Nhà văn – nhà báo Trần Văn Tuấn có gần 30 năm làm báo Sài Gòn Giải Phóng, từ vị trí phóng viên lên đến chức Phó Tổng Biên tập, nên ông không xa lạ gì với kỹ nghệ làm báo và hậu trường nghề báo. Tuy nhiên, điều làm nên sức hấp dẫn cho “Thông tin đa chiều” chính là văn phong linh hoạt và hóm hỉnh của tác giả. Phải thừa nhận, có nhiều chương được Trần Văn Tuấn viết rất khéo léo. Trong hàng chục gương mặt xuất hiện trong “Thông tin đa chiều”, Trần Văn Tuấn chỉ cần chấm phá vài nét là bạn đọc đủ sức nhận diện nhân vật như ông thủ trưởng Hai Tạ người thấp đậm nhưng nhanh nhẹn, luôn quăng mình ra khỏi xa hơi lẹ hơn người khác 5 giây. Cũng có nhân vật, Trần Văn Tuấn khai thác thói quen của họ để phác thảo chân dung, như cô Hoa làm thư viện có sự thay đổi tính cách qua câu cửa miệng, từ “ối giời ơi” sang “giời ơi là giời”.


NHÂN VẬT ĐA DẠNG TRONG “THÔNG TIN ĐA CHIỀU”

LÊ THIẾU NHƠN

Nhà báo viết văn không ít, mà nhà văn tham gia làm báo cũng không ít, nhưng tác phẩm văn chương viết về nghề báo lại không nhiều. Vì sao? Vì nghề báo gắn liền với sự kiện và trôi dạt theo sự kiện, rất khó tìm được khoảnh khắc để neo lại. Tài năng cỡ như Vũ Bằng, cũng chỉ chọn thể loại hồi ký để viết về nghề báo, qua cuốn sách nổi tiếng “Bốn mươi năm nói láo”.

Trong văn học thế giới, cũng rất hiếm hoi những tác phẩm viết về nghề báo. Được nhiều người đón đọc nhất có lẽ là tiểu thuyết “Quyền lực thứ tư” (The fourth estate) của Jeffrey Archer. Ông nhà văn sinh năm 1940 này cũng là một chính trị gia, ở tuổi 30 đã lừng lẫy trong Hạ viện Anh. “Quyền lực thứ tư” cùng với “Truy tìm bức tranh thánh” là hai tác phẩm ăn khách bậc nhất của Jeffrey Archer.
Tiểu thuyết “Quyền lực thứ tư” được Jeffrey Archer xây dựng trên dữ liệu lịch sử đầy cảm hứng: “Tháng 5-1789, vua Pháp – Louis XVI triệu tập đại diện của các đẳng cấp đến họp tại cung điện Versailles. Đẳng cấp thứ nhất gồm 300 nhà quý tộc. Đẳng cấp thứ hai gồm 300 chức sắc tăng lữ. Đẳng cấp thứ ba gồm 600 thường dân. Vài năm sau Cách mạng Pháp, Edmund Burke nhìn lên khu vực dành cho giới báo chí trong Hạ viện, nói: Trên đó là đẳng cấp thứ tư, và họ nắm giữ quyền lực nhiều hơn mọi đẳng cấp khác!”.

Ở nước ta, báo chí không được định dạng như “quyền lực thứ tư”, do đó cũng không dễ có được tiểu thuyết như Jeffrey Archer. Cách đây hơn 10 năm, nhà văn- nhà báo Trần Chiến từng có tiểu thuyết “Đèn vàng” khá xôn xao. Dịp 21-6 năm nay, nhà văn- nhà báo Trần Văn Tuấn giới thiệu tiểu thuyết “Thông tin đa chiều” đến bạn đọc.

Tiểu thuyết “Đèn vàng” được Trần Chiến viết theo cấu trúc quen thuộc, có nhân vật chính Vĩnh và vun đắp tác phẩm xoay quanh vui buồn của Vĩnh. Ngược lại, tiểu thuyết “Thông tin đa chiều” của Trần Văn Tuấn lấy báo S làm trung tâm, và diễn biến câu chuyện theo từng nhân vật, từng sự kiện. Khoảng thời gian trong “Thông tin đa chiều” kéo dài từ 1980 đến 2004, tác giả giải quyết từng chương theo kiểu kịch tình huống hoặc phim sitcom. Có thể đọc liền mạch và cũng có thể đọc từng chương.

Nhà văn – nhà báo Trần Văn Tuấn có gần 30 năm làm báo Sài Gòn Giải Phóng, từ vị trí phóng viên lên đến chức Phó Tổng Biên tập, nên ông không xa lạ gì với kỹ nghệ làm báo và hậu trường nghề báo. Tuy nhiên, điều làm nên sức hấp dẫn cho “Thông tin đa chiều” chính là văn phong linh hoạt và hóm hỉnh của tác giả. Phải thừa nhận, có nhiều chương được Trần Văn Tuấn viết rất khéo léo. Trong hàng chục gương mặt xuất hiện trong “Thông tin đa chiều”, Trần Văn Tuấn chỉ cần chấm phá vài nét là bạn đọc đủ sức nhận diện nhân vật như ông thủ trưởng Hai Tạ người thấp đậm nhưng nhanh nhẹn, luôn quăng mình ra khỏi xa hơi lẹ hơn người khác 5 giây. Cũng có nhân vật, Trần Văn Tuấn khai thác thói quen của họ để phác thảo chân dung, như cô Hoa làm thư viện có sự thay đổi tính cách qua câu cửa miệng, từ “ối giời ơi” sang “giời ơi là giời”.

Tiểu thuyết “Thông tin đa chiều” đọc vui và cũng có nhiều điều đáng suy ngẫm. Bởi lẽ, bối cảnh Trần Văn Tuấn tập trung phản ánh chính là giai đoạn báo chí chuyển mình cùng đất nước đổi mới. Cái tư duy bao cấp được cải hoán và thay thế bằng cái tư duy thị trường. Thân phận nhà báo sống giữa trung tâm thời cuộc, họ thấm thía hết, họ thấu hiểu hết, họ chia sẻ hết và cũng cũng nếm trải hết. Đồng tiền thay cho tem phiếu, thông tin phải khác và đã khác như thế nào, luôn tác động mạnh mẽ vào mỗi nhà báo. Và điều quan trọng nhất mà Trần Văn Tuấn muốn làm sáng tỏ là trong làng báo cũng có hàng trăm loại người khác nhau, có người làm báo như một lý tưởng và có người làm báo như một… chỗ dựa nhằm tìm kiếm lợi ích từ thiên chức của mình.

Không chủ đích thần thánh hóa nghề báo, nên Trần Văn Tuấn có những trang văn rất gần gũi và ấm áp. Nhà báo cũng có những mưu cầu như người bình thường, cũng có người cao thượng, cũng có người nhỏ nhen. Và giữa vòng xoáy danh lợi, những gì phía trên mặt báo và những gì phía dưới mặt báo, luôn ngổn ngang bao nhiêu khóc cười. Lòng yêu nghề luôn bị thử thách, và sự lương thiện luôn bị thử thách. Chỉ cần có chút quan tâm đến làng báo, sẽ thấy những nhân vật của Trần Văn Tuấn như Ba Bình, Lê Khắc Khổ, Bảnh Chọe hay Tứ Tiếu đều là những phiên bản từ thực tế rộn ràng hôm nay. Họ đến với nghề báo, họ chìm vào nghề báo và họ tan biến vào nghề báo. 

“Thông tin đa chiều” là bức tranh báo chí Việt Nam tự đột phá để vươn lên chuyên nghiệp. Cho nên, bài toán giữa chức năng tuyên truyền và nhu cầu bạn đọc, được đặt ra thường xuyên và đau đáu. Có thể minh định điều này qua cuộc sát hạch của ông thủ trưởng Hai Tạ dành cho chàng trai lái tàu miền sông nước Lê Đại Sách muốn theo đuổi nghề báo: “Ông Hai Tạ hỏi gã: Cậu biết gì về nghề báo?. Gã nói ngay: Mẹ cháu bảo, làm báo cũng giống như gãi ngứa. Gãi đúng chỗ người ta khen. Gãi không đúng chỗ, người ta đánh bỏ mẹ… Ông Hai Tạ hài lòng: Về ban Kinh tế…”. 

Hơn 400 trang sách “Thông tin đa chiều” được nhà văn – nhà báo Trần Văn Tuấn chia làm ba phần. Phần một: Người với Việc. Phần hai: Việc với Người. Phần ba: Người Với Người. Thẳng thắn mà đánh giá, 18 chương của phần một và 10 chương của phần hai đều thuyết phục. Thế nhưng, 14 chương của phần ba lại hơi vụng về và nao núng. Lý do không khó hiểu, phần một và phần hai nói về giai đoạn báo chí bao cấp và báo chí đổi mới, tác giả dự phần sâu sắc nên nắm bắt tỉ mỉ. Còn phần ba có tham vọng phân tích báo chí thị trường với sự tác động của những công ty truyền thông vào đời sống xuất bản, tác giả không rành mạch những ngõ ngách giai đoạn này nên không thể mổ xẻ câu chuyện một cách điêu luyện và uyển chuyển như hai phần trước. Nếu chỉ dừng lại ở hai phần Người Với Việc và Việc Với Người, gói ghém trong độ dày 300 trang, thì “Thông tin đa chiều” gọn gàng hơn và hoàn chỉnh hơn.

Xin được nhắc lại, tiểu thuyết viết về nghề báo rất khó thành công. Viết được như Trần Văn Tuấn đã là rất giỏi. Trong sự xuôi chảy của sự kiện hàng ngày, biết chọn khoảnh khắc để văn chương hóa nghề báo luôn đòi hỏi tài năng và kinh nghiệp của tác giả. Trần Văn Tuấn có cả hai, để có được “Thông tin đa chiều” với nhân vật đa dạng.

Không nói ra có lẽ bạn đọc cũng hiểu, cả nhà văn – nhà báo Trần Văn Tuấn và NXB Trẻ đều bị sự thúc ép của thời gian để ra mắt “Thông tin đa chiều” cho kịp tiến độ. Vì vậy, thiếu sót ở khâu bản thảo khó tránh khỏi. “Thông tin đa chiều” rất nhiều lỗi mo-rát, và đôi khi nhầm lẫn tên nhân vật. Ví dụ, nhân vật nhà báo mê truyện chưởng có biệt danh “Đông Tây hiệp khách” ở phần một tên là Lê Công Dũng thì ở phần hai bỗng tên là… Lê Đăng Dũng! Tất nhiên, sai sót vặt vãnh ấy chỉ cần chỉnh sửa nhẹ nhàng ở lần tái bản!  
                                                           .