Những sự việc này diễn ra hơn tháng nay với nhiều bài báo giấy và báo mạng đề cập tới, nhưng tôi vẫn buộc phải lên tiếng vì có nhiều ý kiến tranh cãi, đánh giá khác nhau và nhất là danh dự công dân của tôi bị Văn Khúc - Từ Quốc Hoài vi phạm nghiêm trọng trong bài viết “Trao đổi với Nông Tử Lệnh Anh và Đặng Huy Giang” khiến nhiều bạn bè trong nước và ngoài nước điện thoại, email hỏi han. Bạn hỏi, về cuộc tọa đàm “Sức sống thi ca TP. Hồ Chí Minh”, Văn Khúc- Từ Quốc Hoài viết: “Cuộc tọa đàm đã diễn ra theo chiều hướng ngược lại” nghĩa là sao? “Sao bảo Lễ hội thơ năm 2016 ở TP. HCM diễn ra những 3 ngày sôi nổi lắm cơ mà? Vì sao Văn Khúc Từ Quốc Hoài lại dám xúc phạm Xuân Trường và một số nhà văn nặng nề thế?



NHỮNG ĐIỀU ĐÁNG HỔ THẸN CỦA TỪ QUỐC HOÀI

XUÂN TRƯỜNG
           
            Nếu chỉ nghe Văn Khúc Từ Quốc Hoài trên báo, trên mạng thì nhiều người sẽ có cái nhìn bi quan về ngày Hội Thơ VN tại TP Hồ Chí Minh. Tôi xin thưa lại với các bạn một cách khách quan về những vấn đề bạn đọc đang quan tâm.

1.
Cuộc tọa đàm chủ đề “Sức sống thi ca TP. Hồ Chí Minh” là sáng kiến hay, tôi rất tâm đắc với bản tham luận của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm khi anh nêu một số dẫn chứng sau đây:
- Năm 2007, tập thơ giấy dó viết tay độc bản của 152 nhà thơ TP. HCM đưa lên sàn đấu giá. Doanh nhân Lê Thị Giàu cùng chồng là người Hoa Kỳ chiến thắng trong cuộc đấu giá với số tiền kỷ lục 285 triệu đồng. Trong buổi lễ đón nhận, anh chồng cao lênh khênh như cái sào đội khăn xếp, mặc áo dài truyền thồng VN hai tay ôm tập thơ lớn và nặng gấp hai cái laptop, trông rất vui và cảm động. Hội Nhà văn TPHCM đã trao số tiền đó cho Mặt trận Tổ Quốc TPHCM làm quà Tết cho trẻ em nhiễm chất độc da cam.
- Năm 2013, tập thơ đầu tay “Đi qua thương nhớ” của nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt mới in đã bán hết veo 10.000 bản trong 50 ngày. Thời gian không lâu, số lượng phát hành chạm tới con số kỷ lục 13.000 bản.
- Năm ngoái, tập thơ “Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời” của nhà thơ trẻ Nguyễn Thiên Ngân mới chỉ phát hành qua một kênh bán sách trực tuyến trước khi ra mắt đã được đặt mua 2.000 bản. Và sau khi ra mắt đã bán hết ngay 10.000 bản.
Điều ấy chứng tỏ “Sức sống thi ca TP. Hồ Chí Minh” mà những người tổ chức đã nhìn ra, thể hiện tiềm năng đặc biệt của thành phố sôi động này, thử hỏi có tìm thấy ở nơi nào khác nữa không? Ấy là chương trình của ngày thứ nhất, 20-2-2016.
Sang ngày thứ hai, 21-2-2016, ban ngày có các CLB thơ của các quận huyện trong thành phố dựng “Lều thơ” trình bày tác phẩm và giao lưu nghệ thuật, hát quan họ, ca cổ, chèo, hát phổ thơ, múa…  có chấm giải. Đặc biệt “Vách thơ trẻ” được công chúng đánh giá cao bởi sự táo bạo và mới mẻ.  Buổi tối, chương trình “Mời thơ nối tình yêu đất nước” các cặp đôi thơ trẻ nam nữ giao duyên và đại diện thế hệ thơ trẻ mời các nhà thơ thế hệ cao niên đọc thơ, thật ân tình và ấm áp. Kịch thơ “Con chỉ cười khi Tổ quốc an nhiên” do Ban Nhà văn trẻ thực hiện đã bắt nhịp với vấn đề biển đảo nóng hổi.
Sang ngày thứ ba, 22-2-2016, chương trình “Thơ bay từ giảng đường Đại học ngữ văn”, các nhà thơ TP. HCM giao lưu với Khoa Văn học và ngôn ngữ Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Các nhà thơ đọc thơ, đố thơ, hát thơ phổ nhạc, tặng thơ tạo được ấn tượng đẹp, nhiều dư âm.
            Tổ chức 3 chương trình trong 3 ngày có chiều sâu học thuật, có công chúng mở rộng, được báo chí và dư luận đánh giá cao! Việc này cũng khó thấy ở nơi nào khác, càng chứng tỏ “sức sống thi ca TP.HCM”.
            Ban Tổ chức chỉ có 1 giấy mời chung, trong đó có ghi rõ chương trình tổng thể. Văn Khúc- Từ Quốc Hoài cũng nhận được 1 giấy mời như mọi người, nhưng anh không dự một ngày nào cả. Anh ngồi ở nhà rồi hỏi tin người này người nọ, viết bài phê phán thiếu khách quan, phủ định công sức của tập thể và thóa mạ một số hội viên, là sự dối trá rất đáng hổ thẹn.

2.
Trong buổi tọa đàm, để không khí sôi nổi, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm dẫn hai câu thơ của Vũ Cao: “Bảy năm về trước em mười bảy. Anh mới hai mươi trẻ nhất làng”. Anh cho là có lẽ thừa 3 chữ “trẻ nhất làng”… Chấm dứt bài phát biểu, nhà thơ Lê Minh Quốc phản biện ngay. Anh Tiềm vui vẻ tiếp nhận, đúng như dự định, có phản biện sẽ sôi nổi hơn. Sau ý kiến của nhà thơ Lê Minh Quốc, cả hai người đều vui vẻ thoải mái.
Sự việc chỉ đơn giản thế thôi, vậy mà Văn Khúc Từ Quốc Hoài quàng cho cái tội rất nặng:
“Bài thơ Núi Đôi được đưa vào tầm ngắm.
“Cố ý hạ bài thơ Núi Đôi được coi là một trong những tác phẩm tiêu biểu của thơ Cách mạng”.
“Cách bình thơ của tác giả “Sức sống thi ca Sài Gòn” là một cách giết thơ”.
“Giết thơ cũng đồng nghĩa với việc giết cái lý do chính đáng để tổ chức ngày thơ VN, một lễ hội mà hàng năm không chỉ của các nhà thơ mà còn của công chúng yêu thơ, Nhà nước đã phải tiêu tốn hàng trăm triệu, thậm chí nhiều tỷ… từ đồng tiền thuế đẫm mồ hôi nước mắt của dân.”
(Báo Văn Nghệ Hội NV VN số 15 và báo Văn nghệ TP HCM số 397 – 2016)
Quá bức xúc về sự quy kết chụp mũ trên đây, Nông Tử Lệnh Anh đã viết: “Cách bài binh bố trận chữ nghĩa ấy có thể đưa bạn thơ vào tù. Nguy hiểm quá! Viết đến đây tôi toát mồ hôi, rùng mình, lạnh gáy! Không lẽ sang thế kỷ XXI rồi mà thi đàn còn hiện tượng khủng khiếp đến vậy”? (VN TP.HCM số 399).

3.
Về kiến văn, Văn Khúc - Từ Quốc Hoài tỏ ra nông cạn khi phản bác nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm về câu thơ của Phan Hoàng: “Đau những chân trời tư tưởng tật nguyền”
Văn Khúc - Từ Quốc Hoài cho rằng: “có thể viết chân trời tư tưởng hay tư tưởng tật nguyền chứ không thể viết những chân trời tư tưởng tật nguyền”. Văn Khúc - Từ Quốc Hoài tiếp: “Khen một câu thơ nhảm, thì cả người làm thơ và người bình thơ đều đáng báo động về kiến thức lẫn nhân cách”. Câu thơ của Phan Hoàng có người bảo hay, Văn Khúc thấy không hay, tùy mỗi người, nhưng sao lại viết là “câu thơ nhảm”, một sự xúc phạm khó chấp nhận.

4.
Ghi âm lén làm bằng chứng để kiện cáo: Trong bài “Trao đổi với Nông Tử Lệnh Anh và Đặng Huy Giang” trên website Lê Thiếu Nhơn ngày 7-5-2016, Từ Quốc Hoài đã tự xác nhận hành động đáng hổ thẹn này: “May thay, đầu mối của cái tin đồn đó được chiếc điện thoại thông minh LG.3 lưu lại”. Chỉ là “cái tin đồn” nhưng Từ Quốc Hoài ghi âm lén rồi viết ra để vu cáo bạn thì hành động này có phạm pháp không? Tôi nghĩ, những người bị vu cáo như nhà thơ Phan Hoàng có thể kiện Văn Khúc Từ Quốc Hoài ra tòa.

5.
Bôi nhọ, vu cáo lãnh đạo Hội: Cũng trong bài nói trên, Từ Quốc Hoài viết: “cái chuyện không làm giấy mời là một chiêu được hai ông Phó Chủ tịch là Phan Hoàng và Phạm Sĩ Sáu tính rất kỹ để loại người này người nọ trong giấc mơ thao túng hoạt động Hội”. Câu vu cáo này có phạm điều 34 Bộ luật Dân sự không?

6.
 Từ Quốc Hoài viết: “Bữa cơm đặc biệt do một tay chân thân tín của Phan Hoàng là Xuân Trường trả tiền”. Câu này thì rõ ràng là Văn Khúc- Từ Quốc Hoài đã xúc phạm danh dự nhân phẩm của cá nhân tôi. Từ Quốc Hoài đã vi phạm trắng trợn điều 122 Bộ Luật Hình Sự về tội vu khống và nhục mạ người khác. Về vấn đề này Từ Quốc Hoài phải xin lỗi tôi trên mặt báo những nơi ông đã gửi bài, nếu không tôi tiếp tục tranh tụng trước pháp luật để bảo vệ quyền công dân của bản thân tôi .
Thật ra tôi chỉ quen sơ sơ Từ Quốc Hoài qua nhà thơ Trương Nam Hương. Khi anh Đặng Huy Giang từ Hà Nội vào có điện cho tôi mời anh Nguyễn Vũ Tiềm đi uống cà phê, khi ba anh em gặp nhau anh Tiềm có nói rủ thêm Từ Quốc Hoài và anh Giang có nói anh Hoài có mời đến nhà chơi, vì chỗ anh em tôi mời ra một quán bình dân ở đường Phan Xích Long- Phú Nhuận ăn cơm. Trong lúc ăn cơm các anh đàm đạo với nhau, còn tôi không nói gì, tánh tôi lâu nay vẫn thế. Thế mà bây giờ Từ Quốc Hoài lại vu cáo cho tôi là tay chân của Phan Hoàng. Tôi chơi với Phan Hoàng đã lâu cùng với rất nhiều những nhà văn trẻ khác, chưa bao giờ chúng tôi nhờ nhau điều gì. Căn cứ vào đâu để Từ Quốc Hoài bảo tôi là tay chân của Phan Hoàng, Ông phải chịu trách nhiệm về câu nói này.

7.
Văn Khúc- Từ Quốc Hoài là người thế nào? Trong bài báo đã dẫn, Nông Tử Lệnh Anh đã tổng kết: “Bốn bước quy kết, chụp mũ trên đây của Văn Khúc thật bài bản, lớp lang, từ thấp đến cao, rất tinh xảo, rất có tay nghề”. Vâng, “rất có tay nghề”, mươi năm nay, trong giới văn nghệ sĩ Bình Định cho đến Sài Gòn hình thành biệt danh “thợ đấu chuyên nghiệp”, “chuyên nghiệp đấu đá”, không biết có ai thích hợp với biệt danh này hơn là Văn Khúc- Từ Quốc Hoài không?
Ngày 15 – 6 – 2015 tại trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT TP. HCM, Từ Quốc Hoài phát biểu xúc phạm đến Bác Hồ, lập tức bị nhà thơ Tăng Thế Phiệt cắt ngang lời và đòi tát vào mặt. Chuyện này thì cả Hội Nhà văn TP. HCM ai cũng biết.  
Trong báo cáo Tổng kết Công tác Hội năm 2015, ông Chủ tịch Hội Nhà văn TP. HCM đã phải xót xa công nhận: có sự chia rẽ mất đoàn kết trong BCH Hội. Nguyên nhân từ đâu? Chính là hành động “ghi âm lén làm bằng chứng kiện cáo” của Văn khúc- Từ Quốc Hoài ở mục 4 trên đây.

Tôi đề nghị BCH Hội Nhà Văn TP. HCM, Hội Nhà văn VN kiểm tra xem xét và có hình thức phê bình kỷ luật thích đáng với Văn Khúc-  Từ Quốc Hoài một mầm mống chia rẽ nội bộ Trong khi đất nước còn nhiều việc đáng quan tâm mà Từ Quốc Hoài buộc tôi phải lao vào cái chuyện ruồi bu không đâu, rất mong các bạn đọc hết sức thông cảm .