Nhà báo Nguyễn Trung Dân, nguyên Tổng Biên tập báo Du Lịch, hiện đang đảm nhiệm vai trò Trưởng Chi nhánh NXB Hội Nhà văn tại TPHCM, đã có cách nhìn của người trong cuộc về vụ nghỉ hưu ầm ĩ: “Cách cho Trung Trung Đỉnh về hưu như vậy là mặc kệ NXB sống chết mặc bây, không cần biết NXB sẽ làm ăn thế nào, có hoang mang xáo trộn với cách làm đó không! Vì cũng chẳng ai thèm hỏi cán bộ - công nhân viên của NXB một lời, một câu về sự tồn tại, làm ăn của chúng mày ra sao khi không có giám đốc thay thế. Cho đến nay việc tìm cho ra một giám đốc cho NXB vẫn còn mù mờ mà cán bộ - công nhân viên thì không thể dừng việc chờ có giám đốc. Mà người còn lại trong Ban giám đốc thì đã được Ban chấp hành khẳng định không thể bổ nhiệm. Vậy là thế nào? Thật đúng là tít mù vòng quanh mà tên tuổi của NXB Hội nhà văn, số cán bộ - công nhân viên đang sống ở đó không hề được hỏi han, đóng góp cho cái tương lai tồn tại của mình”.


Chuyện về hưu ở Hội Nhà Văn !

NGUYỄN TRUNG DÂN

Lẽ ra là một hội đoàn , ai lại đặt chuyện hưu trí hay không với một nhà văn, nhà thơ, một nghệ sĩ ngôn ngữ hay hình tượng! Nhưng thực tế, những văn nghệ sĩ khi được "duyệt " hay gọi là quy hoạch làm công tác quản lý, họ đã biến thành những công bộc ăn lương, hưởng các chế độ của một công chức mà quan trọng hơn, được xem là một công chức bảo vệ chế độ trên mặt trận văn hoá tư tưởng. Đó là một mặt trận tuyên truyền mà bất kỳ một chế độ cộng sản nào cũng xem nó là vũ khí quan trọng để khiến người dân phải tin theo, phải tư duy theo một định hướng của đảng, và đáng nói hơn là không ai có quyền phản biện để nói chuyện tự do, dân chủ!
Vì thế nên chuyện về hưu của những người đứng đầu hội đoàn hoặc các đơn vị cấp hai của hội đoàn bao giờ cũng rối rắm và phi lý đến độ chẳng ai muốn nói đến, vì khinh bỉ cách xử sự của những người mà văn chương, thơ phú đã trau chuốt cho họ cái vỏ bên ngoài khá cao đạo. Và lần trình diễn này là ở NXB Hội Nhà Văn! Ông Hữu Thỉnh , Chủ tịch Hội Nhà Văn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT cả nước đã ký quyết định cho Giám đốc NXB Hội Nhà Văn trong vòng 4 ngày phải bàn giao ngay chức vụ Giám đốc để về hưu!
Chuyện về hưu cũng là chuyện bình thường, nên làm khi ông Trung Trung Đỉnh cũng đã đến tuổi 67, quá tuổi hưu đến 7 năm. Nhưng chính đó lại là điều đáng nói, vì chính cũng trong cả 3 nhiệm kỳ của Hữu Thỉnh ở Hội Nhà văn VN ( hơn 12 năm ) thì Trung Trung Đỉnh luôn được ông ta bảo vệ, giữ lại, ngồi đó ở cái ghế Phó Giám đốc , rồi Giám đốc của NXB Hội Nhà Văn. Dù Trung Trung Đỉnh đã ba lần đưa đơn xin nghỉ hưu, bảy lượt yêu cầu Ban Chấp hành Hội Nhà Văn tìm người thay thế mình! Bao giờ lý do Trung Trung Đỉnh được giữ lại là đã làm khá tốt chức trách ấy; đã khôi phục NXB từ những khó khăn nay đã có được sự ổn định, phát triển khá rõ ràng. Mỗi ngày một ít, mỗi năm một tốt lên để NXB Hội Nhà Văn dần dần lấy lại uy tín vốn có của mình và làm được một số công việc xuất bản, phát hành được bạn đọc tin cậy. Trong cái thời buổi "ghế ít đít nhiều" này thì quả sự tin cậy như vậy, giữ lại đến 7 năm sau tuổi hưu, chắc phải có giá trị thực của nó. Hay cho dù có thể sự tồn tại của Trung Trung Đỉnh giúp xác định, củng cố cái chổ ngồi của ông Chủ tịch Hữu Thỉnh, dù đã 74 tuổi vẫn có thể giúp cho các nhà văn có một tổ chức khá ổn định, không làm phiền hà, rắc rối gì cho đảng, cho chính quyền. Vì thế Hữu Thỉnh vẫn đạt phiếu tín nhiệm nhất, cao nhất để lại tiếp tục một nhiệm kỳ mới! Cho thấy các nhà văn thật sáng suốt và dũng cảm mong muốn sự ổn định cần thiết cho đảng, cho hội đoàn của mình! 

                                     

                                                   Nguyễn Trung Dân và Trung Trung Đỉnh!

Vậy thì tại sao bảy năm chịu được, khen ngợi ( thậm chí nếu đề nghị có thể Trung Trung Đỉnh sẽ được Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xuất bản ), tin cậy như vậy mà chỉ cho có 4 ngày ( làm việc, theo QĐ đầu tiên ) để Trung Trung Đỉnh phải cuốn gói ra khỏi chức vụ ấy. Vội vã đến độ trái với lẽ thường, người về hưu còn có được vài tháng để bàn giao, chia tay vui vẻ với mọi người, chuẩn bị tâm thế nghỉ ngơi không bận rộn việc vàng! Thì có thêm vài ngày, vài tháng để kịp làm các thủ tục ấy cũng chẳng chết ai hay hư hại, phá hỏng chiến lược gì của NXB. Bức xúc Trung Trung Đỉnh hỏi mình có phải bị kỷ luật gì không, thì cả Ban chấp hành đều khẳng định không có gì. Và vậy là vội vã thay lại một quyết định khác bàn giao đến cuối tháng 8 và bàn giao cho Ban giám đốc thay vì cho một Phó Giám đốc cũng chỉ còn vài tháng đã đến tuổi hưu. 

Lẽ ra cũng đã 7 năm không chuẩn bị cho NXB có một giám đốc trẻ trung, tài năng hơn thì Ban chấp hành, hay ông Hữu Thỉnh cũng nên kiếm cho có một vị giám đốc mới đủ tài năng phát triển thay cho Trung Trung Đỉnh rồi cho ông ấy về hưu mới đúng, để NXB có thể phát triển tốt hơn. Chứ xem cách cho Trung Trung Đỉnh về hưu như vậy là mặc kệ NXB sống chết mặc bây, không cần biết NXB sẽ làm ăn thế nào, có hoang mang xáo trộn với cách làm đó không! Vì cũng chẳng ai thèm hỏi cán bộ - công nhân viên của NXB một lời, một câu về sự tồn tại, làm ăn của chúng mày ra sao khi không có giám đốc thay thế. Cho đến nay việc tìm cho ra một giám đốc cho NXB vẫn còn mù mờ mà cán bộ - công nhân viên thì không thể dừng việc chờ có giám đốc. Mà người còn lại trong Ban giám đốc thì đã được Ban chấp hành khẳng định không thể bổ nhiệm. Vậy là thế nào? Thật đúng là tít mù vòng quanh mà tên tuổi của NXB Hội nhà văn, số cán bộ - công nhân viên đang sống ở đó không hề được hỏi han, đóng góp cho cái tương lai tồn tại của mình. Vậy sự vội vã cho Trung Trung Đỉnh về hưu có ý nghĩa gì và thật sự là vì cái gì? Chắc chắn không vì sự phát triển của NXB và của Trung Trung Đỉnh! Có điều gì đó không được rõ ràng cho lắm mà cả Ban chấp hành cũng không cần phải suy nghĩ gì để dễ dàng thống nhất một quyết định tình lý không minh bạch như vậy !

Một chuyện về hưu, bình thường như mọi chuyện hưu trí của người đến tuổi. Nó có gì là quan trọng, ảnh hưởng đến xã hội bao nhiêu khi một NXB mỗi năm xuất bản chừng 300 đầu sách, hay có, dở có. Doanh thu thì không lớn hơn một hiệu phở, thì có gì là đáng nói! Nhưng nếu xem xét trên khía cạnh con người, đến sự tôn trọng cá nhân và vai trò cá nhân trong xã hội, nhất là đó lại là một nhà văn đã thành danh thì cần phải minh bạch rõ ràng khi đối xử, quan hệ. Vì nếu không có lòng tự trọng để ngẩng mặt nhìn mọi người, chấp nhận hèn kém của sự xúc phạm thì cuộc sống còn có ý nghĩa gì sau bao đóng góp cho xã hội, cho cuộc đời. Đó mới là ý nghĩa nhân văn mà các nhà văn cần phải có để tác phẩm của mình đến được với lòng người .