Một ngày sau khi báo Lao Động đăng bài “Tiểu thuyết “Chim ưng và chàng đan sọt” và “Sương mù tháng giêng”: Cuốn nào “đạo” cuốn nào?”, lần đầu tiên hai tác giả của “Chim ưng và chàng đan sọt” và “Sương mù tháng giêng” có buổi đối thoại trực tiếp với nhau vào sáng 23.8. Tại buổi làm việc, ông Uông Triều đã xin lỗi ông Bùi Việt Sỹ vì trước đó có lần đã “chửi và nặng lời” với tác giả này. Cả hai đều là hội viên Hội nhà văn VN, nên lãnh đạo Hội nhà văn VN mà chứng kiến giây phút ấy, sẽ hô lên: Tuyệt vời, tuyệt vời, sẽ trao tặng… bằng khen ngay lập tức! Có đạo văn hay không, cứ bình tĩnh, văn chương còn vênh vang sống nhờ ngân sách bao cấp, thì chẳng việc gì phải vội. Nào, bắt tay cái đã, cho thắm thiết tình quân dân như cá với nước, cá không có nước thì cá chết, mà nước không có cá thì… thì… thì… đã có… Formosa!


Vụ tranh cãi “đạo văn” giữa hai tiểu thuyết “Chim ưng và chàng đan sọt” và “Sương mù tháng giêng”:
Tác giả Uông Triều xin lỗi vì đã xúc phạm nhà văn Bùi Việt Sỹ

BÍCH HÀ

Liên quan đến một số chi tiết hư cấu giống nhau giữa hai tác phẩm “Chim ưng và chàng đan sọt” và “Sương mù tháng giêng” như Lao Động đã phản ánh, tác giả Bùi Việt Sỹ cho rằng Uông Triều đã “đạo” một số chi tiết trong tác phẩm của mình. Ông Sỹ cũng cho biết đã nhiều lần liên hệ với Uông Triều qua điện thoại để mong có câu trả lời, tuy nhiên tác giả “Sương mù tháng giêng” từ chối. “Cực chẳng đã” ông Sỹ gửi đơn phản ánh đến một số cơ quan mong vào cuộc và chỉ muốn ông Uông Triều đồng ý ra đối thoại, để làm sáng tỏ mọi việc.
Sáng 23.8, tại Báo Lao Động, ông Bùi Việt Sỹ và Uông Triều đã đồng ý đối thoại với nhau, để làm rõ hơn về vụ việc này.
Tại đây, ông Sỹ cho biết trong hơn một năm qua, từ ngày ông phát hiện và nghi ngờ cuốn “Sương mù tháng giêng” có một số chi tiết giống của mình, ông đã điện thoại cho ông Triều. Tuy nhiên, ông Triều từ chối gặp, thậm chí còn “chửi và dọa đánh” ông.
“Tôi nghi ngờ thì tôi có quyền hỏi xem sự thực như nào, nhưng ông Uông Triều không muốn gặp và còn chửi tôi là "T.s… thằng già U70, tao đến tao đánh vỡ mặt mày bây giờ". Một người trẻ, tôi chưa biết tài giỏi đến đâu, nhưng có những lời lẽ thiếu tôn trọng người lớn như thế là không được. Cũng vì như vậy mà tôi muốn làm đến cùng” – ông Sỹ nói.
Tại buổi làm việc, ông Uông Triều thừa nhận mình đã từng có những lời lẽ xúc phạm như trên với ông Sỹ khi ông Sỹ gọi điện muốn gặp để làm rõ mọi việc. Tác giả Uông Triều đã xin lỗi ông Sỹ vì có những lời lẽ đó.
Còn về lời “tố đạo văn” của ông Bùi Việt Sỹ, ông Uông Triều kiên quyết không thừa nhận. “Tôi khẳng định mình chưa từng đọc tác phẩm của ông Bùi Việt Sỹ đăng trên tạp chí Nhà văn và Tác phẩm số tháng 5.2014, nên không thể có chuyện tôi đạo văn của ông Sỹ. Về những chi tiết giống nhau trong hai tác phẩm là do giống lịch sử thôi. 70 vạn hộc lương thì sách sử cũng đã viết, về nhân vật Trần Khánh Dư thì cũng có nhiều người viết chứ không riêng gì ông Sỹ hay tôi. Cùng viết về lịch sử, các nhân vật lịch sử, nếu có giống nhau thì vì cùng tham khảo một nguồn sách sử nào đấy” - tác giả Uông Triều nói.

                                    

              Bùi Việt Sỹ "đại chiến" Uông Triều, thắng lợi thuộc về... Hội nhà văn VN?

Sau đó hai nhà văn đã cùng giở “Đại Việt sử ký toàn thư” ra soi chiếu. Về chi tiết Hội nghị Bình Than, theo chính sử (Đại Việt sử ký toàn thư) là họp vào tháng 10.1282. Tại hội nghị này, Vua Trần chưa phong cho Hưng Đạo Vương làm Quốc công tiết chế, mà đến tháng 10.1283 mới phong. Ông Sỹ nói trong “Chim ưng và chàng đan sọt”, ông đã hư cấu để hai Vua Trần phong tước vương cho Hưng Đạo Vương ngay vào đầu năm 1282 (trang 46 Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm số 5.2014 – PV).
Ông Uông Triều nói mình cũng hư cấu để hai Vua Trần phong tước vương cho Hưng Đạo Vương ngay vào đầu năm, cụ thể là vào tháng giêng là vì muốn đẩy nhanh mạch truyện, nhân hội nghị Bình Than, chứ không phải là vì “chép” theo của ông Sỹ.
Về chi tiết nhân vật Trần Khánh Dư mặc áo tơi, đội nón lá, ông Uông Triều khẳng định mình theo "Đại Việt sử ký toàn thư", chứ không lấy chi tiết này trong “Chim ưng và chàng đan sọt” của ông Sỹ. Tuy nhiên, khi cả hai tiếp tục giở sách sử ra soi chiếu, thì “Đại Việt sử ký toàn thư” viết là Trần Khánh Dư “mặc áo ngắn, đội nón lá”. Ông Triều chống chế: “Áo tơi, nón lá là trang phục truyền thống của người Việt xưa, ai chả biết chuyện đó”. Ông Sỹ phản bác lại rằng, áo ngắn mới là trang phục truyền thống, như trong sách sử đã viết. Trong “Chim ưng và chàng đan sọt” ông hư cấu “mặc áo tơi” là vì “dịch chuyển” thời gian vào mùa xuân, trời có mưa phùn, nên nhân vật trong truyện của ông đến dự hội nghị Bình Than phải mặc áo tơi (áo mưa làm bằng lá cọ khô).
Còn về đoạn Trần Khánh Dư chỉ đạo “Thứ gì cướp được thì cướp. Không cướp được thì đốt hoặc đánh chìm xuống biển” giống trong tác phẩm của ông Bùi Việt Sỹ, ông Uông Triều giải thích trong sách sử hay binh pháp, khi đánh trận trên sông, trên biển, rất nhiều vị tướng đã dùng đến kế “cướp, đốt hoặc đánh chìm tàu lương thực của giặc”, chứ không riêng gì ông Bùi Việt Sỹ có chi tiết đó.
Câu chuyện Trần Khánh Dư ngủ với một nông dân mà trong hai tác phẩm đều có, ông Uông Triều giải thích: “Trong sách sử có ghi ông Trần Khánh Dư còn ngủ với công chúa cơ mà, việc tôi hư cấu ngủ với một chị nông dân, hay cô thôn nữ là chuyện đương nhiên thôi. Chẳng có gì phải bàn cãi rằng chỉ có ông Bùi Việt Sỹ được viết thế còn ông Uông Triều không được”.
“Một lần nữa tôi khẳng định rằng tôi không đạo văn, không tham khảo tác phẩm của ông Bùi Việt Sỹ. Tôi chưa đọc “Chim ưng và chàng đan sọt”. Tôi viết về lịch sử với sự say mê, đã từng xuất bản và theo đuổi mảng văn học đề tài lịch sử nhiều năm nay. Vì vậy không có chuyện một người rất có chuyên môn đi “đạo văn” người khác. Nếu ông Sỹ không đồng ý, vẫn đi đến cùng thì tôi cũng sẵn sàng thôi. Ông Sỹ có thể mời một hội đồng, hay chuyên gia sử học, hay có thể đưa ra tòa phân định” - ông Uông Triều khẳng định.
Về phía nhà văn Bùi Việt Sỹ, ông vẫn giữ quan điểm: “Tác giả Uông Triều đã thuổng một nhánh chính là Trần Khánh Dư ở cả phần cốt truyện và chi tiết trong tác phẩm của tôi. Không thể ngẫu nhiên có những chi tiết hư cấu giống nhau như vậy. Tôi sẽ tiếp tục kiến nghị đến Hội Nhà Văn Việt Nam để Ban Kiểm tra phân định”.


Nguồn: Lao Động