Nhà thơ Đặng Huy Giang nhận định: "Trên tạp chí Hồn Việt số tháng 11/2014, có một bài báo (“Biến nghịch lý trở thành chân lý?”) của Bích Châu đã có những lời lẽ rất phũ và rất bất nhẫn với Đà Linh. Người viết không chỉ hỗn hào, xúc phạm Đà Linh – một người vừa mất cách nay không lâu, mà còn hỗn hào, xúc phạm nhiều người khác nữa. Đây là một bài báo thuộc diện “rác” và nói theo kiểu Mai Quỳnh Nam (trích từ tập thơ “Không thiên vị” – Nhà xuất bản Hội Nhà văn quý 3 năm 2014) thì “Rác trên tivi/ rác đang chuyển động/ rác phát tán ở quy mô đại chúng”.  Ngoài ra, bài báo còn mắc một lỗi rất căn bản và cũng là một căn bệnh nghiêm trọng: Thấy ai không giống mình (suy nghĩ và hành động) thì vội vã phủ nhận và vu oan giá họa cho người ta một cách tàn nhẫn, thiếu suy nghĩ. Nên nhớ, thế giới này luôn tồn tại và phát triển nhờ sự khác biệt. Ngay cả việc xông ra phân biệt này nọ với một xuất phát đầy thiên kiến, cũng không phải là cách hành xử hay ho gì, nhất là đối với ông Tổng biên tập Mai Quốc Liên mang tiếng là người cao tuổi". 



LÀM NGƯỜI ÁC VẤT VẢ VÔ CÙNG

ĐẶNG HUY GIANG


Nghe tiếng Đà Linh đã lâu nhưng tôi chỉ gặp được anh không quá ba lần, trong đó có hai lần có liên quan đến một cuốn “sách khó”: “Lục bát lên đồng” của nhà thơ Thế Dũng. Đây là một tập thơ viết về chân dung nhiều văn nghệ sĩ kiểu Xuân Sách đã viết trước đây. Đây là một trong vài cuốn sách cuối cùng mà Đà Linh “làm” ở Nhà xuất bản Lao động, trước khi giã từ thế giới này.   
Lần thứ nhất, nhận sách mang sang Berlin (CHLB Đức) cho Thế Dũng. Lần thứ hai, chuyển thư cám ơn của Thế Dũng tới Đà Linh.    
Qua mấy lần gặp gỡ, tôi có cảm giác có cảm giác Đà Linh giống như “một người Việt trầm lặng”. Ngày đi viếng Đà Linh, tôi đã khóc, trong lòng thầm nghĩ: “Thế là thêm một người tử tế nữa ra đi”. Đương nhiên, không chỉ có tôi và tôi tin có nhiều người khác, cũng nghĩ như tôi. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà trong ngày giỗ đầu của anh, có khá nhiều người có xu hướng làm mới văn chương, đã đến thắp hương tưởng nhớ và tiếp tục thương tiếc anh.   

Lâu nay, trong làng văn và làng xuất bản ở ta, Đà Linh là một trí thức dấn thân thực sự. Anh bỏ nghề tài chính để đến với văn chương với sự đam mê chân thành trong vai trò của một nhà văn tài hoa, tinh tế. Anh đã chọn con đường khó để đi khi dành nhiều tâm sức cho những cuốn sách khó của bè bạn có dịp đến với độc giả trong vai trò một phó giám đốc, một Tổng biên tập của một nhà xuất bản. Và nhiều lần, anh đã “lách qua cửa hẹp” và “thoát hiểm”.  
  
Đấy chính là tấm lòng, đồng thời cũng là bản lĩnh của anh. Đấy là hiện tượng quý hiếm đáng được ghi nhận, đánh giá cao. Tôi tin nếu không có Đà Linh, những cuốn sách của Trần Dần, Tô Hoài, Hoàng Ngọc Hiến, Đỗ Hoàng Diệu, Thế Dũng… khó có thể xuất bản được ở Việt Nam.    
Những cuốn sách ấy không chỉ là dấu ấn, mà còn là biểu hiện một kiểu làm sách của Đà Linh: Tạo sự thay đổi, chấp nhận và hết lòng vì người viết, người đọc và không bao giờ vụ lợi, tính toán.    
Vậy mà mới đây, trên tạp chí Hồn Việt số tháng 11/2014, có một bài báo (“Biến nghịch lý trở thành chân lý?”) của Bích Châu đã có những lời lẽ rất phũ và rất bất nhẫn với Đà Linh. Người viết không chỉ hỗn hào, xúc phạm Đà Linh – một người vừa mất cách nay không lâu, mà còn hỗn hào, xúc phạm nhiều người khác nữa. Đây là một bài báo thuộc diện “rác” và nói theo kiểu Mai Quỳnh Nam (trích từ tập thơ “Không thiên vị” – Nhà xuất bản Hội Nhà văn quý 3 năm 2014) thì “Rác trên tivi/ rác đang chuyển động/ rác phát tán ở quy mô đại chúng”.    

Trong bài báo này, người viết (tác giả Bích Châu) đã lấy bộ phận để phán tổng thể về thơ Trần Dần, theo lối xuyên tạc, thiếu thiện chí. Nên nhớ thơ Trần Dần và tinh thần thơ của ông không chỉ bó gọn trong một đoạn thơ trích dẫn. Mặt khác, người viết đã nhầm lẫn khi trích lời của Dương Trọng Dật để phê phán “Ba người khác” của Tô Hoài. Không ai đi chê một tác phẩm mà dùng “…là chưa hiểu hết cái sâu xa, cái vô cùng của tác phẩm” để viện dẫn bao giờ.    

Ngoài ra, bài báo còn mắc một lỗi rất căn bản và cũng là một căn bệnh nghiêm trọng: Thấy ai không giống mình (suy nghĩ và hành động) thì vội vã phủ nhận và vu oan giá họa cho người ta một cách tàn nhẫn, thiếu suy nghĩ. Nên nhớ, thế giới này luôn tồn tại và phát triển nhờ sự khác biệt.  

Ngay cả việc xông ra phân biệt này nọ với một xuất phát đầy thiên kiến, cũng không phải là cách hành xử hay ho gì, nhất là đối với ông Tổng biên tập Mai Quốc Liên mang tiếng là người cao tuổi.
Nên nhớ “Làm người ác vất vả vô cùng” (trích từ “Mặt nạ kẻ ác” của nhà thơ người Đức B. Brecht) đấy!

Nguồn: Website Hội Nhà văn VN