Trong cuốn sách phê bình văn chương: “Chương Dân thi thoại” (1931), Phan Khôi (1887-1959) hai lần dẫn: “Đức Dục Tôn ngự chế điệu một bà phi “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hơi”; bài Khóc Bằng Phi kính lục ra đây: “Ới thị Bằng ơi đã mất rồi/ Ớ tình ớ nghĩa ớ duyên ôi/ Mùa hè nắng chải oanh ăn nói/ Ngõ sớm trưa sân liễu đứng ngồi/ Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hơi/ Mối tình muốn dứt càng thêm bận/ Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi” (theo sách 10 thế kỷ bàn luận về văn chương, tập II, Nxb GD, 2007, tr 47-48). Nhà nghiên cứu (từng làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục) Nguyễn Văn Huyên (1908-1975) trong sách Hát đối đáp của nam nữ thanh niên, xb tại Pháp, 1934; chép bài thơ cũng coi là của Tự Đức khóc Bằng Phi, tuy có khác đôi từ (in lại trong Văn học Việt Nam thế kỷ XX,lý luận phê bình nửa đầu thế kỷ, quyển 5, tập III, Nxb Văn học, 2004, tr 910).  Nhưng đến đầu những năm 40 thế kỷ XX, lại có ý kiến bác lại thuyết trên.



BÀI THƠ “KHÓC BẰNG PHI” CÓ PHẢI CỦA VUA TỰ ĐỨC?

ĐỖ TIẾN BẢNG

Hai câu thơ:
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp tàn y lại để dành hơi  
Hiện nay, nhiều người vẫn cho hai câu thơ lưu truyền trên là của Tự Đức.  Đây là hai câu trong một bài thơ có tên đề “Khóc Bằng Phi” được một số nhà nghiên cứu đưa vào sách. Tin tác giả là Tự Đức, có không ít người phân tích bình tán cảm hứng của vị vua hay chữ triều Nguyễn này. Nhưng thực ra vấn đề tác giả không phải đã khẳng định như một số người vẫn đinh ninh, mà còn tồn nghi về “tác quyền” của hai câu thơ, cũng như cả bài thơ này.   

Trong cuốn sách phê bình văn chương: “Chương Dân thi thoại” (1931), Phan Khôi (1887-1959) hai lần dẫn: “Đức Dục Tôn ngự chế điệu một bà phi “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hơi”; bài Khóc Bằng Phi kính lục ra đây: “Ới thị Bằng ơi đã mất rồi/ Ớ tình ớ nghĩa ớ duyên ôi/ Mùa hè nắng chải oanh ăn nói/ Ngõ sớm trưa sân liễu đứng ngồi/ Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hơi/ Mối tình muốn dứt càng thêm bận/ Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi” (theo sách 10 thế kỷ bàn luận về văn chương, tập II, Nxb GD, 2007, tr 47-48). Nhà nghiên cứu (từng làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục) Nguyễn Văn Huyên (1908-1975) trong sách Hát đối đáp của nam nữ thanh niên, xb tại Pháp, 1934; chép bài thơ cũng coi là của Tự Đức khóc Bằng Phi, tuy có khác đôi từ (in lại trong Văn học Việt Nam thế kỷ XX,lý luận phê bình nửa đầu thế kỷ, quyển 5, tập III, Nxb Văn học, 2004, tr 910).    
Nhưng đến đầu những năm 40 thế kỷ XX, lại có ý kiến bác lại thuyết trên. Đó là ý kiến của nhà văn, nhà khảo cứu Ngô Tất Tố, viết trong cuốn Thi văn bình chú (1942): “Bài này nhiều người bảo là của vua Tự Đức. Nhưng các vị cố lão thì nói là của ông Nguyễn Gia Thiều khóc nàng Bằng Cơ, một người vợ lẽ của ông”.   
“Xét ra vua Tự Đức cũng ít làm thơ quốc âm. Coi tập Việt sử tổng vịnh và những nhời phê bình của ngài ở bộ Việt sử khâm định, thì biết tính ngài bệ vệ, lúc nào cũng muốn tỏ mình là đấng anh quân. Với cái tính kiểu sức ấy, chắc ngài không khi nào dùng những chữ tình duyên để khóc một người đàn bà. Huống chi thơ Tự Đức rất dở, cả tập Việt sử tổng vịnh không được mấy bài nghe được. Vậy bài này lại là một bài rất hay, có lẽ sức ngài không thể làm nổi. Vậy nay theo lời các vị cố lão trả lại ông Nguyễn Gia Thiều.”

 Bài thơ chép như sau: “ Ới Thị Bằng ơi! Đã mất rồi!/ Ới tình, ới nghĩa, ới duyên ơi!/ Mưa hè, nắng chái, oanh ăn nói,/ Sớm ngõ, trưa sân, liễu đứng ngồi./Đập cổ kính ra tìm, tìm lấy bóng,/ Xếp tàn y lại, để dành hơi,/ Mối tình muốn dứt càng thêm bận,/ Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi.”(Thi văn bình chú, Cao Đắc Điềm đối chiếu, chỉnh sửa, Nxb Văn học – Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2011, tr 75-76). 

Ý kiến của Ngô Tất Tố được Nể Uy tán đồng. Trên tờ tạp chi Tri tân, trong khi phê bình cuốn Thi sĩ Trung Nam của Vũ Ngọc Phan, Nể Uy bài bác ý kiến của nhà nghiên cứu họ Vũ: “Về bài: Khóc Bằng Phi (tr 10), ông Vũ cho chắc là của vua Tự Đức, trong khi ông vẫn nhận 2 câu: Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng,/ Xếp tàn y lại, để dành hơi” là của Nguyễn Gia Thiều (Ôn Như Hầu). Như thế xem có vẻ chuyên chế quá trong khi phê phán tài liệu văn học! Tôi nhớ đâu như ông Ngô Tất Tố trong Thi văn bình chú, quyển nhất có viện đôi lẽ để chứng minh rằng tác giả bài thơ ấy là  Ôn Như Hầu. Thuyết của ông Ngô có thể nhận được lắm” (bài viết đề ngày 23 Novembre 1943, mồng hai tháng 11 Quí Mùi; in số 130, tháng 2.1944, Tạp chí Tri tân; in lại Phê bình văn học, sưu tầm tư liệu, Nxb Hội nhà văn, 1999, tr 543).  

Có sách chép hai câu thơ “Đập cổ kính ra tìm, tìm lấy bóng,/ Xếp tàn y lại, để dành hơi” vào phần câu đối Nôm, cho rằng Nguyễn Gia Thiều vịnh góa phụ (5000 hoành phi câu đối Hán Nôm, Trần Lê Sáng chủ biên, Nxb VHTT, 2006, tr 100) cũng không hề nêu xuất sứ. Nhưng có người vẫn bảo lưu: Theo Đinh Công Vĩ, Tự Đức có 104 người vợ (Các chuyện tình vua chúa Việt Nam, Nxb Phụ nữ, 2005); sách này chép bài thơ, hai câu 3,4 là: “Mưa hè nắng cháy, oanh ăn nói/ Sớm ngõ trưa sân, liễu đứng ngồi”.  

Như vậy, cả hai luồng ý kiến đều chưa dẫn được cứ liệu vững chắc, tin cậy. Nhất là không có dẫn liệu từ các văn bản Hán Nôm, chỉ là các văn bản chép bằng chữ quốc ngữ (La tinh).  Phan Khôi nêu tác giả “Đức Dục tôn” và chép bài thơ ra mà không nêu từ nguồn nào. Còn Ngô Tất Tố chỉ dựa vào truyền ngôn là “các vị cố lão” bảo là của Ôn Như Hầu, và một vài nhận xét về tính cách và “phong cách tác giả” để bác tác giả là Tự Đức. Bài thơ thất ngôn bát cú, sáu câu nôm, xen hai câu Hán. Chắc là xuất hiện vào thời của thể loại hát nói. Như vậy, trong khi chưa tìm được văn bản Hán Nôm tin cậy ghi chép bài thơ, ta vẫn phải coi tác giả hai câu thơ cũng như bài thơ là chưa xác định (khuyết danh). Việc tồn nghi tác giả ở đây không phải cá biệt, nhiều tác phẩm thơ thời trung đại cũng rơi vào tình trạng này. Khi phân tích, bình phẩm hãy dè dặt, thận trọng.