Hồi ức của nhà thơ Nghiêm Thị Hằng: “Ngày ấy từ làng tôi ra Bưởi, thường đi bộ theo lối tắt, con đường có hàng cây sòi giữa đồng, qua khu Viện Khoa học Việt Nam, đi tắt qua Nghĩa Đô vào chợ. Quá đầu chợ Bưởi có giếng đá nước trong dưới gốc cây đề cổ thụ. Xe điện chạy qua làng Hà Khẩu, Yên Thái còn nghe tiếng chày nhộn nhịp giã dó trong ngõ nhỏ... Kí ước tuổi thơ tôi với tiếng tàu điện leng keng ra ngoại ô yên bình chẳng bao lâu thì chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ với miền Bắc xẩy ra. Cùng hàng vạn người con Hà Nội lên đường ra mặt trận, trong đoàn quân ấy có anh trai tôi lên đường nhập ngũ năm 1967, rồi anh dũng hy sinh ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng…”



NHỚ VỀ HÀ NỘI

NGHIÊM THỊ HẰNG

Mùa thu ấy, tháng 10/1954, cha tôi trong đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô. Một năm sau cũng vào mùa thu, tôi cất tiếng khóc chào đời ở một làng ngoại ô Hà Nội, phía Tây sông Tô Lịch. Tự hào là thế hệ lớn lên cùng Thủ đô giải phóng, làm sao tôi có thể quên nơi chôn nhau cắt rốn của mình? Nơi ấy, trải nghìn năm dâu bể, bãi lở sông bồi, đến ngày giải phóng Thủ đô, 5 cửa ô cờ hoa tưng bừng đón đoàn quân chiến thắng, 5 cửa ô ấy còn sót lại trong số 21 cửa ô thời vua Lý Thái Tông dựng thành Thăng Long. Đó là 2 cửa ở phía Tây để đi đến xứ Đoài như: Ô Thanh Bảo, ô Chợ Dừa; có 3 cửa phía Nam tới các vùng Trấn Sơn Nam như: Ô Cầu Dền, ô Đống Mác và ô Đồng Lầm.
Một nơi mà trong bản đồ cổ không có tên, nhưng người ta hiện nay vẫn gọi là ô Cầu Giấy, nơi ấy sử ghi có cây cầu nhỏ bằng gạch bắc qua sông Tô Lịch, thời Lý Trần gọi là cửa Tây Dương.
Bên kia Cầu Giấy, qua sông Tô Lịch là vùng đất ngoại ô thuộc huyện Từ Liêm quê hương tôi. Từ ngày giải phóng Thủ đô đến nay, 60 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành, cùng với sự lớn mạnh của Thủ đô, vùng đất Từ Liêm được nhập với một số làng xã của quận huyện Hoài Đức, Thanh Trì, để rồi đô thị hóa phình ra, chia tách thành 5 quận: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.
Chẳng nói huyện Từ Liêm của tôi trưởng thành và lớn mạnh, ngay xã Cổ Nhuế quê tôi, tên cổ là làng Noi (thôn Viên) bây giờ cũng đã chia tách thành 2 phường Cổ Nhuế 1 và Cổ Nhuế 2.
Làng tôi có tên trong hệ thống địa danh các làng cổ Việt Nam với tên làng có từ “Kẻ” được coi là những làng xuất hiện sớm nhất ở vùng đất ven đô Thăng Long, cùng thời Hùng Vương dựng nước và có tuổi đời khoảng 2.000 năm. Ngày xưa, tên nôm làng tôi gọi là Kẻ Noi, cùng với các tên làng cổ ngoại ô như: Kẻ Bưởi, Kẻ Đơ, Kẻ Đáy, Kẻ Giàn, Kẻ Mọc, Kẻ Quyết, Kẻ Mơ, Kẻ Cáo, Kẻ Cót, Kẻ Vẽ…
Tôi còn nhờ tuổi thơ tuổi ở làng trước những năm giặc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, đôi lần tôi cũng được mẹ cho theo đi chợ Bưởi, chợ Đồng Xuân. Mẹ tôi đeo tay nải bán đồ may ra chợ, còn tôi chân sáo chạy theo người.
Ngày ấy từ làng tôi ra Bưởi, thường đi bộ theo lối tắt, con đường có hàng cây sòi giữa đồng, qua khu Viện Khoa học Việt Nam, đi tắt qua Nghĩa Đô vào chợ. Quá đầu chợ Bưởi có giếng đá nước trong dưới gốc cây đề cổ thụ. Xe điện chạy qua làng Hà Khẩu, Yên Thái còn nghe tiếng chày nhộn nhịp giã dó trong ngõ nhỏ...
Kí ước tuổi thơ tôi với tiếng tàu điện leng keng ra ngoại ô yên bình chẳng bao lâu thì chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ với miền Bắc xẩy ra. Cùng hàng vạn người con Hà Nội lên đường ra mặt trận, trong đoàn quân ấy có anh trai tôi lên đường nhập ngũ năm 1967, rồi anh dũng hy sinh ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng.
Anh ngã xuống khi mới 19 tuổi chưa biết mối tình đầu. Chiến tranh không chỉ diễn ra ở bờ Nam vĩ tuyến 17 mà 12 ngày đêm trận không kích của không lực Hoa Kỳ với âm mưu biến Thủ đô Hà Nội trở về thời kì đồ đá, là trận "Điện Biên phủ trên không" của người dân Thủ đô. Bom đạn của giặc Mỹ không chỉ hủy hoại tan hoang phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, mà còn ném xuống bao làng quê ngoại thành, trong đó có làng Noi quê tôi.
Bây giờ thì những dấu vết của hố bom không còn, chỉ còn bia tưởng niệm được dựng trên nền hố bom xưa giữa phố Khâm Thiên. Sau trận "Điện Biên phủ trên không" của người Hà Nội, cục diện chiến trường có nhiều đổi thay, lớp lớp những thanh niên Thủ đô, những người sinh ra trước và sau ngày Hà Nội giải phóng tuổi mười tám, đôi mươi, trang lứa chúng tôi lại lên đường tiếp bước cha anh xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
Ngày toàn thắng, thống nhất đất nước, chúng tôi trở về tuổi hăm mốt, hăm hai lại trở thành lực lượng xung kích cùng nhân dân Thủ đô khắc phục hậu quả chiến tranh và dựng xây thành phố.
Công trường công viên Thủ Lệ mở rộng, các hồ nhỏ được thông thương, bên kia hồ trên nền bãi rác cũ Ngọc Khánh mọc lên Hà Nội - Daewoo, một trong những khách sạn 5 sao với thiết kế sang trọng, hiện đại của Thủ đô. Cuối phố Cát Linh nhà máy gạch Đại La đã di chuyển ra ngoại thành, di tích của nhà máy bây giờ chỉ còn ống khói cao vút trước sân Pullman, một trong những khách sạn 5 sao quốc tế tốt nhất thành phố.
Con đường từ Kim Mã chạy qua Giảng Võ nay là đường đôi rộng mở phố xá với những tòa nhà cao tầng mọc lên trên khu ao rau muống đầm lầy năm xưa. Và kia nữa, những bãi rác Láng Hạ, Mễ Trì của gần 30 năm trước, nay trở thành những đường phố đẹp với những nhà cao tầng san sát đua chen.
Những cánh đồng gập úng ngoại ô khu Trung Hòa, Nhân Chính, Đồng Bông, Đồng Xa, Mỹ Đình, Cầu Diễn, Linh Đàm, Thịnh Liệt, Hoàng Mai… trở thành những khu đô thị mới với những tòa nhà cao nhất nhì thành phố, niềm tự hào trong xây dựng Thủ đô, như khu phức hợp Keangnam Landmark Tower, 72 tầng, cao 350 m hiện giữ vị trí cao nhất Việt Nam. Tòa tháp cao thứ nhì Thủ đô được khánh thành nhân dịp 2/9 năm nay là Lotte Center Hà Nội với 65 tầng cao 300m.
Thế hệ chúng tôi được chứng kiến những tòa nhà chọc trời, những tòa cao ốc và chung cư mọc lên san sát, khiến cho khu đô thị ở phía Tây Nam Hà Nội, khu Royal City được gọi là "thành phố mới", bắt đầu có nét giống với Hồng Kông, Singapore, Tokyo hay một vài Thủ đô khác của châu Á. Chúng tôi cũng được chứng kiến những con đường rộng mở đi tới tương lai. Những đường cao tốc Nội Bài, Thăng Long, Nhật Tân - Nội Bài, Hà Nội - Lào Cai, đường cao tốc trên cao, đường vành đai 3, vành đai 1, đường 32 rộng mở…
Làm sao tôi không nhớ, không tự hào về Hà Nội - Thủ đô khi đi qua cầu Long Biên, cây cầu lịch sử tuổi trên 100 năm vượt sóng sông Hồng. Giờ đây khu vực sông Hồng trên địa phận Thủ đô, mọc lên 5 cây cầu mới cầu Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Vĩnh Thịnh tới cầu Nhật Tân sắp được được khánh thành, như một điều kỳ diệu của thành phố ven sông.
Nhớ về Hà Nội 60 năm từ ngày giải phóng Thủ đô, nhớ về Hà Nội “Thủ đô yêu dấu/ Một thời đạn bom/Một thời hòa bình”. Nhớ tiếng tàu điện leng keng ra ngoại ô sớm tối, nhớ cánh Sâm Cầm trên sóng nước Hồ Tây, nhớ “Mặt Hồ Gươm sáng lung linh mây trời”... 
“Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”, khúc hát từ trái tim cho ta nhớ Thủ đô mỗi độ thu về.