Nghe nói con gái Sán Dìu ở Hồ Sơn xinh lắm. Người ta nói, nếu ai đi theo con đường 2B, xuyên qua xã Hồ Sơn lên khu du lịch Tam Đảo, tình cờ bắt gặp một cánh ô mầu hồng hay bắp chân nhỏ quấn xà cạp trắng của các cô gái Hồ Sơn, thì thế nào cũng lạc đường. Chùm mây treo trên những lùm cây cứ rung lên trong tiếng cười rúc rich. Quả nhiên tôi bị nhầm lối hôm ấy, khi lên tham dự trại sáng tác Tam Đảo, chỉ vì tình cờ nhìn thấy chiếc túi thổ cẩm đung đưa, xinh xinh trong khuất nẻo mù sương…




GIAI ĐIỆU HỒ SƠN TRONG HUYỀN ẢO SƯƠNG MÙ

VƯƠNG TÂM

Nghiêng nghiêng một chén “Sán Dìu”
        Tôi có cảm giác như mình bị rơi tõm vào một thế giới huyền ảo giữa những sắc màu của một ngày lễ hội, khi được chuốc một chén rượu nếp cẩm hương. Cũng thật may cho tôi, bởi gặp được ông bạn thơ Nguyễn Công Phượng ở thôn Núc Hạ, đến dự cuộc giao lưu này. Thì ra bị lạc đường vào cuộc hội ngộ của các bạn trẻ, khi đang chuẩn bị cho cuộc gặp mặt của 30 Câu lạc bộ hát Soọng Cô (dân ca) của người Sán Dìu, được tổ chức ở xã Minh Quang, tại huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Vợ của nhà thơ, kiêm lương y Nguyễn Công Phượng là người Sán Dìu, lại ở rể nơi này đến hơn nửa thế kỷ, nên ông khá hiểu về cách làm đẹp của các cô gái Sán Dìu Hồ Sơn.
       Chúng tôi đang bàn về câu chuyện mới đây nhiều người lên rừng Tam Đảo tìm cây thuốc Tỏa Dương, để chữa bệnh ung thư, thì có một chị đến mời ăn xôi đen. Tôi rất ngạc nhiên vì màu sắc của loại xôi này. Chị nói xôi lao sao của người Sán Dìu đó, thơm nếp, dẻo bùi mà. Lương y Nguyễn Công Phượng nói, trước đây ông cũng đã được ăn xôi đen nhiều, nhưng nay tìm kiếm cây Lao Sao để lên hương lên màu cho xôi không dễ, nên chỉ vào những ngày hội lễ, hay cưới xin hôn lễ người Sán Dìu mới làm xôi đen. Rồi ông giải thích, họ phải chặt những cây Lao Sao thành những miếng nhỏ, lẫn cả lá và cành để ngâm trong nước. Sau một tuần, nhựa cây tan ra có màu đen, mới được gạn trong rồi đem ngâm gạo nếp. Qua một đêm, khi đồ lên xôi sẽ có màu đen óng, săn dẻo và thơm phức. Tôi nếm thử xôi mới hay cái vị của lá Lao Sao thật lạ, đậm bùi và thơm như có men rượu lên hương.
       Chợt nghe như có tiếng cười rúc rich, hệt như tôi đã nghe trên lưng núi trong màn sương. Một cô gái xuất hiện với bộ váy đen có nhiều lớp chồng lên nhau, ngắn chừng trên đầu gối. Đúng rồi cái bắp chân quấn xà cạp trắng kia thon thả trong bước đi. Cô bé lần lượt mời khách uống trà. Thật tò mò về chiếc váy nhiều mảnh ghép kia, bởi tôi đã đi đến nhiều bản người dân tộc thiểu số, nhưng chưa thấy kiểu váy nào lạ như thế. Ông Phượng gật đầu cười nói, vợ ông một thời cũng làm ông mê mẩn vì chiếc “Váy lá” đó. Sau đó ông nói một mạch về cách làm đẹp của các cô gái Sán Dìu qua chiếc váy. Chính vì thế người Sán Dìu còn được gọi là “Mán váy xẻ”. Ông chỉ cho tôi về phía cô gái đang chuẩn bị cho cuộc thi hát dân ca, rồi kể rành rọt cho tôi nghe về chiếc váy gồm từ tám đến mười mảnh được xếp chồng ở phía trên, và được khâu lại thành cạp. Các mảnh vải buông phía dưới, tuy xếp chồng lên nhau nhưng mỗi lần chuyển động là các mảnh ghép mở ra tạo nên những khoảng trống trên đùi. Đó là chiếc váy xẻ tà. Tất nhiên các cô gái còn mặc áo nữa, cùng dài tới gối bằng váy, do vậy không thấy bị hở hang quá nhiều, mà chỉ thấp thoáng. Còn bắp chân thì được quấn xà cạp trắng gọn gàng để leo núi cho dễ dàng. Trang phục của các cô gái Sán Dìu còn nữa, đó là chiếc yếm trắng, đội khăn đen và đi dầy vải đen. Trên cổ là những vòng bạc đôi khi kèm theo những chiếc lá, hay hoa bạc nhỏ xíu, xinh xắn, đung đưa mỗi khi chuyển động. Tuy nhiên về chiếc váy, hiện các cô gái chỉ còn hai đến bốn mảnh ghép lại thôi…
       Ông Phượng say sưa nói, bỗng dưng ngừng lại, làm tôi hụt hẫng vì đang nghe ông kể rất hay về chiếc váy xẻ tà. Hóa ra ông nhớ về một thuở đi theo người con gái ấy, trong bộ cánh mà chính ông vừa tả lại; rồi nhớ nhung, rồi làm thơ và tặng cho nàng sơn nữ: “Vầng dương vừa chiếu ánh vàng / Nàng trong bộ cánh áo chàm đi chơi / Nàng luôn hiện trước mặt tôi / Mà sao tôi thấy xa với như sao / Đêm đêm tôi lại chiêm bao / Thấy nàng như cánh hoa đào ngày xuân”. Nên duyên vì bộ cánh áo chàm này đó, nói rồi ông cười ha hả, sung sướng. Một nụ cười rất Sán Dìu đã thành máu thịt trong ông nửa thể kỷ qua. Lòng tôi cũng có cánh bay cùng niềm vui của ông, và ngửa mặt uống cho cạn chén rượu mới rót. Lâng lâng và tôi bỗng thấy tà áo của cô gái đang đứng dưới ánh đèn hiện lên trước mặt. Ông Phượng chợt bá lấy vai tôi. Có lẽ cả hai kẻ già này cùng say mất rồi.

                                

Bản tình ca trên núi
       Tôi không hiểu sau đó ông Phượng nhờ người đưa tôi lên nhà sáng tác Tam Đảo bằng cách nào. Khi tỉnh dậy vào lúc chiều tối, ngửi thấy mùi thơm của ngô nếp nướng bay lên phòng ngủ. Một làn mây chiều len qua cửa sổ, bảng lảng rụt rè như muốn làm quen với người khách mới. Tôi khoác chiếc áo gió lững thững đi xuống con đường nhỏ, rồi rẽ qua những chiếc lán dậy các mùi thơm. Phố chợ giờ đây mở thêm khá dài, nhiều lán được dựng lên dọc con suối giữa phố. Nhiều du khách đã dồn xuống phố sau con nắng đã nhạt nhòa. Tôi bỗng nhận ra bộ cánh áo đen đang quạt một mẻ cá thơm phức. Trên cổ cô gái còn có chiếc vòng bạc rung rinh quả chuông nhỏ xíu. Thế là tôi xà ngay vào quán vớ lấy chai rượu trắng để trong chiếc thúng đầy bánh đa. Cô gái ngước nhìn tôi mỉm cười rồi đưa một chiếc chén cùng một đĩa cá chích nhỏ. Hỏi ra, mới hay cô chính là người Sán Dìu, tên là Hoa ở thôn Cầu Tre, Hồ Sơn cùng với các chị em lên đây làm ăn.
       Nhâm nhi chén rượu với sự say sưa, tôi nhớ lại chuyến đi lạc lối sáng nay, rồi khoe với Hoa rằng mình mới được xem những cô gái ở thôn dưới chuẩn bị vào cuộc hội ngộ của 30 Câu lạc bộ hát Soọng Cô. Đôi mắt của Hoa chợt sáng lên, nhưng rồi cô khẽ thở dài nói, tiếc thế sao chú không ở lại tối nay mà nghe hát Soọng Cô, hay lắm đó. Tôi kể mình bị say rượu, rồi bay lên Tam Đảo bằng cách nào không biết nữa. Hoa bật cười, đôi mắt chợt ánh buồn nhìn về phía xa, khi làn mây đầu tiên trốn nắng rơi xuống mái lán.  
       Ngọn lửa bên bếp hồng bập bùng theo thay quạt, không hiểu sao từ khi tôi nói về chuyện nhỡ nghe hát đêm nay, thì Hoa lại buồn đến vậy. Nhưng rồi theo gợi ý của tôi, Hoa cũng nhẹ nhàng cất giọng, cùng với tiếng gió rì rào trong bụi mưa. Có thể chăng, mọi nỗi niềm đã trở lại với con tim đang khắc khoải một điều gì đó, mà giọng hát của Hoa trĩu nặng đến vậy. Tôi như uống với tâm hồn ấy, cùng với chén rượu nồng nàn, và nghe: “Gà gáy sắp sáng, trời chưa sáng / Gà gáy sáng rồi, sắp chia tay / Bố mẹ, ông bà, thì còn được / Anh em mình chia tay, đứt hết ruột gan”. Lời hát cuối bỗng như nghẹn lại trong lồng ngực của cô gái. Tôi cũng ngạc nhiên vì hình ảnh của lời ca, xót xa và da diết làm sao. Hạt mưa bay hay đôi mắt Hoa ngấn lệ. Tôi thấy ân hận vì tự nhiên gợi lại một nỗi buồn thầm kín trong lòng người con gái. Hoa ngước mắt nhìn lên mái tóc bạc của tôi như có độ tin cậy khi bất ngờ thể hiện sự xúc động của mình. Cô nén tiếng thở dài. Im lặng. Tôi uống thêm một chén rượu rồi khà một tiếng, để phá tan cảm giác cô đơn, lạnh lẽo.

                                       

        Nghe như đâu có tiếng tù và vang lên từ cánh rừng mưa trôi xuống thung lũng phố của thị trấn Tam Đảo. Hoa chợt đứng dậy nhìn lên đỉnh núi. Hẳn đó là tìn hiệu của tình yêu. Tiếng tù và âm âm và ngân dài như con sói hoang tru lên sự cô đơn giữa đồng cỏ. Thế rồi Hoa lại ngồi xuống lật một củ khoai đang bị cháy khét trên than hồng. Và từ lán bên kia đường, có tiếng con trai cất lên trong lời hát, làm ánh mắt Hoa sáng lên. Hình như đó là một làn điệu hẹn hò chờ đợi Soọng Cô. Tôi tợp luôn một chén nữa và dỏng tai nghe: “Năm cũ qua đi, năm mới đến / Hoa đào nở hết, hoa mận nở / Hoa đào nở hết, gió thổi đi / Hoa đào nở hết, đợi người đến…”. Thế là tôi lại rơi vào cơn say, vừa chập choạng bước chân tôi vừa nghêu ngao, hoa đào nở hết, gió thổi đi. Hoa nhìn theo, nhưng tôi biết cô đang ngóng lên trên đỉnh núi vì tiếng tù và kia đang gọi người đến.
Những câu đố từ sân nhà thờ cổ
       Nghĩ cũng lạ, bởi tôi thức trắng đêm đó để dồn tâm cho bản trường ca Tam Đảo, mà không hề thấy mệt mỏi. Rượu được nấu từ nước của chín con suối trên núi sao lại êm đến thế. Bất chợt chó sủa vang thung lũng vì có tiếng trống dồn dập vang lên từ phía nhà thờ cổ. Những làn sương cũng bị đánh thức. Chúng tan đi theo làn gió. Tôi lùa chân xỏ đôi dép vội đi ra ngoài, thong thả hướng về phía nhà thờ.

                             

       Trên sân nhà thờ cổ Tam Đảo có một lớp học sinh đang chơi trò đố vui. Chúng lên đây khá sớm và đánh thức cả thị trấn còn đang ngái ngủ này. Khi lên tới nơi, tôi  thấy có một họa sĩ đang ngồi vẽ, có lẽ ông cũng không ngủ được. Lại những câu đố theo bản trường ca bất tận của Sán Dìu. Hình như tôi lại gặp những học trò của Hồ Sơn lên đây. Họ kiểm tra nhau về quê hương họ thật thú vị biết bao. Nào là  ngọn núi ở giữa trong ba ngọn núi tên gì? Hay củ khoai kỷ lục nặng 16 cân do ai trồng được ở Tam Đảo. Còn nữa, cây thông 1500 tuổi nằm ở đỉnh Thạch Bàn hay Thiên Thị, hay Phú Nghĩa (ba ngọn núi cao nhất trong dãy núi Tam Đảo)…
        Tôi như sống lại với tuổi thơ trên đỉnh núi. Vô tình tôi lại lạc vào cuộc chơi “Ai giỏi hơn học sinh lớp Năm?” ở sân nhà thờ cổ. Nắng bắt đầu lóe sáng. Một cậu bé cầm lấy cây kèn gọi mọi người vào cuộc chơi. Giai điệu tươi vui của Hồ Sơn đang lảnh lót reo vang đón bình minh trên đỉnh núi thiên thần.