Nhà báo – Nhạc sĩ Hà Quang Minh trình bày sự âu lo: “Đánh được vào nhu cầu của cộng đồng để kinh doanh, đó là điều đáng quý nhưng suy cho cùng, thực hiện việc kinh doanh của mình dựa trên những thứ phi quy luật thị trường (như mối quan hệ cá nhân chẳng hạn) cũng như dựa vào sự dễ dãi, thiếu sáng tạo thì chỉ cho thấy rằng các đơn vị sản xuất kiểu ấy đang vô cùng bất lực. Họ sẽ làm giàu được như thế không nếu như họ không có cơ hội quan hệ? Họ sẽ làm giàu được như thế không nếu như họ đi chính trên đôi chân sáng tạo của mình? Chắc chắn là không. Cách họ làm vô cùng dễ dãi, như một công thức rập khuôn: mua một công thức làm chương trình của nước ngoài và Việt hóa nó thành một phiên bản copy, thậm chí copy đến hoàn hảo. Họ không nghĩ được ra một chương trình nào mà ý niệm cơ bản của nó hoàn toàn là một sáng tạo độc lập của người Việt, truyền hình Việt; một sản phẩm họ có thể hãnh diện về bản quyền…”



Khi tiếng hát thể hiện sự bất lực

HÀ QUANG MINH

Tiếng hát, một đặc ân được ban tặng cho loài người, là thứ thường được hình dung như một kênh chuyển tải xúc cảm và tâm trạng của chủ thể. Bởi thế, có những tiếng hát buồn, có những tiếng hát vui, có những tiếng hát hào hùng, có những tiếng hát bi tráng… Tiếng hát, nó gắn liền với đời sống con người và nói một cách nào đó, cùng với bản ngữ của giọng hát, nó như một tiếng nói đặc trưng của một dân tộc, một xã hội.

Nhưng ở giai đoạn này của xã hội Việt Nam, dường như tiếng hát không còn là kênh chuyển tải cảm xúc nữa mà nó chỉ như một thông điệp thể hiện sự bất lực của chúng ta, sự bất lực trong sáng tạo đến mức độ dễ dãi. Và điều đó là một cảnh cáo thực sự đối với phát triển xã hội. Khi một xã hội thiếu sáng tạo, đó là một xã hội đang sống "thực vật" thì đúng hơn.

Khi chàng trai Đức Phúc đăng quang cuộc thi The Voice 2015, nhiều bài báo đã kể lại câu chuyện "hành trình đi thi hát" của đời cậu. Hoá ra, trước The Voice, Đức Phúc đã từng thi vài cuộc thi tương tự khác trên truyền hình, và thất bại. Tất nhiên là thất bại rồi. Bởi nếu thành công từ những lần thử sức đầu, chẳng dại gì cậu thi thêm một lần thứ hai. Nhiều người sẽ đưa ra một vấn đề cũ rích, và rất chung, rằng giới trẻ không còn đường lập nghiệp nào khác ngoài đi hát sao?

Thực ra câu hỏi ấy là thừa. Nếu giới trẻ ý thức được họ có tiềm lực để trở thành ca sỹ, thì lựa chọn đi hát của họ chẳng có gì sai. Và nếu thi trượt cuộc thi này, thi tiếp cuộc thi khác cũng không có gì là xấu cả. Cái đáng quan tâm nhất chính là những người lợi dụng vào khát vọng của giới trẻ ấy, khát vọng chính đáng (khát vọng vươn lên đỉnh cao nhờ vào năng lực của mình thì luôn là chính đáng rồi), để làm giàu cho chính mình. Một công ty truyền thông, như Cát Tiên Sa chẳng hạn, sở hữu một loạt chương trình thi hát, từ The Voice cho tới X Factor, và chiếm hàng loạt khung giờ vàng của sóng truyền hình trung ương, sẽ kiếm được rất nhiều tiền sau mỗi mùa rộn ràng ứng thí của những người trẻ mang khát vọng nổi tiếng sau một đêm thần kỳ.

Đánh được vào nhu cầu của cộng đồng để kinh doanh, đó là điều đáng quý nhưng suy cho cùng, thực hiện việc kinh doanh của mình dựa trên những thứ phi quy luật thị trường (như mối quan hệ cá nhân chẳng hạn) cũng như dựa vào sự dễ dãi, thiếu sáng tạo thì chỉ cho thấy rằng các đơn vị sản xuất kiểu ấy đang vô cùng bất lực. Họ sẽ làm giàu được như thế không nếu như họ không có cơ hội quan hệ? Họ sẽ làm giàu được như thế không nếu như họ đi chính trên đôi chân sáng tạo của mình? Chắc chắn là không. Cách họ làm vô cùng dễ dãi, như một công thức rập khuôn: mua một công thức làm chương trình của nước ngoài và Việt hóa nó thành một phiên bản copy, thậm chí copy đến hoàn hảo. Họ không nghĩ được ra một chương trình nào mà ý niệm cơ bản của nó hoàn toàn là một sáng tạo độc lập của người Việt, truyền hình Việt; một sản phẩm họ có thể hãnh diện về bản quyền…

Và trong vòng xoáy cạnh tranh khốc liệt với nhau để tranh giành thị phần, họ biến thị trường giải trí Việt thành một điểm tập kết đổ bộ của những show truyền hình có nguồn gốc nước ngoài. Để rồi từ đó, không ít lần, chúng ta phải tranh cãi nhau về những điểm lệch pha văn hóa bởi cách nhìn nhận của người phương Tây và người Việt về một sự việc, hiện tượng bao giờ cũng khác nhau mà khốn khổ thay, để trung thành với công thức đã mua, nhiều lúc họ phải sử dụng những chi tiết lệch pha như thế.
Tại sao chỉ là ca hát và ca hát? Có bao giờ họ đặt ra câu hỏi ấy không? Chẳng lẽ, ngoài ca hát ra, nhu cầu giải trí của người Việt không còn gì khác nữa hay sao? Người già hát, người trẻ hát, thanh niên thi hát, trẻ em thi hát. Người Việt bây giờ chỉ có hát là cách nhanh nhất để nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền chăng? Hay là những người làm truyền hình giải trí họ quan niệm rằng, sóng truyền hình quốc gia là miễn phí, nên cho gì thì khán giả phải dùng nấy. Còn nếu muốn thưởng thức đa dạng hơn, mời khán giả làm quen với truyền hình trả tiền. Vậy thì từ sự bất lực trong sáng tạo của họ, phải chăng đã hình thành sự bất lực của chính khán giả, trong việc phản ứng lại với sự thừa mứa đến phát ngán, và dần dần chấp thuận chúng, như một phần bình thường của đời sống mỗi người.

Nhưng khán giả dù sao cũng chỉ là nạn nhân. Nhà đài cũng bất lực trước cám dỗ quá mạnh của một thị trường dễ dãi được chi phối bởi vài ông trùm truyền thông dễ dãi. Một ví dụ nhỏ, nhưng đáng buồn, là một kênh truyền hình trả tiền mới xuất hiện khoảng 6 - 7 năm nay mới đây đã quyết định dẹp bỏ 3 chương trình không liên quan gì đến hát hò mà các chương trình ấy được sáng tạo ra bởi chính những nhân viên trẻ trung, tâm huyết của họ. Các chương trình đó tồn tại mấy năm nay và rất thu hút khán giả nhưng nó không mang lại lợi nhuận nhiều như những thứ ca hát tầm phào kia. Và thế là họ quyết định khai tử, bất chấp những khán giả trung thành cảm thấy hụt hẫng, bất chấp nỗi buồn đến ngơ ngác của cả một ê kíp trẻ bỗng dưng bị tước đoạt những đứa con mình rứt ruột đẻ ra, để thay thế bằng những thứ hứa hẹn lợi nhuận lớn hơn rất nhiều. Và với cái biện minh "doanh thu-trả lương" cũ rích, họ bỗng dưng luôn nắm trong tay mình chân lý.

Vậy thì cuối cùng, trong chúng ta, có ai là người không bất lực đây? Hay là thôi, cứ hát đi, cho hòa chung vào tiếng của thời đại, một thời đại đầy rẫy sự rập khuôn và dễ dãi…