Ông Nguyễn Xường, một thợ bạc tại Thái Bình lấy tờ "Khoa học tạp chí" làm gối đầu giường. Ông Xường đã lưu giữ đủ 232 số báo ra trong 10 năm. Ông coi đó là “của gia bảo” trong gia đình. Khi giặc Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng vào Thái Bình, ông Xường đã đem xếp gọn 232 số báo ấy vào phuy xăng, gắn kín rồi chôn xuống đất. Năm 1954, hòa bình lập lại, đào phuy lên, những tờ báo vẫn nguyên vẹn. Biết tin ông Nguyễn Công Tiễu không giữ được đủ các số báo "Khoa học tạp chí", ông Xường đã cho con trai mang báo ra Hà Nội biếu tận tay chủ bút tờ báo để tỏ lòng biết ơn…



NHÀ KHOA HỌC THẾ CHẤP TÀI SẢN ĐỂ LÀM BÁO

KIỀU MAI SƠN

Ngôi mộ của nhà báo Nguyễn Công Tiễu nằm khiêm nhường giữa nghĩa trang Thanh Tước (huyện Mê Linh, Hà Nội). Ít ai biết ngôi mộ không ảnh đó, với mấy dòng chữ giản đơn, lại là nơi yên nghỉ của một nhà báo có đóng góp đáng kể nhất trong việc nâng cao dân trí ở lĩnh vực báo chí. Đã mang lấy nghiệp vào thân Thấy được sức lan tỏa của hình thức phổ biến kiến thức khoa học qua báo chí, Nguyễn Công Tiễu quyết định ra cùng lúc 2 tờ báo là “Khoa học tạp chí” cho đối tượng rộng rãi và “Vệ nông báo” dành riêng cho nông dân.
PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn học đã mấy lần nhắc tôi lưu ý tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của nhà khoa học Nguyễn Công Tiễu. Tôi đã tìm tới Hội Người mù Việt Nam trên phố Nguyễn Thái Học (Hà Nội), nhưng rồi cũng chỉ nhận được cái lắc đầu. “Bác qua đời 40 năm rồi, chúng tôi cũng không có liên hệ”. “Khoa học tạp chí” là tờ báo đầu tiên Nguyễn Công Tiễu đảm nhận trách nhiệm. Vậy mà, đầu thế kỷ, lực lượng các nhà khoa học còn mỏng, nói như ai đó là các nhà khoa học quá mỏng chỉ đếm trên đầu ngón tay, nên ông phải bao sân hết thảy.
Thủy Tiên trang, nhà riêng của ông trở thành trụ sở tòa soạn. Nguyễn Công Tiễu lại đem tài sản của gia đình ra thế chấp và vay nặng lãi để làm báo. Thật đúng là “đã mang lấy nghiệp vào thân”. Không có tiền thuê người làm, một mình Nguyễn Công Tiễu đảm nhiệm tất cả công việc từ chủ nhiệm, chủ bút, phóng viên, biên tập viên cho đến cả người sửa morat. Các công việc thuộc lĩnh vực trị sự như cân đối thu chi, trả nhuận bút cho cộng tác viên cũng đều do một tay ông thực hiện. Thậm chí, tiếp đón bạn đọc bốn phương về tòa soạn để hỏi các vấn đề, xin hỗ trợ chuyên môn ông cũng chẳng từ nan. Cái thưở ban đầu ấy, viết báo khoa học nào đâu đã rõ ràng như ngày nay, hành văn còn là một thứ văn chương biền ngẫu lòng thòng như rau muống, thuật ngữ chuyên môn còn chưa có. Mỗi bài báo viết ra, tác giả phải vật lộn với thuật ngữ, với ngôn từ cho phù hợp với đại chúng đông đảo, mà phần đông là mới qua xóa mù chữ.
Vậy nhưng, nhà báo Nguyễn Công Tiễu không nản chí, ông vừa đặt mua các loại sách báo khoa học từ bên Pháp sang vừa vắt óc suy nghĩ dịch ra các thuật ngữ chuyên môn gần gũi với bạn đọc, để phù hợp với đối tượng bạn đọc mua báo của mình. "Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân". Ông trời không phụ tấm lòng hảo tâm của con người có ý chí. Tờ “Khoa học tạp chí” duy trì được chẵn 10 năm, từ 1931 đến tháng 8/1941, thì mới phải đóng cửa. Lý do là bởi đôi mắt ông Nguyễn Công Tiễu đã lòa. Đó là hậu quả từ những tháng ngày miệt mài truy tìm bí mật của bèo hoa dâu dưới ống kính hiển vi và những đêm cặm cụi sửa bản in thử báo với những con chữ nhỏ li ti dưới ánh đèn đêm khuya để kịp đưa tới nhà in, ra báo...
Tuy nhiên, tâm huyết dành cho tờ báo khoa học của ký giả Nguyễn Công Tiễu được đền đáp. Nhiều bạn đọc đã háo hức đón đợi tờ báo Khoa học tạp chí của Nguyễn Công Tiễu. Nhà văn hóa Hữu Ngọc, năm nay sắp bước vào tuổi 100, vẫn nhớ như in ấn tượng đợi chờ từng số báo "Khoa học tạp chí" để đọc chung nhau rồi tranh luận cùng nhau. Thậm chí, nhiều bạn đọc, nhờ áp dụng những điều do “Khoa học tạp chí” dạy ấy mà nuôi sống được cả gia đình của mình. Cụ thể, đó là trường hợp ông Nguyễn Xường ở Thái Bình, nhờ tiếp thu được những kiến thức trong “Khoa học tạp chí” mà đã tự nấu được xà phòng, trở thành “nhà khoa học chân đất”, biết làm và biết sửa nhiều đồ dùng trong sinh hoạt. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Xường còn giải đáp được nhiều điều hữu ích cho bạn bè và con cháu: đào giếng, giữ vệ sinh, dùng thuốc đau mắt để chữa khỏi bệnh “toét mắt” rất phổ biến ở nông thôn thời đó, đẩy lùi câu ca “toét mắt là bởi hướng đình, cả làng toét mắt chứ mình gì em”.
Nguyễn Công Tiễu (1892 - 1976) quê ở làng Trà Bồ, xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên ngày nay. Thuở nhỏ ông học chữ Nho, lớn lên được học chữ Quốc ngữ. Cuộc đời làm khoa học của ông ngắn bó với nông dân, với sản xuất nông nghiệp, ông tự đặt tên chữ là Minh Nông, ngụ ý muốn là gà gáy sáng gọi nông dân ra đồng. Tốt nghiệp trường Cao đẳng Nông lâm năm 1912. Với kiến thức khoa học và am hiểu thực tiễn sản xuất của nông dân, ông viết bài về bèo hoa dâu gửi Hội nghị khoa học Thái Bình Dương mở rộng, bài viết được đăng kỷ yếu của hội nghị, gửi các Viện Hàn lâm khoa học.
Chẳng bao lâu sau đó, Nguyễn Công Tiễu là hội viên người Việt duy nhất trong Hội đồng nghiên cứu khoa học ở Đông Dương. Là nhà khoa học được đi nhiều nơi trên thế giới, đến đâu ông cũng chú ý tìm xem những giống cây có thể đem về trồng ở nước mình. Nghiên cứu cây trồng phát hiện giống mới, đồng thời ông cũng nghiên cứu kỹ thuật phòng chống các loại côn trùng có hại.
Từ những năm 1930, ông đã thuyết trình ở Hội nghị nông học nhiệt đới và á nhiệt đới về bèo hoa dâu và giống cá “đục đê” (bé bằng ngón tay mà đục thủng đê) để rồi, chính ông đã tìm ra thứ lá để trị nó... “Sáng tay thay mắt” Khi đôi mắt lòa hẳn, “sáng tay thay mắt”, ông Nguyễn Công Tiễu đọc và viết bằng tay với chữ đục nổi trên bìa cứng dành cho người mù. Là Chủ tịch đầu tiên Hội Người mù Việt Nam, ông sốt sắng tuyên truyền học chữ nổi đối với người mù. Thời trẻ, ông chuyên tâm nghiên cứu và phổ biến kiến thức khoa học về cây trồng, đặc biệt là bèo hoa dâu, với các công trình: Những điều bí mật về bèo hoa dâu (1934), Khảo cứu về bèo hoa dâu (1934), “Những kỳ quan vũ trụ” (1929) - nghiên cứu về các loài thảo mộc...
Về già, mặc dù tuổi cao, mắt đã lòa, những nhờ có trí nhớ kỳ diệu, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học. Ông đã đọc cho thư ký viết tập sách “Xem cây mọc dại biết loại đất hoang”, tập sách có tới 171 loại cây cỏ, với đủ tên Việt và tên khoa học… Tự vịnh về cuộc đời mình, ông viết: “Chí làm khoa học không già/ Trở về vườn cũ vẫn là khuyến nông” (Trần Lê Văn dịch)....