Xuất bản tập thơ đầu năm 26 tuổi (Tư duy S - 2005), 5 năm sau, Trương Xuân Thiên làm nên một sự kiện chấn động khi dám bỏ ra gần 200 triệu cho việc thiết kế, in ấn và trình diễn tập thơ thứ 2 Homo sapiens - Người tinh khôn. Đối với người khác, 200 triệu có thể chỉ là một số tiền bình thường, nhưng với Trương Xuân Thiên thì đó là tất cả tài sản anh có được từ khi bước chân đi làm... Còn nhớ lần ngồi uống tại nhà riêng thầy Nguyễn Hùng Vỹ, cứ mỗi lần cạn chén, đọc xong một câu thơ, Trương Xuân Thiên lại quăng ly vào tường cho vỡ tan tành.


TRƯƠNG XUÂN THIÊN VÀ CUỘC ĐAM MÊ THƠ BẤT TẬN
VŨ ĐỖ

Một ký ức hơn mười năm về trước
Lần đầu tiên tôi gặp Trương Xuân Thiên là năm 2002 trong phòng trọ của một người bạn. Khi ấy, tôi thì đang học năm cuối khoa Ngôn ngữ còn anh thì học năm thứ hai khoa Tâm lí, cùng thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh là dáng vẻ thư sinh trắng trẻo, cặp kính cận, đẹp trai nhưng có phần hơi rụt rè.
Nhưng chỉ sau vài phút sơ giao, khi những câu chuyện văn chương chữ nghĩa đã “vào mạch” thì thần thái của Trương Xuân Thiên mới lộ ra hết: sành sỏi trong chữ nghĩa, thông minh trong tranh biện, nhiệt tình “tới bến” với anh em. Anh đọc rất nhiều loại sách cổ kim Đông Tây, yêu thích phân tâm học, có thể nói hàng giờ về tư tưởng của Freud, Jung, Alfred Adler…
Anh thuộc hàng trăm bài thơ Đường, lại giỏi về tử vi đẩu số, có thể bấm ngay tại chỗ lá số của từng người, đọc vanh vách ý nghĩa của các chính tinh và phụ tinh, mối quan hệ giữa các vì sao... Tôi sướng đến mức ngồi với anh từ sáng đến chiều, rồi buổi tối kéo luôn anh đi... nhậu tại nhà người bạn thân là Trần Nhật Minh (nay là biên tập viên, MC của VTC14). Mấy anh em gặp nhau vui trên trời dưới biển, luận đủ mọi chuyện trên đời, đem các loại thơ văn ra đọc.
Ban đầu còn có chút giữ gìn, về sau đến lượt Minh và tôi hăng lên, lôi hết các loại sở trường ra nói. Can rượu đã vơi đi quá nửa, bỗng đâu thấy Trương Xuân Thiên quỳ rạp xuống lạy chúng tôi như tế sao. Cả hội ngơ ngác không hiểu tại sao, mãi sau này mới biết lúc đó anh cũng thăng hoa quên hết trời đất. Đêm hôm đó tôi và Thiên ngủ lăn lóc trong góc bếp nhà Trần Nhật Minh, muỗi đốt sưng hết mặt. Vậy mà rồi mất liên lạc, để phải hơn 3 năm sau tôi mới gặp lại anh. Vẫn là áo phông trắng, kính trắng nhưng anh gầy hơn trước rất nhiều. Gió thổi áo tung bay lồng lộng, trông anh ngỡ như một... đạo sĩ.
Mắt rực sáng, anh ôm một chồng thơ khoe tôi với Minh vừa mới in xong. Đó chính là tập thơ đầu tay Tư duy S (2005). 36 bài trong tập đều là thể tự do, hầu hết được viết trong thời kỳ chúng tôi mất liên lạc của nhau. Tôi bắt gặp nhiều câu thơ hay đến lặng người, chỉ đọc một lần mà không thể quên được: Đất nước dài như hơi thở góa phụ trong đêm (Truyền kỳ mưa); Xác cơn mưa/ Nằm ngổn ngang bên thềm mối tình trầm mặc (Như khóc).
Cũng trong tập này, bài thơ Ngụy biện cho giọt nước mắt và sự vấp ngã của anh từng đoạt giải Cuộc thi Thơ văn xuyên thế kỷ năm 2000 do báo Sinh viên Việt Nam tổ chức: Nơi đầu nguồn mẹ khóc/ Mặn chát thân con/ Mẹ tát cạn biển vào hai con mắt/ Xới cát tìm lũ dã tràng/ Thơ thẩn nhận ra con/ Mẹ nhặt con lên/ Lận tít tắp vào nỗi buồn bất tận... Thời kỳ này, anh buồn nhiều sau mối tình đầu đổ vỡ. Yêu nhau đã lâu, ngày lành tháng tốt cũng đã chọn, vậy mà rồi không đến được với nhau. Anh uống nhanh say hơn, dễ xúc động và thường khi cất lời là phê phán, chỉ trích những thói hư tật xấu của người đời. Còn nhớ lần ngồi uống tại nhà riêng thầy Nguyễn Hùng Vỹ, cứ mỗi lần cạn chén, đọc xong một câu thơ, anh lại quăng ly vào tường cho vỡ tan tành.
Thầy Vỹ mặt vẫn tươi như hoa, gọi: “Con ơi mang một khay ly nữa ra đây cho anh Thiên...”. Một người bạn trong nhóm đã ghi lại tâm trạng của Trương Xuân Thiên bằng bài thơ như sau: Uống rượu với Trương Xuân Thiên/ Đã uống là phải uống liền trăm ly/ Kíp mau mang rượu ra đi/ Mới có hai lít đáng gì với ta/ Rượu vào thì chửi bò ra/ Chửi trời chửi đất sau là chửi nhau/ Chửi rằng thời cuộc đớn đau/ Trái tim thi sĩ còn cau có và/ Chửi rằng nghèo vẫn chưa tha/ Nghèo là tri kỷ nghèo là tri âm/ Cái đêm em ngủ với chồng/ Mình ta uống cả bầu giông bão đầy/ Giờ bao nhiêu giọt đắng cay/ Xin hòa cùng rượu mà bay về nhà (Uống rượu với Trương Xuân Thiên - Lĩnh Tung Ma)

Vượt qua khủng hoảng, đổi mới thi ca
Sau những tâm trạng phiền muộn và căng thẳng của thời kỳ đó, Trương Xuân Thiên lấy lại cân bằng và bắt đầu có những bứt phá vượt bậc về thơ. Anh quan niệm, người làm thơ phải tạo được một thi giới cho riêng mình. Hơn thế nữa, thưởng thức thi ca trong một tinh thần của hậu hiện đại không chỉ là nghe thơ, đọc thơ mà còn phải ngửi thơ, cầm nắm thơ, nếm thơ, xúc giác với thơ, mang đến cho mỗi người yêu thơ một không gian riêng biệt, một khoảng thời gian sắc nét và ấn tượng, rung động với từng hơi thở của thơ... Vậy là một chương trình kỳ công đã dần dần xây dựng trên cơ sở bản thảo tập thơ thứ hai Homo sapiens - Người tinh khôn đánh dấu một bước trưởng thành quan trọng, chín muồi về cảm xúc và triết học, cũng như những biểu đạt nghệ thuật của Trương Xuân Thiên.
Tập thơ được thiết kế, trình bày với nhiều thử nghiệm bởi 2 designer làm ròng rã trong suốt 9 tháng trời. Tập thơ sử dụng tới 200 bức tranh của họa sĩ Nguyễn Minh Quang với nhiều trường phái: siêu thực, biểu hiện, trừu tượng, lập thể... Giấy in sách là giấy couche tiêu chuẩn châu Âu, phụ trách in ấn là một chuyên gia người Czech. Riêng chi phí cho thiết kế hết 20 triệu, chi phí cho in ấn mất 30 triệu.
Và đỉnh điểm của độ công phu là đêm trình diễn tại bán đảo Hồ Thiền Quang, 37 Trần Bình Trọng, Hà Nội. Dưới sự chỉ đạo của nghệ sĩ biên đạo múa Tuyết Minh, trong suốt thời gian 60 phút của chương trình, cả khán phòng như nghẹt thở bởi sự dâng trào thăng hoa của muôn vàn cung bậc cảm xúc: cuồng nhiệt, say đắm, dữ dội, ám ảnh, bải hoải, rợn ngợp, miên man, ma mị...
Đêm trình diễn thực sự là một dạ yến thơ có một không hai. Và sẽ thật là thiếu sót nếu như không trích ra đây những câu thơ đẹp nhất của tập, như những minh chứng sáng giá nhất cho một quan niệm riêng về thơ của Trương Xuân Thiên: Khi mẹ quẩy hừng đông về ngang bến sông/ Hoa bưởi đã quyên sinh trong vườn đêm qua bỗng phục sinh thơm bát ngát (Khúc hát ban mai); Âm hồn của mối tình đầu nhòa nhạt/ Khóc âm u trong phế tích lời thề/ Nước mắt úa như hoàng hôn ủ bệnh/ Chút mưa xưa như khâm liệm vong nhân (Niệm khúc mùa đông); Một vì sao để tang cả bầu trời (Vì sao lạc); Em đứng bên bậu cửa thay đồ lót/ Chôn vùi da thịt vào gối chăn (Đêm mưa).
Một điều quan trọng nữa là, ở tập này, bên cạnh sự phóng khoáng và dâng trào, họ Trương còn tỏ ra đã biết cách tiết chế khi cần thiết, để những câu thơ sâu đằm hơn và gợi về một phong vị cổ điển. Vì thế mà người đọc có thể bắt gặp một đôi bài lục bát hoặc ngũ ngôn nhưng được viết với một phong cách mới, lạ, tạo ấn tượng mạnh mẽ: Thuở hoa bỏ lại mùi hương/ Ta cầm nước mắt mà thương hoa quỳnh/ Mặt trời rụng xuống bình minh/ Muôn vàn mộ địa tự tình hồng hoang (Hồng hoang).

Muôn nẻo đường vẫn chỉ về với thơ
Tính từ khi bắt đầu ra trường, Trương Xuân Thiên đã thay đổi ít nhất 7 cơ quan công tác. Anh đã từng phụ trách truyền thông cho các tập đoàn Viettel, Detech, Tập đoàn du lịch Khoang Xanh, mở công ty truyền thông riêng Green Sun, mở vài nhà hàng trong đó có những nhà hàng rộng hàng nghìn mét vuông, làm phóng viên cho Báo Gia đình và trẻ em...
Nhưng rồi tất cả đều không được lâu bởi ở những nơi đó, anh đều thấy thiếu một điều gì đó. Tiếng gọi của thi ca cuối cùng vẫn là động lực mạnh mẽ nhất, lớn lao nhất. Họ Trương không thể gò mình vào những gì cứng nhắc hoặc quá chặt chẽ về thời gian, khuôn khổ, hạn định. Anh cần dành toàn tâm toàn ý để sống với thơ, để viết ra những câu thơ tâm đắc mà anh vẫn gọi là “kim cương của ngôn ngữ”.
Hai năm trở lại đây, Trương Xuân Thiên có một thể nghiệm mới khi muốn trở về với điệu hồn dân tộc để viết một tập thơ hoàn toàn lục bát. Thế nhưng như anh từng tâm sự, đó phải là một thứ lục bát chưa từng có ở xứ sở này. Không phải là lục bát của Truyện Kiều, của Nguyễn Bính, Nguyễn Duy, Đồng Đức Bốn hay Phạm Thiên Thư, nó phải là một thế giới lục bát riêng, một dòng lục bát liêu trai và kỳ ảo, thể hiện được những ma thuật về ngôn từ. Tính đến lúc này, hơn 70 bài của tập lục bát Áo hồ ly đã đủ hình hài, và tôi tin Trương Xuân Thiên đã đạt được những thành công quan trọng trong thử nghiệm đầy mới mẻ này.
Thi sĩ nổi danh Du Tử Lê đã dành cho tập Áo hồ ly của Trương Xuân Thiên những lời nồng nhiệt nhất, ông viết tận hai kỳ về lục bát của họ Trương và đăng một cách trân trọng trên website của mình: “Lục bát của Trương được ngọn hải-đăng-siêu-thực dẫn đường cho mọi lênh đênh tìm về của thể Sáu Tám, vốn đẫm đẫm tâm cảnh và cảm thức lạc lõng, bấp bênh của tuổi trẻ đương thời, trước những vấn nạn lớn lao, muôn đời của kiếp nhân sinh”.
Quả thực, tôi đã gặp trong Áo hồ ly những câu lục bát đẹp lạ lùng: Hồ ly đan áo cho chồng/ Mỗi đêm đan một mặn nồng lên môi/ Thanh tân biếc biếc đâm chồi/ Lụa là buốt buốt núi đồi linh linh (Ngàn trăng thay lá); Chiều nay một cánh di cầm/ Bay về phương Bắc lại nhầm phương Nam (Hồng phai); Một vì sao ngủ cuối trời/ Thanh tân như thể một lời cầu hôn/ Hồ ly lột bỏ xác chồn/ Ngàn trăng thay lá xuất hồn đi hoang (Ngàn trăng thay lá)...
Không chỉ riêng tôi mà tất cả các bằng hữu thân thiết của Trương Xuân Thiên đều chờ đón một đại tiệc thơ nữa sắp xuất hiện!

Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng