Khoảng 10 năm trở lại đây, tức là từ tác phẩm “Tôi là Bê – tô” đến “Ngồi khóc trên cây”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, Nguyễn Nhật Ánh càng ngày càng nổi tiếng hơn. Vì sao? Vì các nhà làm sách đã áp dụng triệt để nghệ thuật makerting. Món hàng gì muốn bán được cũng phải quảng cáo, đôi khi bao bì còn quan trọng hơn chất lượng. Tác phẩm không chỉ là chữ nghĩa trên giấy, mà nhà văn còn phải xuống đường tìm kiếm bạn đọc. Giao lưu, ký tặng, cười tươi, đi khẽ, bước nhẹ, tạo dáng, nói những câu chiều chuộng thị hiếu đương thời, Nguyễn Nhật Ánh đều thực hiện rất uyển chuyển, rất duyên dáng. Do đó, Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn chuyên nghiệp, nhà văn của hôm nay!



NGUYỄN NHẬT ÁNH ĐƯỢC CHO KHÔNG MỘT HUYỀN THOẠI

LÊ THIẾU NHƠN

Giữa không khí văn chương tẻ nhạt, ông Nguyễn H. V. Hưng ( giảng viên Toán – ĐH KHTN Hà Nội) đã góp một chút xao động bằng bài viết “Ghi chép của một kẻ ngoại đạo về một hội thảo văn chương”. Một bài viết lý thú, không hiểu sao tác giả lại tự xóa khỏi Facebook!

Văn chương Việt Nam đang không theo kịp nhịp điệu phát triển đất nước, ít nhất là ở thái độ của những người cầm bút. Trong khi siêu thị đã xuất hiện khắp nơi, thì làng văn vẫn là cái chợ chồm hổm, chủ yếu ứng xử theo kiểu “được hàng tôi trôi hàng bà”. Ông X khen bà Y để bà Y khen lại ông X. Chúng ta cùng khen nhau và cùng có lợi, chỉ có bạn đọc thua trắng tay và nền văn học thất bại thảm hại!

Đối với các hội thảo, giới văn chương đã quen nghe ngợi ca, nên thấy ngôn ngữ bay bổng diệu vợi nào cũng rất bình thường. Ông Nguyễn H. V. Hưng nhờ tư cách “ngoại đạo” mới nhận diện được sự bất thường qua cơn hưng phấn điên cuồng ngợi ca ở hội thảo. Không cần tham dự thì ai cũng dễ dàng đoán được, hội thảo “Nguyễn Nhật Ánh – Hành trình chinh phục tuổi thơ” chắc chắn nồng nàn hương vị ngợi ca. Nếu cánh phóng viên văn hóa được mời đến, dĩ nhiên cũng chỉ có vài bài tường thuật thơm phức nước hoa. Ngược lại, ông Nguyễn H. V. Hưng đã thu lượm được nhiều thông tin đáng suy ngẫm.

Thứ nhất, một nữ phó giáo sư so sánh tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh với tác phẩm của một nhà văn Nhật, và kết luận “Truyện của hai nhà văn này giống nhau ở chỗ chúng cùng được chia làm một số chương đoạn”. Phát hiện thật động trời, vì từ đầu thế kỷ 14, Thi Nại Am viết “Thủy hử” hoặc La Quán Trung viết “Tam quốc diễn nghĩa” đã chia cuốn sách thành nhiều chương rồi!

Thứ hai, một nữ học giả nói: “Nguyễn Nhật Ánh đã đi đến tận cùng nhân loại” nhưng bị xì xào nên xin lỗi và nói lại: “Nguyễn Nhật Ánh đã đi đến tận cùng dân tộc, và do đó ông gặp nhân loại”. Rõ ràng, đây là một kiểu mồm loa mép dãi hòng kiếm ăn. Dân tộc nào mà một nhà văn viết cho tuổi mới lớn, có thể đi đến tận cùng dễ dàng thế nhỉ? Lại còn gặp nhân loại nữa, gặp ở đâu nhỉ, gặp ở khuôn viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội à? Trong khi, cũng chính tại hội thảo, có người nắc nỏm “Nếu truyện của Nguyễn Nhật Ánh được dịch ra tiếng nước ngoài, thì chắc chắn chúng còn chinh phục cả thế giới”. Ối giời ơi, chưa dịch ra quốc tế mà đã gặp… nhân loại ư? Xem ra, nhân loại phải được hiểu là một thứ rất mộng mị, rất mơ hồ, chỉ cần… chiêm bao sẽ gặp ngay lập tức!

Với hai phát hiện của ông Nguyễn H. V. Hưng thì lẽ ra những ai thích tự bóc lưỡi để hót cho hay ở các hội thảo sẽ phải thấy xấu hổ, nếu còn chút tự trọng nhỏ nhoi! Tuy nhiên, với tư cách “một kẻ ngoại đạo” thì ông Nguyễn H. V. Hưng đã mắc phải một sai lầm là quá… thật thà, khi tự khai chưa đọc một dòng nào của Nguyễn Nhật Ánh. Thưa với ông Nguyễn H. V. Hưng rằng, hiện nay văn chương nước ta, khi chê mới cần đọc, chứ còn khi khen thì không cần đọc. Thậm chí, càng không đọc thì càng khen thánh thót. Thói tật của giới cầm bút bây giờ là thế, ông Nguyễn H. V. Hưng ạ! Vì ông là kẻ ngoại đạo, chưa nắm rõ thực tình, nên thành ra sơ hở. Nếu ông giấu nhẹm chuyện ông chưa đọc Nguyễn Nhật Ánh, thì cam đoan không ai dám nghi ngờ phát biểu của ông, dẫu ông có nói ngược nói xuôi ra sao!

Ông Nguyễn H. V. Hưng đã đặt ra một câu hỏi bổ ích: Cái hay của văn Nguyễn Nhật Ánh ở đâu? Nguyễn Nhật Ánh khởi nghiệp bằng… thơ, tập “Thành phố tháng tư” in chung với Lê Thị Kim, vào năm 1984. Thơ Nguyễn Nhật Ánh nằm ở mức bình thường. Các tập thơ in riêng như “Tứ tuyệt cho nàng” hoặc “Lễ hội của đêm đen” đều vừa sến vừa sáo! Thế nhưng, Nguyễn Nhật Ánh lại thành công vượt bậc khi viết cho tuổi mới lớn. Khái niệm thành công trong văn chương có nhiều dạng thức khác nhau, sách bán chạy cũng là một thành công quan trọng!

Người viết văn xuôi, trước hết là một người kể chuyện. Cấp độ thứ nhất, có “chuyện” để “kể”. Cấp độ thứ hai, có “chuyện” và có “cách” để “kể”.

Cấp độ thứ nhất, không cần phải là nhà văn. Cô bé Mã Yến ở thôn Dương Phụ, huyện Ninh Hạ thuộc khu tự trị Nội Mông- Trung Quốc, chỉ cần kể lại cuộc sống đói rét và thèm khát đi học của mình, đã rúng động tâm can bao nhiêu người. “Nhật ký Mã Yến” xuất bản năm cô bé 13 tuổi, đã được in hàng chục triệu bản tại đại lục, Hồng Kong và Đài Loan. Đến nay, “Nhật ký Mã Yến” đã được dịch ra hơn 10 ngôn ngữ trên thế giới, chinh phục cả những thị trường khó tính như Mỹ, Đức, Anh, Pháp… Đáng tiếc, chưa thấy thiên hạ ca ngợi Mã Yến đã đi đến tận cùng dân tộc và đã gặp nhân loại ( thua xa xứ sở thiên đường của chúng ta!)

Cấp độ thứ hai, ngoài câu chuyện để kể, còn đòi hỏi tính sáng tạo. Bút pháp thế nào, nhân vật thế nào, chi tiết thế nào, thao thức thế nào…

Nguyễn Nhật Ánh dự phần vào văn chương Việt Nam, không phải ở cấp độ như Mã Yến, mà ở cấp độ một nhà văn thực thụ. Từ tuổi 30 đến tuổi 40, Nguyễn Nhật Ánh tỏ ra là một người kể chuyện có duyên qua các tác phẩm “Chú bé rắc rối”, “Bàn có năm chỗ ngồi”, “Bong bóng lên trời”, “Cô gái đến từ hôm qua”, Phòng trọ ba người”, “Bồ câu không đưa thư”… Cái hay của Nguyễn Nhật Ánh là biết pha trộn nhuần nhuyễn một chút ngọt ngào với một chút xót xa, mà khơi dậy sự thương cảm của lứa tuổi vào đời vốn thường trực trắc ẩn!

Ngoài việc biết phát huy sở trường, thì Nguyễn Nhật Ánh cũng có chọn lựa khôn ngoan. Khi ngôi đền sự thật bị canh giữ nghiêm ngặt, bất cứ kẻ nào muốn chạm bút vào đều phải gánh chịu đau đớn của cảm tử quân, thì văn chương xoay sang hướng khác: sản xuất và cung cấp nước đường pha loãng. Không ai phân biệt được đường mật mía và đường hóa học, chỉ cần dễ uống, mát cổ, yên lòng và ấm bụng! Nguyễn Nhật Ánh đã khai thác tối đa ưu điểm ấy và thành công rực rỡ!

Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, tức là từ tác phẩm “Tôi là Bê – tô” đến “Ngồi khóc trên cây”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, Nguyễn Nhật Ánh càng ngày càng nổi tiếng hơn. Vì sao? Vì các nhà làm sách đã áp dụng triệt để nghệ thuật makerting. Món hàng gì muốn bán được cũng phải quảng cáo, đôi khi bao bì còn quan trọng hơn chất lượng. Tác phẩm không chỉ là chữ nghĩa trên giấy, mà nhà văn còn phải xuống đường tìm kiếm bạn đọc. Giao lưu, ký tặng, cười tươi, đi khẽ, bước nhẹ, tạo dáng, nói những câu chiều chuộng thị hiếu đương thời, Nguyễn Nhật Ánh đều thực hiện rất uyển chuyển, rất duyên dáng. Do đó, Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn chuyên nghiệp, nhà văn của hôm nay!

Trong đời thường, Nguyễn Nhật Ánh cũng nhã nhặn và khéo léo, nên rất được giới truyền thông yêu mến. Dù những tác phẩm gần đây được đặt tên rất cải lương ( trừ “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” lấy câu thơ của Robert Rojdesvensky) thì sách của Nguyễn Nhật Ánh vẫn bán chạy như tôm tươi! Ai cũng khâm phục: Nguyễn Nhật Ánh cần cù lao động, chăm chỉ viết đêm ngày và nhẫn nại lặp lại chính mình! Người ta nhắc đến Nguyễn Nhật Ánh là nhắc đến khả năng viết khỏe, viết đều, viết nhiều… mà không ai đề cập đến những yếu tố văn học như cấu trúc tác phẩm, kỹ năng ngôn ngữ, chiều kích tư tưởng, trăn trở thời đại…

Ông Nguyễn H. V. Hưng hoàn toàn chính xác khi đặt ra câu hỏi: Cái hay của văn Nguyễn Nhật Ánh ở đâu? Thế nhưng, khi chưa ai trả lời, thì ông Nguyễn H. V. Hưng lại cho không Nguyễn Nhật Ánh một huyền thoại, đó là văn bản hóa tin đồn “Nguyễn Nhật Ánh thuê chừng 20 người viết truyện, để ông ta ký tên”. Đã vậy, ông còn dẫn chứng thêm trường hợp nhà văn Pháp - Alexandre Dumas cũng bị đàm tiếu thuê người viết. Nguy to, nguy to, phen này nguy to…

Ông Nguyễn H. V. Hưng ơi là ông Nguyễn H. V. Hưng! Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn duy nhất ở Việt Nam nổi tiếng tương đương ca sĩ, mà còn cộng thêm cái huyền thoại ấy thì không còn nhà văn Việt Nam nào theo kịp Nguyễn Nhật Ánh trong vòng 10 năm hoặc 20 năm nữa.

Khổ, vì “ là một kẻ ngoại đạo” mà ông Nguyễn H. V. Hưng quên để ý rằng, quảng cáo sẽ khiến tác phẩm bán chạy ( kiểu công khai như “không thể nói là rất hấp dẫn, mà phải nói là vô cùng hấp dẫn”, hoặc kiểu xì xầm như “cuốn sách ấy sexy lắm” hoặc “cuốn sách ấy sắp bị thu hồi”!) còn huyền thoại sẽ khiến tác giả bất tử!

Ông Nguyễn H. V. Hưng đã cho không Nguyễn Nhật Ánh một huyền thoại. Vậy thì ngã ngũ rồi. Không cần bàn cãi về hay dở của văn Nguyễn Nhật Ánh nữa. Hỡi những nhà văn thiên tài vừa mới oe oe khóc chào đời, hãy nỗ lực sáng tác tột bậc, vì tên tuổi Nguyễn Nhật Ánh đã chờ sẵn để hội ngộ với các bạn ở thế kỷ 22 và nhiều thế kỷ sau nữa!

Bằng tâm lý ganh ăn tức ở với Nguyễn Nhật Ánh, thật hận ông Nguyễn H. V. Hưng! Hận quá, hận thấu trời xanh!

                                               Sài Gòn, 20-9-2015