Ngày 24-8-2016, Nhà thơ Lương Ngọc An- biên tập viên báo Văn Nghệ, đã có cuộc trao đổi về những lùm xùm của cơ quan nơi mình công tác và Hội Nhà văn Việt Nam trong những ngày gần đây: “Theo tôi, nhất quán, công bằng và minh bạch là điều cần thiết nhất của người nắm chính sách, dù là ở đâu đi nữa. Tư hữu chính sách, ắt sẽ tạo ra những hệ lụy, không chóng thì chầy… Việc Hội Nhà văn Việt Nam mua báo Văn Nghệ phát cho hội viên theo tiêu chuẩn đến cả năm nay chưa thanh toán, số nợ lên đến 600 – 700 triệu đồng là có thật!”. Ơ hay, sao lại thế được nhỉ? Chủ tịch Hội nhà văn VN tuổi 74 còn hùng hổ uốn ba tấc lưỡi ngọt lạt để tranh cử Đại biểu Quốc hội kia mà. Kết quả, dù trượt Quốc hội, nhưng tinh thần tận tụy bám chức, bám ghế, bám quyền, bám lợi của soái ca Hữu Thỉnh vẫn còn nguyên vẹn. Lẽ nào, “cái đầu hói” tỏa ra bao nhiêu ánh sáng lấp lánh ở trụ sở Hội nhà văn VN suốt hơn 2 thập niên, mà lại phát sinh “vết sẹo” như vậy ư?



HẬU QUẢ VIỆC HỘI NHÀ VĂN VN NỢ 700 TRIỆU ĐỒNG

@: Gần đây, dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi về chiếc ghế của Phó Tổng biên tập Thành Đức Trinh Bảo khi quá tuổi nghỉ hưu 2,5 năm nhưng vẫn tại vị. Điều này đã làm nội bộ cơ quan bức xúc, có tư tưởng chống đối vì chị Bảo kiêm cả công tác nhân sự nhưng lại không gương mẫu. Anh nhìn nhận ra sao về việc này?
Lương Ngọc An: Đúng là thời gian vừa qua trên báo chí và dư luận có nói nhiều đến việc Phó Tổng biên tập Thành Đức Trinh Bảo của báo Văn nghệ đã quá tuổi mà vẫn chưa nghỉ hưu. Thực ra những chuyện như thế này không phải quá xa lạ ở Hội Nhà văn hiện nay, như bạn đã thấy trong những câu chuyện, những bài báo thời gian vừa rồi. Song nếu nói chỉ vì lý do này đã làm cơ quan bức xúc và có tư tưởng chống đối thì tôi cho là chưa thực chính xác. Sự bức xúc chỉ xảy ra khi cách người ta ứng xử với nhau không hợp tình hợp lý, sự công bằng, minh bạch có vấn đề thôi, chứ tuổi tác đâu đã phải là điều quan trọng, nhất là với nhà văn.
Lâu nay riêng ở báo Văn nghệ, khi các đồng chí cán bộ lãnh đạo có nghỉ hưu có chậm một vài năm so với quy định cũng chẳng ai có ý kiến gì. Nhớ từ thời tôi mới về đây làm việc, nhà thơ Hoàng Minh Châu nghỉ hưu khi đã gần 70 tuổi, nhà thơ Võ Văn Trực nghỉ hưu cũng khoảng năm 67 tuổi, nhà báo Hữu Nhuận nghỉ năm 66 tuổi, và gần đây nhất là nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn, nghỉ quản lý năm 62 tuổi... Có sao đâu. Chỉ đến bây giờ mới có chuyện ầm ĩ, và vấn đề tuổi tác mới được đem ra đo đếm, các “cơ chế đặc thù” mới được đem ra vận dụng, che chắn.
Như vậy rõ ràng cần phải nhìn nhận vấn đề ở một góc độ khác, gắn với cách hành xử, gắn với tư cách và năng lực của mỗi cá nhân… Cũng chính vì thế mà nói rằng chị Bảo kiêm công tác nhân sự nhưng lại không gương mẫu, thực ra cũng có lý do từ uy tín.
Nói vậy không có nghĩa là sự nhất quán trong chính sách cán bộ của Hội Nhà văn là không có ảnh hưởng. Theo tôi, nhất quán, công bằng và minh bạch là điều cần thiết nhất của người nắm chính sách, dù là ở đâu đi nữa. Tư hữu chính sách ắt sẽ tạo ra những hệ lụy, không chóng thì chầy…

@: Có thông tin cho rằng, báo Văn nghệ mấy năm qua gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tài chính, nợ lương cán bộ suốt 2 tháng qua. Tại sao lại xảy ra thực trạng này? Có thông tin dư luận nói, Hội Nhà văn Việt Nam đang nợ báo Văn nghệ số tiền lên tới 700 triệu đồng, và đây cũng là một trong số những nguyên nhân khiến báo trở nên khó khăn. Thực hư thông tin này ra sao?
Lương Ngọc An: Đúng là mấy năm vừa qua tình hình tài chính của báo Văn nghệ có gặp những khó khăn. Bên cạnh những khó khăn chung có nguyên nhân từ xu hướng xã hội, thì còn có những khó khăn riêng do đặc thù. Tuy nhiên từ trước đến nay chưa bao giờ gặp phải tình trạng nợ lương đến 1 tháng chứ đừng nói là 2 tháng như hiện nay.
Là người lao động, chúng tôi hiểu sự nỗ lực của các anh chị trong Ban Biên tập khi giải quyết vấn đề này, nhưng trong đó cũng phải thấy rằng các giải pháp tình thế thì nhiều, chứ một chiến lược cơ bản để cân đối thu chi cho một cơ quan thì vẫn thiếu, nên tình trạng tài chính lúc nào cũng chơi vơi.
Việc Hội Nhà văn Việt Nam mua báo Văn nghệ phát cho hội viên theo tiêu chuẩn đến cả năm nay chưa thanh toán, số nợ lên đến 600 – 700 triệu đồng là có thật. Ban Biên tập và bộ phận tài vụ đã thông báo công khai điều này trong cuộc họp cơ quan, và lý do 2 tháng nay anh em trong cơ quan chưa được nhận lương có liên quan trực tiếp đến nguyên nhân này. Nghe đâu cả các tháng sau nhiều khoản chi phí khác cũng đang trông chờ vào đó. Song nếu bảo đó là nguyên nhân khiến tờ báo trở nên khó khăn thì tôi không dám khẳng định. Chẳng lẽ chỉ có chừng đó tiền mà có thể làm nên khó khăn hay thuận lợi cho cả một tờ báo được hay sao?

@: Trước đây ở báo Văn nghệ có anh Trương Vĩnh Tuấn làm kinh tế rất giỏi nhưng vừa đến tuổi đã nhận được quyết định nghỉ hưu luôn. Trong khi đó, hiện tại trong cơ quan có nhiều người đã quá tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn còn tại vị, đảm nhiệm chức vụ 2 - 4 khóa liên tiếp. Trong khi đó, nhà văn Hữu Ước đã từng nói với Đất Việt vào năm 2015 rằng: Khi mới nhậm chức sẽ dễ dàng đưa ra sự đổi mới, nhưng sang khóa thứ 2 sự đổi mới, sáng tạo sẽ bắt đầu khác đi, chưa nói tuổi tác kéo theo sự mệt mỏi, trước hết là chất xám, con người chất xám không phải năng lượng vô tận. Còn quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?
Lương Ngọc An: Chuyện nhà văn Trương Vĩnh Tuấn là chuyện của báo Văn Nghệ. Còn những điều nhà văn Hữu Ước nói là chuyện của Hội Nhà văn Việt Nam, cần phải rạch ròi 2 nội dung này.
Ở báo Văn nghệ, đúng là trước đây anh Trương Vĩnh Tuấn, cũng là cấp phó nhưng là người tháo vát trong vấn đề kinh tế, nên anh em cũng được nhờ. Nói “anh em” ở đây là tôi nói cả cán bộ trong cơ quan, nghĩa là cấp dưới của anh Tuấn, lẫn cấp trên, là Tổng Biên tập nữa. Vậy nên anh Tuấn giỏi một thì người biết dùng anh Tuấn phải là người giỏi mười. Nhiều người cũng đồng tình với tôi điều này.
Còn chuyện của Hội Nhà văn Việt Nam và những điều anh Hữu Ước nói thì tôi không muốn bàn đến, vì nó xa quá. Tôi chỉ nghĩ một điều, rằng chúng ta cần phải nhìn Hội Nhà văn ở hai lĩnh vực rất khác nhau. Thứ nhất là một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, và thứ hai là là một cơ quan hành chính thuần túy. Cái tính đặc thù của Hội cũng chính là ở chỗ này, và hai lĩnh vực song hành này cũng có những đòi hỏi về công tác quản lý rất khác nhau, rất tách biệt nhau thì mới được…

@: Nhân nói về tính đặc thù, xin anh nói rõ hơn về khái niệm này. Nó có liên quan gì đến khái niệm kéo dài tuổi nghỉ hưu theo kiểu X+… ở Hội Nhà văn mà dư luận đang bàn tán gần đây?
Lương Ngọc An: Thú thực là tôi không muốn nói về việc này. Chuyện cộng thêm tuổi làm việc cho một số đối tượng là cán bộ công tác ở các cơ quan Hội Nhà văn trước đây vẫn có, nhưng nghe đâu đã bỏ lâu rồi, không hiểu sao nay lại đem ra áp dụng lại và áp dụng theo nguyên tắc nào thì tôi không rõ, nhất là lại trong bối cảnh gần đây xã hội đang nói nhiều, thì lại càng là điều khó hiểu.  Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này, rằng kéo dài tuổi làm việc cho một người nào đó, chưa hẳn đã là khẳng định năng lực, phẩm chất của người đó, mà có khi đấy lại là một câu chuyện khác…

@: Tình trạng này không chỉ xảy ra ở báo Văn nghệ mà còn ở rất nhiều cơ quan cấp 2 của Hội Nhà văn Việt Nam khiến dư luận nghi ngờ có "tình cảm riêng tư" của Ban chấp hành với một số cán bộ thân thiết, tạo ra sự bất công. TBT Khuất Quang Thụy cũng nhận định cách hành xử của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam như thế là bất thường. Là người gắn bó nhiều năm với báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, theo anh thì Ban chấp hành Hội Nhà văn cần phải làm gì để lấy lại lòng tin cho hội viên, người dân?
Lương Ngọc An: Câu hỏi của bạn ngay trong nó đã hàm chứa câu trả lời rồi. “Riêng tư” là câu chuyện của “tình cảm”, còn “nguyên tắc” là yêu cầu của “công việc”. Khi đem “riêng tư”, đem “tình cảm” vào “công việc” thì chắc chắn “nguyên tắc”, nặng thì sẽ bị phá vỡ, nhẹ thì sẽ bị đánh tráo bằng những khái niệm mỹ miều khác. Chuyện ứng xử của Hội Nhà văn có bất thường hay không cứ nhìn vào đó mà đo thì biết ngay. 
 
@ Cảm ơn anh đã trao đổi thẳng thắn với Đất Việt!


Nguồn: THANH TÂM – Báo Đất Việt