Phát biểu tại Hội nghị Tam Đảo chiều 4-6-2013 và trong ba bài báo liên tiếp các ngày 16 và 17-7-2013, GS TS Trần Đình Sử quyết liệt bảo vệ Luận văn của Đỗ Thị Thoan (Nhã Thuyên) và những người liên quan - Người hướng dẫn khoa học và Hội đồng chấm luận văn. Cho rằng họ làm việc đúng qui chế, phải được qui chế bảo vệ, nếu không sẽ là phá hoại sự nghiệp đào tạo trên đại học của nước nhà (!). Xem Luận chiến văn chương. Quyển Ba. Chu Giang. NXB Văn học. H. 2015. Mục Kiểm dịch Trần Đình Sử. Sự quyết liệt với tinh thần khoa học trách nhiệm hay do đồng bệnh tương lân có tật giật mình. Nay xem xét Luận án Tiến sĩ: Lý thuyết trò chơi và một số hiện tượng thơ Việt Nam đương đại. Chuyên ngành Lý luận văn học. Mã số 62. 22. 32. 01 của Trần Ngọc Hiếu do GS. TS Trần Đình Sử hướng dẫn khoa học. Bảo vệ năm 2012 tại Đại học Sư phạm Hà Nội thì rõ ràng GS TS TĐS ở vào trường hợp sau, do đồng bệnh tương lân. Vì vậy phải tiếp tục kiểm dịch đối với cặp bài trùng này: Người hướng dẫn khoa học và người thực hiện luận án.


KIỂM DỊCH TRẦN ĐÌNH SỬ

CHU GIANG

Trước hết kiểm dịch Luận án.
Việc này không khó. Vì đã có hướng dẫn của Đỗ Thị Thoan: "Cảm ơn thạc sĩ Trần Ngọc Hiếu vì sự sâu sắc đa dạng trong các bài viết về thơ ca và lý thuyết chứa đựng nhiều tiềm năng kích thích và gợi mở quí báu..." (Lời cảm ơn. Luận văn thạc sĩ khoa học Ngữ văn Vị trí của kẻ bên lề và thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hoá. Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Nguyễn Thị Bình. Bảo vệ tại Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2010)
Tiềm năng kích thích và gợi mở đó được Trần Ngọc Hiếu phát triển, thể hiện trong Luận án này. Luận án Lý thuyết trò chơi... (từ đây xin viết tắt là LTTC) có ba chương:
Chương I: Trò chơi - lý thuyết trò chơi trên tiến trình vận động
Chương II: Trò chơi như một khuynh hướng trong thơ Việt đương đại.
Chương III: Một số mô hình trò chơi trong thơ Việt đương đại.
Ở Chương I, thầy trò Trần Ngọc Hiếu (TNH) rất một công đôi việc. Vừa khoe được kiến thức về lý thuyết trò chơi từ cổ đến kim vừa khẳng định trò chơi là một tác nhân thay đổi xã hội. Từ Plato, Aristot... đến Roland Barthes, Bakhtin và hậu hiện đại như Derrida... cho rằng "mọi văn học đều là trò chơi" và như Bakhtin thì sự chơi "có khả năng phá vỡ những hình thức bền vững của ý thức và hành vi xã hội. Bằng cách chơi với (C.G. nhấn mạnh) những tư tưởng được đặc quyền, tưởng tượng ra những tư tưởng đối lập với chúng và đứng về phía đối lập ấy, một nhà tư tưởng có thể biến một trò chơi của sự "giả định/ nếu như (a game of what if) thành một phương tiện trực tiếp tạo ra sự thay đổi xã hội (LA. Tr15-16). Và Sự chơi vượt ngưỡng (transgressive play) vừa là một tác nhân hiệu lực dẫn đến sự đổi thay xã hội vừa là bản thân sự đổi thay xã hội" (LA. Trg 16). Từ đó, tác giả luận án đưa ra "tuyên ngôn lý luận": "chúng tôi quan niệm trò chơi như một xung lực tinh thần nhiều hơn, tức là tương đương với từ "play" trong tiếng Anh. Từ xung lực của sự chơi này, những trò chơi (game) mới sẽ được hình thành. Như thế, cũng có thể suy ra sự chơi là một cội nguồn phát sinh của các hiện tượng văn học, vốn được  xem như các trò chơi" (L:A. Trg 25).
Như thế, tư tưởng của Luận án không có gì mới mà chỉ nhại lại, diễn đạt lại tư tưởng của các học giả nước ngoài. Và không đúng với thực tiễn. Sự chơi, trò chơi là một thực tế, một phần hoạt động của con người. Nhưng xem mọi văn học đều là trò chơi. Mọi hoạt động đều là trò chơi, là cội nguồn của văn học, là điên rồ! Nhưng ở đây mục đích không đơn thuần nghiên cứu trò chơi, mà đáng quan ngại hơn: chơi (theo Derrida) chính là động thái phá vỡ sự hiện hữu  (LA. Trg 17). Ở phần Phụ lục, càng rõ hơn: Sự chơi và trò chơi như là phương tiện để phá vỡ các tôn ti và các địa vị đặc quyền vốn áp đặt đặc quyền lên các cá nhân trong xã hội phương Tây (PL. 7). Và "bản chất của mọi hoạt động đều là chơi" (Kostas Axelos. PL.12). Sự chơi ở đây có mục đích xã hội rõ ràng: Sự chơi vượt ngưỡng vừa là một tác nhân hiệu lực dẫn đến sự đổi thay xã hội đồng thời vừa là chính bản thân sự đổi thay xã hội. (PL. 18) rằng trò chơi của sự phát tán (play of dissemination) mà trong trò chơi này, bất cứ cái gì cuối cùng cũng trở nên xói mòn bởi sự vượt ngưỡng (PL 20)
Thầy trò tác giả Luận án tỏ ra vọng ngoại có mục đích về lý thuyết trò chơi để làm cơ sở, bàn đạp, điểm tựa cho việc khẳng định giá trị, đề cao thơ Trần Dần, Lê Đạt và thơ của nhóm Mở Miệng ở các chương sau.
Khi dẫn lại tư tưởng của các tác giả nước ngoài cần phải phân tích cơ sở xã hội lịch sử - văn hoá của các luận điểm đó. Hoàn cảnh xã hội lịch sử - văn hoá ở Việt Nam hiện nay có tương đồng với các lý thuyết đó không? Chỗ nào có thể tiếp thu. Chỗ nào là không thể. Luận án hoàn toàn lẩn tránh vấn đề này. Điều này sẽ được nói rõ ở phần sau, về trường hợp thơ Trần Dần, cũng như Mở miệng và các thứ rác rưởi khác.
Biết nhiều về lý luận bên ngoài cũng tốt và cần thiết. Nhưng thực tiễn văn hoá dân tộc, thiển nghĩ, nếu không cao hơn thì cũng không kém gì các lý thuyết bên ngoài về sự chơi và trò chơi.
Hãy quan sát đời một con người, từ lúc lọt lòng cho đến khi nhắm mắt, sự chơi và trò chơi của nó và đối với nó như thế nào? Mỗi giai đoạn, mỗi hoàn ảnh... có những trò chơi gì. Từ cá nhân đến cộng đồng, dân tộc. Trò chơi của người Việt trong văn hoá trong văn học nghệ thuật như thế nào? Nếu biết tổng kết, khái quát sẽ có được một lý luận không kém gì của thiên hạ. Dân gian ta nói gì? Làm trai cho đáng nên trai/ Phú Xuân cũng trải Đồng Nai cũng từng. Cụ nghè Trần Bích San có câu Văn vô sơn thuỷ phi kỳ khí/ Nhân bất phong sương vị lão tài. Ông bà ta nói: Nghề chơi cùng lắm công phu. Ăn có nơi chơi có chốn... là một lý thuyết cực kỳ sâu sắc về trò chơi.. Truyện cười, truyện tiếu lâm, Trạng Quỳnh - Xiển Bột, Hồ Xuân Hương là những mô hình mẫu mực trong trò chơi văn chương. Không biết trên thế giới có cái truyện Thầy đồ ăn bánh rán không nhỉ? Hoặc na ná như thế. Xin các quí Thầy thông thạo ngoại ngữ chỉ dẫn cho.
Cái nguy hiểm của Lý thuyết trò chơi... mà thầy trò Trần Đình Sử - Trần Ngọc Hiếu vận dụng là ở chỗ dùng trò chơi văn chương (trò chơi thơ, chơi chữ nghĩa để giải trung tâm, giải thiêng, giải chính thống, giải trật tự hiện hữu, giải truyền thống văn hoá lịch sử - như là một tôn ti, trật tự siêu nghiệm.
Điều đó thể hiện ở các chương II và III. Trong hai trương này, không cần phân tích dài dòng vì nó rất tương đồng với Luận văn của Đỗ Thị Thoan. Chỉ phân tích một vài trường hợp để thấy được thâm ý rất lộ liễu  của thầy trò Luận án.
Về Trần Dần: Khi xem Trần Dần chỉ trên văn bản thơ của ông là chưa đủ. Cần phải nghiên cứu toàn diện đời sống và sáng tác của Trần Dần.
Chúng tôi kính trọng tuổi tác của Trần Dần, trân trọng tài năng của ông. Nhưng có thể nói ông là con người vị kỷ cực đoan. Sáng tác của ông đúng là những cơn rồ chữ trong một trạng thái tinh thần u uất, phẫn uất, tự trói buộc giam hãm mình, triền miên trong tâm trạng đó. Suốt mấy chục năm trời (từ sau Nhân văn - Giai phẩm - 1958) ông chỉ ngồi một chỗ tựa vào bức tường đến thành hằn vết, chai rượu một bên, điếu cày một bên, nhìn vào khoảng không nhưng thực ra là chìm vào những cơn rồ chữ.. Những sự kiện của đời sống xã hội từ sau Nhân văn cho đến sau 1975, bom đạn đêm Giáng sinh 1972 rồi trận Điện Biên Phủ trên không dường như không lọt vào căn phòng của ông, ở phố Hội Vũ, cách ga Hàng Cỏ chỉ mấy trăm mét. Phải hiểu như thế để cảm thông, thể tất về những trò chơi thơ chơi chữ chơi âm của ông.
Luận án không đi vào chỗ này mà tâng bốc Trần Dần và trích dẫn những chỗ chỉ làm cho hình ảnh Trần Dần thêm nhơ nhớp: "Nhoe nhoét. Toè toẹt thi sĩ thịt chộn thịt nhào quết quệt bùn thịt lòng lọc bóc trong nuốt suốt... Tôi dính nhem nhép mọi chỗ, vác hai chân thịt, quền quệt vệt phố, be bét ki lô mét. Nhoè nhoẹt hết" (Thằng thịt. LA. 150) và những thứ như thế này:
tôi thíc thoả
ngoạ cắn/ nắn mím/ thím nách/ jạch phím/ jịm núm/ jụm sách/ lạch joác/ xoạc bóc... thì kệ cái tát/ bát sẹo/ lẹo vú/ bú đít/ lít nách/ jạch tóc/ móc họng/ nọng thổ/ hổ jốn/ nọm nín/ mím ngực/ chực cắn/ nắn thẹn/ đẹn kén/ nén xác... (Jờ Joạc)
rồi lại thế này:
Truồng lẹm
Em ghem tôi bằng Ghẹm
Bằng Thẹm
Bằng Cửa Ngửa
Em Them tôi bằng Cửa Ngửa
Buồng cửa ngửa
Em Ghem tôi bằng Trắng Ngửa
Bằng LÔNG
Em Hông tôi bằng MÔNG
Bằng Âm Cụ Nụ
(Con Trắng LA. 150-151)
Trần Ngọc Hiếu cho đây là lối viết bật âm của Trần Dần là một hành động mang tính chủ ý... Lối viết ấy đem lại cho người đọc một khoái thú mà Phạm Thị Hoài gọi là, "sướng nôm hiện đại" (LA. 150)
Khoái thú thì tuỳ loại người đọc. Nhưng chủ ý của Trần Dần thì với những Thằng Thịt, Con Trắng, Con Ụt cọt Ịt... nó "Trắng Ngửa" ra như thế này : "Tức là con nữ kỹ sư truồng nằm jữa xé sử ký jao cấu trên tôi và thằng Truồng - ở các mông đít-ism  lỗ ngực jây truyền nách mặt lẹm cổ họng" (Jờ Joạc)
Có thể nói toàn bộ tư tưởng và văn thơ của Trần Dần chơi thơ rồ chữ nằm trong một câu gồm 33 chữ ấy. Dường như là Trần Dần mượn câu chữ để trả thù đời giải toả nỗi uất hận và tự giam hãm trong bấy nhiêu năm trời. Chỗ này Phùng Quán, Thanh Châu... cao hơn Trần Dần về nhân cách. Có thể Phùng Quán không tài con âm con chữ bằng Trần Dần nhưng ông đã vượt qua những uất hận đau buồn cá nhân, sống hết mình với cuộc đời, sống như Tuổi thơ dữ dội, như Ba phút của sự thật. Cụ Thanh Châu tự gác bút từ đạo đó nhưng không thù hận. Những năm cuối đời Cụ còn bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra dự Đại hội Nhà văn, tôi nhớ, ở Hội trường Ba Đình năm ấy. Và cái trò chơi thơ vượt ngưỡng như Chân dung nhà văn Cụ cũng rất phản đối, mặc dù Xuân Sách là lớp đàn em, là đồng hương bên ngoại, lại cùng họ Ngô (Xem Luận chiến văn chương. Sđd. Mục Tư liệu về xuất bản Chân dung nhà văn). Trần Dần tài năng lắm. Nhưng xé sử ký rồi jao cấu ở các mông đít- ism thì không còn gì có thể nói được nữa. Jao cấu ở mông đít... thì là sự thường trong đám đồng tính nhưng Jao cấu ở các mông đít-ism (các chủ nghĩa mông đít...) thì xung lực tinh thần qua trò chơi đã trở thành năng lượng khủng khiếp phá vỡ cái hiện hữu...
Thầy trò tác giả Luận án tỏ ra tinh tường khi vận dụng Lý thuyết trò chơi... vào trường hợp Trần Dần. Quả thật, như nói trên, những trò chơi thơ tự nhận là rác rưởi tha ma nghĩa địa của nhóm Mở miệng đặt bên cạnh Trần Dần thì đúng là đặt con báo gấm bên cạnh con mèo hen. Như Bùi Chát trong đoạn sau:
Hán Việt cao sang thanh khiết hơn
 thuần Việt, tục truyền là rứa. Có người
 nọ, vì không muốn thơ mình thấp cấp
 khi đề cập đến chuyện hứng tình, sau
 nhiều ngày đắn đo suy nghĩ, khứa ta
 liền hạ bút: vào lúc 5 giờ sáng
 mỗi ngày, tôi thường bị nứng cái dương
 vật (thay vì cặc) của mình... túm lại,
 những lúc như vậy: tôi phải làm cái
 mẹ gì trước bình minh?
("Tính tình tinh: Bùi Chát. LA. Trg 184)
Mặc dù Luận án giành nhiều trang cho Lê Đạt và nhóm Mở Miệng v.v... Nhưng như nói trên, chỉ một Trần Dần, bạn đọc đủ hình dung được cái khuynh hướng trò chơi trong thơ Việt hiện đại nó như thế nào. Mặt khác, thực hành thơ của nhóm Mở Miệng mà Nhã Thuyên rất đề cao, chúng tôi đã nói đến trong bài Luận văn của Đỗ Thị Thoan (Luận chiến văn chương. Quyển Ba), nay không nhắc lại.
Về sự chơi và trò chơi, nói lý thuyết đến bao nhiêu cũng không thừa, dù có dẫn cổ kim đông tây đến thiên kinh vạn quyển cũng thế. Nhưng chỉ cần nhớ: Nghề chơi cũng lắm công phu. Ăn có nơi chơi có chốn cũng đủ.
Luận án Tiến sĩ phải theo đúng qui định số trang số chữ, để chứng tỏ khả năng tư duy, diễn đạt tư tưởng... Chúng tôi chú ý đến tư tưởng trung tâm của Luận án, tức quan điểm của người nghiên cứu như thế này: Những trò chơi này (trò chơi thơ) mang đậm dấu ấn cá nhân của những tác giả tiên phong thể nghiệm với kỹ thuật hình thức tu từ độc đáo, dị biệt. Song giá trị lớn nhất của chúng không đơn thuần nằm ở những phát kiến hình thức, kỹ thuật; quan trọng hơn, chúng gợi ra những khả thể tồn tại khác của thơ, những cách thức thể nghiệm khác, bất chấp những qui tắc tiền lập. Khuynh hướng trò chơi muốn phá vỡ những khuôn hình bền vững của thể loại, mở đường cho sự đa dạng hoá các ý niệm, định nghĩa về thơ nhưng cũng chính vì thế khiến cho thơ đương đại trở nên bất định hơn bao giờ. Thường bất định dễ làm nảy sinh bất an. Nhưng trong ngữ cảnh của thời đại hôm nay, khi con người dường như khó có thể còn đủ ngây thơ để tin vào những tất định, sự bất định lại là cái duy nhất con người có thể trải nghiệm. Cái bất định ấy, phải chăng, cũng chính là biểu hiện đích thực của cái sống động? (L.A. Trg 191)
Từ trò chơi thơ đã tiềm nhập ngay vào cuộc sống xã hội. Không còn tin vào cái tất định phải trải nghiệm cái bất định. Cuộc sống bây giờ như thế đấy. Cho nên chức năng lật đổ, phá vỡ của chúng (trò chơi) thì lặp đi lặp lại đến bất tận. Trò chơi là chiến lược, là tiến trình và mục tiêu (PL.5)
Luận án này toát lên tình trạng bất an bất định muốn chống lại, giải cái trung tâm chính thống truyền thống, phá vỡ cái hiện hữu, đạp lên cái tiền lập... Nhưng để đi đến cái gì? Những người thực hiện Luận án đã không trả lời được, hoặc không muốn, mà ngầm hiểu: hẵng phá vỡ cái hiện hữu đi đã!
Đấy là tư tưởng nguy hại của Luận án này. Trong khi xã hội muốn hướng hoạt động văn hoá, văn học vào xây dựng con người, xây dựng các quan hệ xã hội theo hướng nhân văn Chân - Thiện - Mĩ thì Luận án này lại khẳng định, đề cao khuyến khích xu hướng ngược lại: Phá vỡ tất cả! Lật đổ và phá vỡ! Luận văn của Nhã Thuyên đã là quá đáng lắm rồi. Đến Luận án này thì không hiểu thực chất Khoa Ngữ văn ĐHSPHN là gì? Rất mong được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích cho.

 Hà Nội 14-7-2015

Nguồn: Báo Văn Nghệ TPHCM