Trước thềm Đổi mới, khi đất nước chuẩn bị chuyển mình, đã 56 tuổi, ở tuổi nghỉ hưu, nhà báo Lý Thị Trung đã tổ chức xuất bản Báo Phụ nữ Thủ đô. Số báo đầu tiên ra mắt vào 19/8/1986. Nhà báo Lý Thị Trung tên thật là Nguyễn Thị Minh Ngọ. Đó cũng là năm sinh của bà: Canh Ngọ 1930. Con gái một gia đình công chức khá giả, bố quê Hưng Yên, mẹ quê quan họ Bắc Ninh, 16 tuổi, bà thoát ly gia đình theo kháng chiến. Hoạt động cách mạng phải thay tên họ, bà lấy tên làng của mẹ - làng Thị Trung, để đặt bí danh. Yêu vị nữ vương Lý Chiêu Hoàng, nên bà lấy họ Lý. Cái tên Lý Thị Trung theo bà từ đó đến nay đã 70 năm.... 


MỘT MÌNH RA BÁO THẬT LÀ NGÔNG

KIỀU MAI SƠN

Học viên trường báo chí đầu tiên
 19 tuổi, Lý Thị Trung được đồng chí Hoàng Ngân, Bí thư Phụ nữ Cứu quốc Trung ương cử đi học trường viết báo Huỳnh Thúc Kháng do nhà báo Đỗ Đức Dục làm giám đốc. Nguyên do, truyện ngắn “Chú tiểu bình” được đăng trên tờ báo viết tay của Đoàn Tuyên truyền của Phụ nữ Cứu quốc. Bà Hoàng Ngân đọc được và khen ngợi. Dù chưa từng gặp Lý Thị Trung bao giờ song nhớ ra trong Đoàn tuyên truyền có một người phụ nữ viết báo, tác giả truyện ngắn “Chú tiểu bình” nên chỉ định đi học. Khóa đầu tiên có 43 học viên, Lý Thị Trung là một trong 3 học viên nữ. Các thầy giảng dạy có vị là nhà lãnh đạo cách mạng như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Xuân Thủy; về chuyên môn là các thầy Đỗ Đức Dục, Tú Mỡ, Đồ Phồn, Như Phong... Tốt nghiệp, Lý Thị Trung chính thức bước vào nghề báo chuyên nghiệp. Bắt đầu với báo “Chiến sỹ”, rồi báo “Quân địa phương” (Bộ Tư lệnh Quân khu 4). Gần 70 năm trôi qua, điểm lại danh sách lớp học, nhiều người thành danh và cũng có nhiều người không theo nghiệp báo. Riêng bà Lý Thị Trung vẫn gắn bó với nghề. Ngoài Hội Nhà báo Việt Nam, bà còn được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội. Hàng tháng, bà vẫn đều đặn tham dự sinh hoạt thường kỳ nghiệp vụ tại Hội Nhà văn Hà Nội.
Nữ phóng viên đầu tiên của Báo Thủ đô
Sau ngày về Hà Nội, với kiến thức trong lớp viết báo Huỳnh Thúc Kháng (1949) và những ngày làm báo ở Liên khu IV, bà trở thành phóng viên của Báo Thủ đô (Hà Nội mới ngày nay). Nhưng ban đầu, do Tổng Biên tập và 2 Phó Tổng biên tập đều đi vắng, bà được đưa tạm về nhà in làm nữ công nhân xếp chữ. Từng làm báo trong kháng chiến nhiều năm, nhà báo Lý Thị Trung xếp được cả chữ chì, khắc được cả bản khắc... mà không nề hà. Cho đến một hôm Phó Tổng Biên tập Lê Hưng xuống nhà in, trông thấy liền nói: “Tại sao làm báo mà lại đi xếp chữ?”. Rồi ông đưa Lý Thị Trung lên làm phóng viên, ở Ban Thời sự làm tin trong nước, cùng tổ còn có nhà báo Hàm Châu làm tin quốc tế và nhà báo Phạm Sáu làm tổ trưởng (Trưởng ban). Từ đây, Lý Thị Trung là phóng viên nữ duy nhất trong tờ Thủ đô và làng báo Hà Nội. Yêu nghề, là mẹ của 5 đứa con nhỏ, nhưng bà không quản ngại đạp xe hàng chục cây số để lấy tư liệu viết bài. Đó là tấm gương Hội trưởng Phụ nữ xã Giang Biên, huyện Gia Lâm - nay là quận Long Biên: chị Nguyễn Thị Định. Chồng đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam, ở lại hậu phương, chị vừa vừa chăm mẹ chồng và con nhỏ; vừa theo học phổ thông. Là người vợ đảm đang, người con dâu hiền thảo, chị vẫn công tác giỏi, kết quả học tập đạt loại xuất sắc. Qua bài viết của Lý Thị Trung trên Báo Thủ đô, chị Định đã được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người.
Đến tuổi hưu vẫn quyết ra báo
Viết về nhà báo Lý Thị Trung, Tổng Biên tập báo Phụ nữ Thủ đô Trần Thị Thu Hằng ghi nhận: “Là 1 trong 2 người quan trọng đặt nền móng cho Báo Phụ nữ Thủ đô, ngay từ khi báo ra đời, đã xác định một hướng đi đổi mới: viết và in những gì bạn đọc muốn đọc, cung cấp cho bạn đọc những tri thức cần thiết, vì vậy bạn đọc ngày càng yêu mến báo”....
Nhiều thế hệ phóng viên vẫn gọi bà là Tổng biên tập đầu tiên của Báo Phụ nữ Thủ đô, song nhà báo Lý Thị Trung vẫn luôn khiêm nhường từ chối. Bà kể rằng, phải gọi cho đúng là người phụ trách, mà người phụ trách trên bà là “chị Phương Kim Dung - Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội”. Đó là năm 1986, bà Lý Thị Trung đã 56 tuổi. Một hôm, bà Phương Kim Dung hỏi: “Một mình chị Trung có ra được báo không?”. Nhiều năm công tác tại Hội LHPN Hà Nội, mong mỏi được ra một tờ báo truyền tải tiếng nói của chị em phụ nữ Thủ đô nên đúng dịp này bà Trung nhận lời. Vậy nên, dù người không có, tiền không có, giấy không có… bà vẫn quyết định phải ra báo. Gặp phải muôn vàn khó khăn, chẳng có trụ sở, chẳng có bộ khung, chẳng có Ban Biên tập, chẳng có Thư ký tòa soạn. Một thân một mình bà Lý Thị Trung lo từ A-Z, đến cửa này, chạy sang cửa kia, vận dụng mọi mối quan hệ. Cùng xắn tay với bà lo việc ra báo là bà Phương Kim Dung. Thế rồi, mọi chuyện cũng lọt. Ngày ấn định ra số báo đầu tiên cũng đã được quyết định: 19/8/1986. Ngày ra báo đã được ấn định xong thì phải lo đến nội dung số báo đầu tiên. Lại hỏa tốc đặt bài. Vì yêu quý Lý Thị Trung nên các tác giả Hồ Phương, Giang Quân, Mai Ngữ, Bích Thuận, Thanh Hương, Ngọc Hải… đều nhiệt tình viết bài cộng tác. Là một trong hai người quan trọng đặt nền móng cho Báo Phụ nữ Thủ đô, nhà báo - nhà văn Lý Thị Trung tiếp tục đồng hành với sự nghiệp báo chí đến năm 62 tuổi mới nghỉ hưu.
Những dịp tới thăm bà, hay có dịp tôi được cùng bà đi thăm những người bạn cũ, bao giờ câu chuyện về nghề với nhà báo Lý Thị Trung cũng đầy ăm ắp. Bà vui mừng khi thấy thế hệ trẻ làm báo hiện nay được trang bị mọi công cụ tác nghiệp hiện đại. Chẳng bù cho những ngày đầu tiên ra Báo Phụ nữ Thủ đô, máy ghi âm không có, cả tòa soạn chỉ có một chiếc máy ảnh... Thậm chí, toàn soạn ở chung khuôn viên Thành hội, chật đến mức không có chỗ để tiếp cộng tác viên. Một lần nhà thơ Trần Lê Văn đến tòa soạn để gửi bài mà không gặp ai, hỏi tòa soạn đâu cũng chẳng thấy. Ra về, nhà thơ Trần Lê Văn tức cảnh buông 2 câu thơ: “Tòa cũng không, soạn cũng không/ Thế mà ra báo thật là ngông”.
 Sắp tới ngày truyền thống Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi lại tới thăm bà Trung để được nghe những chuyện nghề một thủa. Ít ai biết rằng, trong cuốn sổ ghi chép của mình ở trường viết báo Huỳnh Thúc Kháng khi mới 19 tuổi, nhà báo Lý Thị Trung còn gìn giữ bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như là kim chỉ nam cho cuộc đời cầm bút của bà: “… Gần gũi nhân dân, nhìn cho tinh, viết cho sắc, đi cho đúng đường…”....