“Chúa đất” là sản phẩm của hư cấu trên nền cảm hứng về vùng Đường Thượng, Yên Minh, Hà Giang, nơi lưu truyền truyền thuyết Sùng Chúa Đà gắn liền với sự tích cây cột đá hành quyết ghê rợn, cũng là nơi có thung lũng đẹp nhất trên cao nguyên cực Bắc. Mặc dù tên tác phẩm được đặt theo tên nhân vật chính - chúa đất Sùng Chúa Đà, con người đáng sợ nhất Đường Thượng, thần chết cai quản Đường Thượng, một kẻ hoang dâm vô độ nhưng lại bất lực tính dục - và mặc dù tác phẩm dựng khá sinh động nhiều nhân vật đàn ông khác như Lù Mìn Sáng, Thào Chá Vàng, Thào Chá Pó, ấy nhưng, có một thứ hấp lực bất khả cưỡng đã dẫn dụ ngòi bút tác giả về phía những người đàn bà, để rồi chính những người đàn bà này mới là nhân vật trung tâm của tác phẩm, mới là nơi kết tinh, thăng hoa bút lực Đỗ Bích Thúy. “Vì sao vậy? 




QUYỀN ĐƯỢC LÀM NGƯỜI BÌNH THƯỜNG

HOÀNG ĐĂNG KHOA

Vì bao nhiêu đau buồn nhất trên thế gian này, đều dành cho đàn bà. Vì bao nhiêu khát vọng lớn lao nhất, đều nằm trong giấc ngủ đàn bà. Vì bao nhiêu gánh nặng nhất trong đời người, đều rơi trên vai đàn bà. Vì bao nhiêu yêu thương nhất, đều nằm trong trái tim đàn bà. Vì bao nhiêu dại khờ nhất, cũng đều thuộc về đàn bà...” – tác giả “Chúa đất” trần tình bên ngoài tác phẩm. Và Đỗ Bích Thúy đã dựng xuất sắc những nhân vật đàn bà “nhiều trong một” ấy bằng tất cả ấm áp yêu thương, run rẩy trắc ẩn của trái tim đàn bà nơi mình.
Đó là bà Cả. Như một con thiêu thân, một vật hiến tế, bà tự nguyện, tự giác tặng cho chúa đất tuổi trẻ của mình, sự xinh đẹp rực rỡ của mình, tình yêu đắm si, vô điều kiện của mình. Bà sẵn sàng đánh đổi tất cả để nhận về mình những khoảnh khắc được gối đầu lên cánh tay của người đàn ông mà bà đã yêu thương suốt ba mươi năm (ba mươi năm làm vợ, bà vẫn là trinh nữ). Bà coi chúa đất là linh hồn, là hơi thở, là máu của mình. Bà vừa là nhân vật quyền uy, dưới một người trên muôn người, nhưng đồng thời như cái váy rách trong xó buồng, như cái chum đựng muối bên cạnh bếp lửa trong dinh thự chúa đất, như cái vũng nước dưới vực, tít dưới đáy sâu, tối tăm, câm lặng, không ai nhìn thấy, không ai động đến, kể cả gió, kể cả mặt trời. Ghen tuông, mệt mỏi, sầu muộn vì yêu thương ăn mòn dần hồn xác bà… Và sau cuối, cái váy rách ấy, cái hũ muối ấy, cái vũng nước ấy muốn nói tiếng người. Bà nổi loạn, giải thoát cho người, tự giải thoát cho mình. “Thực là bà chẳng sợ gì hết. Chết cũng được. Chấm dứt ba mươi năm làm thân gác cửa kho bạc, chấm dứt những đêm mất ngủ ngồi nhìn qua khe cửa xem đứa gái nào từ buồng chúa đất về buồng mình lúc mờ sáng, chả tốt sao”…
Đó là Vàng Chở. “Một bông anh túc rực rỡ nhất nhì thung lũng Đường Thượng”. Trông Chở lúc nào cũng như một bó đuốc đang cháy, hai má rực đỏ, mắt long lanh như mắt người vừa uống được nửa bát rượu. Chiếc váy trắng tinh, xòe ra như cây nấm, cái eo lưng bé tý, cặp vú mẩy căng ních trong mấy lớp áo, rung rinh sau mỗi bước đi. Chở không biết sợ, không biết ân hận là gì. Dám làm dám chịu. “Chết thôi mà, có gì tiếc”. “Làm gì có ai không muốn sống. Nhưng sống mà khổ hơn chết thì sống làm gì?”. “Chúa đất Sùng Chúa Đà là người thế nào chứ? To như gấu, khỏe như hổ báo, ác như rắn hổ mang, của cải thì ăn ba bốn đời không hết. Một người như thế mà… chẳng làm đàn ông được, thì dùng làm gì?”… Thế là không yên thân, an phận làm bà Tư, Chở dám làm những việc đến ông trời cũng phải giật mình. Chỉ vì muốn được làm đàn bà thật sự mà Chở đã liều lĩnh mạng sống, quặp lấy thằng trai chăn ngựa ngay trong dinh thự của chúa đất. Một ít ấm ấp mà thằng trai đó mang đến cũng đủ để an ủi những ngày làm bà Tư lạnh lẽo, đen tối của Chở. Và sau cuối, Chở bình thản, tỉ mẩn làm cho mình thật đẹp trước khi bị treo lên cột đá. “Vàng Chở nó sống như thế đấy. Còn một ngày trên đời thì nó cũng cố tình làm theo ý của nó”… 
Đó là biết bao nhiêu cô gái khác, như những bông hoa đào, những bông hoa anh túc, những bông hoa bạch yến đang tỏa mùi mật ngọt, như mặt trăng vừa nhô lên khỏi đỉnh núi, cứ thế lần lượt bị “bắt” về làm vợ chúa đất nhưng không được làm đàn bà, chỉ làm gối, làm chăn đệm thơm tho, mềm cho chúa đất gác chân, làm miếng thịt, làm cái bánh thơm ngậy vừa nướng xong cho chúa đất cắn xé giày vò không bao giờ thỏa mãn. Họ là những hạt giống tốt nhưng bị gieo vào mảnh đất chết nên đều từ từ thối rữa, mục nát, không thể nảy mầm. Họ sẵn sàng làm tất cả để được tự do, được ở bên cạnh người mình yêu thương, được vui vẻ, hạnh phúc theo cách mà mình muốn, cho dù nó chỉ đến trong chớp mắt.
Không chỉ dành niềm yêu thương vô tận cho những thân phận đàn bà, trái tim nhân hậu, bao dung của tác giả “Chúa đất” còn đủ chỗ, đủ sức ôm chứa cả những bất hạnh đàn ông, dẫu đó là nhân vật phản diện như chủ ý xây dựng của tác phẩm. Bằng cái đầu lạnh và con tim nóng, tác giả “Chúa đất” nhìn xuyên thấu bản tính thiện, chất người âm ỉ chảy bên trong một con ác thú, “đọc vị” được cái “mặt nạ đa nhân cách”, cái nguồn cơn và quá trình tha hóa của chúa đất. Sùng Chúa Đà, xét cho cùng, là một người đàn ông bất hạnh. Bất hạnh của Đà là không có khả năng làm một thằng đàn ông thực thụ. Sự hung ác hoang dâm không mang lại cho Đà hạnh phúc. “Đêm nào có một đứa gái bị gọi lên, rồi lại vừa lê vừa bò về buồng, thì ngày hôm sau chúa đất cũng giống như con mèo bị quẳng ra bãi tuyết. Mắt sâu hoắm, cằm nhô ra, râu mọc như lông nhím”. Ẩn ức tính dục, mặc cảm giới tính, nỗi hận đời bất công, căm đàn bà phản bội… dần biến Đà thành con thú bệnh hoạn, tàn độc. Đà với tiếng thở khi thì sâu hút như gió thổi dưới vực, khi thì dài và nặng như kéo theo cả một cái cối xay ngô. Một kẻ giết người nhiều hơn giết gà giết bò, thế mà có lúc buồn phiền, yếu ớt như một đứa trẻ. Một người tàn ác lúc thức, nhưng hiền lành như một con người lúc ngủ… Và sau cuối chúa đất cũng không phải chết một mình. Ít nhất có một kẻ trung thành sẵn sàng xả thân chết cùng. Đấy là con chim Sùng Cắt, kẻ trung tín tuyệt đối của chúa đất. Điên cuồng trong đám lửa đang cháy ngùn ngụt, và những chiếc xà nhà đang lừ lừ rơi xuống, Sùng Cắt tìm mọi cách để cứu chúa đất, và rồi, nó chẳng thể nào khác, chết trong đống lửa, không oán thán, không ân hận. Sự việc, chi tiết nhuốm màu kỳ ảo này có thể coi là “nghĩa tận” mà tác giả “Chúa đất” dành cho một kẻ xứng đáng phải lãnh án “tử” theo đúng luật nhân quả, “ác giả ác báo”.
Chủ ý chọn cho cuốn sách mới của mình là nhân vật bất lực tính dục, là yếu tố sex, là những pha bạo lực, hành quyết man rợ kiểu trung cổ, nhưng đây hoàn toàn không phải là chiêu thuật, chiến lược gây sốc, câu khách của tác giả. “Chúa đất”, có thể nói, đã chạm được đến cái gọi là mỹ học của tính dục, mỹ học của cái ác. Điều đáng nói thêm ở đây là tác giả cuốn sách không trượt theo quán tính thẩm mỹ, không rập theo những cái khuôn đã được mặc định. Bởi cuộc đời vốn muôn hình vạn trạng. Có ai ngờ một người đàn ông với gương mặt vuông vức đẹp đẽ, cao lớn, cường tráng, vâm váp, khỏe mạnh như hổ như gấu là chúa đất lại không có khả năng “chọc vào được một đứa gái nào”, trong khi đó một đứa trai xấu xí, nhỏ người, da đen trũi, cứng đanh như một cục sắt nguội là Lù Mìn Sáng thì lại thừa khả năng làm cho một đứa con gái căng mẩy, rạo rực như Vàng Chở lên đến tột đỉnh thăng hoa.
“Chúa đất” được viết bởi một dung lượng cảm hứng, cường độ cảm xúc lớn và mạnh, câu chữ do vậy thông chảy như gió thổi, như thác xối, biến hóa bất định. Có khi nhân hóa, phóng đại, trùng điệp đậm màu sử thi (chẳng hạn “Kiến nhìn thấy chúa đất cũng phải tìm một gốc cỏ mà nấp. Suối nghe thấy tiếng bước chân chúa đất cũng phải ngừng chảy. Gió rừng nghe tiếng ngựa của chúa đất hí vang cũng phải đứng lại nín thở trên ngọn cây”). Có khi tưng tửng, trào giễu rất đương đại (chẳng hạn những lời bình luận nửa trực tiếp, vừa là của Vàng Chở, vừa là của người kể chuyện về Lù Mìn Sáng: “Ôi, là cái thằng đàn ông phản bội. Ăn vụng xong không chùi được mồm, bị phát hiện, lại đổ tại thức ăn ngon”, hay những lời đối đáp của Vàng Chở với bà Cả). Có khi rưng nghẹn, giàu sức truyền cảm (chẳng hạn trường đoạn kể về hành trình chết của bà Cả và những phản ứng của con chó vàng). Không chạy theo cấu trúc thời thượng, mê lộ tân kỳ, Đỗ Bích Thúy cứ thế tự nhiên tự tin phát huy sở trường, thăng hoa “đặc sản” phong cách văn chương mạch lạc, trong sáng, duy mỹ, duy cảm của mình, đặc biệt là phát huy, thăng hoa thế mạnh kể, tả hấp dẫn, tinh tế, dựng cảnh, dựng nhân vật sống động. Kịch tính tăng dần theo từng trang sách (nhất là từ khi con thú chúa đất là đích ngắm của mũi tên tẩm thuốc độc do Thào Chá Vàng tỉ mẩn rèn, ngâm). Chi tiết được chọn lọc, giàu sức dung chứa (đắt nhất, ám ảnh nhất có thể kể là chi tiết con chó phủ phục ra đất, dán mắt xuống sông, úp cằm lên đôi giày mà bà chủ để lại). Chất điện ảnh đậm đặc (rõ nhất là những trường đoạn miêu tả cảnh một người một chó đi tự vẫn, rồi cảnh một người một chim trong ngọn lửa hoang tàn). Những câu dân ca Mông khi được chọn làm đề từ cho mỗi chương, khi chêm xen vào mạch tự sự, đặc biệt là những hình ảnh so sánh thật “độc”, thật tự nhiên, giàu tính hình tượng, như những đốm sáng thẩm mỹ, làm dậy lên hồn vía, dậy lên âm sắc, mùi vị, không khí cuộc sống sinh hoạt, lao động của núi rừng, của tộc người (“Bà như một nắm bột ngô bị ném vào chậu nước, tự thấy mình tan ra từng miếng một”, “Cặp vú Chở vừa dày vừa nóng thơm ngát mùi ngô non”, “Sáng như cái cối xay, quay một cái là ngô thành bột ngô hết”, “Chúa đất nghiến răng, tay để trên đùi nắm chặt, gân nổi lên như rễ cây rừng”, “Đứng cạnh Chở, thằng Sáng chỉ như con sậu đậu trên bông anh túc”, “Xính vừa làm vừa hát. Tiếng hát Xính trong như giọt sương đang rơi từ trên ngọn lá xuống lưng chừng núi”, “Tiếng hát như một dòng suối trong vắt, chảy trên những viên đá đầy màu sắc, dưới ánh nắng vàng như mật ong, thỉnh thoảng một con cá nhỏ sáng lấp lánh quẫy lên”, “Say, cô nấu bếp béo tròn, người lúc nào cũng nóng hổi như vừa lấy từ trong chõ hấp mèn mén ra”…). Ngôn ngữ, tâm lý nhân vật được cá tính hóa đến sắc nét, trộn không lẫn. Hai “nhân vật phụ” là con chó vàng và con chim Sùng Cắt được dựng một cách xuất thần, với khả năng tri âm, đồng cảm, tận nghĩa tận tình của nó đối với chủ, đặt trong thế tương quan, đối sánh với con người, nhất là với chúa đất, với Ly Chứ Dia… có thể coi là một cách thế mà tác phẩm giễu nhại cái sự không bằng con vật của con người, và cảnh tỉnh nguy cơ băng hoại, đánh mất nhân tính của con người.

Kể một câu chuyện buồn đau nhưng cuốn sách biết cách tự cân bằng nhằm tạo sinh sinh khí cho mình, tiếp thêm sinh lực cho người đọc bằng cảm thức đương đại, bằng âm hưởng hoạt kê (ở dạng ẩn), bằng những sự kết thúc bi tráng, bằng những bức tranh thiên nhiên diễm lệ… 
Tư tưởng nhân văn, hiện sinh xuyên suốt “Chúa đất”. Sẽ là bất hạnh thay cho những ai sinh ra, sống ở trên đời mà không sở hữu quyền được là một con người bình thường, quyền được là thằng đàn ông, con đàn bà thực thụ, quyền được tự do yêu đương, được sống như mình muốn. “Cái cây, tảng đá vẫn còn đây, vực sâu vẫn còn đây, chỉ có con người là chẳng mấy chốc sẽ thành đất”. Tuy nhiên, thời gian sống không quan trọng bằng chất lượng sống, mà chất lượng sống lại được quyết định bởi cảm giác sống, chứ không phải bởi quyền lực, của cải.
“Chúa đất” là một diễn ngôn văn chương ám gợi về vấn đề nữ quyền nói riêng, nhân quyền nói chung, là khúc bi ca về cái đẹp bị dập vùi, tình yêu bị ngáng trở, tự do bị cướp đoạt, nhưng đồng thời cũng là khúc hoan ca về sự nổi loạn của cái đẹp, của tình yêu, của tự do.

Dựng thành công những nhân vật là đồng bào Mông vừa mộng mơ vừa quyết liệt, như Vàng Chở, như bà Cả, như Thào Chá Vàng, như Sùng Pà Xính…, tiểu thuyết “Chúa đất” là tấm khảm hứng dệt được căn cước văn hóa, cá tính, vô thức tập thể đặc trưng của tộc người. 

Núi rừng muôn đời vẫn thế, cứ rì rầm vọng về những câu chuyện vừa kỳ bí, vừa vô lý, buồn miên man. “Chúa đất” chắc hẳn sẽ làm đầy hơn trong người đọc nhận thức về thực thể Việt Nam, bằng một cái nhìn từ núi.