Sau hơn một năm lâm bạo bệnh, nhà thơ Lê Anh- một gương mặt khó quên của thi ca Phú Yên, đã qua đời vào đêm 7-11-2015 tại quê nhà, hưởng thọ 67 tuổi. Lê Anh đã xuất bản hai tập thơ “Hoa xương rồng trên cát” và “Sông thức”. Lê Anh là một dạng nhà- thơ- nhân-dân, ông hòa lẫn trong nhân dân, chìm khuất trong nhân dân, rồi một hôm đẹp trời đột ngột ngoi lên giữa quán nhậu vỉa hè hay tiệm cơm bình dân mà ngất ngưởng cất giọng ồm ồm đọc vài câu thơ la đà cơn say hạ giới. Mặc bao người kinh ngạc ngó ông như vật thể lạ vừa được khai quật từ một khu di chỉ văn hóa tàng tích, Lê Anh vẫn ngỡ nơi mình đứng là Hoàng Hạc Lâu mà Lý Bạch và Thôi Hiệu vừa quay lưng đi tìm Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị để mở lễ hội thi sĩ ngắm nhau, nên ông phiêu lãng gọi “Bạn ở đâu chân trời xa lắc/ Bỏ lại ta uống rượu một mình!”



    LÊ ANH THEO HẠT MƯA RƠI VỀ XA THẲM

                   LÊ THIẾU NHƠN

    Có lần ngồi trò chuyện với nhà thơ Trần Đăng Khoa, tôi độp một câu: “Anh cứ bảo con người của Lê Lựu có giá trị khảo cổ học, cũng tội nghiệp cho Lê Lựu. Ở Phú Yên quê tôi có ông làm thơ tên là Lê Anh còn ấn tượng gấp mấy lần!”. Khuôn mặt nhẵn thín của thần đồng thơ Việt Nam chồm lên phía trước: “Thật à? Cổ kính hơn cả Lê Lựu thật à?”. Tôi phân tích: “Ông Lê Lựu nhảy phóc từ một cánh đồng thế kỷ 19 lên văn đàn hôm nay, còn ông Lê Anh chui ra từ hang đá, tạt ngang thế kỷ 19 mượm tạm bộ quần áo của lão ngư phủ nào đó rồi khập khễnh bước vào làng thơ thế kỷ 21 mà vẫn nghễnh ngãng như đang sống thời Sơ Đường hay Thịnh Đường!”. Đôi mắt mỏng như hai cây kim của Trần Đăng Khoa bỗng tròn xoe ngơ ngác, rất có tố chất một nhà nhân chủng học: “Thế…thế cái ông kỳ nhân thiên tướng Lê Anh viết cái gì?”. Tôi nghiêm ngắn trả lời: “Ông Lê Lựu viết Thời xa vắng, còn ông Lê Anh viết Thời xa…tít!”

    Đùa vậy thôi, chứ con người Lê Anh nhìn chỗ nào cũng thấy cũ kỹ. Có choàng thời trang đắt giá nhất thế giới lên mình Lê Anh, rồi nhuộm tóc xanh tóc đỏ mô-đéc cho Lê Anh, thì khi Lê Anh đưa hàm răng cái lạc cái xiêu ra cười chỉ làm bộ dạng nhàu nhĩ của ông ấy cũ kỹ thêm. Thế nhưng, thiếu vắng sự chân tình của Lê Anh thì bàn trà văn chương ở Phú Yên bớt náo nhiệt ngay.

Dù Hội văn nghệ Phú Yên đã chiu chắt kinh phí bao cấp để in hai tập thơ “Hoa xương rồng trên cát” và “Sông thức” cho Lê Anh, thì ông cũng chẳng có cách nào đường hoàng làm một tác giả thơ trên văn bản. Lê Anh là một dạng nhà- thơ- nhân-dân, ông hòa lẫn trong nhân dân, chìm khuất trong nhân dân, rồi một hôm đẹp trời đột ngột ngoi lên giữa quán nhậu vỉa hè hay tiệm cơm bình dân mà ngất ngưởng cất giọng ồm ồm đọc vài câu thơ la đà cơn say hạ giới. Mặc bao người kinh ngạc ngó ông như vật thể lạ vừa được khai quật từ một khu di chỉ văn hóa tàng tích, Lê Anh vẫn ngỡ nơi mình đứng là Hoàng Hạc Lâu mà Lý Bạch và Thôi Hiệu vừa quay lưng đi tìm Đỗ Phủ và Bạch Cư Dị để mở lễ hội thi sĩ ngắm nhau, nên ông phiêu lãng gọi “Bạn ở đâu chân trời xa lắc/ Bỏ lại ta uống rượu một mình!”.

Lê Anh có một lối sống thi sĩ khiến nhiều người phải ganh tị. Đời ông trang điểm cho thơ ông, và thơ ông chắp cánh cho đời ông!

    Thơ Lê Anh đến từ cái cõi chập chờn. Cho nên, mỗi lần Lê Anh chép ra giấy và nắn nót chỉnh lại theo quan niệm thi ca của ông thì những bài thơ hỏng lung tung. Càng chỉnh càng hỏng. Thơ Lê Anh chỉ rung cảm khi chính Lê Anh đọc bằng khẩu khí có chút men cay đưa lối dẫn đường. Thơ Lê Anh chỉ có giá trị khi lờn vờn xung quanh công chúng, sự lờn vờn giống như “lời em từ nơi trong vắt tiếng chuông/ Theo hạt mưa rơi về ô cửa!”


PHÍA PHỐ MỜ SƯƠNG

Đầm ấm tiếng chim mái chiều
Gió bất chợt vô tình khép lại
Dáng ai đứng đợi
Bóng in nghiêng phía phố mờ sương
Lời em từ nơi trong vắt tiếng chuông
Theo hạt mưa rơi về ô cửa!

                 LÊ ANH