Truyện ngắn Vương Tâm giàu chất nhân văn, với kết cấu chặt chẽ và gây xúc động cho bạn đọc. Gần đây ông còn có những sự hòa nhập với thị trường theo nhu cầu của bạn đọc trẻ, nên trong một số tập sách đã xuất hiện những truyện ngắn gọn gàng, đậm yếu tố kịch tính. Tính hấp dẫn và lôi cuốn ở nghệ thuật kết cấu đã mang lại sự thu hút với bạn đọc, tuy nhiên truyện ngắn của Vương Tâm lại bị mất đi sự sâu sắc về những thân phận được đề cập trong câu chuyện. Tập truyện ngắn “Nỗi đau đắng ngắt” cũng không nằm ngoài những cái được, cái mất trên. Tác giả nhận ra điều đó, nhưng ông lại quan niệm, sự trộn lẫn những hai yếu tố trên trong tập sách sẽ được đến tay bạn đọc ở những nhu cầu khác nhau và phổ cập rộng rãi hơn.



    

     
VƯƠNG TÂM VỚI “NỖI ĐAU ĐẮNG NGẮT”

LÊ NHẬT TĂNG

Đây là tập sách thứ 40 của nhà văn Vương Tâm, đánh dấu quá trình gần nửa thế kỷ theo đuổi sự nghiệp văn chương và báo chí của ông. Tác giả Vương Tâm là một cây bút đa dạng thành công ở nhiều thể loại như thơ, truyện ngắn, bút ký phóng sự… Ông đã từng được Giải A cuộc thi thơ tình của báo Văn nghệ (năm 2006-2007), Giải Nhì cuộc thi truyện ngắn báo Người Hà Nội (năm 2007), Giải Ba cuộc thi truyện ngắn 1200 từ của báo Tuổi Trẻ (năm 2008) và Giải Nhất Bút ký-Phóng sự, báo Người Hà Nội (năm 2010).        
Truyện ngắn Vương Tâm giàu chất nhân văn, với kết cấu chặt chẽ và gây xúc động cho bạn đọc. Gần đây ông còn có những sự hòa nhập với thị trường theo nhu cầu của bạn đọc trẻ, nên trong một số tập sách đã xuất hiện những truyện ngắn gọn gàng, đậm yếu tố kịch tính. Tính hấp dẫn và lôi cuốn ở nghệ thuật kết cấu đã mang lại sự thu hút với bạn đọc, tuy nhiên truyện ngắn của Vương Tâm lại bị mất đi sự sâu sắc về những thân phận được đề cập trong câu chuyện. Tập truyện ngắn “Nỗi đau đắng ngắt” cũng không nằm ngoài những cái được, cái mất trên. Tác giả nhận ra điều đó, nhưng ông lại quan niệm, sự trộn lẫn những hai yếu tố trên trong tập sách sẽ được đến tay bạn đọc ở những nhu cầu khác nhau và phổ cập rộng rãi hơn.         
Nếu bạn đọc bị lôi cuốn ở những  truyện ngắn như “Nỗi đau đắng ngắt”, “Tài sản thế chấp cuối cùng”, “Vết sẹo thời gian”, hay “Thỏa thuận điên rồ”…thì bạn ắt sẽ có nhiều suy tưởng và tâm đắc ở những truyện ngắn trữ tình, có tính xã hội cao qua “Giấc mơ”, “Chân dung không tên”, “Cây bàng”, hay “Bức tranh quê”…       
Với tập truyện ngắn này, nhà văn coi như một cuộc thử nghiệm để hòa nhập với thị trường sách đa dạng hiện nay, với cả hai yếu tố, lôi cuốn nhưng không dễ dãi, nhân văn nhưng không nặng nề. Có người đọc kêu truyện ngắn này, hay truyện ngắn kia của ông không phải là đích thực truyện ngắn theo quan niệm truyền thống. Nhưng ông lại cho rằng bất cứ câu chuyện nào ngoài đời, nếu được viết với một nghệ thuật kết cấu độc đáo, mang phong cách riêng; tất nhiên nội dung cần phải có giá trị về tư tưởng, hay dù chỉ là sự cảnh báo nào đó, đã là một truyện ngắn. Tuy nhiên ông nói thêm “Nỗi đau đắng ngắt” vẫn chỉ là sự thử nghiệm, có thể thành công hay không, ông phải chờ sự phản hồi của bạn đọc.