Tôi muốn lưu giữ lại trong những trang sách ký ức về những ngôi làng Kinh Bắc cổ xưa với những đặc sắc của văn hoá Kinh Bắc. Nhưng trái với ngôi làng là một cái không thật, thì những nhân vật của tôi lại hầu như có thật, họ hầu như từ cuộc sống bước thẳng vào trang sách của tôi. Rất nhiều người quen đọc sách của tôi thốt lên: “Chuyện của ông...X, chuyện của chị…Y…”. Thật ra thì với thủ thuật của người viết, tôi cũng đã làm mờ những góc cạnh không cần thiết của nhân vật. Tôi luôn muốn mang đến cho độc giả một mỹ cảm nào đó qua câu chuyện của mình, dù đó là một câu chuyện về một nhân vật chả ra gì. Tôi luôn muốn nhìn người bằng con mắt nhân ái. Thế nhưng, các nguyên mẫu mà tôi nhằm để xây dựng nhân vật của mình hình như cá tính quá mạnh, họ đã hóa thân vào trong nhân vật của tôi. Sống động. Và họ lại sống tiếp cuộc đời trong làng Ngọc của mình… 

NGƯỜI DƯỢC SĨ KỂ CHUYỆN QUÊ

Mấy năm trở lại đây, bạn đọc trên cả nước đã dần quen với cái tên tác giả truyện ngắn Trần Thanh Cảnh khi hàng loạt truyện ngắn của anh được đăng tải trên Báo Văn nghệ Công an; Tạp chí Văn nghệ Quân đội; Báo Văn nghệ và nhiều tờ báo khác. Trước Tết Nguyên đán năm nay, anh đã vinh dự được nhận giải thưởng Văn xuôi 2015 của Hội nhà văn Việt Nam cho tập truyện ngắn “Kỳ nhân làng Ngọc”. Nhân sự kiện này, phóng viên Văn nghệ Công an đã có cuộc trò chuyện với tác giả Trần Thanh Cảnh.

@ Có người nói giải thưởng không làm nên nhà văn, anh có nghĩ thế?
Trần Thanh Cảnh: Tôi rất chia sẻ điều này. Một nhà văn, anh ta cầm bút viết vì những thôi thúc nội tâm, vì những điều chất chứa trong lòng. Anh ta viết vì cần phải viết, cần phải chia sẻ với bạn đọc của mình. Thế thôi. Anh ta trở thành nhà văn vì được bạn đọc đón nhận, vì tác phẩm của mình được công chúng và thời gian thẩm định… Còn giải thưởng, là một sự ghi nhận, một sự động viên khích lệ nhà văn trên con đường sáng tạo. Nó không là mục đích sáng tác của nhà văn, cho nên nó không làm nên nhà văn. Tác phẩm và bạn đọc làm nên nhà văn. Nhưng nhà văn mà có thêm giải thưởng thì càng tốt (cười).
@ Đọc “Kỳ nhân làng Ngọc”, tôi thấy cái chất Kinh Bắc rất rõ trong từng câu chuyện. Có một làng Ngọc và những nguyên mẫu trong những câu chuyện của ông không?
Trần Thanh Cảnh: Thật ra thì quê tôi là làng Ngọ- Làng Ngọ Xá. Làng Ngọc trong những câu chuyện của tôi chỉ là một phép ẩn dụ, không có thực. Nhưng cái làng Ngọc trong sách ấy nó lại khá thực vì tôi đã lấy hình ảnh của các ngôi làng vùng Kinh Bắc, cùng với tất cả những hình ảnh đẹp đẽ về làng quê xưa mà tôi còn lưu giữ trong ký ức, cùng với những phong tục tập quán, hủ tục… để dựng nên một làng Ngọc như bạn đọc thấy trong truyện. Những cái làng ở vùng tôi, quanh chân núi Thiên Thai, cạnh dòng sông Đuống ngày xưa rất đẹp với những rặng tre xanh quanh làng, những đầm sen thơm ngát trưa hè. Nay những cái đó đang dần biến mất.
Tôi rất tiếc, tôi muốn lưu giữ lại trong những trang sách ký ức về những ngôi làng Kinh Bắc cổ xưa với những đặc sắc của văn hoá Kinh Bắc. Nhưng trái với ngôi làng là một cái không thật, thì những nhân vật của tôi lại hầu như có thật, họ hầu như từ cuộc sống bước thẳng vào trang sách của tôi. Rất nhiều người quen đọc sách của tôi thốt lên: “Chuyện của ông...X, chuyện của chị…Y…”.
Thật ra thì với thủ thuật của người viết, tôi cũng đã làm mờ những góc cạnh không cần thiết của nhân vật. Tôi luôn muốn mang đến cho độc giả một mỹ cảm nào đó qua câu chuyện của mình, dù đó là một câu chuyện về một nhân vật chả ra gì. Tôi luôn muốn nhìn người bằng con mắt nhân ái. Thế nhưng, các nguyên mẫu mà tôi nhằm để xây dựng nhân vật của mình hình như cá tính quá mạnh, họ đã hóa thân vào trong nhân vật của tôi. Sống động. Và họ lại sống tiếp cuộc đời trong làng Ngọc của mình… 

@ Được biết, ông đã từng là một người lính, sau đó chuyển sang công tác trong ngành dược. Nhưng kỳ thật, đọc những sáng tác của ông tôi, chỉ thấy thấp thoáng bóng dáng người lính và cái hồn làng Ngọc mà không hề thấy … “dược”, mặc dù có lẽ nghề dược là nghề gắn bó lâu nhất với ông cho đến nay. Ông có thể lý giải.
Trần Thanh Cảnh: Tôi đi bộ đội, tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, làm việc trong ngành dược 30 năm. Tôi gắn bó máu thịt với ngành dược. Hiện gia đình và các con tôi cũng vẫn là người của ngành dược. Nhưng tôi chưa viết về dược, bởi ngành dược là một ngành khá hẹp, khá khép kín. Mà trong khi đó, khi cầm bút viết văn, là tôi bị thôi thúc bởi nội tâm, bởi những bức xúc trong lòng cần phải giải toả. Ngành dược của tôi lại khá hiền hòa và tôi cũng yêu nghề của mình.
Cái nghề đã cho tôi mọi thứ, bây giờ vẫn nuôi tôi một cuộc sống đủ để không phải quá quan tâm đến cơm áo gạo tiền thường nhật, để tôi có thể đêm đêm sống với các nhân vật của mình. Còn chất lính, thì mặc dù tôi chỉ đi bộ đội gần bốn năm, nhưng tuổi thơ tôi trải qua thời kỳ chiến tranh, cha tôi là bộ đội, sau này bạn bè tôi hầu hết cũng vào bộ đội rồi lại ra ngoài dân sự làm việc. Những câu chuyện về lính nó luôn hiện lên hàng ngày… thế cho nên bóng dáng người lính thấp thoáng trong truyện của tôi như lẽ tự nhiên. Còn hồn làng Ngọc - hay hồn làng quê Kinh Bắc, là một điều dĩ nhiên, vì tôi sinh ra lớn lên ở làng. Bây giờ vẫn gắn bó với làng.
Khi cầm bút viết, tôi đã có ngay ý định muốn kể cho các bạn đọc nghe về làng tôi, đặc biệt là cái “hồn làng”. Còn ngành dược, tôi vẫn nghĩ là rồi mình sẽ viết về nó. Nhưng tôi đang làm nghề, đang sống bằng dược… Mà văn học nó là ký ức. Sẽ tới một lúc nào đó, với độ lùi của thời gian, tôi sẽ viết về dược! 

@ Vẫn biết rằng mỗi nhà văn đều có mỗi vùng đất để “cày xới” nhưng hiện nay tình hình khu vực, thế giới đang có nhiều phức tạp và nó ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, chính trị nước nhà. Ông có suy nghĩ gì về mảng đề tài này?
Trần Thanh Cảnh: Chắc chắn là vùng đất để tôi cày xới trong lĩnh vực văn chương sẽ luôn là các làng quê Kinh Bắc, vì đó là nơi tôi hiểu nhất. Nhưng với một nhà văn, với tư cách là một trí thức thì không ai có thể thờ ơ với những vấn đề thời sự đang diễn ra quanh mình. Đặc biệt là những vấn đề như biển đảo, ASEAN, TPP, chủ quyền lãnh thổ, rồi những vấn đề về đổi mới, trật tự trị an… Tôi có dự định sẽ viết về những đề tài này, như là một tiếng nói của nhà văn trước thời cuộc. 

@ Hơn 50 tuổi mới bắt đầu viết văn và nhận ngay giải thưởng cao quý của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông có nghĩ nếu mình viết văn sớm hơn sẽ đoạt được nhiều thành tựu?
Trần Thanh Cảnh: Tôi hoàn toàn không nghĩ là mình viết văn sớm hay muộn. Tôi viết văn thật sự là do khi những bức xúc nội tâm nó lớn đến mức mà mình muốn nổ bùng ra, phải làm một việc gì đó, thì tôi phải giải tỏa trên trang viết. Được nhận giải thưởng cao quý của Hội Nhà Văn Việt Nam, tôi rất xúc động, nhất là khi tôi chưa là hội viên. Và đây cũng chỉ là quyển sách đầu tiên của tôi được làm theo nghĩa chuyên nghiệp, bài bản. Tôi học ngành dược nên biết con người luôn có những giới hạn của mình.
Tôi cho rằng việc viết sớm hay muộn không ảnh hưởng đến việc một nhà văn có nhiều hay ít thành tựu. Tôi cho rằng điều đó do vốn liếng tích luỹ được trong quá trình sống, học hỏi, thu lượm kiến thức bên cạnh những yếu tố hằng định của cuộc đời nhà văn quyết định. Thế nên tôi cũng không cho rằng viết sớm thì sẽ có nhiều thành tựu. Tôi tin vào điều đó.

@ Ông có thường đọc các sáng tác của những người viết trẻ và ông ấn tượng những tác giả nào?
Trần Thanh Cảnh: Tất nhiên là tôi đọc rất nhiều. Là một nhà văn thì ĐI-ĐỌC-VIẾT, là lẽ sống. Với các nhà văn trẻ, tôi rất thích đọc của họ, đó là một trong những cách làm trẻ mình. Bởi dù gì thì tôi cũng khá “già” nếu nói theo tuổi đời. Nhưng trong những người viết trẻ hiện nay, tôi chỉ xin phép nói tới những người mà tôi biết, tôi đọc và thích, còn tôi đọc khá nhiều, cũng thích nhiều. Nhưng vì câu hỏi của bạn là hỏi về “Trẻ” nên tôi hơi băn khoăn. Có tác giả tôi thích, tôi nói ra ở đây, khi mai kia ngồi uống rượu lại bị mắng là cây đa cây đề thế này mà gọi là trẻ a?... Vậy tôi chỉ nói tới những người tôi biết khá rõ.  Truyện ngắn thì tôi thích Đỗ Tiến Thuỵ, Tống Ngọc Hân, Nguyễn Thế Hùng, Phạm Duy Nghĩa… Tiểu thuyết của Uông Triều, Trần Đức Tĩnh, Mạnh Hùng… Đặc biệt, tôi đọc và thích “Nhà văn trẻ”: Nguyễn Trí. Một trường hợp… cũng na ná giống tôi nên hình như có sự đồng cảm nào đó. 

@ Những cái tên ông vừa nhắc đều là cộng tác viên thân thiết của Văn Nghệ Công an. Cũng may là chúng ta có sự đồng cảm. Được biết ông sắp cho ra mắt hai cuốn sách trong năm 2016, ông có thể bật mí một chút về 2 cuốn sách đó.
Trần Thanh Cảnh + Năm 2016 tôi dự định sẽ ra mắt 2 cuốn mới: đó là tập truyện “Mỹ nhân làng Ngọc”, một tập sách có thể coi là tập 2 của “Kỳ nhân làng Ngọc”, cũng vẫn những câu chuyện về những con người làng Ngọc. Nhưng đây sẽ là những câu chuyện về thời hiện tại. Đặc biệt, tôi sẽ tập trung kể cho bạn đọc nghe cuộc đời của các mỹ nhân nổi tiếng làng Ngọc, một ngôi làng nổi tiếng với nhiều cô gái đẹp đẽ đảm đang như các bạn từng biết. Còn quyển sách thứ hai, có thể là một tập hợp những câu chuyện về đời lính, những truyện ngắn đã in trên một số báo về đề tài tình yêu… Nhưng cũng có thể sẽ là tiểu thuyết đầu tay. Nhưng dù thế nào, tôi cũng rất hy vọng sẽ được bạn đọc đón nhận tác phẩm của mình. 

@ Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

NGUYỄN THẾ HÙNG – Văn Nghệ Công An