về hưu của tôi, để chứng minh sự thật là ông thương quí tôi. Ông giơ 3 quyết định ra thì tôi xem thôi, ông đóng dấu cũng quyền của ông thôi. Chứ trước đó, tôi chưa từng nhận được quyết định nào…” Nhà văn Trung Trung Đỉnh cũng bật mí thêm trong suốt quá trình làm việc ở NXB Hội nhà văn, ông từng tha thiết mời một số nhà văn tên tuổi về thay mình như nhà thơ, nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Cao Duy Sơn, sau này là nhà văn Sương Nguyệt Minh.

Ý kiến của nhà văn Ngô Thảo: Gây sốc cho nhau chỉ chứng tỏ các anh sống với nhau chả có tình cảm gì. Tôi nghĩ riêng việc này anh Đỉnh sốc là đúng. Cách làm này Hội nhà văn nói thế nào cũng  sai. Sai về nguyên  tắc hành chính. Không tôn trọng cơ quan người ta đang làm việc. Đây là nằm trong hệ thống sự coi thường, chuyên quyền của một số người, coi thường nguyên tắc. Ngó sang bên Tạp chí Thơ ông phó tổng biên tập nhiều tuổi rồi chứ, có chấp hành chấp tỏi gì đâu, vẫn ngồi đấy thôi? Phản ứng của ông Đỉnh không phải “tham quyền cố vị” mà là người ta ứng xử với ông không tử tế. Hơn bao giờ hết người ta mong chờ sự tử tế ở đây.    

Nguồn: báo Tiền Phong