Mô Lô Y Choi chia sẻ: “Những mạch nguồn cảm xúc cứ tuôn trào, đánh thức sức sáng tạo để tui viết một mạch xong bài thơ “Cô gái vót chông”. Đó là tác phẩm đầu tay nên tui thật sự lo ngại khi giới thiệu với anh em văn nghệ sĩ ở cơ quan. Nào ngờ nhiều người khen hay, nên bài thơ không chỉ được đăng ở Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc, mà sau đó được Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu với người yêu thơ”.  Thêm một bất ngờ nữa là bài thơ được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc bài hát “Cô gái vót chông”. Nhịp điệu nhanh trong những ca từ giàu hình ảnh sống động đã khơi dậy tinh thần chiến đấu của đồng bào ở các buôn làng: “Như bao cô gái ở trên non/ Cô gái sông Ba đầu búi tóc thon/ Tay vót chông miệng hát không nghỉ/ Như bao cô gái ở trên non/ Như bao cô gái ở Tây Nguyên/Ai nhanh tay vót bằng tay em?/ Chim hót không hay bằng tiếng hát em/ Mỗi mũi chông nhọn hoắt căm thù/ Xiên thây quân cướp nào vô đây…”. 


Gặp tác giả bài thơ “Cô gái vót chông” nơi thượng nguồn sông Hinh 

PHAN THẾ HỮU TOÀN

Ngược lên huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên giữa buổi sáng tháng ba ngập tràn nắng gió. Uống vội tách trà bên góc phố núi Hai Riêng, tôi lên xe máy tiếp tục hành trình trên con đường thảm nhựa – bê tông uốn lượn bên những ngọn đồi hình bát úp xanh màu rừng keo lá tràm, xà cừ và nương rẫy ngô, sắn, cà phê. Gần một giờ sau, buôn Thinh, xã Ea Trol hiện ra phía trước, và người tiếp tôi là Mô Lô Y Choi - tác giả bài thơ "Cô gái vót chông" nổi tiếng đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc bài hát cùng tên từ thời đánh Mỹ.
Sau cái bắt tay đầy thiện cảm, Mô Lô Y Choi mời khách vào bên trong căn nhà rất đơn sơ, giản dị như con người của ông. Một chút cảm giác chạnh lòng khiến cho tôi im lặng hồi lâu để ngắm nhìn Y Choi với vóc dáng hao gầy, nước da rám đen, mái tóc bạc trắng và gương mặt ẩn chứa nhiều nỗi lo toan của một già làng 86 tuổi. Y Choi trò chuyện rất chân tình, cởi mở, không chút khách sáo hay rào trước đón sau. 
Bằng âm giọng lơ lớ, ông tâm sự: “Tui là người Êđê sinh ra ở vùng đất này. Dù có ngược xuôi nơi nào tui luôn tâm nguyện về với buôn làng, đồng bào mình. Già rồi, mỗi tháng có hơn hai triệu đồng lương hưu, nhưng tui vẫn nuôi mấy con bò để mỗi sớm mai đi lên triền đồi, nương rẫy cho vui”. 
Lý giải về chuyện có nhiều tên gọi khác nhau, ông cười và bảo: “Trong giấy tờ tui là Mô Lô Y Choi. Những năm ở ngoài Bắc tui còn có tên là Mô Lô KLa Vi, nhưng khi về lại buôn Thinh, đồng bào thường gọi tôi bằng cái tên Ma Luê. Theo cách gọi của người Kinh là cha thằng Luê”. 
Dừng lại trong chốc lát như để hồi tưởng một thời trai trẻ, Y Choi kể tiếp: “Sau cuộc Cách mạng Tháng 8, tui được gia đình đưa sang huyện Sơn Hòa học văn hóa ở Trường Dân tộc Hòa Nguyên. Một năm sau tui lên Trường Thiếu sinh quân Tây Nguyên. Sau khi Hiệp định Giơnevơ ký kết năm 1954, tui cùng nhiều người con ở miền Trung – Tây Nguyên lên tàu biển tại cảng Quy Nhơn, đi tập kết ra Bắc. Lưu lại Thanh Hóa một thời gian, tui ra Hà Nội khi được cử tuyển vào Trường Sư phạm miền núi Trung ương. Đến nơi, tui cùng đông đảo bạn bè đón nhận niềm vui lớn khi được nghe thư của Bác Hồ gửi học sinh nhà trường ngày 19-3-1955”.
Thêm một niềm vui và cũng là kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời Y Choi, đó là thời gian học tập ở Trường Sư phạm miền núi Trung ương, ông cùng thầy cô giáo và học sinh nhà trường vinh dự được gặp Bác Hồ vào năm 1961. Ông nhớ lại: “Không một ai trong giới học sinh và giáo viên nhà trường biết trước sự kiện Bác Hồ đến thăm. Cho tới lúc một số học sinh nhìn thấy Bác và phấn khởi reo lên, thì cả trường ùa ra chào đón trong niềm vui dào dạt. Trông Bác thật giản dị và thân thiện. Khi xuống thăm nhà ăn tập thể, khu nội trú, khu học tập nhà trường, Bác ân cần hỏi chuyện nhiều cán bộ, giáo viên và học sinh. Thật gần gũi biết bao khi Bác cất tiếng hỏi: “Các cháu ăn có no không?”. Học sinh cả trường đồng thanh đáp: “Thưa Bác, no ạ!”. Bác hỏi tiếp: “Các cháu học giỏi không?”. Nhiều học sinh cất tiếng: “Thưa Bác, giỏi ạ!”. Nghe xong, Bác tỏ thái độ hài lòng: “Các cháu học giỏi Bác rất vui. Cháu nào học chưa giỏi thì phải cố gắng”. Trước khi rời trường, Bác nhẹ nhàng dặn dò, chỉ bảo: “Các cháu phải cố gắng học thật giỏi hơn nữa để dạy cái chữ cho đồng bào, góp phần xây dựng buôn làng, thôn, bản của mình”.
Ngày ra trường, Mô Lô Y Choi được Bộ Văn hóa - Thông tin tuyển chọn, đào tạo lý luận phê bình văn học trong thời gian hai năm, rồi về Thái Nguyên làm nhiệm vụ biên tập ở Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc từ năm 1962. Y Choi bày tỏ: “Nói thiệt là tới thời điểm đó tui chưa bao giờ làm thơ, mà chỉ đảm trách biên tập những bài bình luận văn học gọn nhẹ. Vậy mà ba năm sau đó, “Cô gái vót chông” ra đời, được nhiều bạn đọc yêu mến, khiến cho tui vinh hạnh lắm”.
Dạo đó, ngoài thời gian đến công sở để làm công việc chuyên môn nghiệp vụ mỗi ngày, Y Choi thường “ôm” radio lắng nghe thời sự qua sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông tâm sự: “Cứ mỗi lần nghe tin Mỹ – ngụy gây tội ác sau các cuộc càn quét đẫm máu ở nhiều vùng quê khiến cho những người dân vô tội thiệt mạng, tui xót xa phẫn uất vô cùng. Tới khi nghe được những bản tin đồng bào các buôn làng ở Tây Nguyên tất bật vót chông tên, làm cung nỏ để đánh giặc, cái bụng tui vui lắm”. 
Nghe những bản tin đó, trong lòng Y Choi nhiều đêm liền cồn cào nỗi nhớ buôn làng, đồng bào thân thương và dòng sông Hinh, sông Ba. Với ông, ở đó đâu chỉ có Ksor HĐô - người con gái từng đòi “bắt” Y Choi làm chồng, giọng nói trong trẻo, đôi mắt hiền lành như cô Tấm trong cổ tích, mà còn có những cô gái Êđê hồn nhiên, xinh đẹp luôn rạng rỡ nụ cười trên môi. Cho đến một đêm trăng mùa hè năm 1965 ở Việt Bắc, hình ảnh những cô gái Êđê ở thượng nguồn sông Hinh đang hối hả vót chông cứ hiện hữu, sống động trong tâm trí của Y Choi khiến cho ông háo hức ngồi trước trang viết, sáng tác những vần thơ đầu tiên trong đời. 
Y Choi chia sẻ: “Những mạch nguồn cảm xúc cứ tuôn trào, đánh thức sức sáng tạo để tui viết một mạch xong bài thơ “Cô gái vót chông”. Đó là tác phẩm đầu tay nên tui thật sự lo ngại khi giới thiệu với anh em văn nghệ sĩ ở cơ quan. Nào ngờ nhiều người khen hay, nên bài thơ không chỉ được đăng ở Tạp chí Văn nghệ Việt Bắc, mà sau đó được Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu với người yêu thơ”. 
Thêm một bất ngờ nữa là bài thơ được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc bài hát “Cô gái vót chông”. Nhịp điệu nhanh trong những ca từ giàu hình ảnh sống động đã khơi dậy tinh thần chiến đấu của đồng bào ở các buôn làng: “Như bao cô gái ở trên non/ Cô gái sông Ba đầu búi tóc thon/ Tay vót chông miệng hát không nghỉ/ Như bao cô gái ở trên non/ Như bao cô gái ở Tây Nguyên/Ai nhanh tay vót bằng tay em?/ Chim hót không hay bằng tiếng hát em/ Mỗi mũi chông nhọn hoắt căm thù/ Xiên thây quân cướp nào vô đây…”.
Nửa thế kỷ trôi qua nhưng “Cô gái vót chông” vẫn có sức sống mãnh liệt trên sân khấu và lắng đọng sâu sắc trong lòng người yêu âm nhạc để trở thành một trong những ca khúc vượt thời gian đi cùng năm tháng. Nhiều ca sĩ yêu thích đã biểu diễn ca khúc này, nhưng thành công nhất vẫn là Nghệ sĩ nhân dân Tường Vi – người đã đột phá sáng tạo khi “bồi” thêm một đoạn staccato giả tiếng chim hót rất nổi tiếng, mà sau này các ca sĩ đều phải hát thêm như một điều bắt buộc. 
Đang lúc vui chuyện, tôi hỏi Y Choi về nguyên mẫu “cô gái sông Ba đầu búi tóc thon” trong ca khúc, ông cười hả hê vui sướng, chỉ tay về phía người phụ nữ đang ngồi bên bếp lửa ở góc nhà, rồi bảo “Vợ tui đó chớ ai. Ksor HĐô đó!”.
Sau 4 năm công tác ở Thái Nguyên, năm 1966 Mô Lô Y Choi tình nguyện vào chiến trường Tây Nguyên công tác ở Ban Tuyên huấn tỉnh Đắk Lắk. 2 năm sau ngày đất nước thống nhất, Y Choi về lại quê nhà và lần lượt làm công tác tuyên giáo ở hai huyện Sơn Hòa, Sông Hinh - tỉnh Phú Yên. Nghỉ hưu từ năm 1990, nhưng khi về với buôn làng, Y Choi được đông đảo đảng viên tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy xã Ea Trol thêm mấy năm nữa ông mới thật sự có thời gian lên nương rẫy mỗi ngày để trỉa ngô, trồng lúa.
Khi nghe tôi hỏi “Cô gái vót chông” có phải là bài thơ duy nhất và cũng là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác, là “hiện tượng một bài” trong đời sống văn học của nhà thơ Mô Lô Y Choi hay không, ông bày tỏ rất chân tình: “Từ trước tới giờ tui chưa dám nhận mình là nhà thơ. Nửa thế kỷ trôi qua kể từ khi “Cô gái vót chông” ra đời cho tới nay, “tài sản văn học” của tui chỉ vỏn vẹn 50 bài thơ, trong đó “Cô gái vót chông” là bài thơ có sức lan tỏa sâu rộng, được phổ nhạc và thu hút sự quan tâm, yêu thích của nhiều người”. 
Dường như để minh chứng sự thật, ông đưa tôi xem một số bản thảo viết tay trên giấy đã ngả màu vàng với những bài thơ: “Hát nữa đi em”, “Biết ơn Bác Hồ”, “Có Đảng hôm nay”, “Ơn Bác mùa xuân”, “A Rai mừng Đảng - mừng Xuân”… Cao hứng, Y Choi đọc cho tôi nghe bài thơ “Hát nữa đi em”, trong đó có những câu: “Lặng nghe em hát/ Bài ca Ðam San/ Suối nhạc, lời vàng/ Cây Knia thêm rễ/ Hoa Aring rộ nở/ Cồng chiêng vang rền/ Vực nước trong xanh.../Hát đi em ơi !/ Ngày hội đến rồi/ Tung làn áo mới/ Tình xuân phơi phới/ Ý xuân rộn ràng/ Lễ hội buôn làng/ Bài ca vang vang/ Tình ta thêm chặt…”.
Tạm biệt Y Choi khi hoàng hôn gieo ráng đỏ phía trời Tây. Tôi biết nhiều người đã thưởng thức và đam mê ca khúc “Cô gái vót chông”, nhưng ít ai biết tác giả ca từ là một người Êđê đang sinh sống ở thượng nguồn sông Hinh. Phía sau nụ cười hiền lành của ông vẫn còn đó nỗi trăn trở ước mong “trình làng” một tập thơ trong “đời thơ” của mình.