Mấy năm gần đây mạng xã hội đã trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống” đối với số đông người Việt, không chỉ trong giới trẻ mà cả với người cao tuổi. Người ta ngày càng ít luận bàn xung quanh những thông tin trên các phương tiện truyền thông chính thống mà quan tâm nhiều hơn đến thông tin trên mạng.  Sự phổ cập của mạng xã hội đang làm thay đổi tận gốc hệ thống giáo dục và cung cách học tập truyền thống. Báo chí truyền thống đang đứng trước sự thách thức sống còn, hoặc là chấp nhận cáo chung, hoặc là phải thích nghi hoặc tận dụng, liên kết, “nương nhờ” vào mạng xã hội để tồn tại. Mạng xã hội vốn là nơi chia sẻ thông tin và tri thức, nơi trao đổi kinh nghiệm về nghề nghiệp, tiêu dùng và hoạt động văn hóa, sáng tạo. Nó trở thành phương tiện hữu dụng chưa từng có của xã hội loài người, dùng nó gần như không tốn tiền (chỉ trả cước sử dụng internet) mà nếu biết cách còn có thể kiếm được tiền. 


MẠNG XÃ HỘI VÀ TỰ DO NGÔN LUẬN

HOÀNG HẢI VÂN

Mạng xã hội vốn là như vậy và ở phương Tây nó đang là như vậy, nhưng ở Việt Nam nó đang có vấn đề. Các địa chỉ người dùng trên facebook, trên blog, các wesite tự tạo…, thường được gọi chung là “báo chí lề trái”, không bị cấm, mà muốn cấm cũng không cấm được, nên mặc nhiên chúng tồn tại hợp pháp. Hợp pháp, nhưng nó không bị chi phối bởi Luật Báo chí và các quy định khác. Còn báo chí truyền thống thì được điều chỉnh bởi Luật Báo chí, các quy định dưới luật, các văn bản chỉ đạo và thậm chí phải tuân thủ ý kiến “chỉ đạo miệng”. Nói ở Việt Nam ít tự do ngôn luận là không đúng. 
Bằng chứng là thông tin trên mạng xã hội, dù nặc danh hay chính danh, đều có thể “nói” ở mức độ tự do ngang bằng với bất cứ một nước phương Tây nào. Hơn thế nữa, mạng xã hội ở Việt Nam còn “tự do” đến mức thoải mái vu khống, bịa đặt, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng chỉ bị luật pháp xử lý một cách lẻ tẻ, nghĩa là chỉ một số người bị xử lý còn đa số thì không, dù những địa chỉ phát tán các thông tin này là chính danh. Tình trạng này dẫn đến sự bất bình đẳng lớn trong truyền thông mà lợi thế áp đảo nghiêng về phía mạng xã hội, báo chí chính thống ngày càng bị lép vế. 
Cần nhìn qua nước Mỹ, để xem luật pháp nước họ xử lý vấn đề tự do ngôn luận như thế nào. Nước Mỹ không có đạo luật nào về tự do báo chí, tự do ngôn luận. Quyền này chỉ được ghi tại một điều khoản, chính xác là được ghép trong một điều khoản, đó là Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ. Toàn văn của Tu chính án này như sau : “Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof; or abridging the freedom of speech, or of the press; or the right of the people peaceably to assemble, and to petition the Government for a redress of grievances” (Quốc hội không được ban hành đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, hoặc hạn chế tự do ngôn luận hay báo chí hoặc quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình”. 
Như lời văn của nó cho thấy, điều khoản này cũng không quy định người dân có quyền tự do ngôn luận hay báo chí, nó chỉ ngăn chặn Nhà nước ra các đạo luật làm hạn chế quyền này mà thôi. Vì sao vậy? Vì đối với các nhà lập quốc Hoa Kỳ, đây là một trong những “quyền tự nhiên” của con người, không ai đủ tư cách ban phát, Hiến pháp chỉ ngăn chặn việc xâm phạm quyền tự nhiên ấy mà thôi. Có thể thấy Tu chính án thứ nhất được ban hành để “răn đe” chính quyền, không phải để “răn đe” người dân hay báo chí. 
Nước Mỹ không có báo chí “lề phải” hay “lề trái”, “lề” nào cũng được điều chỉnh bởi Tu chính án thứ nhất. Vì vậy, khi các công cụ truyền thông trên Internet phát triển như vũ bão, họ chẳng có lý do gì để thay đổi hay “tăng cường”, “củng cố” luật pháp. Tuy nhiên, việc sử dụng truyền thông để đưa tin sai sự thật hay bôi nhọ, xúc phạm người khác thì luật pháp Mỹ xử lý rất nghiêm, thông qua tòa án. Việc phỉ báng cá nhân ở Mỹ được luật pháp điều chỉnh rất thú vị. Thời thuộc địa, cho tới năm 1734, việc phỉ báng quan chức, dù nội dung có đúng hay không, đều phạm tội. 
Nhưng từ năm 1734, khi Hoa Kỳ vẫn còn là thuộc địa của Anh, đã có một vụ án lịch sử, đó là vụ Zenger. John Peter Zenger, một chủ báo ở New York đã cho đăng bài trên tờ New York Weekly Journal của mình, công kích viên Thống đốc Hoàng gia Anh tại đây, cho ông này là bất tài và nhận hối lộ. Zenger đã phải vào tù vì tội phỉ báng. Nhưng người bào chữa cho Zenger, luật sư Andrew Hamilton, đã làm nên một bước ngoặt về pháp lý khi ông chứng minh những lời “phỉ báng” của Zenger là không sai và đã thuyết phục tòa án tuyên bố Zenger vô tội. Vụ Zenger đã tạo ra một tiền lệ quan trọng: Từ đây, trong những vụ kiện về tội phỉ báng (ngày nay đều là các vụ kiện dân sự), nguyên đơn chỉ cần chứng minh được lời phỉ báng đó là sai sự thật thì thắng kiện. Đó là bước tiến lớn về quyền tự do ngôn luận ngay giữa chế độ thuộc địa mà giá trị pháp lý của nó tồn tại đến ngày nay. 
Tuy nhiên, đến năm 1964 có sự “phân biệt đối xử” lý thú, bắt đầu từ vụ án lịch sử: Vụ New York Times kiện Sullivan. Vụ kiện xuất phát từ một trang quảng cáo đăng trên tờ New York Times của một số mục sư nhằm quyên tiền để bào chữa cho nhà hoạt động nhân quyền lừng danh nước Mỹ - mục sư Martin Luther King, sau khi ông bị bắt giam. L.B Sullivan, người phụ trách Sở cảnh sát thành phố Montgomery, bang Alabama, cho rằng nội dung quảng cáo đã nói không đúng về các hành vi của lực lượng cảnh sát và phỉ báng mình, nên đã kiện New York Times và các mục sư ra tòa án. Xét thấy nội dung quảng cáo có một số thông tin không đúng, tòa án đã quyết định cho Sullivan thắng kiện, buộc các bị đơn phải bồi thường cho ông này 500 ngàn USD. 
New York Times và các mục sư đã kháng cáo lên Tối cao pháp viện. Tòa tối cao cho rằng không thể dùng các quy định điều chỉnh về tội phỉ báng để áp đặt hình phạt đối với việc phê phán hành vi ứng xử của các công chức, rằng dù nội dung phê phán có sai sót nhưng việc yêu cầu những người phê bình các quan chức phải bảo đảm độ chính xác trong phát biểu của họ là hành động “tự kiểm duyệt”. Tòa cũng cho rằng, những công chức Nhà nước muốn thắng kiện trong trường hợp này không chỉ phải chứng minh những nội dung được đăng tải là sai mà còn phải chứng minh những người đăng tải nội dung này là “có ác ý”, nhưng tòa nhận thấy rằng không có bằng chứng nào chứng tỏ tờ New York Times và các mục sư đã “có ác ý” khi đăng nội dung đó. 
Vì vậy, Tòa tối cao phán quyết New York Times và các mục sư thắng kiện. Phán quyết của Tối cao pháp viện Hoa Kỳ trong vụ án lịch sử này có giá trị như một điều luật, và hơn thế nữa, nó có giá trị ngang với một điều khoản của Hiến pháp, để từ thời điểm này áp dụng cho tất cả các vụ kiện về tội phỉ báng: một nguyên đơn là quan chức Nhà nước muốn thắng kiện nhất thiết phải chứng minh rằng những lời phỉ báng của bị đơn là sai, đồng thời phải chứng minh được cái sai đó là “có ác ý”. Ngoạn mục hơn, là án lệ của vụ New York Times kiện Sullivan không chỉ dành cho các quan chức nhà nước mà còn được Tối cao pháp viện mở rộng luôn cho những “nhân vật của công chúng”, bao gồm các ngôi sao giải trí, các nhà văn nổi tiếng, các vận động viên thể thao và những người “thường xuyên thu hút sự quan tâm của giới truyền thông”. 
Có lẽ các đại thẩm phán Hoa Kỳ anh minh đã tiên liệu những hạn chế có thể có về tự do ngôn luận nên đã đưa ra một án lệ quan trọng để phòng ngừa, án lệ này còn có tác dụng ngăn chặn bớt sự tham quyền cố vị và thói háo danh ở nước Mỹ. Tóm lại, đúng hay sai, thiếu hay đủ là do những góc nhìn, nhưng luật pháp của Mỹ trong lãnh vực tự do ngôn luận là minh bạch và hoàn toàn có thể dự đoán được, cho nên mọi người đều cảm thấy an toàn. Từ người dân cho tới các chính khách, quan chức, người nổi tiếng hay báo chí chẳng ngán gì những kẻ làm bậy, nói bậy. Những kẻ làm bậy, nói bậy cũng tiên lượng được cái giá mà họ phải trả.
Ở Việt Nam, tôi không nghĩ là không có tự do ngôn luận. Vấn đề là hệ thống luật pháp của chúng ta trên lãnh vực này đang bị “biến thái”, dung túng cho kẻ gian và hạn chế tiếng nói của người ngay. Một bên là các mạng xã hội, được truyền tải thông tin trên “băng thông rộng” và một bên là báo chí chính thống, chỉ truyền tải thông tin trên “băng thông hẹp”. Chẳng có một “thế lực thù địch” nào đủ sức kéo được công chúng vào con đường giả dối, phản động hay đồi trụy. Chính sự “biến thái” nói trên đang đẩy công chúng vào “lề trái”, nơi họ nghĩ sẽ tìm được “của ngon vật lạ”. 
Các nhà lãnh đạo chính trị đang phải tập thói quen cây ngay không sợ chết đứng khi các vị bị chửi bới tơi bời khói lửa trên mạng mà chính các vị và những người bảo vệ các vị cũng không có nơi có chốn để nói lại một cách đàng hoàng sòng phẳng. Không phải người dân mà chính các vị mới là nạn nhân lớn nhất của tình trạng “biến thái” này. Bởi vậy, đã đến lúc nghĩ đến một khung pháp lý đủ rộng, đủ công bằng và minh bạch theo nguyên tắc pháp trị về tự do ngôn luận, sao cho báo chí chính thống cũng được hưởng cơ hội ngang bằng với mạng xã hội. Khi ấy, mạng xã hội dù có còn rác rưởi, ít hay nhiều cũng không thành vấn đề.



Nguồn: Duyên Dáng Việt Nam số Xuân Bính Thân