Cựu Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ - Lê Hoàng phân tích: “Hiện giờ bạn đọc báo Tuổi Trẻ có độ tuổi từ 40 trở lên, nếu có một cuộc khảo sát sẽ thấy rõ điều này. Tuy nhiên, độ tuổi 40 này sẽ không duy trì như vậy, thời gian về sau này, độ tuổi ấy sẽ tăng dần lên. Như vậy với tốc độ phát triển như vũ bão hiện nay của công nghệ, của máy tính bảng, smartphone, người ta sẽ dễ dàng đọc báo mạng ở bất kì đâu với sự hỗ trợ của 3G. Theo tôi được biết, thời gian gần đây có những tờ báo bị tuột dốc thê thảm khi số lượng bị giảm trên cả 100.000 bản. Tuy nhiên những tờ báo mạng lại phát triển rất tốt. Như vậy, việc báo in bị giảm số lượng và báo mạng đang rất phát triển thì nhìn chung ra nền báo chí Việt Nam không có gì đáng để nói, không có gì báo động, chẳng qua đây chỉ là một sự thay thế”.




Cựu TBT báo Tuổi Trẻ Lê Hoàng: Tôi không còn thích nghi với nghề báo

Khoảng thời gian 5 năm làm Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ (2003-2008), nhà báo Lê Hoàng đã có những đóng góp rất thiết thực cho Tuổi Trẻ và phục vụ hết mình cho bạn đọc. Nhà báo Lê Hoàng đã dành cho PV báo điện tử Gia đình Việt Nam một cuộc trò chuyện cởi mở về chuyện nghề - chuyện đời của anh.

@ Trong thời gian làm TBT báo Tuổi Trẻ, còn vấn đề gì phải khiến anh tiếc nuối vì chưa làm được?
Một điều mà tôi nghĩ là mình chưa hoàn thành, đó là bản quy ước về tác nghiệp đối với những người làm ở báo Tuổi Trẻ. Tôi nghĩ một người làm báo không chỉ có kĩ năng mà còn phải được trang bị một nền tảng đạo đức nghề nghiệp, một người có năng lực ngòi bút cứng cáp và có phẩm chất của người làm báo chân chính mới làm nên được một đội ngũ xứng đáng với tầm vóc của báo Tuổi Trẻ. Tôi nghĩ con người là yếu tố quyết định làm nên tất cả, một phóng viên được đào tạo, chuẩn bị kĩ sẽ làm cho sự nghiệp của một tờ báo vững vàng hơn. Với tôi, đó là điều mà tôi lưu tâm nhất vì tôi đề ra nhưng lại chưa hoàn thành.

@ Từng là TBT của một tờ báo tên tuổi ở Việt Nam, anh đánh giá gì về những khó khăn của báo chí nước ta hiện nay?
Các tờ báo ở Việt Nam hiện nay nói chung đang phải đụng vào những vấn đề khá nhạy cảm. Cụ thể là những vấn đề như chống tham nhũng, chống những nhóm lợi ích hay những vấn đề liên quan đến cơ cấu, hệ thống nhà nước, hay thậm chí như đấu tranh chống những hành vi sai trái của nhà cầm quyền Bắc Kinh trong thời gian vừa qua và tất nhiên khi đương đầu với những vấn đề như vậy, người làm báo hiện nay đang gặp phải không ít những khó khăn. Khó khăn thứ nhất là điều kiện để xử lí thông tin, liều lượng, mức độ đặt ra trên mặt báo, độ nóng cần thiết để khai thác đến tận cùng vấn đề. Khó khăn thứ hai, hiện nay không chỉ có những tờ báo trong hệ thống chính trị của nhà nước ta mà còn rất nhiều các trang mạng xã hội. Các phóng viên vô tình nằm trong một cuộc cạnh tranh giữa một bên là có giới hạn và một bên là không giới hạn. Như vậy trong vai trò là một người đưa tin thì chúng ta đã có những thua thiệt khi trong cùng một vấn đề, chúng ta nói có chừng mực và bên kia thì nói thẳng ra chả ngại gì. Tất nhiên là việc nói ra hết tất cả mọi chuyện thì khó mà kiểm tra được độ chính xác của thông tin nhưng nó vẫn thu hút bạn đọc hơn.

@ Có nhiều luồng quan điểm đánh giá rằng, báo Tuổi Trẻ hiện nay đã không còn giữ vững được quan điểm, tôn chỉ, lập trường của mình như trước kia, anh nghĩ như thế nào về chuyện này?
Thật khó để nói có sự khác biệt giữa các thời kì. Tuy nhiên giống như tôi phân tích vừa rồi, hiện tại người đọc có nhiều lựa chọn, khi cùng một lúc nhận được thông tin từ hai bên, một bên thì có chừng mực và một bên là hoạch toẹt, nên đôi khi người đọc cảm thấy không đủ. Tôi theo dõi thì vẫn thấy những nội dung chống tham nhũng hay đưa tin về những vụ án lớn được nhiều người quan tâm hoặc vấn đề phản biện lại những chính sách của nhà nước vẫn được Tuổi Trẻ cố gắng thể hiện, nhưng tôi thấy chắc là họ gặp không ít khó khăn trong quá trình tác nghiệp.

@ Nhưng vấn đề không thể chối cãi là số lượng phát hành của báo Tuổi Trẻ đang giảm rõ rệt?
Theo tôi thì có 2 nguyên nhân, nguyên nhân thứ nhất như tôi đã phân tích ở trên là khía cạnh nội dung, người đọc đã cảm thấy không được thỏa mãn với những tờ báo giấy khi họ được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin. Nguyên nhân thứ 2 là nguy cơ chung có tính thời đại. Độ tuổi từ 18 – 40 hiện nay đa phần đều đọc báo trên smartphone, hoặc máy tính bảng nên báo in đã bị mất đi đối tượng bạn đọc ấy. Vậy bạn đọc báo Tuổi Trẻ giấy là ai? Hiện giờ bạn đọc báo Tuổi Trẻ có độ tuổi từ 40 trở lên, nếu có một cuộc khảo sát sẽ thấy rõ điều này. Tuy nhiên, độ tuổi 40 này sẽ không duy trì như vậy, thời gian về sau này, độ tuổi ấy sẽ tăng dần lên. Như vậy với tốc độ phát triển như vũ bão hiện nay của công nghệ, của máy tính bảng, smartphone, người ta sẽ dễ dàng đọc báo mạng ở bất kì đâu với sự hỗ trợ của 3G. Theo tôi được biết, thời gian gần đây có những tờ báo bị tuột dốc thê thảm khi số lượng bị giảm trên cả 100.000 bản. Tuy nhiên những tờ báo mạng lại phát triển rất tốt. Như vậy, việc báo in bị giảm số lượng và báo mạng đang rất phát triển thì nhìn chung ra nền báo chí Việt Nam không có gì đáng để nói, không có gì báo động, chẳng qua đây chỉ là một sự thay thế. Đó là điều mà những tờ báo in có tính truyền thống như Thanh Niên, Tuổi Trẻ cần phải tính toán lại đường đi của mình, để tờ báo online của họ được đầu tư đàng hoàng và không phải chỉ là phiên bản của tờ báo giấy như hiện nay.

@ Như anh nói, báo mạng và báo giấy chỉ đang đổi chỗ cho nhau, nhưng bạn đọc vẫn đặt niềm tin nhiều hơn với báo giấy và đa phần các tờ báo online hiện nay dường như đang chạy theo thị hiếu của bạn đọc nhiều hơn mà quên đi nhiệm vụ của mình?
Điều này là do không có những tờ báo thời sự chính trị online mạnh, nên người đọc vẫn phải trông chờ vào những tờ báo giấy. Nhưng tôi nghĩ nếu như những tờ Thanh Niên, Tuổi Trẻ phát triển báo điện tử với nội dung như tờ báo in thì nó vẫn có thể sống tốt, đơn cử có thể kể đến tờ Vietnamnet với chuyên mục tuần tin tức mà trước đây tôi thường hay đọc, là mục thu hút rất nhiều bạn đọc quan tâm vì nó có rất nhiều vấn đề  nóng, có tính định hướng cao. Vì số lượng và vị trí của những tờ online về chính trị không chiếm vị trí cao trong làng báo online nên chúng ta dễ ngộ nhận là báo online thì không dành cho những vẫn đề thời sự chính trị trong khi có quá nhiều tờ báo, trang mạng dành cho các bạn tuổi trẻ như Zing, Ngôi Sao, … Những tờ này khai thác nhiều vấn đề của giới trẻ như học hành, thời trang, thần tượng, tình yêu… nhưng rất nhiều người trong độ tuổi đọc báo mạng từ 20 – 40 không thích đọc những trang này, họ vẫn là bạn đọc của những vấn đề thời sự - chính trị, xã hội… Các tờ báo in của chúng ta chưa thay đổi kịp để phù hợp.

@ Vậy anh có nghĩ tới một tương lai báo in Việt Nam sẽ bị mất hẳn?
Tương lai không xa bị mất hẳn thì không phải, nhưng báo in sẽ còn lại với một số lượng ít. Có lẽ các tờ báo giấy hiện nay vẫn đang còn hết sức chủ quan. Tôi nghĩ tới thời điểm đó, báo giấy sẽ không còn đặt nặng về tin tức mà sẽ là những bài viết chuyên sâu, bài phân tich của các chuyên gia, những người có hiểu biết. Khi ấy báo giấy vẫn sẽ được đón đọc bởi những bài viết được gia công tỉ mỉ.

@ Rời môi trường báo chí đã lâu, anh có nghĩ mình sẽ quay lại với nghề báo?
Tôi không suy nghĩ tới việc này, vì ở độ tuổi về hưu tôi nghĩ năng lượng cũng đã không còn nhiều, không đủ điều kiện về sức khỏe để làm việc trong môi trường báo chí, một môi trường đòi hỏi độ nhạy, độ nhanh, và đòi hỏi cả một thần kinh thép, nên tôi nghĩ mình không còn thích nghi với nghề báo nữa. Cũng có những nhà báo lớn tuổi nhưng vẫn là cây bút sắc sảo, cây bút chuyên gia. Nhưng tôi lại không như vậy, tôi là một người làm công tác quản lý.

@ Có phải chuỗi Karaoke NNice là một nguồn hỗ trợ để giúp anh toàn tâm toàn ý với công việc làm báo?
Đúng là như vậy. Việc tổ chức mô hình Karaoke Nnice là sự tình cờ khi những người bạn muốn cùng gia đình tôi hợp tác để kinh doanh. Nhưng để làm thành công thì cần một yếu tố khác. Ở đây, đòi hỏi một tầm nhìn, một chiến lược và các giải pháp đầu tư đúng đắn. Tầm nhìn là xem karaoke là một loại hình giải trí lành mạnh, là một trong những công nghệ giải trí tiên tiến của thời đại. Ý tôi nói đây là tầm nhìn của hai mươi năm trước, chứ hiện tại thì điều này rất rõ ràng. Ngoài ra cần quyết định đầu tư mang tính đột phá. Đầu tư cho một chất lượng âm thanh hay nhất, một cơ sở vật chất hiện đại, khang trang và một đội ngũ phục vụ chuyên nghiệp. Giai đoạn đầu hết sức khó khăn, chưa đạt hiệu quả về mặt kinh tế, nhưng vài năm sau karaoke Nnice thành công.

@ Gia đình của anh không ai kinh doanh nhưng anh lại quyết định bỏ ra một số vốn không nhỏ để đầu tư vào một lĩnh vực với một hướng đi khó khăn, anh có nghĩ là mình liều lĩnh?
Tất nhiên là 50/50, tôi nghĩ mình có khả năng thành công 50% và cũng có 50% khả năng thất bại. Tuy nhiên, tôi và các cổ đông khác mạnh dạn đầu tư về lĩnh vực này vì đã có suy nghĩ khá kĩ lưỡng để có cách làm riêng của mình chứ không phải chạy theo phong trào, nếu chạy theo phong trào thì có lẽ chúng tôi đã làm karaoke trá hình như khá nhiều dịch vụ karaoke thời điểm đó. Cũng phải nói thêm một phần nguyên nhân là về phía hai vợ chồng tôi cũng có thừa hưởng máu kinh doanh của bố mẹ.

@ Như anh nói hướng đi kinh doanh của anh thời điểm đó rất khác biệt so với số đông còn lại, vậy anh đã làm điều đó như thế nào?
Tôi phải khẳng định là thời điểm đó vẫn có khá nhiều người có nhu cầu hát karaoke có tính chất gia đình. Lúc đó họ hát ở nhà và rủ rê bạn bè đến gia đình hát vào những dịp cuối tuần. Và khi điểm karaoke của chúng tôi mới ra đời thì họ chưa tin, thậm chí lúc đó có nhiều người đi vào với nhu cầu hát có nữ tiếp viên. Khi chúng tôi nói với họ là không có thì họ thất vọng đi ra và điểm karaoke của tôi phải gặp rất nhiều trường hợp như vậy. Nhưng cũng chính những khách hàng đó lại là người đưa gia đình đến hát ở điểm của chúng tôi. Đây là cả một quá trình tìm kiếm, chinh phục khách hàng từ ít đến nhiều và đến hiện tại thì đã trở nên phổ biến, quen thuộc với nhiều người.

@ Thời điểm 20 năm trước, karaoke gia đình chưa nhiều nhưng hiện tại đây là một loại hình dịch vụ ăn nên làm ra, có khá nhiều người đầu tư vào, vậy anh đã đưa ra hướng giải quyết nào cho sự cạnh tranh này?
Thật sự bây giờ là cạnh tranh vì có nhiều người tham gia vào lĩnh vực này và họ chi tiền đầu tư rất mạnh. Nên muốn khẳng định thương hiệu của mình thì phải luôn luôn làm mới, không để khách hàng thấy sự xuống cấp của cơ sở mình dù các điểm karaoke của chúng tôi có thể đã hoạt động lâu, phải luôn thay đổi, nâng cấp cơ sở vật chất nhất là hệ thống âm thanh phục vụ cho ca hát. Việc nữa là đội ngũ phục vụ càng phải được đào tạo để trở thành chuyên nghiệp hơn, làm sao để khách hàng cảm thấy họ đến lần sau được phục vụ tốt hơn lần trước

@ Như anh đã chia sẻ thì 20 năm trước tầm nhìn của anh là karaoke phục vụ cho gia đình, vậy còn hiện tại anh nghĩ sẽ có thay đổi gì trong việc kinh doanh của mình không?
Tôi thật sự chưa nghĩ vấn đề khác vì nói thẳng ra tôi cũng không còn trẻ như 20 năm về trước luôn tìm tòi những cái mới. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, karaoke này vẫn là một loại hình giải trí thích hợp với thời đại và nhu cầu của người dân trong một đời sống vật chất và tinh thần ngày càng khấm khá hơn. Dù xã hội có ngày càng hiện đại hơn đi nữa thì việc một loại hình giải trí nào đó có thể thay thế karaoke cũng không thể vì nó là loại hình dịch vụ mang lại cho người ta cơ hội để thoả mãn nhu cầu và năng lực ca hát của bản thân. Ngoài ra đó là nơi có thể kết nối bạn hữu, người thân trong gia đình với nhau. Hơn nữa, tôi nghĩ, karaoke vẫn phù hợp vì đó là một loại dịch vụ giải trí phù hợp với túi tiền của nhiều người.

@ Anh nói karaoke là một loại hình dịch vụ giải trí phù hợp với túi tiền của nhiều người, nhưng theo đánh giá của các bạn sinh viên và người có thu nhập thấp thì karaoke Nnice là một điều gì đó có vẻ xa xỉ?
Tôi nghĩ việc các bạn sinh viên vào hát ở Nnice cũng là chuyện bình thường, tiền giờ thì các bạn chia ra với mỗi người không là bao nhiêu cả và các bạn có thể uống nước suối hoặc lon nước coca, giá của một lon nước ở đây cũng không mắc như các nhà hàng sang trọng. Nhiều khi, các bạn học sinh trong những giờ được nghỉ học vẫn đến hát. Karaoke Nnice vẫn sẵn sàng phục vụ cho các em thậm chí các bạn ấy chỉ gọi nước suối (cười). Chúng tôi phục vụ và không hề xem nhẹ những đối tượng này vì đây là những đối tượng khách hàng tiềm năng trong tương lai.

@ Karaoke Nnice hiện đang là nguồn thu nhập chính của gia đình anh?
Có thể nói là như vậy vì tiền lương hưu của tôi thì không đủ chi phí sinh hoạt của gia đình, thu nhập từ nguồn lương hưu chỉ là một phần kỉ niệm trong quá trình công tác, phục vụ cho xã hội của tôi.

@ Anh có nghĩ mình sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của Nnice?
Khi karaoke Nnice được như ngày hôm nay, cũng có khá nhiều người đến đặt vấn đề hợp tác, gần như dạng mua thương hiệu, chúng tôi cùng bàn luận và quyết định không chuyển nhượng. Vì karaoke là một loại hình kinh doanh nhạy cảm, chúng tôi thành công vì đã đặt chất lượng và sự lành mạnh lên hàng đầu. Nếu như những nơi mình chuyển nhượng thương hiệu không chú trọng đến những yếu tố chất lượng và sự lành mạnh thì uy tín của thương hiệu sẽ bị mất. Và tôi cũng như các cổ đông khác không vui vẻ gì khi đứa con tinh thần của mình bị mất đi, thậm chí nó còn ảnh hưởng xấu đến những điểm karaoke chúng tôi đang có. Còn việc mở rộng thêm những điểm karaoke khác trong chuỗi của mình thì vẫn sẽ có nhưng chúng tôi cần làm từng bước không ồ ạt. Một bên vì vấn đề kinh tế và thêm một vấn đề nữa là lo lắng sự quản lí có đảm bảo duy trì được chất lượng dịch vụ như đang có hay không.

                          HẠ VŨ