Nhà văn Nguyễn Trí mơ ước trở thành người viết văn từ tuổi 16. Nhưng thời buổi chiến tranh, ly loạn, cái nghèo đeo bám thì giấc mơ chữ nghĩa cũng trở thành xa xỉ. “Có lẽ số phận đã buộc tôi phải đi một đoạn đường rất dài trần ai mới có thể quay về với chữ nghĩa được” - Nguyễn Trí nói. Có một thói quen mà trong suốt quãng đời gió bụi đó mà ông vẫn giữ, đó là vẫn đọc sách. Đọc trong tù, trong cả những ngày vất vả đào vàng, tìm trầm, đạp xích lô. Rồi “... Chao ôi là cơm áo gạo tiền! Tôi quên luôn cây bút... cho đến khi tôi gặp một loạt sự cố gia đình. Một hôm buồn tình tôi lấy cây bút và viết mươi dòng tâm sự. Hai hôm sau đọc lại thấy cũng tạm được. Tôi nghĩ sao không viết truyện xem sao. Vậy là viết... Nói chung buồn quá nên viết, viết cho vơi buồn. Vậy!”.

NGUYỄN TRÍ – TUỔI THƠ KHÔNG CÓ CÁNH DIỀU

ANH CHI

Ông từng tâm sự: “Tôi là một nhà văn ít học và không bao giờ ảo tưởng về giải thưởng. Văn chương của tôi vốn là văn chương bình dân, dành cho những người dưới đáy xã hội. Cuộc đời tôi nhiều bi kịch, chán chường, nhiều khi tôi mượn rượu để quên đi, nhưng không thể quên được...”.
Và vào độ tuổi 60, cái tuổi đã thành ông nội, ông mới bắt đầu viết cho thiếu nhi.
Câu chuyện cũng rất tình cờ, một biên tập viên của Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng biết ông qua Facebook. Họ biết ông qua các tác phẩm được giải, và giao lưu với ông. Năm 2015, ông được NXB Kim Đồng đặt viết cho các tác giả nhỏ tuổi, nhận lời nhưng rất lo lắng bởi chưa từng viết gì cho trẻ em. Ông thường viết rất nhanh, chỉ một tuần là đã xong một truyện ngắn, nhưng với cuốn sách cho trẻ em này ông phải mất bốn tháng.
Chương đầu viết xong, gửi ra NXB, Nguyễn Trí rón rén: “... Anh, chị đọc giúp và cho ý kiến thử xem. Nếu được, tôi viết tiếp còn không thì thôi vậy!”. Rồi tiếp tục, ông viết tiếp các chương sau, và gửi ra nhưng ở thư nào ông cũng không quên câu: Nếu được thì tôi viết tiếp còn không thì thôi vậy!
Gần một năm, tới tháng ba năm nay, tại Hội chợ sách TP Hồ Chí Minh, tác phẩm đầu tiên viết cho thiếu nhi của ông, “Tuổi thơ không có cánh diều” đã được ra mắt bạn đọc nhỏ tuổi.
Nguyễn Trí nói: “Tuổi thơ không có cánh diều” đích thị là tuổi thơ tôi. Tất cả hầu như bê nguyên xi đời tôi vào. Những chuyến đi, những cái chết, chuyện cắt rào của Ba Gà. Bà cụ Kiền với những cái bánh ít và cái chết của chú Ba Nở cũng như cánh diều rũ rượi trên cánh đồng là thật. Có sao tôi kể lại y khuông. Không hư cấu.
Ông đã mang “y khuông” tuổi thơ của ông vào cuốn sách, một cuốn sách nói về những đứa trẻ trong một trại gia binh thời chiến tranh.
Những trò chơi của trẻ con như đánh đáo, bắn súng cao-su, bẫy chim được mô tả thật sinh động, tâm trạng của trẻ em cũng được ông mô tả khá tinh tế: “Bỗng nhiên cu cậu mười một tuổi nghe trìu trịu một mất mát cái chi đó đang đến. Cái chi đó cậu không biết nhưng rõ ràng là có. Nó dần dần định hình. Kìa là những tiếng chinh chinh tang tang khi chơi đáo. Kìa là tiếng hô xung phong của lũ bạn chơi chiến trận trong rừng. Kìa là nhưng buổi đi dạo từ khu gia binh đến nhà thờ gỗ trong khu dinh điền... Nó hiển hiện rồi mờ xa. Cảm giác buồn làm chật cứng tâm tư Bình”.
Chỉ một chi tiết về con dao xắt thuốc lá rê trong cuốn sách, cũng đủ thấy tác giả là người hiểu rất kỹ về điều mình định kể: “... Chỉ mấy lò rèn ở An Thái, An Vinh - nơi mà xưa kia lính của vua Quang Trung rèn gươm giáo - Người thợ sẽ làm chí ít ba lưỡi dao, sao cho bén đến độ thả cọng tóc lên phải đứt hai. Bén và mỏng nên nhỡ mà vương trúng một hạt cát khi xắt lưỡi dao sẽ mẻ ngay. Loại dao nầy đắt lắm, giá cả gấp bốn lần một cây rựa đi rừng loại một”.
Những nhân vật trong chuyện của Nguyễn Trí cứ vậy, nó loanh quanh hết hàng rào kẽm gai này, tiếp tục ở hàng rào kẽm gai khác. Và chính đây cũng chính là tuổi thơ của tác giả, một tuổi thơ được quây bằng bốn phía rào kẽm gai, muốn vượt lên, vượt lên bầu trời đầy bom kia... Đoạn kết của câu chuyện, Nguyễn Trí viết như tắc nghẹn, hẫng hụt:
“Giữa một chiều hè yên tĩnh, giữa một đồng không. Phát súng vang lên nghe rõ mồn một và chú Ba Nở thả cuộn dây diều ngã uỵch xuống nền ruộng khô đầy gốc rạ. Con diều không có người điều khiển lại lạng quạng và rơi xuống. Cả bọn chạy lại chỗ chú Ba Nở nằm. Chú nằm sấp và máu chảy ướt đầm chỗ ngực”.
Chiến tranh vẫn còn đó, những chiếc trực thăng vẫn vè vè lượn quanh. Những ước mơ nhỏ bé của lũ trẻ trong khu gia binh kia, rồi cũng sẽ “lạng quạng, rơi xuống” như chiếc diều của chú Ba Nở.
Tuổi thơ của Nguyễn Trí đã đi qua cuộc chiến như vậy, ông nói: “... Tôi muốn nói với mọi người về sự tàn nhẫn của chiến tranh. Tôi đã từng đi qua những đổ nát mà chiến tranh gây nên, tôi rõ lắm tang thương của nó. Tôi muốn tất cả chúng ta hãy cố đừng để xung đột xảy ra. Có câu “đừng khinh thường việc nhỏ, lỗ nhỏ làm đắm thuyền”.
Nguyễn Trí viết khỏe, với lối viết mộc mạc, đậm chất Nam Bộ. Những tác phẩm của ông thường để lại dấu ấn riêng nhưng nó cũng là một trong những trở ngại của ông trong hành trình đến với văn học thiếu nhi vốn là một lĩnh vực luôn cần tới sự trong sáng, thanh khiết. Có người lo ngại là việc sử dụng khá nhiều phương ngữ Nam Bộ, rồi những ngôn ngữ “bụi” trong tác phẩm của Nguyễn Trí có thể khiến độc giả thiếu nhi bị khó đón nhận. Rồi nhiều người vẫn nói văn Nguyễn Trí chỉ có ưu thế tả thực, chưa nhiều chất văn. Ông hiểu được những gì mình thiếu.
Trong cuốn sách đầu tiên cho thiếu nhi này, ông đã phải vắt óc để nhớ lại núi rừng Tân Cảnh và Kon Tum cách đây năm mươi năm. Câu chuyện của ký ức dần dần hiện về, một thời thơ trẻ dãi dầu sương gió bây giờ trở thành tư liệu quý giá cho cuốn sách. Còn nữa, cũng rất vất vả khi phải chuyển “tông” qua hồn nhiên trong khi đang “dẻo” tay viết về những bất công, những bi hài của hiện thực xã hội. Nguyễn Trí than thở: “Chưa có truyện nào tôi viết lâu như truyện nầy. May mà nó xong và được xuất bản”.
Viết về thiếu nhi - tôi nghĩ - phải hết sức chân thực. Sự chân thực sẽ khiến tuổi thơ chân thành với bạn bè và người thân của mình. Từ nền móng chân thành xã hội sẽ ngày một tốt đẹp hơn. Tôi đọc một số tác phẩm viết về tuổi thơ như Tảng Sáng của Võ Quảng. Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi. Làm mèo của Trần Đức Tiến. Cha con ông Mắt Mèo của Nguyễn Thái Hải và một số tác phẩm của những nhà văn trẻ như Văn Thành Lê, Nguyễn Thị Thanh Bình, Tuyền Nguyễn... sự chân thực trong tác phẩm của họ rất cao. Khi đặt bút viết về thiếu nhi tôi không hư cấu. Và nghĩ rằng ai cũng có một thời tuổi nhỏ, viết lại cái mình đã trải, chọn lấy những chi tiết thật ấn tượng đưa vào tác phẩm thì không khó lắm. Quan trọng là phải làm sao cho thật hồn hậu và dễ hiểu.
Cuộc đời của Nguyễn Trí đã nhiều mất mát, nhưng cái ông còn đó là niềm tin.
Nguyễn Trí vẫn còn phải viết để sống và bởi một điều nữa là ông còn phải trả lời cho câu hỏi của cháu nội ông và thế hệ trẻ ngày nay: Tại sao tuổi thơ lại không có cánh diều?

Nguồn: Nhân Dân