Đỗ Nam Cao làm thơ từ những ngày đầu tình nguyện vượt Trường Sơn chiến đấu nhưng trong toàn bộ tập Thơ di cảo có lẽ đây là khổ thơ hiếm hoi của ông mang hơi hướng sử thi anh hùng ca! Ông buộc phải dùng đến nó, cũng như từng phải buộc cầm khẩu súng, "Dù căm ghét chiến tranh/ Anh vẫn thành người lính" (Thơ Hoàng Gia Cương) bởi sự trắng trợn xâm phạm bờ cõi Tổ quốc của "bọn đội mũ mãng thiên triều" ( thơ Lưu Trọng Lư) khiến cho bất kỳ người lương thiện nào cũng không thể giữ nổi sự bình thản. Trước cảnh tượng sóng lừng và những câu chuyện hy sinh cảm động của những người giữ đảo, mảnh đất biên cương trong tâm hồn nhà thơ chợt hiển hiện thành lồng ngực người chiến sĩ đang bảo vệ nó và sẵn sàng giáng trả bằng "dòng máu nóng hực ra" khi chủ quyền bị xúc phạm



TIN YÊU TỔ QUỐC GIỮA TRÙNG KHƠI

NGUYỄN ANH TUẤN


Trường Sa ư với ngày thường xa thật
Đảo ở đâu tôi có hỏi đâu mà
Điều khốn nạn là chỉ khi máu đổ
Đảo mới gần mới thật đảo của ta

Các anh cắm ngọn cờ Tổ quốc gió cuồn cuộn
Sóng lừng ngầu bọt bãi san hô
Kẻ muốn nhổ ngọn cờ khỏi ngực
Thì nhận đây dòng máu nóng hực ra

Chính lúc bấy giờ tôi mới hiểu Trường Sa
Hiểu đến xót xa
Tổ quốc là vỏ con ốc biển
Anh nâng niu cất gửi tặng quà

Các anh chết làm gì có mộ
Làm gì có đất cho máu tụ thành hồn
Máu tan loãng thân thể chìm mất dạng
Chỉ còn đảo và cờ Tổ quốc giữa trùng dương

Xin cứ giận các anh rồi thứ lỗi
Ôi con tôi sao nó bỗng khóc òa
Tôi hôn con ghì Trường Sa vào ngực
Bãi đá ngầm cào rách thịt da

Thời điểm làm bài thơ “Gửi quần đảo Trường Sa” được ghi rõ cuối bài: năm 1987- đúng vào cái thời Đỗ Nam Cao chua chát riễu mình: "Chuyện người vời vợi lẫn với chuyện ma" (Mưa rơi) và ông cay đắng: "Mủn rồi những lời sáo rỗng/... Mủn rồi thẩn thơ vớ vẩn" (Thơ tôi). Nhưng ở trong bài thơ này, như một hợp âm lạ của tập thơ "Dính" và cả tập di cảo Thơ, tác giả đã không phải làm một "Cuộc cãi lộn với chính mình dai dẳng/ Như lửa thiêu như rượu đốt chính mình" (Thế là vắng). Và ta cần lưu ý thêm điều này: phải tới năm 1988 mới xảy ra sự kiện chấn động: Trung Quốc lùa quân tới Trường Sa, giết hại hơn 60 chiến sĩ Việt Nam giữ đảo và đánh chìm 3 tàu của ta, chiếm đảo Gạc Ma, chỉ tới khi đó, Trường Sa mới bắt đầu trở thành nỗi day dứt của lương tri và mối quan tâm thường xuyên của công luận. Như vậy, rõ ràng là Đỗ Nam Cao đã đi trước khá nhiều người cầm bút đương thời về nhận thức thời cuộc và trực giác sáng tạo, và không chỉ những người cầm bút...
Toàn bộ bài thơ gần như một lời tâm sự thường ngày với bạn, với người thân trong gia đình. Nhưng trước hết là nói với mình, một lời tự bạch, lời độc thoại nội tâm. Và điều rất lạ là, lời độc bạch đó xuất hiện tựa một lời tự trách, một sự tự phê, tự kiểm điểm đã từng bị lạm dụng đến nhàm, song ở đây chúng lại dựng lên được cái tâm thế để có thể dễ dàng bước vào lòng người đọc- mà hạt nhân của nó, đồng thời cũng là cú hích đầu tiên của cảm xúc- đó là "Điều khốn nạn".
Đầu tiên, nhà thơ miêu tả một cách mộc mạc cái điều của tâm lý thường tình vẫn diễn ra:
Trường Sa ư với ngày thường xa thật
Đảo ở đâu tôi có hỏi đâu mà
để rồi ngay sau đó khiến người đọc sửng sốt bởi một thái độ bộc trực không khoan nhượng cùng với sự phát hiện ra cái ẩn sâu trong trái tim mỗi người yêu nước và lương thiện:
Điều khốn nạn là chỉ khi máu đổ
Đảo mới gần mới thật đảo của ta
"Điều khốn nạn" được thốt ra không chỉ là một lời tự thán nhằm nhấn mạnh cái nét đặc thù trong nhân cách của một người thơ từng cầm súng bảo vệ Tổ quốc mà vô tình còn là một "tiêu chí" của cảm hứng thơ dẫn người đọc đi suốt bài thơ!
Rồi ùa nhập ngay trong tâm trí người làm thơ & người đọc thơ là khung cảnh tráng lệ của một vùng biển Đông yêu quý đang bị xúc phạm, và tâm tình thế sự bỗng chuyển sang cảm hứng anh hùng ca mang bóng dáng Đan- cô của Măcxim Gorki tự móc trái tim mình làm ngọn đuốc soi đường cho đồng loại:
Các anh cắm ngọn cờ Tổ quốc gió cuồn cuộn
Sóng lừng ngầu bọt bãi san hô
Kẻ muốn nhổ ngọn cờ khỏi ngực
Thì nhận đây dòng máu nóng hực ra
Đỗ Nam Cao làm thơ từ những ngày đầu tình nguyện vượt Trường Sơn chiến đấu nhưng trong toàn bộ tập Thơ di cảo có lẽ đây là khổ thơ hiếm hoi của ông mang hơi hướng sử thi anh hùng ca! Ông buộc phải dùng đến nó, cũng như từng phải buộc cầm khẩu súng, "Dù căm ghét chiến tranh/ Anh vẫn thành người lính" (Thơ Hoàng Gia Cương) bởi sự trắng trợn xâm phạm bờ cõi Tổ quốc của "bọn đội mũ mãng thiên triều" ( thơ Lưu Trọng Lư) khiến cho bất kỳ người lương thiện nào cũng không thể giữ nổi sự bình thản. Trước cảnh tượng sóng lừng và những câu chuyện hy sinh cảm động của những người giữ đảo, mảnh đất biên cương trong tâm hồn nhà thơ chợt hiển hiện thành lồng ngực người chiến sĩ đang bảo vệ nó và sẵn sàng giáng trả bằng "dòng máu nóng hực ra" khi chủ quyền bị xúc phạm! Cách diễn đạt và xử dụng hình ảnh thực kỳ lạ, độc đáo, và chính sự chân cảm của nhà thơ đã đóng neo sự sáng tạo vào lòng người đọc!
Khổ thơ tiếp theo lại tiếp tục gây bất ngờ tựa đợt sóng lừng chợt lùi xa, để lại trên bãi cát những vò sò vỏ ốc khiêm nhường, tác giả hòa nhập với những người anh hùng của biển cả lặng lẽ chùi giọt lệ, cúi xuống thầm thì với vết tích ngàn năm của biển những lời gan ruột về tình yêu Tổ quốc thiêng liêng:
Chính lúc bấy giờ tôi mới hiểu Trường Sa
Hiểu đến xót xa
Tổ quốc là vỏ con ốc biển
Anh nâng niu cất gửi tặng quà
Đỗ Nam Cao định nghĩa về Tổ quốc một cách vô cùng giản dị mà khiến chúng ta sững sờ, thấm thía: "Tổ quốc là vỏ con ốc biển/ Anh nâng niu cất gửi tặng quà", bởi chúng có vị mặn của nước mắt xót xa ân hận, có sự nâng niu trân trọng những dấu vết cuộc sống đầy ý nghĩa dù là bé nhỏ nhất nơi biển đảo... Sau những câu thơ của mạch "tự thú" đã khơi nguồn từ khổ đầu, ta hình dung nhà thơ rời cặp mắt còn ngấn lệ khỏi đại dương bao la, quay đầu nhìn lại hòn đảo đã kiêu hãnh tồn tại như một núm ruột của Đất Mẹ bởi sinh mệnh của bao người dũng cảm, và vẽ lên những bức tranh, những cảnh phim vừa chân thật vừa đượm màu sắc siêu thực bằng ngôn ngữ thơ ca rung động:
Các anh chết làm gì có mộ
Làm gì có đất cho máu tụ thành hồn
Máu tan loãng thân thể chìm mất dạng
Chỉ còn đảo và cờ Tổ quốc giữa trùng dương
Những dòng thơ bi tráng, xót đau, phẫn uất, tự hào, lại chủ yếu bằng khẩu ngữ mộc mạc ("làm gì có mộ, làm gì có đất, chìm mất dạng"...), khó có cách diễn tả nào hay hơn về sự hy sinh thầm lặng và bất diệt của những người lính giữ đảo bằng xương máu của mình- dù đó là người lính của chính thể nào thì cũng đều là người con của Đất Mẹ Việt Nam.
Tới khổ cuối, mạch "tự thú" trở lại, day dứt hơn, xót xa hơn, bổ xung cho chân dung người Việt yêu nước thời hiện đại bằng cách riêng của thi sĩ Đỗ Nam Cao:
Xin cứ giận các anh rồi thứ lỗi
Ôi con tôi sao nó bỗng khóc òa
Tôi hôn con ghì Trường Sa vào ngực
Bãi đá ngầm cào rách thịt da
Đứa con khóc òa hay chính nhà thơ lẫn người đọc phải khóc òa... Tổ quốc nơi Trường Sa đã trở thành một phần cơ thể sống, đã hóa thân vào máu thịt những người yêu Tổ quốc không phải chỉ bằng khẩu hiệu, chỉ thị... Cái hình tượng "Tôi hôn con ghì Trường Sa vào ngực/ Bãi đá ngầm cào rách thịt da" gây xúc cảm trực tiếp rất mạnh và có sức ám ảnh lâu dài, bởi sự hình tượng hóa có vẻ khá kỳ lạ đó được đảm bảo bằng máu xương của một dân tộc trải qua bao khổ đau- một dân tộc từng sống trong cảm nghĩ của nhà thơ Chế Lan Viên như một lời hiệu triệu, và giờ đây dường càng có sức lay động:
Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt
Như mẹ như cha, như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi con sông
Và lòng tôi chợt quặn lên nỗi đau cho "Tổ quốc nhìn từ biển" mà nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã nói hộ bao người một cách thấm thía:
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi
Bài thơ "Gửi quần đảo Trường Sa" tuy là một hợp âm lạ trong toàn bộ thơ Đỗ Nam Cao, nhưng nó chính là phần sâu thẳm trong con người ông, là sự kết tinh phẩm cách của một nhà thơ - chiến sĩ, và cũng là một cách ông "phải hét to lên/ Thay cho lời khẩn cầu lời cứu chuộc/ Để mong manh niú kéo gì gì/ Một cái gì dường như vuột mất" (Đôi khi).
Giữa những ngày Trung Quốc điên cuồng ngang ngược ở biển Đông, thậm chí láo xược tổ chức lễ quốc khánh tại Hoàng Sa, tôi đã cho sinh viên của một lớp đạo diễn truyền hình xem phim học tập tác phẩm "Diễn văn của nhà vua" ("The King's Speech" - đạo diễn Tom Hooper, đoạt 4 giải thưởng Oscar năm 2011); tới đoạn gần cuối phim, khi nhà vua Anh George VI chiến thắng được tật nói lắp và những mặc cảm cá nhân để nói lên những điều uất hận và lòng quyết tâm của hàng triệu người trước mưu đồ xâm lược trơ tráo của bọn Đức quốc xã, thì cả thầy trò không ai cầm nổi nước mắt xúc động... Không phải ngẫu nhiên khi đọc bài thơ này của Đỗ Nam Cao tôi lại nhớ đến trường đoạn phim rất hay đó - bởi một tác giả thơ trong cảnh ngộ "Niềm tin ra bã" (Về) nhưng vẫn hướng lòng mình ra biển Đông, thốt lên những dòng thơ chân cảm day dứt xót xa có tác dụng ngăn ngừa "Điều khốn nạn" có nguy cơ biến hóa và nhân bản ra thành những kẻ khốn nạn thực sự dửng dưng vô trách nhiệm trước số phận của Tổ quốc trước bao hiểm họa...