Có lần một bạn trẻ hỏi, liệu tôi có biết làng Long Châu Miếu của Hà Nội ở đâu không? Chịu! Anh ta cười rồi nói bật ra chính là làng có chùa Trầm đó. Nghe nói, gần đây dọc hai bên đường làng có nhiều tượng đá đẹp do các thợ ở Long Châu Miếu làm, bày rải rác tới chân núi Trầm. Và lại có người phát hiện, ở một ngã ba đường núi có một cây gạo hình người đang múa. Nhìn đối diện là một núi chó đá. Những điều thú vị ấy thúc giục tôi lên đường…




BẤT NGỜ Ở LONG CHÂU MIẾU

CHUNG TỬ


Vườn tượng của làng nghề
       Quả nhiên dọc đường làng dẫn tới chân núi Trầm có nhiều tượng phật đá, và những hình các linh vật thường được bày đặt ở đình chùa. Rất nhiều tượng lớn với các loại đá mầu khác nhau, được bày trước các bảng hiệu của những công ty chế khắc đá nghệ thuật. Cùng với đó là những người thợ đang chăm chú đục và mài đá, tạo thành những hình người. Ngổn ngang khắp nơi là những khối đá lớn chồng chất như những thớt gỗ đẹp, nuột nà. Họ lấy đá ở đâu vậy? Phá núi Trầm chắc! Và, thợ đâu mà nhiều người thế. Bao nhiêu câu hỏi xáo trộn trong đầu tôi.
        Thật may tôi được mọi người giởi thiệu cho gặp nghệ nhân Nguyễn Văn Củng, một trong những người sáng lập ra những công trường tượng đá ở đây. Nhà ông ở giữa làng Long Châu Miếu, còn lưu giữ một bia đá chữ nho do cha ông truyền lại. Đến đây tôi mới biết nghệ nhân Nguyễn Văn Củng chính là người chuyên phục chế và khắc bia chữ Nho ở Văn Miếu. Có thể nói ở cái làng làm tượng đá này chỉ có hai cha con ông khắc được chữ Nho. Bố ông là cụ Nguyễn Văn Diên là người giỏi chữ Nho nhất làng, chuyên đi khắc bia chữ Nho ở các đình chùa khắp nơi. Ông theo bố và được dạy học và truyền nghề.
        Nay đã sắp bước sang tuổi 80, nghệ nhân Nguyễn Văn Củng hết sức vui lòng vì đã truyền được nghề làm tượng cho ba người con trai nối nghiệp. Sau đó là đời thứ tư là các cháu cũng say mê chế tác đá với nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Biết bao ký ức của một thời khốn khó tràn về. Đó là những ngày cậu bé Củng lẽo đẽo theo bố, cùng với bà con trong làng gánh cối đá lên trung tâm Hà Nội bán. Cách đây trăm năm cả làng Long Châu Miếu chuyên làm cối đá các loại cho khắp các vùng quên lân cận. Nào cối giã gạo, cối xay ngô, gạo, đỗ, hay còn cả cối giã giò chả, hoặc cối nhỏ giã cua. Mỗi chuyến đi ông nhớ hai cha con đẩy xe cũng chỉ được dăm cái, vì rất nặng. Còn ai gánh vai thì mỗi bên được hai cối giã cua là cùng. Đi cả đêm, tới sáng hôm sau mới lên tới chợ Đồng Xuân. Làm hàng đá kiếm ăn cực nhọc lắm…
         Giờ đây, ông hể hả khoe con thứ ba của ông là Nguyễn Văn Trường đã tốt nghiệp Đại học mỹ thuật công nghiệp, chuyên ngành điêu khắc. Hiện anh là giám đốc công ty chế khắc đá nghệ thuật Trường Nguyệt, ở ngay tại làng. Mới đây anh Trường làm chủ dự án Nhà tưởng niệm Bác Hồ ở Pắc Pó, Cao Bằng, với những tượng đá rất được các nhà chuyên môn đánh giá cao. Cách đây ít lâu, công ty của anh đã hoàn thành một công trình tạc tượng cho các bạn quốc tế Lào, gồm 19 tượng đài hữu nghị do hàng chục họa sĩ của hai nước Lào và Việt Nam sáng tác, tại trại điêu khắc được tổ chức ở ngay trên địa bàn của làng.
         Nói rồi, ông dẫn tôi ra tại các công trường của làng tại khu quy hoạch làm tượng, để xem sản phẩm của các con ông. Vừa đi, ông vừa kể người con cả là Nguyễn Văn Long cũng là một người năng động làm rất nhiều hợp đồng tượng phật ở đình chùa và cũng là người lập công ty chế khắc đá đầu tiên trong làng. Riêng người con thứ hai là Nguyễn Văn Trọng, nối nghiệp ông ở cái tài khắc bia chữ Nho. Khi đứng giải thích cho tôi về tượng Bác Hồ của người con út dưới núi Trầm, ông bật cười khi nhớ lại đứa cháu nối nghiệp ông bắt đầu từ khắc chữ ở bia mộ, kiên trì học nghề đục tượng đá, tự kiếm lấy miếng ăn từ nhỏ. Nó còn bị kém mắt nữa chứ, nhưng rất chịu khó học tập, và rèn nghề. Vậy mà, sau khi tốt nghiệp đại học mỹ thuật vào loại giỏi được giữ lại trường, mới đây đã hoàn thành luận văn thạc sĩ thở thành giảng viên chính thức của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

                                     


        Tôi cùng nghệ nhân Nguyễn Văn Củng đi dọc đường làng, cùng với niềm vui vì sự phát triển của làng nghề hàng trăm năm. Ông đã giải đáp thắc mắc của tôi,  nguyên liệu đá được đặt mua từ Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An chở về, chứ không hề phá núi Trầm như mọi người tưởng. Ông chỉ mỏm núi đá hình con chó nói, trước kia trong chiến tranh, một góc núi nhỏ bị chính giặc Pháp phá để xây bốt gác. Bởi chính các bốt gác trên núi Trầm có thể quan sát trục lộ giao thông số 6 đi lên Hòa Bình, chúng không chế con đường đi lên mặt trận Điện Biên năm 1954. Sau đó ông quay lại chỉ cho tôi biết cây gạo cổ hình người múa trên đường. Nó đẹp và rất sinh động tựa như niềm vui của người đi trẩy hội Trầm vào ngày xuân vậy. 

Âm vang lời Bác  
         Nhưng niềm vui của nghệ nhân Nguyễn Văn Củng chưa dừng lại. Ông bất ngờ dẫn tôi vào trong núi chùa Trầm. Tôi và ông đứng trước mô hình biểu trưng cho Đài Tiếng nói Việt Nam hồi kháng chiến. Ông dẫn tôi đến trước cửa hang chùa Trầm rồi nhớ lại, đây chính là trụ sở của Đài phát thanh của chính quyền cách mạng hồi đầu kháng chiến. Toàn bộ máy móc và phương tiện phát sóng được xây dựng trong hang rộng lớn này.
        Ông kể, khi trung ương Đảng phát lệnh đọc lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, mọi diễn biến được thực thi theo kế hoạch chặt chẽ. Đúng 8 giờ tối 19-12, từ pháo đài Láng bắn một loạt đại bác khởi đầu cho một cuộc quyết chiến của những chiến sĩ của đoàn quân “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Thì 6 giờ sáng hôm sau 20-12-1946, tại hang núi chùa Trầm, Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi toàn văn lời kêu gọi kháng chiến lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua một giọng đọc hào sảng, hùng hồn. Dường như toàn dân cả đất nước lắng nghe lời hịch của cha già dân tộc. Lời kêu gọi âm vang với sự khẩn thiết cháy bỏng:
Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa.
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.
Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ dân quân!
Giờ cứu nước đã đến! Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước.
Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!
Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!
Kháng chiến thắng lợi muôn năm!
Hà Nội, ngày 19-12-1946
Hồ Chí Minh

                                                 


        Lời kêu gọi trở thành lời hịch của lịch sử tiếp nối truyền thống chiến đấu chống quân ngoại xâm của ông cha ta từ xưa đến nay. Nội dung tuy ngắn gọn nhưng lại đầy đủ ý nghĩa, dâng trào khí thế anh hùng, và là kim chỉ Nam cho một công cuộc trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi. Lời lời vang xa, đất nước như sóng trào dâng trong công cuộc kháng chiến dài lâu. Nói đến đây, ông Củng còn kể lại, trước khi cơ quan đầu não trở về An toàn khu, vào đêm 30 tết Đinh Hợi (1947), Bác Hồ còn về hang núi Trầm, thăm Đài phát thanh quốc gia, và đọc thơ chúc tết kháng chiến với cán bộ chiến sĩ, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài. Có thể nói đây là thơ chúc tết đầu tiên mà chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới đồng bào cả nước.  Vừa tới nơi, Người vào phòng thu thanh. Trước máy, Người đã đọc bài thơ chúc tết cho đồng bào cả nước:
"Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông.
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.
Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!"
         Thực ra đây là sự phát triển cho lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” và khẳng định cho sự chiến thắng của cách mạng. Quả nhiên sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, đúng như tư tưởng của Người, đã đem lại chiến thắng Điên Biên Phủ lững lẫy địa cầu…Vậy nên nội dung của lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”, mang tính chiến lược và dự báo cao cho tương lai đất nước, nên áng hùng văn này đã được Nhà nước công nhận là 1 trong 30 bảo vật quốc gia đợt 1 vào ngày 1-10-2012.

Vẫn còn đó lời hịch non sông
      Trở về Long Châu Miếu lần này quả nhiều bất ngờ đối với tôi. Muôn vàn ký ức sống dậy. Lịch sử bừng sáng. Những bức tượng đá như đang kể chuyện. Nụ cười từ đá cũng tươi nguyên tâm sự. Và tôi mơ về những cây trầm trên đỉnh núi rạo rực hương thơm. Ở lưng núi năm ngọn này chỉ còn những cây Sưa. Mỗi mùa xuân về chúng nở hoa, trắng vời vợi như áng mây phủ kín hương núi Trầm cổ tự muôn đời. 
        Và, mỗi khi trở lại những địa chỉ vàng của cách mạng trái tim tôi lại đập mạnh mẽ hơn bởi những chiến tích nóng bỏng của nó không bao giờ phai mờ. Hơn thế nữa những lời của Bác luôn luôn có giá trị với lịch sử. Giờ đây đứng trước vận mệnh đất nước bị đe dọa ở biển Đông, từng lời kêu gọi của Bác lại vang lên như sóng vỗ ngàn trùng khơi xa: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.”. Nó là hào khí tiếp nối của “Nam quốc sơn hà” của Hịch tướng sĩ Bình Ngô đại cáo, khẳng định lòng quyết tâm bảo vệ giang sơn gấm vóc với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của dân tộc Việt Nam.