Khoảng thời gian xa tít mù gần bốn mươi năm làm biến đổi mọi điều nhanh quá. Kha bây giờ đã có râu quai nón bạc trắng y hệt như ông Hemingway lúc về già hay ca sĩ Billy Joel chứ không phải là mặt thon cằm nhọn kiểu nghệ sĩ hồi xưa nữa. Kha làm chuyên viên về an toàn công nghiệp cho một hãng xăng dầu lớn bên Mỹ, sống độc thân và gần bốn mươi năm nay chưa về Việt Nam. Vậy mà bỗng dưng anh xuất hiện trong buổi tối họp mặt cuối năm, sau ngày đưa ông Táo. Cả lớp hẹn gặp nhau chỉ vì vào Tết e là khó gặp. Thời buổi này, nhiều gia đình không ăn Tết ở nhà. Ai không đưa vợ con về quê thì đi du lịch. Thôi thì hẹn nhau nấu bánh tét ở nhà một đứa tuốt miệt Bà Quẹo hồi tưởng chút thời xuân xanh bạn bè bên nhau vậy. Nghe cái tên quê trớt vậy nhưng Bà Quẹo giờ là khu đô thị sầm uất, đông nghẹt người và xe. Kha bảo không tìm đâu ra cái sân đá banh ven đường Tân Kỳ - Tân Quý hồi xưa nữa.


VỊ QUÊ NHÀ

PHẠM CÔNG LUẬN

Khu nhà Khải, “ngõ trúc quanh co khách vắng teo” là con đường đất mọc đầy bụi tre không tìm thấy đâu, biến luôn cái sân đất hồi còn đi học Khải ngồi đan sọt tre như ông Phạm Ngũ Lão. Kha bảo đến buổi họp mặt sớm để nói chuyện được nhiều hơn.
Gần bốn mươi năm cuộc đời như bóng câu qua cửa sổ, từ khi giã từ ngôi trường thân yêu góc ngã tư Bảy Hiền. Kha nói ăn Tết bên Mỹ chẳng khác nào ngồi rảnh mở xem cuốn album cũ của gia đình, để hồn vía bay lơ lửng về tuổi thơ, về quê hương và về những người thân còn sống hay đã mất.
Chủ nhà là Hùng đã chuẩn bị nổi lửa cho nồi bánh chưng. Bạn bè lục tục kéo đến, ngồi nhai mấy sợi khô bò và nhấm nháp chút rượu do Kha mang về. Ðều là những người sinh ra trên đất Sài Gòn - Gia Ðịnh, họ không có một quê nhà để nhớ tuổi thơ thả diều bắt bướm. Nhưng ai cũng có người thân sống xa đất nước và hiểu tâm trạng của người tha hương.
Năm nay Luận Nguyễn không về, Quy, Mừng, Thanh Tâm, Thu Tâm, Long, Phong cũng không về. May mà có Kha làm cho cái đêm họp mặt cuối năm bất ngờ và ấm cúng.
Hùng khơi thêm ngọn lửa, thầm thì bằng cái giọng trầm trầm: “Tui nhớ nhất cái Tết hồi nhỏ trên đất Bà Quẹo này. Ngày Tết, nhà nghèo cũng có đầy đủ thịt kho dưa giá, củ kiệu, tôm khô. Nhưng rồi ba ngày Tết cũng trôi qua, nhà hết đồ ăn.
Sáng sớm má tui xách giỏ ra chợ Bà Quẹo, mua vài trái bầu non. Về nhà, bà luộc vài cái trứng vịt dầm nước mắm, cả nhà bắt đầu trở lại giờ ăn bình thường. Mấy ngày Tết ăn bánh mứt thịt thà nhiều, ngán gần chết! Ăn bữa cơm đầu năm với bầu non và hột vịt dầm nước mắm sao mà ngon quá, nhớ mãi.
Hôm sau nữa, má tui đi chợ mua thật nhiều rau, cà rốt về nhà làm nồi nước mắm kho quẹt, cả nhà ăn không còn một hột cơm dính nồi. Lúc đó tôi nghĩ má như một bà tiên, làm món nào cho con ăn cũng ngon.
Ba tui giờ đã mất. Ðất này xưa là ngoại thành giờ không còn thấy một chiếc xe ngựa. Nhà cửa chung quanh đều xây cao tầng. Vài anh chị cũng không còn trên cõi đời. Má già yếu lắm, Tết đến má thèm được tự tay gói bánh tét nhưng không còn sức để làm.
Nhỏ em gái sau này có tổ chức thi gói bánh tét cho các chị em dâu và cháu đêm ba mươi để má truyền nghề, nhưng xem ra không có đứa cháu hay dâu nào để làm truyền nhân của má. Chắc nghề của má bị thất truyền rồi! May là hôm nay có bà chị họ biết gói bánh nên mình có để nấu.
Tết năm vừa rồi, ngày mùng hai nhà tui cũng làm món bầu non luộc ăn với hột vịt dầm nước mắm. Mùng ba thì ăn rau tập tàng với nước mắm kho quẹt. Ăn hết ngon như hồi đó, nhưng ăn để nhớ má hồi còn trẻ thương yêu con, và để nhớ tiếng lóc cóc xe ngựa của ba, mùi bánh tét trong nồi đang sôi ùng ục của má”.
Nãy giờ Diệp không nói gì, lui cui ngồi lột vỏ mấy trái bưởi. Ngoài đầu ngõ nhà Hùng vắng dần người qua lại. Ðám đàn ông đã có anh buồn ngủ lăn ra trên ghế sofa. Mấy chị nãy giờ im lặng nghe Kha, hỏi lại vài câu. Họ thấy bùi ngùi sau câu chuyện của Hùng.
Họ nhớ lại tuổi trẻ với những cảm xúc trong veo mà thấy rưng rưng. Giờ ai cũng đã hai thứ tóc nhưng dường như rung cảm bên trong lòng còn nguyên vẹn. Diệp nhấm nháp miếng mứt gừng, góp chuyện:
“Nói chuyện ăn Tết hồi nhỏ, Diệp thích nhất là món bánh tráng cuốn thịt phá lấu. Mỗi khi Diệp nói thèm là mẹ hứa đến Tết sẽ làm, lúc đó tha hồ mà ăn, chứ ăn bây giờ thì mất ngon vì không có củ kiệu. Mà đúng như vậy, cái bánh tráng cuốn khi cuốn mà thiếu củ kiệu bên trong và chén nước mắm không thoang thoảng mùi nước kiệu pha vào thì mất đi một nửa cái hương vị đăc trưng của món ngon này.
Món này đơn thuần là thịt được ướp thêm ngũ vị hương nên cả nhà gọi là thịt “phá lấu”, gọi là thịt ram cũng được. Bà ngoại chồng Diệp không ướp cách đó, bà gọi đó là thịt khìa, chỉ cuốn với bánh tráng rau sống, chấm nước mắm, khác với cách của mẹ.
Biết con cái đứa nào cũng thích món thịt cuốn bánh tráng, mẹ mua thịt lúc nào cũng nhiều, có thịt đùi, ba rọi. Từng tảng thịt mua về được rửa sạch sẽ để ráo nước, sau khi được xẻ rời ra thành từng khổ thịt đều nhau, mẹ ướp gia vị gồm muối, đường, bột ngọt, hành tím, tỏi băm, thêm ít nước tương.
Ðặc biệt không thể quên gói ngũ vị hương. Sau khi trở vài lần cho thịt thấm đều, mẹ dùng những sợi dây lạc quấn vòng quanh khổ thịt thật chắc. Cái chảo to đã nóng lên sôi lăn tăn với vài muôi mỡ, thịt được xếp vào nghe từng tiếng xèo xèo, mùi ngũ vị hương dậy lên thơm phức.
Những khổ thịt trông như những đòn bánh tét. Khi hai mặt thịt đã sém vàng, mẹ cho vào ít nước sôi, nêm thêm chút gia vị để khi chín mềm thịt được đậm đà hơn. Ðậy hờ cái nắp xoong sau khi vớt đi ít bọt bẩn của thịt tiết ra, ngọn lửa chỉ để liu riu đến khi cạn chỉ còn ít nước. Chị em trong nhà đứa nào cũng mặt mày hớn hở đi ra đi vào, hít lấy hít để cái mùi thơm nồng bay khắp nhà.
Ðến giờ ăn dọn trên mâm, nào là rau húng quế, húng cây, húng lủi, tía tô, dấp cá, rau răm, salad đầy cả rổ. Củ kiệu thì cả tô, thêm đĩa đồ chua làm từ cà rốt và củ cải trắng được xắn bằng miếng thiếc có dợn sóng. Ðĩa thịt đầy ụ được thái mỏng nhưng thật liền lạc vì đòn thịt đã được thít chặt bởi những sợi dây lạc quấn xung quanh.
Thêm một đĩa bún khô xào với bắp cải nồi, sợi cải được cắt nhỏ chỉ lớn hơn sợi bún chút thôi, không cắt nát quá. Lấy nước kiệu hòa chung với nước mắm ngon, ít nước lọc, đường cát, không thêm gì hơn ngoài tí ớt cho đo đỏ. Thế là đã có tô nước chấm.
Chị em nhà Diệp như bầy gà con ngồi bao quanh mâm thức ăn, đứa nào cũng có cái đĩa trẹt trước mặt. Bánh tráng sau khi được nhúng vào nước cả xấp, mỗi đứa tự gỡ rời ra đặt vào đĩa. Ðặt thêm vài lá salad, ít rau thơm, một nhúm bún xào, mấy chiếc củ kiệu nhỏ, vài sợi đồ chua, tất cả trải dài theo chiếc bánh tráng với những miếng thịt phá lấu thơm phưng phức.
Cái món thịt cuốn chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng Diệp luôn thích và nhớ về nó. Ðứa em gái theo chồng phương xa, đến Tết nó lại nhắc tiếc hoài lần về Việt Nam, bạn bè hay rủ rê đi chơi đây đó, nó không kịp đòi mẹ cho ăn món thịt phá lấu này cho đã thèm. Còn thằng em trai mỗi khi Diệp chê miếng thịt nào nhiều mỡ là đưa cho nó. Nó khoái chí nói ăn thịt mỡ mới ngon, gật gù thích thú lắm.
Nói một chút về thằng em trai của Diệp. Năm 2009, một cơn đột quỵ đã xô ngã nó khi vừa bước sang tuổi 43. Ðể chấp nhận nỗi đau đớn này, nó vật vã một thời gian dài. Dần dà nó nhận thức được mọi việc, chấp nhận sự thật là tương lai sự nghiệp của nó đã chấm hết từ đây. Tính tình nó bớt hung hãn. Ai nói thì nó hiểu hết nhưng nó nói và diễn tả không ai hiểu được.
Vậy mà khi được ăn vài chiếc thịt cuốn bánh tráng, cái món thịt phá lấu cuốn “đặc biệt” ngày xưa của mẹ là nó biết và nhớ ngay. Nhìn nó vừa ăn vừa lắc lư người, cái chân còn lại rung rung ra chiều đắc ý, nhìn cũng vui lây mà cũng tội nghiệp! Từ đó, mỗi lần nó ra dấu là biết nó muốn ăn gì, hỏi là đúng ý nó ngay. Ðã mấy cái Tết rồi cô em dâu của Diệp chỉ làm mỗi một chảo thịt phá lấu to để chồng ăn dần đến hết Tết”.
Kha ngồi im lặng. Có một câu chuyện Kha định kể trong một đêm hiếm có như đêm nay, khi bạn bè có dịp tụ họp với nhau, một đêm không có pháo hoa rực rỡ mà chỉ có ánh lửa nồi bánh tét, không có bà tiên ông Bụt nào, mà chỉ là những gương mặt bạn bè tuổi xanh đã thay đổi theo thời gian. Mấy chục năm sống ở xứ người, Kha nghĩ mình đã xem nơi đó là quê hương.
Quê hương với mùa lá đỏ vào thu, mùa xuân rực rỡ hoa xung quanh ngôi nhà ở Seabrook - Texas, với ông hàng xóm là phi hành gia từng bay lên vũ trụ. Kha muốn kể câu chuyện về một đêm có bão tuyết, xe Kha bị lạc trên con đường xuyên rừng và sa xuống ruộng lầy, may có người kéo giúp ra khỏi và phải tấp vào một quán khuya sắp đóng cửa.
Sau đó có đôi vợ chồng người Mỹ địa phương thấy khách lạ bơ vơ mà mời Kha về nhà cho ngủ lại qua cơn bão, dù trong bụng vẫn có chút lo sợ mơ hồ. Ðó là một đêm gần lễ Tạ ơn, khiến anh khả quyết rằng đây chính là mảnh đất quê hương của mình.
Vậy mà đêm nay, những câu chuyện kể về món ăn ngày Tết như đánh thức một điều gì rất cũ kỹ bám mạng nhện thời gian trong lòng, mà Kha ngỡ nó mỏng mảnh gần như là không thấy được để gắn tâm hồn Kha với quê nhà. Kha ngả lưng xuống tấm nệm trải góc phòng, nghe thoang thoảng có mùi củi the the tỏa ra từ dưới nồi bánh tét.
Trong đầu Kha, những câu thơ cũ chợt hiện lên không nhớ của ai, đã đọc và đã nhớ:
Quê hương này là của chúng ta
Địa ngục này, thiên đường này đều của chúng ta
Giấc mơ này của chúng ta...
Kha nhắm mắt mơ màng ngủ trong tiếng thì thầm tâm sự của đám bạn gái vẫn thức canh nồi bánh tét. Tuổi trung niên tuyệt vời, hiểu được cuộc sống nhiều chiều và vẫn còn đủ nồng nhiệt để khao khát mơ điều gì đó phía trước. Không cụ thể, nhiều khi chỉ là:
Cho tôi phơi hồn tôi trên mái ngói
Cho tôi đốt hồn tôi khói khắp chân trời...
Bây giờ, mong muốn của Kha là chìm vào giấc ngủ, chập chờn nhưng sao êm đềm lạ thường giữa vùng Bà Quẹo