Nhà văn Khuất Quang Thụy kể: “ Năm 1975, sau khi miền Nam giải phóng, tôi được về phép về thăm nhà và mẹ tôi đã nói lại rằng: “Cuối năm 1972, vào những ngày máy bay Mỹ đang ném bom Hà Nội bỗng một hôm có mấy ông cán bộ to của Trung ương quân đội tìm đến nhà ta. Các ông ấy đưa cho mẹ một ít tiền và nói rằng đó là tiền bút gì đó của con. Thế là cả nhà òa lên khóc! Mẹ nghĩ, có lẽ con chết rồi nên các ông ấy mang tiền tuất về cho mẹ”. Mãi sau này tôi mới biết đó là anh Đỗ Gia Hựu và các anh ở Nhà xuất bản Quân đội sau khi in ký sự Lửa và thép trong cuốn Cửa khẩu vì biết tôi đang chiến đấu ở Tây Nguyên nên các anh đã lặn lội lên tận Sơn Tây để mang tiền nhuận bút tới cho gia đình”



ÂN TÌNH SAU NHỮNG TRANG VĂN

CHÂU LA VIỆT

…Năm 1971, từ mặt trận Lào, tôi được gọi về một trại viết quân đội đặt tại công trường 800. Năm ấy tôi là anh binh nhất 19 tuổi, lần đầu tiên được tham gia một trại viết quân đội, cũng là lần đầu được gặp ông Đỗ Gia Hựu với gương mặt đôn hậu, vai đeo quân hàm đại úy, tay xách chiếc cặp may bằng vải bạt…cùng ông Vũ Sắc thay mặt NXB quân đội đến hướng dẫn cho trại viết 
 Sau những giờ lên lớp về lý thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác. Tôi được ông trực tiếp hướng dẫn. Thú vị là ngay từ buổi tiếp xúc đầu tiên, ông đã làm tôi thấy thân thiết như cha con, chú cháu trong một gia đình, chẳng chuyện gì về gia đình, hoàn cảnh và đời sống chiến sỹ của tôi mà ông chẳng quan tâm… Và cũng chính từ những tâm sự này, tôi đã hình thành nên một đề cương văn học để sáng tác trong trại viết. Đấy là đề cương tiểu thuyết (tuổi 20 ai mà chẳng hăng) Những tầng cây săng lẻ. Khi nộp đề cương này cho ông, thấy ông chỉ tủm tỉm: ừ thì cứ viết đi, nhưng có lẽ đây chỉ là một truyện ngắn 
Ông quả là một ông thầy già dặn. Ngay sau buổi ấy, tôi chưng đèn viết như điên (Vâng, tuổi 20 ai mà chẳng hăng), lại thêm nữa về trại viết được “cơm no rượu say “mà chưa bao giờ đời chiến sỹ chúng tôi được hưởng như thế, nên cứ thức hết đêm này qua đêm kia toét cả mắt mà cày … Ấy vậy mà chỉ được đến trang thứ 30 đúng là hết truyện, khép lại là vừa…
- Vâng, thủ trưởng nói đúng, chỉ có thể là một truyện ngắn thôi ạ…Tôi bẽn lẽn nộp bản thảo cho ông, với 30 trang viết tay bằng mực tím nhòe nhoẹt. Ông lại tủm tỉm cười: Cứ để mình đọc. 
*
Cũng chính từ trại viết ấy, tôi trở nên thân thiết với ông, và còn được ông mời lại nhà chơi…
Đấy là một căn hộ nhỏ trong một chung cư ở phố Trần Quốc Toản HN. Nhỏ thôi, nhưng ngay từ buổi đầu tới, tôi đã cảm nhận được là chật mà hóa rộng, bởi chủ nhân rộng mở tấm lòng. Căn hộ của ông luôn chất đầy khách khứa, đêm hè oi bức cũng như đêm đông gió lạnh, lúc nào cũng có khách ngồi thăm hỏi, tâm sự, giãi bày…
 Là những nhà văn quân đội tên tuổi. Là những cây viết trẻ ở những đơn vị trong toàn quân. Là những nhà văn dân sự viết về đề tài chiến tranh. Lại cả những nhà văn có những phiền toái về lý lịch, tìm đến ông như một sự nương tựa, chở che. Có những người đến cậy nhờ ông in sách, giới thiệu tác phẩm, cũng lại cũng có những người chỉ đến để tâm sự về văn chương, về thế thái nhân tình.
…Nghĩa là căn hộ nhỏ của ông như một phòng làm việc thứ hai của ông cho những giờ ngơi nghỉ mà ông không được nghỉ, và với ai ông cũng chẳng nề hà tiếp đón, tâm sự, giúp đỡ, chở che, có rau ăn rau, có cá ăn cá…
 Sau này tôi mới hiếu cái tình trong ông thật lớn. Trách nhiệm đã đành, mà tình với con người, nhất là với người cầm bút, dù trong hay ngoài quân đội, đều được ông nâng niu, trân trọng, chỉ bảo, giúp đỡ ân tình…
Chính bởi thế, đã nhiều tác phẩm văn học xuất sắc về người lính được xuất bản trong thời gian ông là biên tập viên, rồi trưởng phòng biên tập văn nghệ của NXB quân đội. Cũng giai đoạn này, nhiều nhà văn từ áo lính trưởng thành nhờ sự nâng đỡ, lăng xê, giới thiệu của ông. Chẳng ai nhớ được những năm tháng chiến tranh ấy, ông đã cùng các cộng sự của mình đi mở, hoặc đến với bao trại viết quân đội, hướng dẫn cho bao người cầm súng cầm thêm cây bút, đọc và biên tập bao nhiêu trang bản thảo còn khét lẹt mùi thuốc súng để có những tác phẩm văn học xuất sắc về cuộc chiến tranh. (Cũng phải nói thêm rằng, có cả những cây bút tưởng chừng đã không thể gắng gượng được nữa vì tỳ vết, mà bởi sự nâng đỡ của ông, đã trở lại với con đường văn học và có những tác phẩm hữu ích, được xuất bản bề thế và trang trọng…)
*
 Ở trại viết năm ấy, truyện ngắn Những tầng cây săng lẻ của tôi được giải thưởng của Trại viết, và qua sự giới thiệu đầy uy tín của ông, đã được in trân trọng trên tạp chí VNQĐ (Một hạnh phúc lớn với một binh nhất mới cầm bút như tôi). Năm 1980,trong bối cảnh giấy má in ấn rất khó khăn, tôi lại được ông ưu ái in cho tập kịch Những bạn trẻ của tôi ở NXB quân đội, mà nói thật, cái ngữ viết kịch như tôi chả chắc đã được là học trò của những nhà viết kịch quân đội khác như Đào Hồng Cẩm, Tào Mạt, Hoài Giao, Chu Nghi, Sỹ Hanh…Nhưng vẫn được ưu tiên vì là chiến sỹ trẻ ở đơn vị chiến đấu, vì những trang viết còn nóng bỏng hơi thở mặt trận …
 Cái ơn của ông với tôi đã lớn, mà càng lớn hơn khi ông chiều theo một ý nguyện của tôi, một cây bút trẻ chỉ được quen ông qua một trại viết. Số là năm 1974 tôi về học khoa Văn ĐHSP HN. Tôi có người bạn thân là Lê Huy Hòa, nguyên là một phi công cũng về học. Hòa hiền lành, ít nói, học không thật giói nhưng chịu thương chịu khó. Khi tốt nghiệp, Hòa được điều đi dạy ở một tỉnh xa phía bắc, sau dó lại thay quyết định vào dây đại học tại TPHCM, trong khi anh lại rất thiết tha trở lại quân đội phục vụ. Tôi dẫn Hòa đến ông để giới thiệu Hòa về  NXB quân đội (Sự vụ này Hòa đã kể trong một hồi ký in trong tập kỷ yếu của NXB quân đội gần đây). Với tất cả tấm lòng ưu ái với thế hệ trẻ, ông đã vượt qua rất nhiều nhiêu khê về thủ tục hành chính để kiên quyết tạo điều kiện cho Hòa về NXB, không những thế, kèm cặp rèn giũa cho Hòa thành một BTV văn nghệ bản lĩnh, đưa sang Nga làm chuyên gia xuất bản với quân đội bạn, giúp cho Hòa sau này trở thành giám đốc NXB Lao động…
Ông đặc biệt yêu những người lính trẻ,những cây bút trẻ đang ở mặt trận .Ông chăm chút cho họ không chỉ từng trang viết mà còn cả cuộc sống.Nhà văn Khuất Quang Thụy kể: “ Năm 1975, sau khi miền Nam giải phóng, tôi được về phép về thăm nhà và mẹ tôi đã kể lại rằng: “Cuối năm 1972, vào những ngày máy bay Mỹ đang ném bom Hà Nội bỗng một hôm có mấy ông cán bộ to của Trung ương quân đội tìm đến nhà ta. Các ông ấy đưa cho mẹ một ít tiền và nói rằng đó là tiền bút gì đó của con. Thế là cả nhà òa lên khóc! Mẹ nghĩ, có lẽ con chết rồi nên các ông ấy mang tiền tuất về cho mẹ”. Mãi sau này tôi mới biết đó là anh Đỗ Gia Hựu và các anh ở Nhà xuất bản Quân đội sau khi in ký sự Lửa và thép trong cuốn Cửa khẩu vì biết tôi đang chiến đấu ở Tây Nguyên nên các anh đã lặn lội lên tận Sơn Tây để mang tiền nhuận bút tới cho gia đình”
Nhiều người biết đoạn đầu đời riêng của ông không mấy suôn sẻ. Đã hai người phụ nữ đi qua cuộc đời ông…Nhưng dù vậy, ông luôn nghĩ tới việc chăm lo hạnh phúc cho mọi người. Không chỉ với Lê Huy Hòa nhờ có ông mà lấy được cô giáo Ngà đảm đang, mà cả anh Nguyễn Trí Huân, người ông coi như đứa em ruột thịt, thì những năm anh Huân đi chiến trường, ông không chỉ lo cho những trang viết, mà sau này cũng chính  ông là người đã đứng ra mai mối dựng vợ gả chồng cho Nguyễn Trí Huân…
 Hình như cũng như vậy với cả các anh Lê Lựu, Chu Lai - Vũ Thị Hồng  …
…Vâng, cái tình của ông thật lớn, và hình như cũng bỏi thế, ông đã được đền đáp bằng lòng yêu quý chân thành của tất cả chúng tôi, của rất nhiều những nhà văn già hay trẻ, trong và ngoài quân đội, và nhất là của cô Thuận, một kỹ sư thủy lợi dịu dàng đã gắn bó và chăm sóc ông thật tốt những năm tháng sau này…
Như một sự đền bù của Trời đất dành cho một người sống đầy nhân ái như ông…