Cách làm phổ biến trong khu vực kinh tế đã áp dụng trước đây đối với các ngành kinh doanh có điều kiện cũng có thể được áp dụng cho ngành xuất bản, ví dụ cho phép thành lập thí điểm một số NXB tư nhân có điều kiện, tức là những đơn vị tư nhân đáp ứng được các yêu cầu và điều kiện nhất định, tương tự với NXB của Nhà nước, về quy mô vốn, hiệu quả kinh doanh, nhân sự... Có thể công bố các điều kiện cho việc thành lập NXB tư nhân, sau đó lựa chọn một vài đơn vị phù hợp nhất cho phép thành lập thí điểm trong thời gian 3-5 năm. Chẳng hạn, các điều kiện như có tối thiểu 50 nhân viên, trong đó có 10 biên tập viên có chứng chỉ, doanh số đạt 50 tỉ đồng/năm, đã thành lập và hoạt động trên 10 năm, có kinh nghiệm xuất bản trên 500-1.000 đầu sách và năng lực xuất bản trên 100 đầu sách/năm, có uy tín và làm ra các ấn phẩm có chất lượng đối với độc giả, hoàn thành tốt nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước...



TƯ NHÂN LÀM ĐƯỢC GÌ TRONG NGÀNH XUẤT BẢN?

NGUYỄN CẢNH BÌNH

Trong vài năm gần đây, các đơn vị tư nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất bản ngày càng lớn mạnh, có nhiều đóng góp cho ngành xuất bản và thị trường sách Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tiki và Vinabook - hai đơn vị chuyên bán sách qua mạng lớn nhất hiện nay, tỉ trọng doanh số bán ra đến từ các đơn vị tư nhân và của các nhà xuất bản (NXB) nhà nước tăng dần: năm 2012 là khoảng 65% từ tư nhân và 35% từ nhà nước, năm 2013 là khoảng 75/25 và đến năm 2014 là 80/20. Cũng giống như trong lĩnh vực kinh tế, các đơn vị tư nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất bản hiện nay hiệu quả hơn do có quyết tâm, động lực lớn và cơ chế năng động, linh hoạt. Tuy nhiên, các công ty sách tư nhân không có tư cách pháp nhân chính thức và đầy đủ như NXB nhà nước, chỉ có thể “liên kết” xuất bản với NXB nhà nước nên phụ thuộc nhiều vào những NXB này.
Một số quy định hoặc sự chậm trễ trong quá trình liên kết đó khiến tiến độ sản xuất kinh doanh của nhiều công ty sách bị chậm lại. Trong bối cảnh ấy, không một ai trong giới tư nhân mạnh dạn đầu tư và nhìn về đường dài, điều đó giải thích một phần cho tình trạng quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, công nghệ cũ và lạc hậu của họ. Điều này tất dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp sách tư nhân sẽ thất bại, không thể cạnh tranh được với các NXB quốc tế nếu tương lai các NXB nước ngoài được phép vào thị trường Việt Nam. Trong hiện trạng phát triển chậm chạp của ngành xuất bản, có nguyên nhân từ việc không có đơn vị nào đủ lớn mạnh để đảm đương được dự án lớn và hiệu quả cao.
Những thuận lợi
Cho dù các hình thức hợp tác đầu tư trong ngành xuất bản còn ít và chưa được tính tới, không có nghĩa chúng ta không thể tiến hành một số thử nghiệm, chẳng hạn mô hình thành lập NXB tư nhân nhưng có sự giám sát của Nhà nước, ghép giữa một NXB nhà nước và một công ty sách tư nhân, tận dụng thế mạnh và ưu điểm của mỗi hình thức để tạo ra một mô hình doanh nghiệp đủ mạnh và hiệu quả, và đảm bảo vẫn có sự kiểm soát đối với nội dung không phù hợp.
Cách làm phổ biến trong khu vực kinh tế đã áp dụng trước đây đối với các ngành kinh doanh có điều kiện cũng có thể được áp dụng cho ngành xuất bản, ví dụ cho phép thành lập thí điểm một số NXB tư nhân có điều kiện, tức là những đơn vị tư nhân đáp ứng được các yêu cầu và điều kiện nhất định, tương tự với NXB của Nhà nước, về quy mô vốn, hiệu quả kinh doanh, nhân sự...
Có thể công bố các điều kiện cho việc thành lập NXB tư nhân, sau đó lựa chọn một vài đơn vị phù hợp nhất cho phép thành lập thí điểm trong thời gian 3-5 năm. Chẳng hạn, các điều kiện như có tối thiểu 50 nhân viên, trong đó có 10 biên tập viên có chứng chỉ, doanh số đạt 50 tỉ đồng/năm, đã thành lập và hoạt động trên 10 năm, có kinh nghiệm xuất bản trên 500-1.000 đầu sách và năng lực xuất bản trên 100 đầu sách/năm, có uy tín và làm ra các ấn phẩm có chất lượng đối với độc giả, hoàn thành tốt nghĩa vụ đóng thuế cho Nhà nước...
Sự năng động và khả năng điều chỉnh để thích ứng của khu vực tư sẽ giúp các NXB theo mô hình này vận hành hiệu quả. Nhà nước không cần đầu tư vốn, tư nhân sẽ chịu trách nhiệm cụ thể và rõ ràng hơn về ấn phẩm của mình. Sự rạch ròi trong vai trò này sẽ rất khác với khi xuất bản dưới hình thức liên kết đầy mập mờ, không rõ ràng giữa trách nhiệm mỗi chủ thể xuất bản, điều mà mỗi khi tiến hành xử phạt đều gây khó khăn trong việc quy trách nhiệm của từng bên.
Trong sự chính danh ấy, giới tư nhân và các nhà đầu tư sẽ an tâm và tự tin đầu tư vào ngành xuất bản. Hiện nay, do “ăn nhờ ngủ đậu” trong một thị trường nhỏ, lợi nhuận thấp, quy mô nhỏ, giới tư nhân không hào hứng với việc đầu tư vào ngành xuất bản, khó có thể phát triển và đóng góp cho ngành. Sự chính danh này còn có thể giúp rút ngắn thời gian xuất bản, đơn giản hóa quy trình xuất bản, giảm thủ tục, giảm thời gian và giảm các chi phí không cần thiết..., từ đó giúp giảm giá thành ấn phẩm, đưa sách đến tay độc giả nhanh hơn, rẻ hơn... Cả độc giả và tác giả cũng thấy rõ ràng vai trò, trách nhiệm, bởi cầm trên tay một cuốn sách chi chít logo của cả NXB và công ty liên kết, không biết ai là người làm sách, không biết liên hệ với ai để phản hồi, nhiều khi NXB nhà nước chịu trách nhiệm “oan” thay cho tư nhân. Chưa kể sự chính danh này cũng sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình làm việc với các NXB quốc tế và việc hợp tác/đầu tư/mua công nghệ với NXB quốc tế sẽ nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Và những nguy cơ
Các lỗi trong nghề xuất bản (nội dung chính trị không phù hợp, vi phạm thuần phong mỹ tục) là một trong những nguy cơ mà nhà quản lý lo ngại hàng đầu. Tuy nhiên, luôn có những chế tài thích đáng nếu cần, từ xử phạt bằng tiền đến tước giấy phép xuất bản, treo quyền xuất bản trong thời gian nhất định, tức là đánh vào uy tín và túi tiền của tư nhân. Những chế tài này sẽ khiến cho tư nhân có trách nhiệm hơn với ấn phẩm của mình, trong khi hiện nay mức phạt là khá nhẹ (vài triệu đến vài chục triệu đồng)... Việc treo giấy phép hoặc thu hồi giấy phép NXB có tác dụng mạnh hơn nhiều việc phạt tiền.
Sự cạnh tranh tất yếu giữa khu vực tư và công trong lĩnh vực xuất bản cũng sẽ diễn ra một khi NXB tư nhân được thành lập và có thể liên kết với các công ty tư nhân khác. Ban đầu sẽ có thể thấy nhiều NXB khu vực nhà nước mất đi một nguồn thu hoặc suy yếu do không năng động bằng. Nhưng nếu nhìn đây như một cơ hội khiến NXB nhà nước phải chọn lựa: hoặc giải thể vì quá kém hiệu quả, hoặc phải cải tổ mạnh mẽ để tồn tại, cạnh tranh và phát triển, buộc NXB nhà nước có động lực làm mới mình là rất quan trọng trong bối cảnh đại bộ phận NXB nhà nước đang yếu như hiện nay.
Sau cùng, mục tiêu lớn nhất của ngành xuất bản là một không gian xuất bản lành mạnh, có nhiều dòng sách, đầu sách/ấn phẩm có chất lượng hơn, thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư lớn hơn vào ngành xuất bản, từ các quỹ/cá nhân... Không gian ấy sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu phục vụ của ngành xuất bản về nâng cao dân trí, quảng bá thông tin và văn hóa, đóng góp tốt hơn cho sự phát triển chung và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Nguồn: TTCT