Câu chuyện của nhà thơ Trần Quốc Toàn: “Tính từ năm 2012 tới giờ, cứ cuối mỗi quý tôi lại được Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nơi anh Phó Đức Phương cầm đũa chỉ huy, mời tới trụ sở phía Nam của trung tâm để nhận nhuận bút các bài thơ của tôi, đã được các nhạc sĩ phổ nhạc và được ca diễn ở đâu đó. Con số 639 VND (Việt Nam đồng) trên kia là thật trăm phần trăm! Có người sẽ hỏi tiển lẻ cỡ đó lây đâu ra mà thanh toán? Xin thưa, rất may, tôi còn khá nhiều bài thơ khác được phổ nhạc, được ca diễn nhiều lần và vì thế, nhiều số nhỏ cộng thành một số lớn. Tiển lẻ đã là tiền chẵn và quy ra phở thì cũng được vài chục tô! Các nhà thơ còn tin vào phép tính cộng, xin đừng khước từ lời mời lĩnh tiền của trung tâm này!”



NHUẬN BÚT ỨNG XỬ VÀ ỨNG XỬ NHUẬN BÚT

TRẦN QUỐC TOÀN

Viết văn tới tuổi này, tôi cũng ít nhiều từng trải trong chuyện nhuận bút. Từ thập niên 80 của thế kỉ trước, tôi đã có truyện tranh Thưởng trăm roi (đồng tác giả với họa sĩ Phạm Công Thành) in tới 8 vạn bản, nhuận bút nhận được là…xem trong bài sẽ rõ. Còn mới đây, ngay trong quý I của năm 2015 này tôi lại nhận được số tiền nhuật bút ít ai ngờ là 639 đồng! Vâng, đúng thế, chưa tới 1 nghìn đồng! Đó là nhuận bút cho phần ca từ bài Ban kèn xanh mà đồng tác giả với tôi là nhạc sĩ Hoàng Long - Hoàng Lân .

1.
Truyện tranh “Thưởng trăm roi” (NXB Văn Hóa 1985) tôi còn giữ cho mình một bản. Cùng với thông báo tira 80.000 bản là giá bán chỉ   2 đồng, cho nên tôi lĩnh được số tiền tính ra mua được khoảng trên dưới 20 tô phở, tùy vào giá phở, bình dân hay cao cấp mình lựa chọn. Hồi nhận được nhuận bút truyện tranh này, tôi đang là anh giáo nghèo dưới Sa Đéc, 20 tô phở cũng giúp mình lên đời, giàu được 20 ngày! Cho nên vẫn vui là chính. Vui như bậc thầy của tôi, nhà văn Phong Thu từng bá cáo trên báo Đà Nẵng: Cuốn “Đi tìm việc tốt”  in ở nhà Kim Đồng được trả 7 đồng nhuận bút, hồi đó mua được… 23 bát phở ngon; vui như đàn anh của tôi nhà thơ Đặng Hiển cảm thán trên báo Lao Động: “Được in trong SGK là vinh dự rồi, còn đòi hỏi gì. Hồi đó, nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi có chọn bài thơ của tôi, in vào SGK xong thì NXB cũng biếu tôi 1 cuốn cùng 50 đồng gọi là tiền nhuận bút. Sau này, cách đây chục năm gì đó, sau khi soạn lại SGK tôi cũng được tặng thêm 1 cuốn nữa và 100.000 đồng, bằng nhuận bút một bài thơ đăng báo. Tính ra 10 năm cũng được… 3 bát phở”.
Tôi cũng như anh Đặng Hiển, từng nhận được 50 (hay 50.000 không thật nhớ) đồng, tiền nhuận bút giáo khoa từ NXB Giáo Dục và với tôi, ngoài việc có tiền phở phát sinh như ai, tôi còn được hưởng một thứ nhuận bút tinh thần (chắc cũng là phép thắng lợi tinh thần kiểu anh AQ chăng?), - lần ấy tới trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Hồ Chí Minh) nói chuyện văn chương ngoài sân trường, cô Ngọc Điệp hiệu trưởng bắt giọng để học sinh cả trường đọc thuộc lòng dưới cờ bài “Mẹ và cô” của tôi in trong Tiếng Việt lớp 1. Sướng hơn ăn phở ngon rất nhiều!

2.
Xin nói tiếp chuyện nhuận bút ca từ. Tính từ năm 2012 tới giờ, cứ cuối mỗi quý tôi lại được Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nơi anh Phó Đức Phương cầm đũa chỉ huy, mời tới trụ sở phía Nam của trung tâm để nhận nhuận bút các bài thơ của tôi, đã được các nhạc sĩ phổ nhạc và được ca diễn ở đâu đó. Con số 639 VND (Việt Nam đồng) trên kia là thật trăm phần trăm! Có người sẽ hỏi tiển lẻ cỡ đó lây đâu ra mà thanh toán? Xin thưa, rất may, tôi còn khá nhiều bài thơ khác được phổ nhạc, được ca diễn nhiều lần và vì thế, nhiều số nhỏ cộng thành một số lớn. Tiển lẻ đã là tiền chẵn và quy ra phở thì cũng được vài chục tô! Các nhà thơ còn tin vào phép tính cộng, xin đừng khước từ lời mời lĩnh tiền của trung tâm này! Tôi biết trong danh sách nhà văn nhà thơ được mời, in trên báo Văn Nghệ Trẻ ngày 18 và ngày 25-3-2012 còn rất nhiều người chưa tin vào trung tâm, chưa đến! Cứ đến một lần thử xem, cho dù đồng tiền có lạm phát thì góp gió vẫn thành bão. Và dù bão to hay bão nhỏ, các cô thủ quỹ vẫn bỏ phong bao rất lịch sự, cùng một danh mục các bài ca người nhận tiền viết lời, đang được hát trên sân khấu giữa trời hay trong các sa lông đèn mờ! Nhìn vào danh sách quý I/2015 của mình, tôi còn bất ngờ vì bài thơ “Đi chơi với con” in trên báo Mực Tím hồi nào, không biết ai phổ nhạc cho mình! Ai nhỉ? Để tôi còn cảm ơn!

3.
Tôi vẫn biết nhà thơ Xuân Diệu đã dạy “cơm áo không đùa với khách thơ” cho nên xin nghiêm túc trích dẫn dưới đây, nguyên văn kết qủa điều tra của chính Hội Nhà văn Việt Nam gửi các hội viên nhắc rằng, còn khó sống bằng nhuận bút đấy: “Nhuận bút văn chương của ta quá thấp, không có ý nghĩa bù đắp sức lao động nghệ thuật đã bỏ ra […] Không những thế, trong những năm qua nhuận bút lại có chiều hướng giảm bớt chứ không tăng. Đáng lưu ý là tình trạng thu nhập bằng nhuận bút của nhà văn giảm đi diễn ra trong lúc thu nhập của các tầng lớp xã hội đều tăng lên rõ rệt. Đó là bởi vì, tuy số đầu sách tăng lên, những số bản in mỗi cuốn sách, mỗi lần xuất bản lại giảm xuống một cách thảm hại. Từ hàng vạn bản một lần in, tới nay chỉ còn 600 – 700 bản. Nhà văn trên thực tế phải đóng một số thuế lợi tức quá lớn; họ chỉ được nhận 8% giá bìa. Trong khi đó, khâu phát hành chiếm đến 40 – 50% giá trị cuốn sách. Có người nói tỉ suất thuế như vậy cao gấp 1,5 thuế nhập xe máy, gấp 4 lần thuế nhập xăng dầu, gấp 16 lần thuế nhập máy tính. Tính ra thu nhập bằng nhuận bút của nhà văn thấp hơn nhiều so với thu nhập cơ bắp của một bà giữ trẻ, một chị tạp vụ, một anh cắt tóc”.

 4.
“Khó sống bằng nhuận bút” thì nhà văn sống bằng gì? Sinh thời nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã trả lời trong một hội thảo, nhà văn sống bằng… đám giỗ! Mà là đám giỗ chính mình. Bởi vì lúc sống, chẳng mấy người để ý tới, chết rồi, được kỉ niệm với hội thảo hà rầm. Tức là nhà văn sống khi đã chết. Vậy thì sinh thời các “kỹ sư tâm hồn” phải sống  bằng “nhuận bút nhân dân”. Tặng thằng bạn nhậu cuốn sách giá gần hai chục ngàn, nó tặng lại mình chai rượu hơn hai trăm ngàn. Cũng trong hội thảo này nhà văn Nguyễn Đông Thức đưa ra một kinh nghiệm của chính mình cứ mỗi ngày vài ngàn chữ in báo, được trả 250.000 đồng, những trang lẻ ấy in dồn thành sách được thêm bạc triệu nhuận bút. Ông còn thuyết phục người nghe bằng kinh nghiệm của thân mẫu mình, bà Tùng Long. Ông kể lần nào chợt thức giữa đêm cũng thấy mẹ ngồi trước đèn, cũng nghe tiếng ngòi bút mài trên trang giấy.  Ý kiến của Nguyễn Nhật Ánh trong hội thảo cũng rất nhà nghề: viết như Kim Dung, nhiều nam độc giả; viết như Quỳnh Dao nhiều nữ độc giả; viết chưa bằng họ mà muốn nhiều người đọc thì viết cho thiếu nhi vì ở lứa tuổi này sự phân biệt giới tính chưa cao, bé nam thích thì bé nữ cũng thích. Nguyễn Nhật Ánh chọn đối tượng phản ánh là thiếu nhi, và đã thành công, các nhà xuất bản sẵn sàng ứng trước cả trăm triệu nhuận bút để ông bắt đầu một tác phẩm  mới.

5.
Sống được bằng nhuận bút trước Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn Tô Hoài. Trên báo Tuổi Trẻ, Ông Dế Mèn nói về căn nhà ở phố Ðoàn Nhữ Hài: “Bác mua bằng tiền nhuận bút của truyện “Vợ chồng A Phủ” đấy. Giờ không thể nhớ được nhuận bút lúc đó được bao nhiêu đồng nhưng rõ ràng rất đáng giá. Ai bảo nhà văn ngày xưa nghèo nào?”. Giàu tài năng sẽ giàu nhuận bút. Nhà thơ Chủ tịch nước Hồ Chí Minh là một người như thế. Bằng nhuận bút, Bác đã tặng Bộ đội Phòng không – Không quân khi biết những ngày hè nóng rực, nhiều đơn vị pháo cao xạ phải trực chiến trên những sân thượng nóc nhà cao của Hà Nội và nhiều trận địa khác, không đủ nước uống. Số tiền lên tới 25.000 đồng, tính ra gấp hơn 100 lần lương tháng của Chủ tịch nước ở thời điểm đó. Số tiền lớn gom từ những nhuận bút nhỏ như số  60 đồng 03 hào Bác nhận được khi viết cuốn Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc in ở nhà xuất bản Sự Thật năm 1967. Số tiền nhuận bút trên, nhà xuất bản trả bằng séc như các tác giả khác, không hề có đặc quyền đặc lợi nào. Tạp chí Nhịp Cầu Tri Thức, số 12/2009 có in lại tờ phiếu mời tác giả Hồ Chí Minh nhận số nhuận bút này, xin trích: “Nhuận bút cuốn sách ấn định như sau: Nhuận bút cơ bản: Tổng số chữ: 4.020. Bậc tính nhuận bút: 15đ/100 chữ. Nhuận bút cơ bản: 60 đồng 03 hào. Tỷ lệ được tính 100%. Nhuận bút cơ bản tính theo tỷ lệ được hưởng: 60 đồng 03 hào.


Theo từ điển tiếng Việt thì, nhuận bút là tiền công để trả cho tác giả, nhưng chiết tự chữ gốc Hán này lại chẳng có nét đồng, nét xu, chẳng có bóng dáng tiền bạc. Có phải chính thiếu hụt này tạo ra cái lúm đồng tiền trên khuôn mặt chữ, tạo ra duyên chữ, tạo ra vẻ đẹp. Và vì thế, cả hai bên nhận công và trả công đều cần ứng xử đẹp với chữ này.