Ngoài những cuốn in lần đầu, thị trường sách văn chương luôn có sự đóng góp không nhỏ của sách được tái bản một, hai, thậm chí hàng chục lần. Song, liệu có phải tất cả những cuốn sách tái bản ấy đều có giá trị đích thực? Sự lúng túng về quản lý thường dẫn tới cách giải quyết nửa vời đối với những tác phẩm văn chương thiếu lành mạnh, độc hại và vi phạm pháp luật càng khiến cho thị trường sách vốn đã không minh bạch ngày càng có nguy cơ nhiễu loạn trầm trọng thêm. Trách nhiệm này trước hết thuộc về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các bên liên quan trong lĩnh vực xuất bản.







NHIỄU LOẠN SÁCH VĂN CHƯƠNG TÁI BẢN

ĐỖ NGỌC YÊN

Điểm qua thị trường
Thông thường, những cuốn sách văn chương được tái bản nhiều lần là những tác phẩm có giá trị lâu bền cả về giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi quan tâm ở đây là những cuốn sách kém giá trị, thậm chí bị dư luận xã hội cho là có vấn đề, song chúng vẫn được in đi, in lại nhiều lần dưới nhiều hình thức khác nhau như: nối bản, tái bản, in lậu, đổi tên sách, rồi tiếp tục cho in lại...
Chẳng hạn như: Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu; Xin lỗi, em chỉ là con đĩ (tác giả Tào Đình Trung Quốc) do Trang Hạ dịch; Sợi xích của Lê Kiều Như; Trên lưng chừng nhìn xuống đám đông của Nguyễn Vĩnh Nguyên; Phù phiếm truyệncủa Phan Việt; Sát thủ đầu mưng mủ của Thành Phong (Năm 2013, cuốn sách này còn được in lại với tên Phê như con tê tê có bổ sung, sửa chữa so với ấn bản đầu); Chân dài sao phải xoắncủa Huyền Lê; Thương nhau để đó của Hamlet Trương và Iris Cao; Đường hai ngả - Người thương thành lạ của Anh Khang... Đó là những cuốn sách chứa nội dung thiếu lành mạnh, thậm chí là độc hại; đầy rẫy chuyện thất tình, sự thù hận cá nhân, những cảnh gợi dục, làm tình trơ trẽn, những trận cãi lộn nhố nhăng, tục tĩu, bới móc đời tư, loạn luân (Lê Vân: Yêu và Sống, Bóng đè, Xin lỗi, em chỉ là con đĩ, Sợi xích, Dại tình...) hay những cuộc chửi đổng cạnh khóe mang màu sắc chính trị nhằm giải tỏa những xung động tâm lý, ẩn ức cá nhân (Trên lưng chừng nhìn xuống đám đông), hoặc là những chuyện bạo lực, nhảm nhí (Sát thủ đầu mưng mủ),... Vậy mà hầu hết những cuốn sách dạng này đã được in đi, in lại nhiều lần, giữ nguyên hay đổi sang một tên khác.

Những dạng sách nêu trên không những không bồi đắp cho tâm hồn và trí tuệ của công chúng, mà tệ hơn, chúng còn hướng người đọc đến những chuyện bậy bạ, tầm thường, cố tình khoét sâu, tô đậm những mặt tiêu cực, những góc khuất, mảng tối trong đời sống xã hội và đời sống cá nhân con người. Điều ấy, dù vô tình hay cố ý cũng đã góp phần làm băng hoại đạo đức cá nhân và xã hội, xói mòn lòng tin của công chúng vào bản chất tốt đẹp của con người.

Về hình thức trình bày, bìa của những cuốn sách thuộc loại này thường lòe loẹt, dễ câu khách, nhất là đối với bạn đọc trẻ tuổi. Bên trong thì đầy rẫy các lỗi chính tả và ngữ pháp tiếng Việt, chấm ngắt câu tùy tiện, ngôn ngữ biểu đạt huỵch toẹt, cợt nhả và bặm trợn. Vì mục đích thương mại và giải trí được đặt lên hàng đầu, khuynh loát các giá trị tư tưởng và thẩm mỹ, nên nhu cầu thưởng thức cái hay, cái đẹp của công chúng do văn chương mang lại ở những cuốn sách loại này hầu như bị bỏ qua. Đó là một thực tế rất đáng báo động đối với những ai mong muốn có một nền văn hóa đọc lành mạnh.

Trách nhiệm thuộc về ai?
Tiến trình hội nhập quốc tế mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội về hợp tác đầu tư, giao lưu văn hóa với các nước khác trong khu vực, cũng như trên thế giới. Nhưng, mọi cơn bão đều mang theo cả những thứ rác thải độc hại, nên hậu quả của nó thật sự khôn lường. Những truyện sex, đồng tính, trái luân thường đạo lý, cổ xúy cho cái ác, bạo lực, thanh toán lẫn nhau,... chưa bao giờ là thước đo giá trị trong truyền thống văn hóa Việt, nhưng đã được một số cây bút trẻ, sành mạng internet và biết tiếng nước ngoài du nhập vào nước ta từ khoảng chục năm trở lại đây. Tuy nhiên, khi những truyện này được đóng mác Made in Việt Nam, lập tức gây ra những phản ứng trái chiều từ phía dư luận. Một số bạn đọc trẻ coi đây là làn gió mới nên háo hức săn tìm. Những người có kiến thức và bản lĩnh văn hóa coi đây là những sản phẩm văn chương rẻ tiền, bậy bạ, thậm chí là độc hại, nên thường phê phán kịch liệt, thậm chí quay mặt lại, nói không với những thứ văn chương ngoại lai nhảm nhí ấy. Chính điều đó vô tình trở thành liều thuốc kích thích, khiến một số cây bút dốc sức tung ra thị trường những loại sản phẩm thiếu lành mạnh, vừa để kiếm tiền vừa để tự đánh bóng tên tuổi mình trước công chúng.

Nói vậy để thấy, không nghi ngờ gì nữa, trách nhiệm trước hết ở đây là phía tác giả-những cây bút lợi dụng tinh thần dân chủ và cởi mở trong quá trình hội nhập của nước ta từ khi mở cửa nền kinh tế (1986), để du nhập những thứ cặn bã của văn hóa nước ngoài qua mạng internet và các trang mạng xã hội. Cùng đó là các nhà xuất bản, công ty sách tư nhân hay những đầu nậu sách luôn tìm mọi cách lợi dụng các khe hở trong công tác quản lý để chạy theo lợi nhuận kinh tế. Nhiều cuốn sách đã bị cơ quan chức năng thổi còi, thậm chí thu hồi, cấm phát hành vẫn được in đi, in lại nhiều lần dưới các hình thức khác nhau.

Luật Xuất bản sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 quy định rất rõ, nghiêm cấm việc xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm có nội dung: b - Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục. Và đ - Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân... Và ở các Khoản c, d, đ, Mục 2, Điều 10, nghiêm cấm các hành vi sau: c - In lậu, in giả, in nối bản trái phép xuất bản phẩm; d - Phát hành xuất bản phẩm không có nguồn gốc hợp pháp hoặc chưa nộp lưu chiểu; đ - Xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép (1) . Thế nhưng, nhiều tổ chức, cá nhân làm công tác xuất bản vẫn cố tình lách luật, in đi in lại nhiều lần để tung ra thị trường các tác phẩm văn chương vi phạm pháp luật như vừa nói ở trên.

Điều đáng suy nghĩ ở đây là, trước sự nhiễu loạn sách văn chương tái bản ấy, người ta chỉ thấy các cơ quan chức năng vào cuộc khi báo chí hoặc dư luận xã hội lên tiếng. Để rồi, như bất chấp sự "lên tiếng" ấy, những cuốn sách kia vẫn được bầy bán la liệt ở các hiệu sách và vỉa hè khắp từ bắc chí nam, chẳng hạn như các cuốn Bóng đè, Xin lỗi, em chỉ là con đĩ, Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông v.v. Nghĩa là, cơ quan chức năng cứ nhắc nhở, khiển trách và xử phạt; còn các nhà làm sách thì cứ cho nối bản, in lậu và lưu hành thoải mái... Cách làm như vậy của cơ quan quản lý xuất bản âu cũng là đánh rắn giữa khúc, chẳng khác nào phạt để cho tồn tại trong quản lý xây dựng trước đây.

Có thể khẳng định chắc chắn rằng, không một đơn vị, cá nhân làm sách nào lại không vui vẻ nộp dăm ba triệu đồng tiền phạt hành chính, bởi khoản tiền nộp phạt như vậy chẳng thấm tháp vào đâu so với lợi nhuận mà hàng ngàn cuốn sách ấy mang lại. Theo pháp luật hiện hành, những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về lĩnh vực xuất bản nhiều lần như vậy phải bị khởi tố, nhưng đáng tiếc là cho đến nay chưa hề có một vụ án dân sự nào về lĩnh vực này. Ở khía cạnh khác, các đơn vị, cá nhân tham gia làm nhiễu loạn thị trường sách tái bản kia thì luôn hứa với cơ quan chức năng sẽ thu hồi toàn bộ số sách đã in. Nhưng cái sự "hứa" kia chẳng qua cũng chỉ là một cách nói ngoan miệng, chứ thực ra có thu hồi hay không và thu hồi được bao nhiêu thì nhà chức trách có mười đầu sáu tay cũng chẳng thể nào biết được, vì chưa bao giờ các đơn vị làm sách thông báo công khai về số lượng sách đã thu hồi được. Thật đáng lo thay!

(1)   Luật Xuất bản sửa đổi số: 19/2012/QH13, ngày 20 tháng 11 năm 2012. Nhà Xuất bản Tư Pháp, H, 2012


Nguồn: Báo Nhân Dân cuối tuần