Quan văn nghệ cũng cần và quan trọng như mọi quan chức xã hội khác. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cũng cần tài năng. Nhưng xin đừng lẫn lộn. Hiệu quả nghệ thuật là một thứ không thể nhờ cậy vào bất cứ điều gì, ngoài tài năng trời phú và ý thức lao động sáng tạo miệt mài của người nghệ sỹ. Nhiều năm về trước, khi một nhà thơ nọ chưa về hưu, cứ đến Tết, thơ của vị đăng cả chục tờ báo lớn. Có bài đăng trùng lặp ở nhiều tờ, mà cũng chỉ tầm tầm, lẫn lộn trong hằng hà sa số thơ Tết. Hóa ra khi ấy vị có chỗ đứng kha khá trong một cơ quan lãnh đạo báo chí. Không hẳn vị tự gửi thơ đi đăng mà là nhiều tờ báo đã a- lô chủ động xin bài của vị. Thói xu phụ của con người cũng đã len lỏi vào cả địa hạt văn chương - nơi tưởng như phải thanh khiết, cao đạo hơn mọi thứ.



CÁI GHẾ QUAN TRƯỜNG TẠO HIỆU ỨNG NGHỆ THUẬT VẼ RẮN THÊM CHÂN?

NGUYỄN ĐÌNH SAN

     Trong cuộc sống, có những điều không dễ nói, vì sẽ khiến người nghe mất lòng. Bởi vậy mà họ thấy khó nghe. Nhưng không thể không nói, bởi nếu ai cũng ngần ngại, mọi việc sẽ cứ tiếp diễn. Vậy nên người viết bài này xin thẳng thắn nói đôi điều, dẫu có chuốc thêm oán giận, cũng cam lòng. Nếu quý vị nào thấy không thuận lỗ nhĩ, xin “đại xá” cho.
     Trước hết xin được nói một điều: Giá trị một nghệ sỹ (sáng tác và biểu diễn) là ở đâu? Chắc ai cũng dễ dàng thống nhất, chẳng phải bàn cãi: Ở hiệu ứng xã hội của tác phẩm (đối với người sáng tác) và hiệu quả diễn xuất (đối với người biểu diễn). Kiểm chứng điều này dĩ nhiên là ở công chúng và thời gian. Như thế, nghệ sỹ lớn hay “thường thường bậc trung”, tầm cỡ đến đâu, được tôn vinh đến mức nào chỉ có thể căn cứ vào điều vừa nói. Vậy mà ở nước ta lại không hoàn toàn như vậy. Có lẽ đã đến lúc, nếu không nói là quá muộn, cần minh định lại giá trị đích thực của người nghệ sỹ, kẻo dẫn tới tình trạng: Đương sự (hoặc người thân, bè bạn) thì ngộ nhận; công chúng thì bị nhầm lẫn về giá trị, tài năng. Ví dụ: Có một nhà thơ lúc sinh thời luôn nắm giữ trọng trách trong các cơ quan văn nghệ, luôn được dư luân đôn lên là một trong những nhà thơ lớn. Vị luôn được nhắc đến như một cái gì đó lừng lững, trùm lấp, lấn át nhiều đồng nghiệp, đến nỗi thói nghiện rượu và hay nói những lời bốp chát, thiếu tế nhị trong ứng xử của vị cũng được nhiều ngòi bút viết bình luận khai thác, tụng ca như một nét tính cách độc đáo, thú vị. Nhưng nhìn vào “trước tác” của “nhà thơ lớn” này thì chẳng thấy có gì ngoài 2 câu thơ nói về ý chí, sức mạnh con người thể hiện qua đôi bàn tay, có thể “làm nên tất cả”. Thực ra, đây không thể gọi được là thơ mà chỉ là văn vần hóa một khẩu hiệu ở thời kỳ chúng ta hô hào toàn dân ra sức tăng gia sản xuất, phủ xanh đồi trọc, biến “sỏi đá” thành “cơm gạo”. Tất nhiên là có giá trị tuyên truyền nhất thời, còn giá trị văn học thì không có gì đáng nói. Ngoài ra, vị cũng có vài bài thơ được phổ thành bài hát nổi tiếng, nhưng trước khi có lao động của nhạc sỹ thì không ai biết đến những bài thơ này. Vị cũng có viết phê bình lý luận và cũng in thành một tập nhưng về phương diện này không thể bằng những nhà lý luận khác cùng thời.
     Đó chỉ là một dẫn chứng. Còn có thể kể ra nhiều trường hợp nữa, không hiểu do có số may mắn thế nào mà tiếng tăm cứ nổi khắp nơi, trong khi “bói” mãi chẳng thể tìm ra một tác phẩm tương xứng với cái “tên” tác giả. Ngược lại thì không ít những bài thơ, câu thơ hay lan truyền trong thiên hạ mà rất ít người có thể biết tên tác giả, ví như :
                “Tôi không buồn những buổi chiều
                  Vì tôi đã có rất nhiều ban mai”
     Có thể nói đó là 2 câu thơ nổi tiếng (rất nhiều người thuộc). May lắm thì trong giới làm thơ mới có người biết tác giả là một phụ nữ - Hoàng Thị Minh Khanh. Cũng còn nhiều ví dụ tương tự trường hợp này.
     Vậy vì sao có hiện tượng trên? Truy tìm lý do thì phải chăng là đây: Chúng ta đã lầm lẫn tài năng nghệ thuật đích thực và cương vị, chỗ ngồi của tác giả. Dường như cứ xem xét sáng tác của ai đó có vị thế to là nhiều người tự nhiên thấy có giá trị, để rồi thiên lệch trong nhìn nhận, đánh giá khi phát biểu, viết lách, đăng đàn.
     Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, có một nhà thơ được tất thảy mọi tầng lớp công chúng (từ trẻ tới già, từ người ít chữ đến giới trí thức) đều yêu thích tác phẩm . Đó là Nguyễn Bính. Không có nhà thơ thứ hai được như ông, vì những người khác tuy cũng rất nổi tiếng nhưng họ chỉ được một đối tượng nhất định hâm mộ (ví như thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên...không đến được với nông dân , người ít chữ) . Nhưng nếu sắp xếp thứ bậc các nhà thơ hiện đại lớn của Việt Nam, tôi tin những người làm việc này không để Nguyễn  Bính ở ngôi nhất, nhì, thậm chí số 3. Thì ra, cả đời ông chỉ làm thơ, không nắm giữ cương vị gì đáng kể. Quan văn nghệ cũng cần và quan trọng như mọi quan chức xã hội khác. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cũng cần tài năng. Nhưng xin đừng lẫn lộn. Hiệu quả nghệ thuật là một thứ không thể nhờ cậy vào bất cứ điều gì, ngoài tài năng trời phú và ý thức lao động sáng tạo miệt mài của người nghệ sỹ. Nhiều năm về trước, khi một nhà thơ nọ chưa về hưu, cứ đến Tết, thơ của vị đăng cả chục tờ báo lớn. Có bài đăng trùng lặp ở nhiều tờ, mà cũng chỉ tầm tầm, lẫn lộn trong hằng hà sa số thơ Tết. Hóa ra khi ấy vị có chỗ đứng kha khá trong một cơ quan lãnh đạo báo chí. Không hẳn vị tự gửi thơ đi đăng mà là nhiều tờ báo đã a- lô chủ động xin bài của vị. Thói xu phụ của con người cũng đã len lỏi vào cả địa hạt văn chương - nơi tưởng như phải thanh khiết, cao đạo hơn mọi thứ.
      Dân tộc Việt Nam ta luôn phải đối mặt với ngoại xâm, giặc dã, mới chỉ bình yên được mấy chục năm trong cả mấy ngàn năm lịch sử. Có những “tên tuổi” được nổi lên từ một cuộc kháng chiến cụ thể. Ví như con đường mòn Hồ Chí Minh, dãy núi Trường Sơn hùng vĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa qua đã cấp giấy thông hành cho nhiều người bước vào làng văn chương với tư thế rất đáng tự hào. Nhiều người có năng lực sáng tác thực sự. Nhưng bên cạnh đó, cần thấy: Một số tác giả chỉ rất bình thường, bằng chứng là thơ văn cuả họ ít được người ta biết, nhớ. Nhưng những năm tháng họ khoác áo lính, cầm bút xông pha nơi đạn lửa - rất đáng trân trọng và biết ơn - đã khiến họ hình như “tỏa  sáng” hơn những tài năng trên họ nhưng không có cơ hội được cầm súng. Và thế là hôm nay, họ được tôn vinh là những tài năng sáng tác, nắm giữ những cương vị quá sưc mình. Giá trị của văn chương, nghệ thuật phải vĩnh hằng, tức là muôn đời vẫn phát huy tác dụng. Còn giá trị một thời, dẫu lúc đó là rất đáng kể, cũng chỉ nên trân trọng có giới hạn, không thể cứ lấn át mãi hậu thế khi mọi yêu cầu của cuộc sống đối với tác phẩm văn nghệ đã thay đổi, vươn cao.
     Không hiểu có xứ sở nào trên hành tinh giống như ở ta là sự nổi tiếng rất nhiều khi không gắn với tài năng đích thực. Ngược lại, không thiếu người có tài lớn lại không hoặc ít được người khác biết đến. Vì sao lại có vẻ như vô lý vậy? Không khó hiểu. Thì ra kẻ ít tài nhưng do có thế lực, địa vị hoặc một lợi thế nào đó (tiền bạc, quan hệ…) mà được giới truyền thông ưu ái, quan tâm, thường xuyên “lăng-xê”. Còn người có tài hơn thì không có được những lợi thế như họ nên đã như “áo gấm đi đêm”.  Ở ta còn có một tình trạng : Ai có chút ít thành công nào đó trong một lĩnh vực nào đó thì được coi như chỉ có họ là trội nhất, ngoài ra chẳng còn ai. Sự thực thì có người còn giỏi hơn họ nhiều nhưng vì dư luận đã “mặc định” từ lâu mà họ vẫn cứ như là bị thua kém hơn. Ví như trong lĩnh vực bình thơ chẳng hạn. Sau Hoài Thanh, Xuân Diệu được coi là hai nhà bình thơ nổi tiếng những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, xuất hiện một nhà thơ sinh ra vào đầu thập niên 40 cũng cùng thế kỷ này. Nhà thơ này làm thơ vào hàng trung bình khá, nhưng bình thơ thì được coi là giỏi. Và ông đã được nhiều nơi mời bình thơ, boongc như một nhà chuyrn bình thơ. Hoạt động này của ông còn nổi hơn cả sáng tác thơ. Và ông đã làm việc này khá lâu, cho mãi tới gần đây, khi đã ở vào tuổi trên 70 mới chững lại. Sự thực thì ngoài nhà thơ này, còn vài người nữa bình thơ còn hay hơn cả ông. Nhưng người ta cứ cho rằng ông là người đứng đầu trong công việc bình thơ. Nhắc đến bình thơ là phải nhắc đến ông đầu tiên. Hãy cứ thử đặt bên cạnh nhau một bài thơ do ông này và một người khác cùng bình, tin rằng sẽ có rất nhiều người có con mắt tinh tường, khách quan sẽ thấy ông ta bình không thể thú vị bằng người kia. Nói “mặc định” trong suy nghĩ của nghiều người là như thế. 
Một hiện tượng không hay ho, có thể nói là chướng khác không thể không nói. Đó là tình trạng đối xử rất không công bằng  đối với các chủ thể sáng tạo nghệ thuật. Người có tài cao, đức dày hơn đã bị phớt lờ, bỏ rơi trong khi kẻ bất tài lại được trọng dụng. Lâu nay, người ta nói nhiều đến văn hóa từ chức. Ấy là muốn đề cao cách ứng xử của những người lịch lãm, biết rõ mình trước thời cuộc mà tự rời bỏ quyền chức để nhường lại cho người khác có hiệu qủa hơn, có lợi hơn cho cộng đồng. Tôi lại xin mở rộng vấn đề này thành cụm từ văn hóa từ chối (mà thực chất, từ chức cũng chính là từ chối vậy). Đáng trân trọng thay những diễn viên khăng khăng từ chối vai diễn khi đạo diễn mời, dẫu cat- sê cao chỉ vì hoặc là thấy nhân vật sơ sài, kịch bản non yếu, hoặc là không muốn tần suất hoạt động của mình quá nhiều, hóa nhàm. Đáng kính nể sao những vị dẫu còn được nhiều người tín nhiệm, muốn mình tiếp tục cương vị nhưng đã kiên quyết khước từ một vai trò nào đó để nhường lại cho người khác sung sức, tiềm năng hơn...Nhưng những người như thế ở nước ta hiện nay quá hiếm hoi. Số phổ biến hơn vẫn là “tuần chay nào cũng có nước mắt”. Không ít người chưa cần có nơi mời đã chủ động gợi ý để xuất hiện trên mọi phương tiện truyền thông, khi thì trả lời phỏng vấn, lúc thì trực tiếp đăng đàn, phán xét  mọi chuyện. Vẫn biết những vị này không đến nỗi vô danh, từng có đóng góp nhất định trong lĩnh vực nào đó, tiếng nói trong lĩnh vực mình hoạt động cũng có ít nhiều sức thuyết phục. Nhưng tần suất xuất hiện chỉ nên vừa phải, bởi ông cha ta đã dạy: “người khôn nói lắm cũng nhàm”. Ấy là “người khôn”. Còn các vị? Đã hẳn mọi điều các vị phán là bảo đảm “khôn” hết cả chưa? Một số người lên truyền hình, báo chí  nhiều quá. Có khi một dịp kỷ niệm nào đó, cả chục tờ báo cùng phỏng vấn, in ảnh vị, bàn về cùng một vấn đề. Đó dĩ nhiên là sự lười biếng của phóng viên trong việc tìm kiếm nội dung bài vở. Nhưng người ta cần các vị phải biết từ chối. Có một tiến sỹ nọ - rất giỏi, tài năng ai cũng phải thừa nhận - luôn từ chối việc đề thêm học vị trên báo khi viết bài. Thay vì, vị ký tên khác. Hỏi thì vị trả lời: “Tôi nể quá mà viết bài, chứ thực lòng muốn từ chối. Còn hay dở thế nào, người đọc sẽ biết, ở bản thân bài báo, chứ không phải ở cái mẽ của  người viết. Không phải bất cứ bài nào cũng phải công bố học hàm, học vị. Việc này chỉ cần thiết đối với những bài có hàm lượng khoa hoc mà thôi”. Tuy nhiên, không ít người chỉ viết một bài báo chừng vài ba trăm âm tiết cũng yêu câù đề rõ đầy đủ học hàm, học vị, nhãn hiệu, đủ thứ! Nếu tòa báo sơ xuất để quên, khi báo ra, lập tức tự ái, a lô đến phàn nàn.
    Ngẫm ra mới thấy các cụ nhà mình dạy điều gì cũng chí lý vậy . “Hữu xạ tự nhiên hương”. Không có “hương” thì làm sao mà “xạ” ! Vậy mà không ít người  cứ cố “xạ” lấy được. Lại thêm nhiều người khác xúm vào thổi phồng thêm, cố tìm súng tối tân để mong giúp họ “xạ” được xa hơn. Nhưng “hương” vẫn chẳng thấy đâu, vì không có. Chỉ khổ tai người nghe tiếng súng cố bắn nhức óc, đinh tai./.