Sáng sớm 10-2-2016 ( mùng 3 Tết Bính Thân) nhà thơ Nguyễn Nguy Anh đi bộ thể dục tại thành phố Thủ Dầu Một – Bình Dương thì không may bị một chiếc taxi đụng vào và hất văng xa 10 mét. Nhà thơ qua đời ngay tại hiện trường vụ tai nạn giao thông, hưởng thọ 62 tuổi. Giữa mùa xuân yên vui, một con người hiền lành phải từ giã nhân gian nồng ấm vì một sự cố đớn đau. 62 mùa xuân khép lại với Nguyễn Nguy Anh, bất ngờ và bàng hoàng. Định mệnh quá nghiệt ngã với một con người đôn hậu. Vĩnh biệt nhé, Nguyễn Nguy Anh! Trong lòng bạn bè văn chương vẫn còn một nhà thơ Bình Dương luôn có cách hành xử thật đứng đắn và nụ cười thật khoan dung! 

 
NGUYỄN NGUY ANH RA ĐI MỘT NGÀY TRONG THÁNG GIÊNG

LÊ THIẾU NHƠN

Sáng sớm 10-2-2016 ( mùng 3 Tết Bính Thân) nhà thơ Nguyễn Nguy Anh đi bộ thể dục tại thành phố Thủ Dầu Một – Bình Dương thì không may bị một chiếc taxi đụng vào và hất văng xa 10 mét. Nhà thơ qua đời ngay tại hiện trường vụ tai nạn giao thông, hưởng thọ 62 tuổi. Giữa mùa xuân yên vui, một con người hiền lành phải từ giã nhân gian nồng ấm vì một sự cố đớn đau. 

Nhà thơ Nguyễn Nguy Anh sinh năm 1954 tại Tuy Phước – Bình Định. Tuổi 30, ông đã là hiệu trưởng một trường phổ thông cơ sở, rất được trọng vọng và yêu mến trên mảnh đất quê hương. Cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, thu nhập của giáo viên rất thấp. Hơn nữa, người cháu là Huỳnh Phi Dũng đang giai đoạn phát triển sự nghiệp ở Bình Dương, cứ tha thiết mời, nên Nguyễn Nguy Anh quyết định rời bục giảng vào miền Đông Nam bộ làm lại từ đầu.

Huỳnh Phi Dũng có biệt danh Dũng Lò Vôi lúc ấy, hay Huỳnh Uy Dũng- ông chủ Khu du lịch Đại Nam bây giờ, gọi Nguyễn Nguy Anh là cậu. Vừa muốn giúp cháu, vừa muốn giúp mình, Nguyễn Nguy Anh vào làm kế toán cho hai công ty quan trọng nhất hình thành nên tài sản đại gia Huỳnh Uy Dũng là Thanh Lễ và Hoàng Gia Cát Tường. Ngày chia lìa mái trường để cất bước tha phương, Nguyễn Nguy Anh viết bài thơ để tâm sự với con mà cũng để an ủi mình:   
Suốt đời dạy học của ba
Không đủ mua một chiếc xe Cub
Vẫn ở mái nhà tranh lụp xụp
Nuôi con ngày hai bữa cho qua

Suốt đời dạy học của ba
Còn lại gì sau trang giáo án
Đạo đức con người theo năm tháng
Âm thầm chắp cánh ước mơ xa

Suốt đời dạy học của ba
Con cảm nhận tâm hồn cao thượng
Lớp học trò đi về bốn hướng
Gieo mùa xuân lặng lẽ quê xa.

Có cháu là ông chủ, lại ở vị trí gần túi tiền, Nguyễn Nguy Anh vẫn từ tốn và khiêm nhường, như cốt cách nhà giáo vốn có của mình. Nguyễn Nguy Anh không bia rượu, không thù tạc, chỉ làm tròn bổn phận, chẳng kênh kiệu với ai mà cũng chẳng lạm dụng điều gì. Tiền lương mỗi tháng, Nguyễn Nguy Anh chi tiêu dè sẻn, số còn lại đều gửi về cho vợ ở quê, để nuôi con và để phụng dưỡng mẹ già. 

Đứa cháu doanh nhân ngày càng nhiều của cải, thỉnh thoảng liếc mắt thấy người cậu thui thủi, cũng kéo đi giao lưu với những bậc giàu sang phú quý, nhưng Nguyễn Nguy Anh đều ôn tồn xin vắng mặt. Nguyễn Nguy Anh chỉ có niềm vui duy nhất sau những chứng từ sổ sách thu chi, là làm thơ. Nguyễn Nguy Anh nương tựa vào thơ để bái vọng mẹ già cô quạnh chốn chôn nhau cắt rốn: “Mẹ ơi con bỗng chợt buồn. Con xa mẹ - Nhìn chuồn chuồn – Nhớ quê”, để tạ lỗi phấn trắng bảng đen một thời gắn bó: “Em có về trường xưa. Nhắn giùm anh nỗi nhớ” và hoài niệm ký ức thân quen: “Tiếng chim vườn cũ năm, mười. Hớp hồn ta nửa nụ cười nhân gian”

Khi dành dụm được một khoản nho nhỏ, Nguyễn Nguy Anh mua đất cất nhà ở Thủ Dầu Một và đưa cả vợ con vào sống chung tại Bình Dương. Căn nhà của Nguyễn Nguy Anh trong một con hẻm trên đường Thích Quảng Đức, rất tĩnh lặng. Cái vẻ bình dị và đơn sơ của căn nhà, hoàn toàn phản ánh đầy đủ phẩm chất của người đàn ông trụ cột trong căn nhà ấy. 

Cách đây 2 năm, vừa tròn 60 tuổi, Nguyễn Nguy Anh lập tức về hưu mà không cần nấn ná thêm ngày nào. Hai đứa con đã trưởng thành, Nguyễn Nguy Anh không muốn vướng bận lợi ích đồng xuôi đồng ngược, dù ông có quyền ngồi lại cái ghế kế toán ở tập đoàn tư nhân ấy rất lâu nữa, với tư cách một thành viên trong gia tộc, mà không ai thắc mắc gì. Nguyễn Nguy Anh muốn được thanh thản với thơ, nhất là được phát hiện và vun đắp những cây bút trẻ vùng đất đỏ đã cưu mang ông. Nguyễn Nguy Anh lập trang web Áo Trắng Bình Dương cũng với mục đích đó.

Thơ Nguyễn Nguy Anh mộc mạc và trong trẻo như chính con người của ông. Suốt đời Nguyễn Nguy Anh chỉ dụng công viết những vần thơ nhịp nhàng và thanh thoát, về thời cắp sách thân thương. Nguyễn Nguy Anh đã có được khoảng trời lặng lẽ riêng mình để vơi đầy tâm tư: “Một ngày trong tháng giêng. Chơi rong hoài cũng chán. Nấp mình sau con sóng. Bỗng thấy lòng nhẹ tênh”.

Đáng tiếc, sáng sớm mùng 3 tết Bính Thân, sau khi đưa lên trang web Áo Trắng Bình Dương bài thơ “Bên thềm mùa xuân” đầy cảm xúc thong dong: “Hạnh phúc đã về qua hơi thở. Một người đứng đợi. Bên thềm mùa xuân”, Nguyễn Nguy Anh đi bộ thể dục theo thói quen, thì gặp tai nạn…
62 mùa xuân khép lại với Nguyễn Nguy Anh, bất ngờ và bàng hoàng. Định mệnh quá nghiệt ngã với một con người đôn hậu. Vĩnh biệt nhé, Nguyễn Nguy Anh! Trong lòng bạn bè văn chương vẫn còn một nhà thơ Bình Dương luôn có cách hành xử thật đứng đắn và nụ cười thật khoan dung!
                                             Phú Yên, 10-2-2016