Sau vụ “đạo thơ”, chỉ cần gõ tên Phan Ngọc Thường Đoan, Google cho tới gần 1 triệu kết quả. Tự dưng nổi tiếng, nhưng Thường Đoan lại cười như mếu: “Nổi tiếng như vậy thì chị đâu có ham. Cực mình cực người lắm”. Đối với giới văn nghệ sỹ tại TPHCM và cánh nhà báo văn hóa văn nghệ thì cái tên Thường Đoan quá quen thuộc. Bởi đơn giản, Thường Đoan là phóng viên của tờ Văn Nghệ TPHCM. Chị thường có cái nhìn dung dị, vị tha về những sự kiện của văn hóa tại thành phố đầy sôi động này. Ít người biết về cuộc sống riêng của Thường Đoan, chỉ biết rằng hiện chị đang sống cũng một đứa con trai và mấy con mèo. 




Phan Ngọc Thường Đoan - người bị nổi tiếng

TRỌNG THỊNH

Người thích nuôi mèo thường là người nội tâm. Là phóng viên một tờ báo văn nghệ, chỉ biết viết báo cùng làm thơ thì hẳn cuộc sống cũng không khá lắm nhưng chưa bao giờ thấy Thường Đoan than vãn, dù rằng chị luôn đi chiếc xe Dream cọc cạch, khoác chiếc ba lô đã có đôi chỗ sờn.
Thường Đoan làm thơ rất nhiều. Suốt mấy chục năm qua, chị đã ra mắt 5 tập thơ, cũng có những bài được bạn đọc biết  tới, có những bài được phổ nhạc và chị lấy đó là niềm vui để tiếp tục làm thơ. Dù rằng mỗi lần in thơ là một lần vất vả. 
Chọn lọc, cân nhắc, trình bày sao cho đứa con của mình ra đời một cách ưng ý nhất. Thế rồi lại đem tặng là chủ yếu. “Nhưng vui lắm! Một tập thơ ra đời thì mình thấy thêm trách nhiệm, cơ hội để tiếp tục viết, tiếp tục làm thơ. Đời chị chỉ như vậy là vui rồi”. Chị Đoan cho biết.
Tưởng rằng cuộc sống mãi bình lặng để Thường Đoan tiếp tục sống và làm thơ thì xảy ra chuyện lùm xùm đạo thơ. Mà người đạo thơ của chị lại là người nổi tiếng và bài thơ đó lại nằm trong tập thơ vừa đoạt giải thưởng.
Ban đầu khi bài thơ Bạch lộ của Phan Huyền Thư được đưa ra công luận và cho rằng Huyền Thư đã sao chép một phần từ bài thơ Buổi sáng của mình, Thường Đoan bất ngờ bởi từ trước tới nay chị biết Huyền Thư là một nhà thơ nổi tiếng, cô ấy đã có nhiều tác phẩm được nhiều người đánh giá cao. 
Vì thế đến khi Huyền Thư gọi điện thì chị chỉ bảo hãy bình tĩnh để chờ mọi việc rõ ràng.  Huyền Thư đề nghị Thường Đoan im lặng và sẽ bay vào để gặp trực tiếp, Thường Đoan cũng đồng ý bởi trong thâm tâm, chị cho rằng chắc Huyền Thư bị nhầm lẫn gì đó thôi. 
Nhất là bài thơ đó của chị đã được phổ nhạc và nhiều người biết. Nhưng sau đó Huyền Thư lại đổi ý, nói rằng chính cô ấy viết bài thơ Bạch lộ trước và không vào để gặp Thường Đoan như đã hẹn. Diễn biến tiếp theo thì mọi người đều đã biết.
Tôi gọi cho Thường Đoan sau khi có lời xin lỗi lần thứ nhất của Phan Huyền Thư, thấy chị vẫn băn khoăn: “Thôi! Chị thấy thương Huyền Thư quá à! Cô ấy nổi tiếng như thế, lại hạ mình để xin lỗi như thế là quá tốt rồi. Dù lá thư xin lỗi chưa rõ ràng nhưng thái độ ăn năn như vậy là được rồi. Chị bỏ qua cho cô ấy”. Bỏ qua nghĩa là Thường Đoan chấp nhận dư luận vẫn cho rằng: “Nếu coi như Huyền Thư sáng tác “Bạch lộ” trước thì Thường Đoan là người đạo thơ” nhưng vì thương người, Thường Đoan sẵn sàng chịu phần thiệt về mình. 
Nhưng đùng một cái, có vị lãnh đạo Hội Nhà văn lại tuyên bố: “Nếu Huyền Thư tìm được bằng chứng thì mọi vấn đề sẽ lật ngược trở lại”.  Trong hoàn cảnh bị rơi vào thế có thể trở thành kẻ đi đạo thơ này, Thường Đoan phải lên tiếng. 
Chị phải gạt đi cái sự thương người rất… đàn bà của mình để khẳng định: Sẽ làm rõ, thậm chí nhờ tới cả cơ quan chức năng. Lúc này lại gọi cho chị, nghe chị buồn rầu: “Chị đâu muốn làm lớn chuyện làm chi. Nhưng rơi vô thế này thì phải làm thôi. Thơ do chị sáng tác mà giờ có người lại nghĩ là chị lấy của người khác là chị không chấp nhận. Đây là đứa con của chị, do chị sinh ra thì không thể để cho ai đó lấy nó đi, đẽo gọt nó rồi quay lại bảo chị là kẻ cắp”.
 Nhưng cuộc chiến chưa kịp xảy ra thì một lần nữa Huyền Thư lại lên tiếng. Lần này cô ấy khẳng định bài thơ Bạch lộ ra sau bài thơ Buổi sáng của Thường Đoan và Huyền Thư lại xin lỗi chị. Dù đây là lần thứ hai Huyền Thư xin lỗi Thường Đoan nhưng lời xin lỗi vẫn chỉ thông qua báo chí mà không trực tiếp.
Thường Đoan đã chấp nhận lời xin lỗi. “Giờ thì mọi người đều biết ai đạo thơ ai rồi. Huyền Thư khẳng định là bài thơ đó ra đời sau bài thơ chị thì nghĩa là chị  không phải là người đạo thơ. Chị chỉ cần điều đó chứ không muốn ép Huyền Thư phải thừa nhận. Cô ấy là phụ nữ, và cũng là nhà thơ nên chị rộng lượng chấp nhận”.
Vụ việc đạo thơ đã tạm khép lại. Mấy ngày nay FB của chị luôn có hàng ngàn người truy cập còn điện thoại thì thường xuyên nóng hổi vì những cuộc  gọi. Hỏi vui chị: “Hay là nhân dịp này, chị in lại mấy tập thơ đó đi, đảm bảo bán sẽ rất chạy vì đã nhiều người biết tên chị” nhưng Thường Đoan xua tay: “Chị không muốn nổi tiếng theo cách này. Còn thơ thì chị làm cho nhu cầu bản thân chớ đâu phải để bán hay để kiếm giải thưởng”.


Nguồn: Tiền Phong