Hội Nhà văn VN vừa kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Nam Cao (29.10.1915- 29.10.2015). Được đánh giá là nhà văn hiện thực phê phán vào hàng xuất sắc nhất của văn học Việt Nam, nhà văn Nam Cao đã hy sinh vào năm 1951, khi vừa tròn 36 tuổi. Gần nửa thế kỷ sau, hài cốt của tác giả tuyệt phẩm “Chí Phèo” mới được tìm thấy, nhờ công những nhà ngoại cảm. Cuộc trò chuyện đầy chất liêu trai giữa nhà văn Nam Cao và nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng có thể khiến nhiều người nổi da gà. Thế nhưng, sự thật mộ phần thực sự của Nam Cao đã được phát hiện một cách ngoạn mục!





HÀI CỐT CỦA NAM CAO ĐƯỢC TÌM THẤY NHƯ THẾ NÀO?

HOÀNG ANH SƯỚNG

Chương trình “Tìm lại Nam Cao” có sự tham gia của 35 đơn vị như Bộ Lao động thương binh và xã hội, Viện Khoa học hình sự Bộ Nội vụ, Liên hiệp khoa học - công nghệ thông tin ứng dụng UIA, Đài truyền hình Việt Nam… và sự góp mặt của 7 nhà ngoại cảm, trong đó, có nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. 
Cuộc ra quân rầm rộ của 35 cơ quan, tổ chức, đơn vị Nhà nước trong cuộc tìm kiếm hài cốt nhà văn Nam Cao ngay từ đầu đã gặp muôn vàn khó khăn: Mộ Nam Cao nằm ở đâu giữa bạt ngàn 800 ngôi mộ liệt sĩ vô danh. Ban tổ chức tìm kiếm đã phải thận trọng đi từng bước một. 

Sau khi xác định được nhà văn Nam Cao đang nằm trong số 48 ngôi mộ từ nghĩa trang Gia Thanh đưa về nghĩa trang Gia Viễn. Ban tổ chức quyết định dùng phương pháp ngoại cảm để tìm kiếm. Ông Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp khoa học kỹ thuật UIA đã tập hợp 7 nhà ngoại cảm, được mang ký hiệu từ NC 01 đến NC 07. 

Tư liệu duy nhất cung cấp cho các nhà ngoại cảm là một tấm ảnh nhà văn Nam Cao. Sau ảnh ghi ngày tháng năm sinh, ngày tháng năm mất và quê quán. Các nhà ngoại cảm tiếp cận với người đã mất, rồi ghi những thông tin nhận được ra giấy cho vào phong bì dán kín lại, đem nộp cho Liên hiệp khoa học công nghệ thông tin ứng dụng UIA. Họ làm việc độc lập bằng khả năng riêng của mình. Các kết quả được niêm phong, sau đó tổng hợp để phân loại. Đây là phương pháp truyền thông giao thoa. Những thông tin có chỉ số trùng khớp cao giữa các nhà ngoại cảm được gọi là thông tin có chỉ số truyền thông giao thoa.

Ngày 23/11/1996, nhà ngoại cảm Bích Hằng bị ốm, mặt sưng vù, sốt sình sịch nên phải nằm bẹp ở nhà. Ông Vũ Thế Khanh rất lo lắng. Ông đánh giá rất cao khả năng ngoại cảm của Bích Hằng, coi chị là nhân vật chủ lực. Do vậy, đích thân ông mang tấm ảnh Nam Cao đến tận nhà trao cho Bích Hằng, động viên chị cố gắng tham gia chương trình. 

Bích Hằng kể: “Nhìn thấy tấm hình nhà văn Nam Cao, tôi hào hứng lắm. Đó là bức ảnh đen trắng. Nhà văn Nam Cao mặc chiếc áo có hai khuy trên ngực và khoác chiếc xắc bồng bềnh, thả lệch sang một bên. Tối hôm đó, tôi không tài nào ngủ được. Nửa đêm dậy thắp hương, thỉnh mời vong linh ông về nói chuyện. Hương vừa cháy, khói hương vừa lan tỏa, tôi đã thấy ông về, xua tay, bảo: “Cháu ơi, không cần thiết phải bày vẽ hương khói làm gì”. “Ôi! Gặp được bác, cháu mừng quá! Bác ơi, cháu rất hâm mộ bác. Hồi còn đi học phổ thông, cháu thích nhất là những bài phân tích tác phẩm của bác. Có lần, cháu được cô giáo dạy văn cho điểm đặc biệt bài phân tích hai nhân vật Chí Phèo, Thị Nở đấy. Suốt từ đó đến giờ, cháu cứ ước ao giá như có một lần được gặp bác, trò chuyện với bác, để nghe chính bác nói về các nhân vật của mình”. 
“Cô bé ơi! – nhà văn Nam Cao mỉm cười – Quên mất nhiệm vụ chính rồi à?”.  “À, vâng. Đúng rồi ạ. Ngày mai mọi người tổ chức đi tìm mộ bác đấy. Thông tin cho đến giờ còn mù mờ lắm. Vậy bác có thể cho cháu biết bác hy sinh ở đâu không?”.
“Bác hy sinh trong một chuyến đi công tác tuyên truyền ở quân khu ba, thuộc đất Ninh Bình. Trên chuyến đò định mệnh hôm ấy, cùng đi với bác còn có đồng chí Nguyễn Văn Thao và đồng chí Nguyễn Văn Yêng. Hồi còn hoạt động cùng nhau, các bác hay gọi bác Yêng là Danh vì cái tên thật khó gọi quá. Ngoài ra, còn có đồng chí Phan Văn Phán và một số cán bộ địa phương dẫn đường nữa. Khi địch nổ súng, một số người nhảy xuống nước, chạy đi các hướng và đã thoát được như bác Phán ấy. Còn bác cùng với bác Thao và bác Danh thì bị địch bắt và đưa về xử bắn ở trước cửa nhà thờ Miễu Giáp. Họ đã chôn chung cả ba bác trong một hố cạnh đường, thuộc địa phận xã Gia Xuân. Một thời gian sau, các bác lại được cất bốc đưa về nghĩa trang huyện Gia Viễn. Ngày mai cháu đến đó sẽ thấy. Nghĩa trang ấy nửa cổ nửa kim, phải đi qua một cây cầu, có một cái mương nước và mấy cây dừa. Các ngôi mộ xếp hàng rất giống nhau. Riêng ngôi mộ của bác có một dấu hiệu khá đặc biệt. Nó đúng bằng tuổi đời của bác, nhưng thêm một số không ở giữa”.
“Bác ơi! Nhưng cháu đang bị sưng quai bị, đau lắm bác ạ. Cháu không biết ngày mai cháu có thể đến đó được không”. “Thôi đi với bác đi mà! Cháu yêu tác phẩm và các nhân vật của bác như vậy thì phải về với bác chứ. Đã có nhiều nhà ngoại cảm chỉ dẫn cho người nhà của bác đến được gần tới ngôi mộ rồi nhưng chưa có ai chỉ đúng cả”.
“Bác ơi! Vậy ngày mai đi tìm, bác phù hộ cho cháu đỡ đau nhé. Cháu đang lên quai bị mà ra gió, nhỡ biến chứng thì sẽ dẫn đến vô sinh đấy. Với lại, bác chỉ đường cho cháu nhé”. “Được rồi. Sẽ không sao đâu. Cháu cứ đi đi rồi sẽ có thêm nghị lực. Vả lại, có cháu đi cùng bác mới chuyện trò được với các bạn nhà văn của bác chứ”.
Dưới sự chỉ dẫn của nhà văn Nam Cao, Bích Hằng vội lấy giấy phác sơ đồ, đánh dấu cẩn thận những điểm mốc cần thiết. “Bác ơi, cháu vẫn băn khoăn về mấy tác phẩm của bác. Thế cái truyện ngắn “Trẻ con không được ăn thịt chó” có thật không bác? Hay chỉ là chuyện hư cấu?”. “Thật đấy cháu ạ! Rất thật. Đó là câu chuyện trong nhà bác. Nhưng được rồi, đừng nhắc đến chuyện đó nữa, bác buồn lắm. Ngày mai đi tìm bác, sẽ được ăn thịt chó đấy”. 

Ngay sau cuộc trò chuyện với nhà văn Nam Cao vừa kết thúc, chị đã ngồi vào bàn, viết tất cả những thông tin quan trọng mà vong linh Nam Cao cung cấp, rồi cho vào phong bì, dán kín. Sáng sớm 24/11/1996, chị cho người nhà mang phong bì thư tới Ban tổ chức chương trình. Song nằm ở nhà, lòng thấy bứt rứt không yên, chị quyết định cùng cả đoàn lên đường về Gia Viễn, Ninh Bình.
Ngồi trên xe, thấy một số nhà văn già trệu trạo nhai bánh mì khô khốc, Bích Hằng cười bảo: “Các bác ơi! Bác Nam Cao nói là hôm nay đi tìm bác ấy, mọi người sẽ được ăn thịt chó đấy”. Nghe vậy, cả đoàn cười vang. Ai cũng nghĩ Bích Hằng nói đùa vì ai mà không biết truyện “Trẻ con không được ăn thịt chó” của Nam Cao.
Đoàn về đến hội trường ủy ban huyện Gia Viễn, Ninh Bình đã thấy mọi người ngồi đợi rất đông. Đi cùng đoàn hôm đó còn có các nhà ngoại cảm Trần Ngọc Kiệm, Doãn Phú, Thẩm Thúy Hoàn. 
Sáng 24/11/1996, tại Hội trường Ủy ban nhân dân huyện Gia Viễn (Ninh Bình), các nhà ngoại cảm được trao lại bản viết tay đã nộp cho Hội liên hiệp UIA rồi lần lượt thông báo các thông tin đã nhận được của mình. 

Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng (ký hiệu NC 01) viết trong phong bì của mình: “Hiện tại mộ phần của liệt sĩ Nam Cao được quy tụ về nghĩa trang liệt sĩ của địa phương, nơi ông đã hy sinh. Nơi ông nằm là một cánh đồng ven đường trục liên huyện, đi qua một cái cầu xi măng nhỏ.
Phần mộ của ông vẫn vô danh, không có thay đổi gì sau 45 năm. Số mộ của ông trùng lặp với số tuổi đời của ông khi ông hy sinh, chỉ khác là số mộ có thêm số 0 ở giữa. Trong mộ đó có thêm vài cái xương của người bạn xấu số của ông nhưng chỉ là vài cái rất nhỏ, không đáng kể”. 

Thông tin trong phong bì của nhà ngoại cảm có ký hiệu NC 02 (ông Doãn Phú): “Mộ của nhà văn Nam Cao đã được vào nghĩa trang Gia Viễn - Ninh Bình. Khi đi vào nghĩa trang của ông phải qua cây cầu nhỏ. Trong mộ của Nam Cao còn bị lẫn xương của một người khác. Còn ngôi mộ ở hàng số 2, ngôi thứ 8 là mộ của anh Thao, người chỉ huy nhóm. Hàng thứ 4 ngôi số 7 là của liệt sĩ quê ở Thanh Hóa không còn thân nhân nữa”.
Trong đáp án của nhà ngoại cảm ký hiệu NC 03 có thông tin: “Tìm 1 được 3”. Theo nhà ngoại cảm này giải thích, cùng hy sinh với nhà văn Nam Cao có liệt sĩ Nguyễn Văn Thao quê ở Thái Bình và liệt sĩ Nguyễn Văn Yêng quê ở Hà Nam. Một số thông tin của các nhà ngoại cảm khác chỉ ra được tình trạng mộ chứ không chỉ rõ ngôi mộ nào.
Vậy là, qua sự chỉ dẫn của 7 nhà ngoại cảm, cùng sự mách bảo của một nhà khoa học trước đó thì hài cốt Nam Cao được nghi vấn nằm ở một trong hai ngôi mộ 305 hoặc 306. Song thông tin có chỉ số huyền thông cao nhất rơi vào ngôi mộ số 306.
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng tự tin khẳng định: “Chắc chắn mộ bác Nam Cao đã được quy tập. Và tôi đã xác định được vị trí mộ. Tất cả các thông tin về vị trí mộ, tôi đã dán kín lại, trao cho Ban tổ chức”. 

Bất ngờ, Bích Hằng quay xuống dưới khán phòng đông nghịt người, thông báo: “Hiện tại, bác Nguyễn Văn Thao, người đi cùng chuyến đò định  mệnh với bác Nam Cao hôm đó cũng đang ở đây. Bác Nam Cao và bác Thao bảo rằng, trong hội trường hôm nay còn có bác Phan Văn Phán, người đồng chí cũ của các bác, đã thoát nạn trận đó. Cứ hỏi bác ấy tình tiết cụ thể thế nào thì biết hết”.
Vừa dứt lời, một ông già khoảng ngoài 70 tuổi, tóc bạc, da mồi, run rẩy đứng dậy, giọng run run: “Đúng vậy, tôi là Phán đây!”. Cố kìm nén niềm xúc động, ông Phán chậm rãi kể: “Hôm ấy, chúng tôi được lệnh đón một đoàn cán bộ về vùng đó hoạt động tuyên truyền. Chúng tôi đã cải trang cẩn thận rồi, thông tin về chuyến đi cũng rất bí mật nhưng đúng lúc chuyến đò của đoàn đi đến giữa sông thì bất chợt có tiếng hô to: “Bắt lấy! Bắn!”.
Ngay lập tức, những loạt đạn như hoa lửa bủa vây. Chúng tôi mạnh ai nấy chạy, nhảy đại xuống nước, bơi tỏa ra bốn hướng. Nhà văn Nam Cao cùng với hai đồng chí còn lại vì không biết bơi nên ở lại trên đò và đã bị bắt. Mặc dù thoát chết nhưng tôi quá đau lòng khi lẩn nấp trong bụi tre gần đó và buộc phải chứng kiến toàn bộ cảnh nhà văn Nam Cao cùng hai người đồng chí bị dẫn giải về xử bắn ở trước cửa nhà thờ Miễu Giáp”. 

Sau những chia sẻ đầy xúc động ấy, đoàn tìm kiếm quyết định ra nghĩa trang liệt sĩ Gia Viễn, tiến thẳng đến ngôi mộ số 306. Nhà văn Nam Cao nói với nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng: “Bác mất năm 36 tuổi cháu ạ. Bác bị giặc bắn hai phát, một phát vào đầu, một phát vào sườn làm gãy hai rẻ xương sườn. Hồi đó vì ba người chung một hố chôn và qua mấy lần di chuyển nên mọi người đã bốc lẫn một chút. Vì thế mà giờ này, trong mộ phần 306, hai xương đùi đều là đùi phải, cái dài cái ngắn. Ngôi mộ chính có nhiều xương cốt của bác nhất mang số 306, nhưng nếu nói là vẫn có bác ở ngôi số 305 - mộ chính của bác Danh hoặc thậm chí cả ngôi 310 - mộ bác Thao thì cũng đúng cháu ạ”. (Nhà văn Trần Ngọc Lân hiện vẫn còn lưu giữ đoạn băng ghi âm cuộc trò chuyện này). 

Hôm đó, thân nhân đi cùng đoàn có ông Trần Hữu Đạt là em trai nhà văn Nam Cao và tiến sĩ Trần Mai Thiên – con trai liệt sĩ. Khi mọi người thắp hương, Nam Cao bảo (qua Bích Hằng): “Chú Thục ơi! Anh không quen mọi người thắp hương đâu. Cả đời sống giản dị không thay đổi được nữa rồi. Nhưng lần này đành nhận nén hương của mọi người vì tình cảm tha thiết quá”.

Ngay khi Nam Cao gọi tên “chú Thục”, bát hương bỗng bốc cháy rừng rực, còn cả đoàn thì ngơ ngác. Không ai biết “chú Thục” là ai. Bỗng nhiên, ông Đạt bật khóc rưng rức. Ông giải thích: “Tên Đạt chỉ mới bắt đầu dùng từ khi tôi đi tham gia công tác, còn tên cúng cơm của tôi chính thức là Thục, được gọi từ hồi còn nhỏ nên con cháu trong nhà không ai biết. Chỉ có mỗi bác Nam Cao biết thôi”.
Nhà văn Nam Cao dặn dò từng người, nhắc nhiều chuyện trong gia đình khiến người nhà khóc như mưa. Còn đoàn tìm kiếm thì hầu như ai cũng vui vì tin tưởng mộ phần đánh dấu lần này thực sự thuộc về nhà văn Nam Cao. 

Trưa đó, lãnh đạo huyện Gia Viễn mời cả đoàn về ủy ban dùng cơm trưa. Vừa vào đến nhà ăn, nhà văn Trần Ngọc Lân cùng cả đoàn  bỗng dưng ồ lên cười ha hả. Trên mâm bày tú hụ món thịt chó. Thì ra, một anh bán thịt chó ở gần đó biết tin có đoàn đi tìm mộ nhà văn Nam Cao, bèn hào hứng góp phần chiêu đãi món thịt chó. Điều này đúng như lời dự báo của Bích Hằng khi ở trên xe.

Nguồn: Tâm sự gia đình