Số tiền bản quyền 550 triệu đồng là sự thật hay một trò PR, xin nhường cho cơ quan thuế làm sáng tỏ. Theo quy định hiện hành, thu nhập bất thường từ 2 triệu đồng trở lên, đều phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Nếu công ty Tân Việt trả 550 triệu, thì ông Nguyễn Huy Hoàng kê khai và nộp thuế ra sao? Không lẽ công chức của ngành văn hóa mà lại… trốn thuế ư? Ngoài mấy ý kiến tán dương rất vớ vẩn in trong sách như lời rao bột ngọt rất có ích cho sức khỏe, thì điểm độc đáo duy nhất của “Quà cho con” là cái lời… cảm ơn. Tác giả viết lời cảm ơn dài loằng ngoằng, kín cả hai trang sách, cảm ơn từ lãnh đạo bộ ngành, đến sư sãi đến bá tánh. Còn nội dung của “Quà cho con”, nếu được ca ngợi là thơ, thì Bộ Văn Hóa nên đổi tên thành Bộ Tiêu Hóa!

QUÀ CHO CON, QUÀ CHO BỐ VÀ HIỂM HỌA VĂN HÓA

LÊ THIẾU NHƠN

Vụ cuốn sách “Quà cho con” ra mắt ầm ĩ và công bố giao dịch bản quyền lên đến 550 triệu đồng, nhiều người đã ngạc nhiên tán thưởng và nhiều người đã tức giận phê phán. Thiết nghĩ, nói thêm điều gì cũng bằng thừa cho một thương vụ đầy thị phi. Thế nhưng, mới đây tác giả cuốn sách – Nguyễn Huy Hoàng, đã trả lời phỏng vấn về việc công ty Tân Việt móc túi chi cho ông khoản tiền khó hiểu kia, rằng: “Đây là nhà sách trân trọng tôi, trân trọng giá trị văn hóa truyền thống, vì tương lai trẻ em chứ không đơn thuần chỉ là chuyện mua bán. Khi biết trân trọng chính mình, trân trọng văn hóa Việt, trân trọng con người Việt thì giá trị sẽ là bao la”. Thái độ lạc quan tếu ấy vừa ngạo mạn vừa buồn cười. Vì vậy, chẳng đặng đừng, phải bàn một chút “Quà cho con” hay quà cho…bố, và những hiểm họa có thể gây ra cho môi trường văn hóa.

Trước hết, “Quà cho con” được in rất đẹp, minh họa bắt mắt, và giá bán đến 89 ngàn đồng. Thế nhưng, dù cuốn sách tự quảng cáo “100 bài thơ mộc mạc, 100 kỹ năng để đời” thì cũng chỉ là những câu gán ghép ngô nghê và ngớ ngẩn. Tuy nhiên, nó lại được đẩy lên thành một hiện tượng, thì phải truy vấn ba nguyên nhân.

Thứ nhất, đơn vị cấp giấy phép là NXB Hội Nhà Văn. Nhiều năm nay uy tín của NXB Hội Nhà Văn đã giảm sút trầm trọng. Với một ấn phẩm như “Quà cho con” thì độc giả càng vững tin để xác định: muốn tìm thơ dở hay thơ thối, không cần đi đâu xa, cứ đến NXB Hội Nhà Văn!

Thứ hai, chức thư ký của Thứ trưởng cũng chỉ là một dạng chuyên viên, chưa đáng để doanh nghiệp nào phải xu nịnh. Thế nhưng, khi đích thân Thứ trưởng ra mặt ủng hộ việc làm của thư ký thì cuộc mua bán bản quyền, dù vô tình hay dù cố ý, thì cũng đã có màu sắc lợi ích quan quyền!

Thứ ba, số tiền bản quyền 550 triệu đồng là sự thật hay một trò PR, xin nhường cho cơ quan thuế làm sáng tỏ. Theo quy định hiện hành, thu nhập bất thường từ 2 triệu đồng trở lên, đều phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Nếu công ty Tân Việt trả 550 triệu, thì ông Nguyễn Huy Hoàng kê khai và nộp thuế ra sao? Không lẽ công chức của ngành văn hóa mà lại… trốn thuế ư?

                                        

                                           Lời cảm ơn in kín hai trang sách!
Ngoài mấy ý kiến tán dương rất vớ vẩn in trong sách như lời rao bột ngọt rất có ích cho sức khỏe, thì điểm độc đáo duy nhất của “Quà cho con” là cái lời… cảm ơn. Tác giả viết lời cảm ơn dài loằng ngoằng, kín cả hai trang sách, cảm ơn từ lãnh đạo bộ ngành, đến sư sãi đến bá tánh. Còn nội dung của “Quà cho con”, nếu được ca ngợi là thơ, thì Bộ Văn Hóa nên đổi tên thành Bộ Tiêu Hóa! 

 Trích dẫn “Quà cho con” chỉ xúc phạm những người yêu thơ chân chính. Chỉ cần đọc những câu mở đầu “Cái miệng xinh xắn ngọt ngào/ Sinh ra là để xin chào, hê lô (hello)” thì đủ biết người ta “trân trọng giá trị văn hóa truyền thống” ( theo lời ông Nguyễn Huy Hoàng) như thế nào! Mặt khác, không thể biện minh viết đơn giản cho gần gũi quần chúng. Bởi lẽ, cái gọi là “100 bài thơ mộc mạc” không có bài nào so được với các loại vè mà nông dân ngâm nga lúc nông nhàn. Ví dụ, lão nông Nguyễn Viết Chộp ở Hải Dương cổ súy trồng cà dái dê: “Bà con toàn thể xã ta. Đồng tâm phấn khởi giồng cà dái dê. Dái dê to mập dài ghê. Sang năm ta cứ dái dê ta trồng”. Thế nhưng, lão nông Nguyễn Viết Chộp cũng như hàng ngàn, hàng vạn lão nông khác không bao giờ in thành tập thơ, vì họ có lòng tự trọng!

Chuyện cực kỳ khó khăn của những ai có quyền chức là làm chủ bản thân trước những hành vi vuốt ve, xun xoe, tâng bốc vì nhiều mục đích đen trắng khác nhau. Nhất là dính líu đến nghệ thuật, rất dễ sa vào cạm bẫy ton hót, mua chuộc quan hệ. Trường hợp “Quà cho con” còn dẫn dụ đến một hiểm họa nữa, đó là kiến tạo sự hoài nghi về năng lực thẩm mỹ thực sự của giới lãnh đạo trong xã hội nhiễu nhương. 

Hãy nhớ lại chút hương vị lịch sử bi thảm. Khi Saddam Hussen còn tột đỉnh vinh quang ở Iraq, những tên nô tài đã xúi giục ông ấy xuất bản tiểu thuyết. Chẳng biết, Saddam Hussen tự viết hay nhờ người khác viết dùm, mỗi năm đều có tiểu thuyết ký tên Saddam Hussen ấn hành như một sự kiện văn hóa chấn động trên lãnh thổ Iraq. Công chức Iraq xếp hàng rồng rắn để được mua tiểu thuyết của Saddam Hussen, còn các vị giáo sư hay tiến sĩ thì đua nhau bái tụng ông ấy như một thiên tài cầm bút. Bây giờ chế độ Saddam Hussen không còn nữa, và người ta nhắc đến tiểu thuyết của Saddam Hussen như một sự tủi nhục!