Tạp chí Hồn Việt lại có thêm một bút danh mới nhảy vào cuộc tranh luận: “Ông Trần Tuấn (mà tôi đồ chừng là con giai ông Trần Dần) lên tiếng, cho tác giả Bích Châu là “ụp mũ” thì cũng không có gì là lạ. Nhưng vấn đề ông Trần Dần, vấn đề Nhân Văn – Giai Phẩm (NVGP), vấn đề thơ Trần Dần thì phức tạp hơn, có những cách nhìn khác nhau. Trước hết, những câu thơ mà tác giả Bích Châu trích ra để đánh giá thơ Trần Dần đó, thì nó là thơ tắc tị, thể hiện sự bế tắc trong cách nhìn, trong tư tưởng của Trần Dần vào một thời điểm của đời ông. “Thơ thuộc về mọi người”, nhưng “lời tôi khó hiểu vì tôi cô đơn” (P. Eluard). Tâm trạng của nhà thơ có chỗ đáng thông cảm, nhưng đem nó phổ biến, thì người ta chẳng hiểu gì hết, người ta phản ứng. Nó cũng thể hiện sự ảnh hưởng của chủ nghĩa hình thức phương Tây, tuyệt đối hóa hình thức, ngôn từ, âm điệu…, từ bỏ nội dung – tư tưởng (mà gần đây chúng ta đọc Tzvetan Todorov – Văn chương lâm nguy mới thấy cái tác hại của nó, mới thấy phương Tây – mà đại diện là nhà lý thuyết hàng đầu Todorov – đã nhìn ra vấn đề). Chẳng có gì là “bí ẩn” như anh Trần Tuấn thần thánh hóa, kỳ bí hóa”.



NHÂN CÓ BÀI BÁO VỀ TRẦN DẦN

NGUYỄN VŨ HỒNG NGỌC

Sau bài báo của tác giả Bích Châu đăng trên Hồn Việt (số 87, tháng 11-2014) Biến nghịch lý trở thành chân lý!?, báo Tiền Phong(ngày 16-11-2014) có bài đáp lại của Trần Tuấn: Ụp mũ lên Trần Dần – Thơ. Thiết nghĩ, việc trao đi đổi lại một vấn đề để tìm ra lẽ phải, sự đồng thuận là cần thiết, chúng tôi xin góp bàn vài lời.

Ông Trần Tuấn (mà tôi đồ chừng là con giai ông Trần Dần) lên tiếng, cho tác giả Bích Châu là “ụp mũ” thì cũng không có gì là lạ. Nhưng vấn đề ông Trần Dần, vấn đề Nhân Văn – Giai Phẩm (NVGP), vấn đề thơ Trần Dần thì phức tạp hơn, có những cách nhìn khác nhau. Trước hết, những câu thơ mà tác giả Bích Châu trích ra để đánh giá thơ Trần Dần đó, thì nó là thơ tắc tị, thể hiện sự bế tắc trong cách nhìn, trong tư tưởng của Trần Dần vào một thời điểm của đời ông. “Thơ thuộc về mọi người”, nhưng “lời tôi khó hiểu vì tôi cô đơn” (P. Eluard). Tâm trạng của nhà thơ có chỗ đáng thông cảm, nhưng đem nó phổ biến, thì người ta chẳng hiểu gì hết, người ta phản ứng. Nó cũng thể hiện sự ảnh hưởng của chủ nghĩa hình thức phương Tây, tuyệt đối hóa hình thức, ngôn từ, âm điệu…, từ bỏ nội dung – tư tưởng (mà gần đây chúng ta đọc Tzvetan Todorov – Văn chương lâm nguy mới thấy cái tác hại của nó, mới thấy phương Tây – mà đại diện là nhà lý thuyết hàng đầu Todorov – đã nhìn ra vấn đề). Chẳng có gì là “bí ẩn” như anh Trần Tuấn thần thánh hóa, kỳ bí hóa.
Nhưng về thơ, thì Trần Dần ngoài những bài “tắc tị” đó ra, còn có những bài khác trong sáng hơn, có giá trị hơn. “Sông có khúc, người có lúc”, văn chương biểu hiện con người, cũng như vậy.
Ông Trần Dần là một trong những nhân vật chính của vụ NVGP. Đó là những tiếng nói chống lại chính quyền, sự lãnh đạo, đòi tự do dân chủ, trước hết cho văn nghệ, “trả văn nghệ về cho văn nghệ”... Điều đó có thể hiểu và thông cảm. Văn nghệ sỹ nào mà chả muốn tự do thể hiện tâm trạng, chủ kiến của mình. Chết nỗi, tình hình nước ta lúc đó, ở miền Nam thì cách mạng và kháng chiến bị tàn sát hàng loạt – “chiến tranh đơn phương” -, ở miền Bắc thì Cải cách ruộng đất mắc sai lầm, vừa qua chiến tranh lâu dài, kinh tế nghèo nàn, sức dân mỏi mệt, tâm trạng “hậu chiến”. Tình hình thế giới cũng hết sức phức tạp. Anh đi đòi tự do cá nhân cho anh thì cũng phải nghĩ đến đại cuộc, đến đất nước. Bất mãn, phẫn uất…, cuối cùng kêu gọi “biểu tình” chống đối. Thế thì nhà cầm quyền họ nhân danh toàn cục, nhân danh cuộc chiến đấu của cả dân tộc và nhân danh cả những nguyên tắc cứng rắn của họ, họ trấn áp. Vả lại cũng chỉ đưa ra Tòa, xử tù 2 người cầm đầu là Thụy An và Nguyễn Hữu Đang, 2 người hoạt động chống phá – gián điệp và như ông Nguyễn Hữu Đang nói, ông ta cũng chẳng kêu ca gì. Nhà cầm quyền hồi đó hành động như thế, cũng là có cân nhắc. Nhưng rồi đáng lẽ kỷ luật 3 năm, thì kéo dài gần như suốt đời. Rồi coi NVGP như “địch”, căm thù, mạt sát quá đáng là không đúng. Họ có sai lầm, nhưng đó là những người trong “nội bộ”, những người tham gia kháng chiến và cách mạng. Ở Sài Gòn, kẻ địch lợi dụng họ, khoái chí thấy họ nổi lên chống đối, nhưng họ chưa hề là địch. Xử trí sau NVGP có chỗ đáng bàn. Nhưng đó là chuyện một thời, ta nên nhìn lại, nhưng không thể khoét sâu vào vết thương hoặc tôn vinh quá đà, quá mức thành thần, thành thánh… Quy luật Archimed có trong văn chương. Rồi đến đổi mới, bắt đầu có nhiều người nghĩ lại. Ta nói gác lại quá khứ, hòa hợp dân tộc…, những người này là anh em đã đồng cam cộng khổ một thời, có sai lầm gì đi nữa cũng nên xóa “kỷ luật”. Đó là nguồn gốc cái mà PGS Hoàng Ngọc Hiến gọi là “chiêu tuyết” – trao giải thưởng Nhà nước cho một số tác giả NVGP… Gọi là “chiêu tuyết” e chưa đúng hẳn, vì họ có sai lầm thật. Nhưng thôi, tình hình bây giờ bao nhiêu chuyện, hơi đâu mà đi cãi chữ. Khi nhiều người trong Hội Nhà văn làm việc này, cũng là làm với một ý nghĩ, một động cơ như vậy. Còn lịch sử thì vẫn còn đó, tư liệu vẫn còn đó. Không nên vì bị động với trào lưu gọi là dân chủ - nhân quyền của Tây hay sự sụp đổ của Liên Xô, Đông Âu mà khới lên vấn đề đòi xét lại toàn bộ lịch sử!
* * *

Ông Trần Tuấn cũng như báo Tiền Phong mới chỉ nói về Trần Dần. Bài của Trần Thu Dung (ở Paris) trên báo Tiền Phong ca ngợi những tác phẩm mà Đà Linh và NXB Đà Nẵng in. Trả lời, tác giả Bích Châu kể ra 3 tác phẩm, trong đó có cả Bóng đè và Ba người khác.
Có hai tầng nghĩa trong các truyện Vu quy – Bóng đè
Tầng nghĩa bình thường, nếu đọc lướt qua thì là sex. Nhưng trả lời phỏng vấn, tác giả của nó nói rằng “tôi không viết truyện sex”. Mặc dù việc tả làm tình ở đây rất đậm, đôi chỗ dơ dáy, dâm loạn.
Tầng nghĩa thứ hai, tầng nghĩa chính, là chính trị.
Nhân vật nữ trong Vu quy, 16 tuổi ngủ với đàn ông, và sau đó với “người đàn ông đượm rát mùi phù sa sông Hồng”, ngủ với nhiều đàn ông khác, phá thai, rồi với một “người Tàu” – tay “thương nhân”, “quyền uy”, “lãnh chúa”, “hoàng đế” “toát ra mùi đền đài, lăng tẩm: Uy quyền” ấy đã nói: “Nếu rời xa tôi, em sẽ chết. Em đang mắc căn bệnh trầm kha, chỉ có tôi giúp em mới hồi sinh được. Em đang sinh ra để dựa dẫm vào tôi”. Và: “Nắng biển Đông chết ngoài khơi xa trước mắt ông. Tấm thân tôi cong lên hình chữ S, một hình chữ S cố phản kháng”. Rõ ràng, đây là ẩn dụ của mối tình Tàu - Việt, một mối tình “nhục nhã”, “phản bội”, “quì gối”, “phục tùng” v.v... (tr.52), “tự nguyện quỳ gối trong tư thế của một nô lệ” (chữ dùng trong nguyên tác). Mối tình với Việt, một Việt kiều, người bị mất “xác ba và chị đã rơi giữa biển khơi làm mồi cho cá” (tr.56) và “có cực nhọc làm ra bao nhiêu tiền mang về, bức tường đó cũng không phá bỏ được…” …Như thế là cho rằng ta quì gối lệ thuộc Tàu, một chuyện xuyên tạc trắng trợn.
Và cuối cùng, là một ngoại kiều Tây phương, người đã “đầu tư rất nhiều chất xám vào Việt Nam…” đã phạm “trọng tội” ở Âu châu, có “khuôn mặt Tây phương vô hồn trông đến vài trăm tuổi… từa tựa bức tượng tôi vẫn thường trông thấy mỗi khi đến cơ quan bố… hàm râu quai nón rậm ri loen nhoen nhiều vệt trắng… thân hình lạnh giá như xác chết” (tr.76). Đó là ông Karl (Marx) và hai câu có cái tên này: “Thưa bà Karrl, tối qua ông bà ngủ ngon chứ ạ” được in nghiêng đậm bất thường để lưu ý người đọc cái thông điệp gởi đi, cái mật mã của truyện. Đỉnh cao của bút pháp, cái cay độc của truyện là trong cái đêm “động phòng” với cái “xác ướp” ấy “chỉ có vùng kín ran rát và bàn tay tôi ướt mềm trong lau lách. Hai bàn tay bết dính chất ngà trắng lẫn nhiều sợi bạc mà tôi vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra không phải là sợi đàn bà của mình. Trời ơi! Những vệt trắng trên bộ râu quai nón của người đàn ông” (tr.76). Dùng “Sợi bạc” của râu K.Marx để đối với “sợi đàn bà”!?
Bóng đè là câu chuyện cô dâu bị bố chồng (đã chết) hiếp, bị “bóng đè”, và truyện này bạo dâm lộ liễu, còn cái ý chính trị là bị tổ tiên gốc Tàu hãm hiếp, chèn ép. Dòng sông hủi đánh vào công an (tên Công), điều tra viên “kiểm tra trí nhớ của con người”, “kiểm thính lương tri đồng loại”, “thanh lý trí nhớ kẻ khác”, “người lột váy vợ, sờ nắn, ngửi tìm dấu vết một tội phạm (tr.111) –Dòng sông hủi đề tặng Trần Vũ (ở Paris), người đã viết Mùa mưa gai sắc tả Nguyễn Huệ bạo dâm với Ngọc Hân, và anh ta là người điều hành Hợp Lưu ở California, sau Khánh Trường, một tạp chí được Khánh Trường đánh giá là chống cộng hiệu quả nhất, tạp chí đã đăng Vu quy trước khi xuất bản ở NXB Đà Nẵng. Có thể do quan hệ này và bút pháp của truyện, người ta nghi cô gái 28 tuổi ở Hà Nội này chí ít đã được Trần Vũ hoặc ai đó tiếp sức, “biên tập”, “nhuận sắc”, thậm chí “đội tên”…
Các báo Tiền Phong và nhiều báo nữa đã đăng bài thông tin theo chiều ca ngợi Bóng đè, Vu quy, ca ngợi Hội thảo giữa Hà Nội trong “cơn bão” về tác giả và tác phẩm, quảng cáo cho sách và tác giả (cả hai cuốn sách đều đã bán hết sạch). Rất nhiều nhà văn đã ca ngợi và tỏ lòng “kính phục”! Nguyên Ngọc lớn tiếng ca ngợi nhiều nhất trên nhiều diễn đàn rằng tác giả “truyền đến cho chúng ta những nghiền ngẫm sâu thẳm về xã hội, về con người, về đất nước, thậm chí về số phận dân tộc…”, Nguyên Ngọc đã bắt được giải tần sóng phát đi từ truyện. Như thế, đây là cuộc “đồng hè hành động” của xuất bản, báo chí (thậm chí Văn Mới còn có sự kết hợp của VTV1) về một hiện tượng chính trị - tư tưởng – văn hóa rõ như ban ngày. Có sự kết hợp của nước ngoài: Hợp lưu, Talawas,… một cách công khai và cố tình, họ đã “nâng những cung bậc khác nhau của sự phản bội lên thành giá trị” (lời nhà văn Nga Raxputin) công khai dùng phương tiện truyền thông chính thức làm chuyện “lật đổ” (từ của một Việt kiều ở Đức). Đây là một việc hết sức bất thường và đáng lo ngại, tiếp theo không biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra hàng chục năm nay trên lĩnh vực này.
Còn Ba người khác thì tưởng ý kiến của Bích Châu trích dẫn nhà phê bình Dương Trọng Dật thế cũng đủ rõ. Ba người khác là một tác phẩm viết về CCRĐ, rất tự nhiên chủ nghĩa, vụn vặt. Theo ý một nhà văn: “Nói cho ngay, đây là một cuốn sách viết khéo với nhiều cảnh đời sống động và được “lên hương” bằng yếu tố gợi dục đậm đà. Quả là cái khéo của bà hàng xén chợ phiên biết bày bán bắt mắt những món hàng xanh xanh đỏ đỏ”...

* * *
Nhà xuất bản Đà Nẵng và Đà Linh, ngoài những cuốn trên, còn in nhiều cuốn của F. Jullien, một thạc sĩ nghiên cứu cổ Trung Hoa. Các ông Hoàng Ngọc Hiến và một số người khác tán dương ghê lắm. Nhưng rồi “pháo xịt”. Chính các học giả Pháp, Bỉ… viết bài “tố” ông này chẳng hiểu gì mấy về Trung Hoa – phương Đông (xem bài Hữu Ngọc: Huyền thoại “văn minh Trung Quốc” – Phản bác Francois Julien – honvietquochoc.com.vn).
Thôi thì giao lưu quốc tế, có cái được, cái không. Miễn là thiện chí và đừng để ai lung lạc. Báo Tiền Phong nói dư luận nước ngoài cũng phản đối bài của tác giả Bích Châu. Đó là ai, đó là Trần Thu Dung ở Paris, người đã viết bài trên Tiền Phong, gây nên cuộc bàn thảo này. Chúng tôi chưa được hân hạnh biết bà Trần Thu Dung. Nhưng ý của bà là không thích đáng. Còn về ông Đà Linh thì chẳng ai có ý xử “ác” xử “tệ” gì với ông, như có người kêu lên vu cáo. Những gì tốt trong con người ông, chúng ta quí trọng. Nhưng đây là chuyện chính trị, liên quan đến quyền lợi dân tộc, “số phận dân tộc” - như Nguyên Ngọc nói - Bóng đè cũng không phải chuyện nữ quyền như bà mới phát biểu. Nó là thuốc độc chính trị giấu dưới chuyện sex, nên chúng ta trao đổi, tranh luận chứ đâu có nhằm vào cá nhân ai? Ta hoan nghênh Việt kiều, ở nước ngoài góp ý chuyện trong nước, nhiều ý kiến có giá trị lắm nhưng chuyện văn chương – tư tưởng – chính trị này thì không đơn giản. Bà Dung nói Paris tự do, đúng vậy, họ đã đi vào thời Phục Hưng giải phóng cái tôi trước ta 6 thế kỷ! Nhưng nói tự do tuyệt đối thì cũng chẳng làm gì có, khi mà xã hội vẫn giàu – nghèo phân biệt dữ dội, người lao động vẫn khốn khó, thất nghiệp. Dĩ nhiên là họ hơn ta, ta biết, nhưng ta biết khi còn đại tài phiệt, đại tư bản thì tự do cũng chẳng dễ dàng gì: tự do trước hết là cho kẻ có tiền! Ta không khéo thì cũng đi đến đó!

Nguồn: honvietquochoc.com.vn