Có những người viết văn hay nhưng gặp gỡ thì… chán. Lại có những người văn chương “thường thường bậc trung” nhưng trò chuyện lại hấp dẫn, vui vẻ. Đỗ Hồng Ngọc là một ca khác. Đọc ông rồi gặp ông, có một cảm giác thật dễ chịu khi mọi điều như hòa quyện với nhau. Văn là người, người là văn vậy. Đỗ Hồng Ngọc nói: “Tôi vốn ít hay cười. Không hút thuốc, không uống rượu”. Tôi chưa thấy ông hút thuốc hay uống rượu nhưng lại thường thấy ông cười, có điều đó chỉ là một nụ cười nhẹ, ít khi bật thành tiếng. Đỗ Hồng Ngọc không tạo sự cách bức. “Người bận rộn”, khi có dịp ngồi bên bạn bè, luôn là người hay chuyện, vui vẻ, thoải mái, dí dỏm...



BẬN RỘN NHƯ ĐỖ HỒNG NGỌC
Ý NHI
1. 
Ở Sài Gòn tôi có một số nhóm bạn để thi thoảng gặp nhau, tào lao dăm điều ba chuyện. Nhóm những người bạn học từ cấp 1, cấp 2, nay đã là các bà nội bà ngoại, tuổi trên dưới bảy mươi, thường khoe (hay than van) về con, về cháu, bày nhau thuốc thang, tập tành, cùng nhau nhớ lại “những ngày xưa thân ái”. Nhóm những nhà văn cùng thế hệ, thường bàn chuyện thế sự, nhóm các bạn viết trẻ để nghe họ nói, họ thông tin những gì mình không biết về đời sống văn học, trong và ngoài nước mà mình không có điều kiện cập nhật … Trong số những nhóm của tôi, có một nhóm đặc biệt là nhóm Lê Ký Thương – Kim Quy, Thân Trọng Minh, Đỗ Hồng Ngọc, Tôn Nữ Hỷ Khương, Tôn Nữ Thu Thủy. Đôi khi có thêm Hồ Đắc Thiếu Anh, Nguyên Minh. Có lần, lại thêm Dương Nghiễm Mậu, Trương Thìn, Sâm Thương, Hồ Văn Thành, Vũ Trọng Quang… Tôi không nhớ tôi “gia nhập” nhóm từ bao giờ, theo cách nào. (Nhiều anh chị ở đây đã quen thân nhau từ hơn 40 năm trước, khi cùng tham gia nhóm Ý thức – gồm những người trẻ tuổi, đam mê Văn Nghệ, với tư tưởng dấn thân tích cực, chống lại văn nghệ salon, viễn mơ thời ấy). Chỉ nhớ, người chăm lo cho nhóm, chịu trách nhiệm thông tin mọi việc như sức khỏe của ai đó, tin vui của ai đó và nhất là thông tin địa điểm, thời gian gặp nhau, là họa sĩ Lê Ký Thương và vợ, Cao Kim Quy – người phụ nữ Huế lịch thiệp, chu đáo, chí tình và cũng rất cởi mở, thoải mái. Thường thì Kim Quy gọi điện thoại hay gửi meo cho mọi người, thông báo một cuộc gặp. Dù đã nhiều tuổi nhưng mọi người trong nhóm đều còn bận bịu một vài công việc nào đó, ngoài việc lo cho gia đình. Thân Trọng Minh có phòng mạch riêng, chuyên khoa Tim mạch và còn dành thời gian cho việc viết văn, vẽ tranh, mở triển lãm (cùng vợ, HS Thanh Hằng hay cùng bạn bè, HS Đinh Cường), Lê Ký Thương lo phần biên tập cho một tạp chí chuyên ngành, lo vẽ bìa, trình bày sách và sáng tác, Hồ Đắc Thiếu Anh có chương trình dạy nấu ăn trên truyền hình, Tôn Nữ Thu Thủy viết truyện, làm thơ, chồng Thủy, nhạc sĩ Hồ Văn Thành vừa sáng tác vừa đi dạy vừa quản lý Đoàn Xiếc của thành phố… Nhưng người bận rộn nhất chắc chắn là Bác sĩ, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc. Trong các thư mời của Kim Quy thường có lời phân trần: em (hay mọi người) định ngày… mà ngày đó anh Ngọc phải ra Huế nói chuyện hoặc anh Ngọc phải ra mắt sách mới ở nhà sách Phương Nam hay anh Ngọc có cuộc giao lưu với thanh niên tại nhà văn hóa X… Tóm lại, Đỗ Hồng Ngọc là người bận rộnnhất trong số những người bận rộn. Và, vì vậy, cuộc nhóm họp thường phụ thuộc vào lịch của ông. Hình như vắng Đỗ Hồng Ngọc cuộc vui giảm độ vui. Chỉ liếc qua lịch tham gia các hoạt động xã hội của Đỗ Hồng Ngọc trong vòng một tháng (9/2013, trên trang Du Tử Lê) cũng đủ để hình dung sự bận rộn của ông:
–7/9: Nói chuyện ở chùa Xá Lợi về Vận dụng tư tưởng Kim Cang Bát Nhã trong cuộc sống
–14/9: Tọa đàm khoa học về Bùi Giáng ở Đại học KHXH&NV
–15/9: Dự ra mắt Tạp chí Quán Văn 16 (chủ đề sông Seine)
–21/9: Dự Tọa đàm về cuốn Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức
–22/9: Dự lễ trao giải Sách hay
–28/9: Dự lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Kim Tuấn
2
Nhưng điều”kinh khủng” nằm ở chỗ khác. Đó là những cuốn sách mang tên tác giả Đỗ Hồng Ngọc. Rất nhiều lần, Kim Quy thông báo, trong cuộc gặp sẽ được người này người khác tặng sách mà người thường có sách để tặng chính là Đỗ Hồng Ngọc. Những khi ông không có sách, mọi người như bị hụt hẫng, thấy có chi đó bất thường.
Đỗ Hồng Ngọc có gần 40 đầu sách, trong đó có 15 cuốn tạp văn, 9 cuốn viết cho tuổi mới lớn, 4 cuốn viết cho các bà mẹ và 5 tập thơ… Thử điểm qua các tựa đề sách của ông để thấy sự phong phú “không chịu nổi” của nó: Tình người (Thơ), Thơ Đỗ Nghê, Giữa hoàng hôn xưa (Thơ), Vòng quanh (Thơ),Gió heo may đã về (Tùy bút), Già ơi… chào bạn (Tùy bút), Thư cho bé sơ sinh và những bài thơ khác(Thơ), Những người trẻ lạ lùng (Tạp văn), Thiền và sức khỏe (Tạp văn), Chẳng cũng khoái ru (Tạp văn),Nghĩ từ trái tim (viết về Tâm Kinh Bát Nhã), Thư gửi người bận rộn (Tạp văn), Thầy thuốc và bệnh nhân(Tạp văn), Như ngàn thang thuốc bổ (Tạp văn), Cành mai sân trước (Tạp bút), Như thị (Tạp bút), Ăn vóc học hay (Tạp văn), Gươm báu trao tay (Tạp văn)… Ra nhà sách, thấy sách của Đỗ Hồng Ngọc bày nguyên một dãy, bên những tác giả văn học đang hot! Nhìn và không thể không tự vấn: sao ông bác sĩ nhà thơ này có thể tạo nên một kỳ tích như vậy.
Nhẹ nhàng mà thâm trầm, thông tuệ mà giản dị, nghiêm trang mà dí dỏm, bận rộn mà thanh thản.Những phẩm chất này chan hòa trong những vần thơ, những trang văn của ông, tạo nên một phong cách, một đặc sắc Đỗ Hồng Ngọc. Đọc thơ ông thấm sâu ý nghĩa nhân sinh, thấm sâu chất Thiền, thấm sâu cảm xúc tâm linh. Đọc tản văn của ông, lại như nghe thấy dư vị của thơ qua từng dòng chữ, trang viết. Huỳnh Như Phương có lý khi nhận xét: “…chính những tác phẩm bàn về Y học, Thiền học của ông, với chất thơ bàng bạc trong đó, cũng mang đủ những phẩm chất thi ca, cho nên người đọc không còn phân biệt ở ông đâu là nhà thơ, đâu là Thiền giả và đâu là bác sĩ của tuổi thơ” (Lời bạt tập thơ Thư cho bé sơ sinh và những bài thơ khác, NXB Văn Nghệ, 2010). Nguyễn Hiến Lê thì cho rằng: “Một bác sĩ mà là một thi sĩ thì luôn làm cho ta ngạc nhiên một cách thú vị” (Tựa Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò, 1972). Trong lúc đó, viết tựa cho cuốn sách Ăn vóc học hay, Mai Sơn nhận xét: “…Nhưng đối với ông y khoa là một ngành học về con người toàn diện, thân tâm bất nhị, tổng hòa các mối quan hệ con người-tự nhiên-văn hóa. Sức khỏe, dưới con mắt ông, luôn gắn với môi trường sinh thái-xã hội. Ông nhìn con người trục trặc không như một cỗ máy bị trục trặc, mà nhìn trong tươngquan với môi trường lớn đang có vấn đề và nó tác động bằng những con đường quanh co đến tình trạng sống của một cá thể. Và lúc đó con người/ bệnh tật hiện ra như một hiện hữu bất ổn. Giải pháp của ông là bớt kỹ thuật và thêm nhân văn khi cứu xét một hay nhiều bệnh cảnh. Có thể thấy ông không đổ hết nguyên nhân gây bệnh cho bệnh nhân của ông. Trong viễn tượng đó ông làm chúng ta nhớ đến Karl Jaspers(1883-1969), triết gia-bác sĩ tâm trị người Đức, với tuyên bố: “Tôi bệnh, vậy tôi hiện hữu”… Tôi không nghĩ rằng một bác sĩ chuyên khoa thuần túy có thể có một cái nhìn như vậy, sự thấu hiểu như vậy đối với bệnh tật của con người. Điều đó chỉ có thể có ở Đỗ Hồng Ngọc và những ai có cùng qua điểm sống, quan điểm hành nghề như ông.
Thỉnh thoảng, trước hoặc sau những trang sách của mình, Đỗ Hồng Ngọc có lời dẫn, lời tâm tình với người đọc, hoặc trực tiếp, hoặc qua các bài trả lời phỏng vấn. Đây là một “kênh” thông tin đáng tin cậy giúp ta hiểu ông hơn, nhìn rõ “dung mạo” của ông hơn. Khi được hỏi về “sứ mạng” của người viết sách tư vấn cách sống, cách trị bệnh… ông đã thành thực trả lời: “Không. Chẳng có sứ mệnh gì cả… Hàng ngày trông thấy bao nhiêu là trường hợp trẻ con bị bệnh hoạn tử vong oan ức có thể phòng tránh được, vì thế mà tôi thấy cần phải làm gì đó giúp các bà mẹ. Vậy là tôi viết. Khi nhớ lại những sai lầm của mình ở tuổi mới lớn, tôi viết để chia sẻ cùng các em. Rồi khi tuổi già bóng xế, tôi lại viết cho bạn bè cùng lứa. Thực ra, viết, trước hết là cho mình, tự “chữa bệnh” cho mình cái đã, rồi mới dám chia sẻ với người khác. Giống như người xưa tự nếm thuốc rồi mới dám… kê đơn. Không có cái “sứ mệnh” gì ở đây cả, không có sự rao giảng gì ở đây cả, mà chỉ là sự thì thầm nho nhỏ” (báo Dược và Mỹ phẩm, Bộ Y tế). Vốn e ngại trước những tuyên bố lớn lối, tôi thực sự cảm phục những lời lẽ chân tình, giản dị này. Lạ thay, chính cái sự “không sứ mệnh “ này lại khiến những dòng thơ, những trang văn của ông – những lời “thì thầm nho nhỏ” của ông có một hấp lực đặc biệt với người đọc. Đỗ Hồng Ngọc có bạn đọc đủ mọi lứa tuổi, đủ các vùng miền trong nước, ngoài nước. Thơ của ông được dịch ra tiếng Anh, được bạn bè phổ nhạc rồi một ngày nào đó họ gửi cho ông, đem cho ông một niềm vui bất ngờ, tràn đầy. Khi được hỏi vì sao ông được độc giả yêu mến nhiều đến thế, Đỗ Hồng Ngọc đáp: “Tôi chỉ viết những gì mình thực sự trải nghiệm. Viết là cách chia sẻ kinh nghiệm chứ không phải từ sách vở mà ra”. Theo ông: “Một người thầy thuốc khi chữa bệnh cho bệnh nhân, nếu chỉ thấy cái thân bệnh mà không thấy cáitâm bệnh, tức là thấy cái “đau” mà không thấy được cái “khổ” của họ thì không thể chữa thành công” (báo Văn hóa Phật giáo, số 39, Vu lan 2007)
Trong lịch sử văn học thế giới, có nhiều nhà văn vốn là thầy thuốc, nhiều người nổi tiếng như Lỗ Tấn, như Tsekhov nhưng khi đã viết văn, họ đoạn tuyệt với nghề cũ. Đó là một sự lựa chọn. Đỗ Hồng Ngọc vì muốn chữa được cả cái đau lẫn cái khổ, cái bệnh lẫn cái hoạn mà vừa hành nghề Y vừa làm thơ vừa viết tản văn. Các nhà xuất bản đón chờ tác phẩm của ông, người đọc đón chờ tác phẩm của ông. Giữa lúc sách chỉ được in dăm ba trăm hay một ngàn bản, sách của Đỗ Hồng Ngọc được tái bản nhiều lần, có cuốn cả chục lần, số lượng lên tới hàng vạn bản (Già ơi… chào bạn được dịch sang tiếng Nhật. Người Nhật gọi sách của Đỗ Hồng Ngọc là “long seller”), quả là một hiện tượng có phần lạ lùng nhưng hữu lý. Đỗ Hồng Ngọc từng bảo: “Sẻ chia, ấy chính là hạnh phúc”. Ông đã sẻ chia và đã được đón nhận. Hạnh phúc đã nhân đôi.
3.
Có những người viết văn hay nhưng gặp gỡ thì… chán. Lại có những người văn chương “thường thường bậc trung” nhưng trò chuyện lại hấp dẫn, vui vẻ. Đỗ Hồng Ngọc là một ca khác. Đọc ông rồi gặp ông, có một cảm giác thật dễ chịu khi mọi điều như hòa quyện với nhau. Văn là người, người là văn vậy.
Đỗ Hồng Ngọc nói: “Tôi vốn ít hay cười. Không hút thuốc, không uống rượu”. Tôi chưa thấy ông hút thuốc hay uống rượu nhưng lại thường thấy ông cười, có điều đó chỉ là một nụ cười nhẹ, ít khi bật thành tiếng. Đỗ Hồng Ngọc không tạo sự cách bức. “Người bận rộn”, khi có dịp ngồi bên bạn bè, luôn là người hay chuyện, vui vẻ, thoải mái, dí dỏm. Có lần cả nhóm đến nhà tôi ăn bún ốc, Đỗ Hồng Ngọc rất khoái khi được ăn tráng miệng bằng món kẹo Dồi, đặc sản của miền Bắc. Ông còn chạy ra đầu ngõ, nơi có một lò nướng bánh tráng, mua về mấy chiếc, cùng mọi người bẻ bánh rôm rả. Lần gặp nào ông cũng nhắc tới món bánh tráng dân dã ấy. Đỗ Hồng Ngọc khiến tôi nhớ tới Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch thời ông làm Bộ trưởng Bộ Y tế ở Hà Nội. Mọi người rất khoái khi truyền nhau câu chuyện ông Bộ trưởng Y tế thường ghé hàng bún Ốc, bún Riêu, bánh Cuốn… bày bán ngay trên vỉa hè.
Ngoài những lần ngồi ở quán Du Miên, Đông Hồ, Khúc ban chiều, nhóm có cái thú tụ tập tại nhà Lê Ký Thương – Kim Quy. Món chủ nhà đãi mọi người thường là xôi đậu xanh, khoai lang luộc, bắp luộc, lạc luộc. Để hỗ trợ, tôi mang thêm món chuối sáp nấu. Ăn khoai, ăn bắp, ăn chuối, uống cà phê, sữa đậu nành… và tán chuyện. Chuyện gì nhỉ. Thật khó khi phải nhớ lại những câu chuyện vì đề tài của nó thì mênh mông, ý kiến thì phong phú, lúc đồng thuận, khi tranh cãi. Có điều, bao giờ cũng vui, bao giờ cũng có cảm giác được thư giãn bên những người bạn chân tình.
Trong một thư điện tử, Kim Quy viết: em thấy ai trong chúng ta cũng có chút suy nghĩ về tuổi tác. Riêng anh Ngọc thì hình như là không. Kim Quy đã đúng. Đỗ Hồng Ngọc, sau cơn bạo bệnh (bị tai biến, phải mổ sọ để đặt ống dẫn lưu), khi trở lại với đời sống, dường đã một lần giác ngộ (có lẽ đây chính là cơn bệnh cần cho mỗi con người như nhà văn N. Dumbatze từng nói đến trong tác phẩm nổi tiếng Quy luật của muôn đời). Việc nghiên cứu đạo Phật, nghiên cứu Thiền lại thêm một lần giúp ông có một cái nhìn đời sống có phần vô vi : “…Dù cuộc sống ngỡ là thực này vẫn chỉ là mộng, huyễn, bào ảnh, sương mai”. Cái khoảnh khắc được sống trở nên quý giá hơn, huyền diệu hơn, đáng trân trọng hơn: “Nhưng với tôi, tôi không hề biết mình đã có tuổi, tích tuổi, lúc nào tôi cũng thấy tôi đã già và lúc nào tôi cũng thấy tôi còn trẻ. Tôi là một thầy thuốc, một bác sĩ nhi khoa, đã hành nghề trên 30 năm. Tôi nhớ mình mới khám chữa bệnh cho một chú bé sơ sinh thì chẳng bao lâu đã thấy chú bé đó mang trêntay một chú bé sơ sinh khác là con của chú để nhờ tôi khám chữa bệnh. Thời gian trôi qua lúc nào đó vậy?…”. Đỗ Hồng Ngọc yêu tuổi trẻ của mình, của người. Ông cũng yêu tuổi già của mình, của người: “Già có cái đẹp của già… thấy mình già, như trái chín cây thấy mình đang chín trên cây, ửng đỏ, mềm mại, thơm tho…”, chẳng cũng khoái ru? Có lẽ, không có nhiều người biết cám ơn cơn đau của mình như Đỗ Hồng Ngọc: Xin cám ơn, cám ơn/ cơn bệnh ngặt nghèo quật ta kịp lúc/ cho ta trở lại với mình/ ta muốn ôm hôn tất cả mọi người/ và ôm hôn ta nữa/ cái đầu trọc lóc bình vôi/ hai lỗ thủng và 18 vết khâu từ ái/ ta ngạc nhiên lắng nghe mình thở/ lắng nghe sự sống cục cựa trong mình… Khi đứng được hai chân như con người/thật vô cùng hạnh phúc/ khi bước đi những bước con người/ khi còn được nghe được nói/ được cầm cây viết vẽ bâng quơ/ được đọc vài trang báo… Những hòn sỏi bỗng có linh hồn/ những lá cây đong đưa lạ lẫm/ tiếng chim và ánh nắng/ như đã lâu rồi ta mới gặp nhau/ như đã lâu rồi ta mới quen nhau…”.
Năm 2010, khi sắp sửa in tập thơ Thư cho bé sơ sinh và những bài thơ khác, Đỗ Hồng Ngọc rủ bạn bè góp mặt cho vui, tôi đã viết: “…Thơ Đỗ Hồng Ngọc là thơ của sự chân thành. Từ những bài thơ tình cảm viết cho cha mẹ, vợ con, bạn bè đến những bài thơ thế sự viết về đất nước, quê hương, từ những chuyện đời thường đến những chuyện cao siêu, những câu hỏi không lời đáp… Đọc anh, tôi chưa khi nào có cảm giác ngờ vực. Sau căn bệnh ngặt nghèo, Đỗ Hồng Ngọc đã viết bài thơ rất hay “Xin cảm ơn”. Tôi nghĩ,những độc giả của anh cũng cần nói lời cảm ơn anh, bởi chắc chắn, anh đã góp phần giúp chúng ta thanh lọc tâm hồn mình, giữa đời sống nhiều bụi bặm này”.
Một lần nữa, tôi muốn được nói lời cám ơn ông.
                                                                            Sài Gòn 9/2014