Đối thoại cũng cần được tiến hành đúng cách, một cuộc chất vấn quốc hội công khai là hình ảnh sinh động của một cuộc đối thoại ở tầm vóc quốc gia. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã lên tiếng xin lỗi vì có phát biểu “hớ” về tình trạng an toàn thực phẩm mà người dân cho rằng “quá xem thường dân chúng”. Sự việc này cho thấy một phát ngôn cần được phản hồi ra sao và vai trò của mỗi bên trong vụ việc, nếu bức xúc của người dân không được giải tỏa thì đối thoại sẽ trở nên vô nghĩa và không đáng tin. Đối thoại cũng cần được xem là cách tốt nhất và cần thiết nhất để tránh hoặc dập tắt xung đột chứ không phải là kích động nó, vì thế nó rất cần những cái đầu lạnh, có ý thức và thiện chí giải quyết vấn đề.



ĐỐI THOẠI BẰNG NẮM ĐẤM, SỨC MẠNH HAY SỰ SỢ HÃI?

ĐÔNG NAM

1 Hai nữ sinh viên chở nhau trên xe máy lưu thông trên địa bàn Q.Gò Vấp, TP.HCM thì bị hai thanh niên chạy xe máy từ phía sau vượt lên tạt axit, cô gái điều khiển xe máy bị phỏng nặng trên mặt và hỏng một mắt, cô gái phía sau cũng bị cháy sém da. Ngày 1-4, công an đã bắt ba thủ phạm liên quan, lời khai cho biết nguyên nhân là mâu thuẫn trong quan hệ tình ái nên kẻ chủ mưu nhờ bạn trả thù, giá để thực hiện hành vi tàn độc này là 1 triệu đồng!
Đây là một trong hàng loạt vụ việc bạo lực liên quan đến ứng xử trong xã hội, dù chỉ đọc tường thuật, chúng ta không thấy khía cạnh nào được cho là “đối thoại” ở đây, phần lớn là xung đột gay gắt bằng lời nói dẫn đến các vụ ẩu đả nhau, trong đó nắm đấm và thủ đoạn xuống tay tàn độc gây đau đớn trực tiếp cho người trong cuộc được sử dụng như cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề.

2 Đối thoại - trong thói quen hình dung chung - là sự trao đổi qua lại bằng ngôn ngữ, chúng bao gồm cả những cuộc nói chuyện căng thẳng và khó khăn nhưng luôn hàm ý thúc đẩy khả năng giao tiếp để giải quyết vấn đề, vì thế đối thoại luôn mang tính tích cực nhất định. Đối thoại cũng được sử dụng như một biện pháp mang tính ý thức cao của con người, người ta sẽ đối thoại trong trường hợp có vấn đề cần giải quyết, đó không chỉ là một cuộc trò chuyện giao đãi chung chung mà còn bộc lộ tư duy nhận thức của người phát ngôn. Đối thoại có giá trị như thế nhưng tại sao chúng lại không được ưa chuộng khi giải quyết mâu thuẫn? Tại sao bây giờ người ta dễ dàng “phang” nhau đến thế?
Đó là vì đối thoại cần ít nhất có hai đối tác sẵn sàng, nếu một bên muốn thắng “ngay và luôn” thì họ có khả năng sử dụng bạo lực để chiếm thế thượng phong. Nếu người trong cuộc không đủ lý lẽ để thuyết phục đối phương, họ có khuynh hướng lấn át người khác để giành phần thắng về mình.
Đây chính là điều đáng để chúng ta suy nghĩ. Sự lép vế, yếu thế của đối thoại không phải tự dưng mà có, nó hình thành từ chính sự thất bại của đối thoại khi giải quyết vấn đề. Nhìn trên bình diện rộng hơn, khi kẻ lưu manh hay lươn lẹo sẵn sàng đạp đổ mọi lý lẽ mà không bị nghiêm trị, sự đối thoại trở nên lạc lõng và bị vô hiệu hóa.
Nếu tình trạng này xảy ra trong thời gian đủ dài, nó sẽ kích động sự tham gia tự nguyện của phần lớn đám đông. Thay vì đối thoại, người ta đánh nhau. Từ đó, một vụ va quẹt xe nhỏ nhặt cũng có thể đổ máu, một cái nhìn đểu cũng có thể khơi dậy một trận ẩu đả.
Bạo lực, oái oăm thay, giờ được coi là một dạng “đối thoại” khác, kẻ thắng có khi là kẻ mạnh chứ không phải kẻ đúng. Nhưng sức mạnh đó thực tế lại chứa đựng nỗi sợ hãi tiềm ẩn vì nó cho thấy người ta không đủ tự tin để đối thoại. Sẽ tồi tệ hơn nữa nếu người ta không tin lẽ phải có thể thắng. Chúng ta vẫn thường bảo nhau rằng “tiên hạ thủ vi cường”, “được vạ má đã sưng” như là cách tốt nhất để ra tay trước thiên hạ, bất kể sau đó mọi chuyện có thế nào, nhất là giữa chốn thanh thiên bạch nhật thì nhất định không thể mất mặt được.
Tiềm thức đó nếu xét tường tận chẳng thể nào được xem là mạnh mẽ, trái lại nó phản ánh sự yếu đuối của một người lúc nào cũng thủ thế, không có niềm tin vào sự công bằng, chỉ biết phản ứng tức thì trước mắt, thậm chí sẵn sàng phủ nhận sự thật hay vu vạ dối trá để ăn thua.

3. Đối thoại cũng cần được tiến hành đúng cách, một cuộc chất vấn quốc hội công khai là hình ảnh sinh động của một cuộc đối thoại ở tầm vóc quốc gia. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã lên tiếng xin lỗi vì có phát biểu “hớ” về tình trạng an toàn thực phẩm mà người dân cho rằng “quá xem thường dân chúng”. Sự việc này cho thấy một phát ngôn cần được phản hồi ra sao và vai trò của mỗi bên trong vụ việc, nếu bức xúc của người dân không được giải tỏa thì đối thoại sẽ trở nên vô nghĩa và không đáng tin. Đối thoại cũng cần được xem là cách tốt nhất và cần thiết nhất để tránh hoặc dập tắt xung đột chứ không phải là kích động nó, vì thế nó rất cần những cái đầu lạnh, có ý thức và thiện chí giải quyết vấn đề.
Đối thoại không phải là mục tiêu mà là phương pháp, không thể bảo người ta nói chuyện với tôi đi, mà anh chẳng biết phải nói gì. Đây là một kỹ năng cần được rèn giũa lâu dài và phải được “tắm” trong một môi trường có sự đối thoại đúng nghĩa trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội. Thực tế, đối thoại chưa trở thành một phần quan trọng trong ứng xử xã hội ta, điều này là đáng lo ngại, xét một cách sâu xa, nó phản ánh sự lung lay của đạo lý và cao hơn là sự mất niềm tin vào đối thoại để tìm ra điều đúng đắn hay công lý của xã hội.
Khi nắm đấm thay mặt lẽ phải để xử lý mâu thuẫn, hay một vụ việc tranh chấp cần được tranh tụng tại tòa lại nhờ tới xã hội đen để giải quyết thì điều đó chỉ có nghĩa kỷ cương phép nước đã yếu kém và bạo lực lại hóa thành biện pháp cần thiết. Cho nên, con người thay vì đấu tranh cho lẽ phải lại hóa thành sinh vật thích nghi với cuộc sống (bất kể dở hay, tốt xấu) miễn là tồn tại.
Vì thế, điều quan trọng là giáo dục nhận thức, kỹ năng đối thoại, đồng thời tạo điều kiện thực hiện những cuộc đối thoại trong xã hội để thúc đẩy con người lựa chọn hành vi trao đổi tích cực này trong việc giải quyết các mối xung đột.

Nguồn: Tuổi Trẻ Cuối Tuần