Để đón những ngày rằm lớn như Nguyên Tiêu tháng giêng, nhất là tháng tám Trung Thu người ta chuẩn bị trước đó nhiều ngày, có thể thấy sự chuẩn bị ấy qua không khí phố phường những gian hàng bán hoa, bán bánh mọc lên. Riêng rằm tháng bảy cũng là rằm lớn thì không như vậy.. Nó có vẻ lặng lẽ. Hầu như ai cũng có kỉ niệm với rằm tháng bảy. Tôi thuở nhỏ háo hức đợi nó để đi xem mấy đám cúng cô hồn, chờ cúng vong đến màng thí giàn lủ trẻ xúm nhau giành lấy đồ cũng, nghe thiên hạ kêu “đám cô hồn sống” thấy vui dẫu biết đó là tiếng quở trách. Hay là đi chùa vào ngày rằm có nấu cơm đãi khách thập phương nhiều món ăn chay lạ miệng, nhất là với món kiểm là món vừa canh cũng là vừa chè ngọt mặn nấu với đủ loại rau trái, nước cốt dừa rất ngon. Lớn lên biết thêm rằm tháng bảy còn có lễ Vu Lan, một cái lễ quan trọng của đạo phật nhắc nhở mọi người con báo hiếu cha mẹ.



   NGÀY RẰM TÂM LINH

      NGÔ KHẮC TÀI

Nhiều người chưa hiểu sâu về ngày rằm tháng bảy, trong đó có tôi. Tình cờ trong tháng sáu, lúc đi mua sắm không có tiền nhỏ nên đưa ra tờ giấy  năm trăm ngàn, người bán càu nhàu. Lần thứ hai cũng vậy, mới tò mò hỏi: “Sao tự nhiên thiếu tiền nhỏ vậy thím?”. Và được nghe trả lời – sắp tới rằm tháng bảy người ta đổi tiền để dành làm phước (thì ra vào tháng bảy nhiều người đến các cơ sở từ thiện như trại dưỡng lão, cô nhi viện, trường mù .v.v… tặng tiền cho những người nơi đây. Nếu đem gởi cho các giám đốc thường bị giữ lại bỏ vào quỹ nên tiền thường không tới tay họ – thì ra là vậy). Tôi hơi bị bất ngờ, cảm thấy cuộc sống chuyển động, không khí đang hít thở có điều gì đó là lạ… Hóa ra tôi nhìn sự vật diễn ra bên ngoài bằng đôi mắt mà không thấy bên trong. Có phải những gì bên trong của người quyết định sự tồn tại bên ngoài. Thấy bên ngoài mà không thấy bên trong, như là thấy tâm của mình trước sao gì người cũng đau khổ. Rõ ràng bên trong mới chuyển hóa nghiệp của người ta. Bên ngoài khôn dạy với cuộc đời bao nhiêu. Bên trong người ta chân thật với mình nhận ra cái tôi, cái tâm linh, cũng là con đường dẫn đến trí tuệ, mở rộng vòng tay với mọi người.

Với định nghĩa văn hóa là những cái còn lại, thì tâm linh rằm tháng bảy chính là nét văn hóa truyền thống xa xưa của cha ông còn lại ngày nay. Có phải đây là ý nghĩa ban đầu của ngày rằm tháng bảy với những tập quán, tục lễ cổ truyền nhất là với lễ Vu Lan, một lễ lớn theo đạo phật. Nguồn gốc những gì bên trong của con người có từ đâu? Phải chăng nó xuất phát từ chỗ người đứng giữa trời  đất, mà không biết trời cao, vũ trụ bao la là gì. Dưới lòng đất thâm u chứa đựng gì. Người nảy sinh những câu hỏi siêu hình. Ngoài thế giới của loài người còn có thế giới nào khác? Con người được sinh ra từ đâu, chết đi về đâu, có linh hồn hay không? Trong khi chưa tìm thấy lời giải đáp thỏa đáng mắt lại nhìn những hiện tượng thú vị khác. Như hiện tượng đầu thai lên nói về kiếp trước của mình (rất nhiều). Hiện tượng thần đồng lên hai tuổi nói chưa rành đã biết đọc. Rồi nhan nhãn trước mắt đứa gian ác ngày càng giàu thêm, người lương thiện làm cật lực suốt đời vẫn nghèo. Hầu như ai cũng có những câu hỏi như vậy để rồi thành hình cái gọi là ẩn – ức – tâm – linh. Nó vừa thực vừa hư, càng gặp nghịch cảnh người càng quay về với nó ẩn – ức – tâm – linh.

Tình cờ trong các con số, thì số 7 được coi là con số thiêng liêng. Thời tiết tháng bảy lại rất đặc biệt, đất trời hiu hắt tiêu trầm. Đất trời như xích gần nối liền nhau bằng những cơn mưa dầm kéo dài lê thê. Nhất là ban đêm tiết trời lành lạnh ẩm ướt mưa theo rả rích. Thời tiết tháng bảy như đặc biệt dành cho người biết bao nổi niềm nhớ thương hoài cảm. Từ chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ hai người yêu nhau xa cách mỗi năm gặp nhau vào dịp tháng bảy nhờ chim Ô Thước bắt cầu. Trong đêm mưa người hình dung ra thêm có một cõi dương, một cõi âm. Âm dương cách trở đôi đường. Tình cờ cảm nhận kia phù hợp với cái gọi là ẩn – ức – tâm – linh bấy lâu. Nhưng đó chỉ là cảm nhận cho tới khi phật dạy chúng sinh rằng cuộc đời chẳng có gì bền chắc,  tất cả nằm trong luật nhân quả, duyên khởi nối tiếp nhau chẳng biết đâu là nơi kết thúc, nơi bắt đầu. Những lời phật dạy là cơ sở để cho người tìm lời giải đáp cho những câu hỏi thuộc về tâm linh, rồi từ từ chuyển hóa tâm hồn. Ngày rằm tháng bảy với nhiều tục lệ, nhất là lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ, là bằng chứng sự chuyển hóa kia.

Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều, còn có bài “Văn Tế thập loại chúng sinh”, là bằng chứng cho những gì vừa nói (Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt – Toát hơi mây lạnh buốt xương khô – Não người thay buổi chiều thu – Ngàn lau nhướm bạc, lá ngô rụng vàng – Đường bạch dương bóng chiều  man mát – Ngọn đường lê lác đác sương sa – Lòng nào cũng chẳng thiết tha – Cõi dương còn thế nữa là cõi âm – Trong trường dạ tối tâm trời đất – Có khôn thiêng phảng phất u minh – Thương thay thập loại chúng sinh – Hồn đơn chiếc phách lênh đênh quê người)
Bài văn tế sao mở đầu tiếp tục nói về lúc còn sống với những nghề nghiệp và sau khi chết đi (Sống thời tiền bạc chảy ròng – Thác không mang được một đồng nào đi – Khóc ma mướn, thương gì hàng xóm – Hòm gỗ đa bó đóm đưa đêm – Ngẩn ngơ trong quảng đồng chiêm – Nén hương giọt nước, biết tìm vào đâu – Cũng có kẻ rắp cầu chữ quý – Vấn mình vào thành thị lân la – Mấy thu lìa cửa lìa nhà – Văn chương đã chắc đâu mà trí thân). Cuối cùng văn tế chỉ ra con đường cho người (Nhờ phép Phật uy linh dãng mãnh – Trong giấc mê khua tỉnh chiêm bao. Mười loài là những loài nào? Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh – Kiếp phù sinh như hình bào ảnh. Có chữ rằng “Vạn cảnh giai không”. Ai ơi lấy Phật làm lòng – Tự nhiêu siêu thoát khỏi trong luân hồi. Đàn chuẩn tế vàng lời phật giáo. Của có chi bắt cháo nén nhang…NamPhật, Nam mô pháp, Nam mô tăng. Độ cho nhất thiết siêu thân thượng đài'.

 Ở cái nước Âu Mỹ có lễ hội Hallowen diễn ra từ 3 giờ chiều đến 12 giờ khuya. Họ văn minh nhưng cũng tin đó là những giờ cổng địa ngục mở ra cho các vong hồn tìm đường về nhà. Trong buổi lễ người ta đeo mặt nạ hình ma quỷ và nhà cửa trang trí những trái bí ngô khoét ruột để làm lồng đèn sáng loe loét để dẫn đường các vong hồn. Tâm linh phương Đông cũng giống như vậy, cho là vào tháng bảy xá tội vong nhân, cổng địa ngục mở ra để cho người chết từ cõi âm quay về thăm người thân. Các vong hồn về vào buổi chiều và đêm xuống trở lại địa ngục, nên lễ cúng cô hồn diễn ra vào buổi chiều.

 Tháng bảy còn có lễ Vu Lan báo hiếu của đạo Phật, do sự tích ngày Mục Kiền Liên xuống địa ngục tìm mẹ. Bản chất của tục cúng cô hồn và lễ Vu Lan có điểm tương đồng hướng về những người đã khuất đồng thời cũng tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ tổ tiên. Xét ý nghĩa của hai lễ cúng ta thấy những gì thuộc về tâm linh đều mang tính nhân bản. Hồn và xác. Hồn có thể nhẹ nhàng về trời hoặc đi đầu thai hay là chịu quả báo nặng nề xuống địa ngục chịu hình phạt lúc mình còn sống làm ra. Tuy nhiên, có những người chết oan do nghiệp xấu, vong hồn không có hoặc chưa nơi nào tiếp nhận phải lang thang. Sau khi cúng xong người ta thí giàn là ý nghĩa tượng trưng cho loại cô hồn này. Qua lễ Vu Lan báo hiếu với ngài Mục Kiền Liên. Ai cũng biết trong số các đệ tử của đức phật thì ngài Mục Kiền Liên đứng đầu về thần thông. Có phép thuật cao siêu, có thần thông mà ngài Mục Kiền Liên không cứu được mẹ. Ngài buồn bã quay trở về thưa với phật thì được nghe dạy “nghiệp của ai  nấy mang. Ai làm những việc tội lỗi thì ráng chịu gánh lấy quả báo. Không có phép mầu nào cứu được những người như vậy. Trừ – lập một đàng chuẩn tế nhờ những bậc cao tăng, những vị đạo đức hợp lại cầu nguyện. Nhờ vào công đức của các ngài tạo ra uy lực làm giảm nhẹ nghiệp báo của người”. Ngài Mục Kiền Liên xuống địa ngục chứng kiến hình phạt dành cho bà Thanh Đề, đồng thời ngài cũng thấy hình phạt của bao vong hồn khác. Do đó khi ngài lập đàn tràng cầu nguyện cho mẹ, cũng cầu xin luôn cho những vong linh kia..


Tháng bảy tưởng nhớ người khuất bóng, cũng là tháng để cho người mở rộng vòng tay bố thí làm phước. Và cũng là tháng lòng từ bi, đức hiếu sinh còn dành cho muôn loài qua việc phóng sinh thả chim, thả cá về với thiên nhiên. Rõ ràng so với cái ngày rằm khác, rằm tháng bảy đúng là ngày rằm của tâm linh!