Nhà phê bình Đinh Quang Tốn suy tư: “Phê bình dựa vào tình cảm vẫn có thể khoa học và phê bình hàn lâm vẫn có thể thiên vị. Hoài Thanh là một nhà phê bình tình cảm, ông yêu thương các nhà Thơ Mới hết lòng. Nhưng Hoài Thanh vẫn gọi được hồn cốt của từng nhà thơ, thậm chí với một số người ông còn bắt mạch đúng tương lai của họ. Vậy là phong cách phê bình không ảnh hưởng đến giá trị khách quan khi đánh giá tác phẩm. Còn có một số người phê bình hàn lâm dùng đủ phương pháp phê bình khoa học mà thực tế việc đánh giá lại rất thiên vị. Thì ra, dùng “vũ khí” gì trong phê bình không phải là vấn đề quan trọng nhất”.




YÊU NHAU CỦ ẤU HÓA TRÒN

ĐINH QUANG TỐN

1.
Từ bao đời, dân gian đã lưu truyền câu ca: “Yêu nhau củ ấu hóa tròn/ Ghét nhau thì quả bồ hòn thành vuông”, để nói về sự thiên vị của tình cảm trong cuộc sống. Lịch sử các vương triều đã để lại những bài học sâu sắc do sự thiên vị của tình cảm. Sự công minh thật khó lắm thay! Câu chuyện về nhân vật Tào Tháo trong lịch sử Trung Quốc là một điển hình về sự thiên vị của nhân dân khi đánh giá nhân vật này. Trong lịch sử Trung Hoa, Tào Tháo là một anh hùng, một người có tư duy đổi mới và nhiều chính sách an sinh, cải cách hợp quy luật mang lại những hiệu quả tốt, quy tụ được nhiều nhân tài... Nhưng lòng dân, theo truyền thống thì mang tư tưởng trung quân, mà lúc ấy thì vẫn phù nhà Hán. Vì thế, lòng dân đều hướng về Lưu Bị, ca ngợi Lưu Bị như người nối nghiệp nhà Hán. Trong bộ tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa”, mọi tình cảm tốt đẹp đều dành cho Lưu Bị, còn Tào Tháo thì bị coi là ngụy tặc vì không phải là dòng dõi nhà Hán. Tào Tháo bị biến thành một kẻ gian hùng với những mưu mô xảo quyệt, bằng một thái độ thù địch, phê phán. Một số nhân vật lịch sử của nước nhà do hoàn cảnh lịch sử và xã hội, nhân dân cũng thể hiện tình cảm đánh giá rất thiên vị.
Có lẽ vì tình cảm thường thiên vị nên trong công việc phê bình văn chương nghệ thuật nhiều người có mặc cảm với những phong cách phê bình tình cảm. Thực ra không phải vậy. Phê bình dựa vào tình cảm vẫn có thể khoa học và phê bình hàn lâm vẫn có thể thiên vị. Hoài Thanh là một nhà phê bình tình cảm, ông yêu thương các nhà Thơ Mới hết lòng. Nhưng Hoài Thanh vẫn gọi được hồn cốt của từng nhà thơ, thậm chí với một số người ông còn bắt mạch đúng tương lai của họ. Vậy là phong cách phê bình không ảnh hưởng đến giá trị khách quan khi đánh giá tác phẩm. Còn có một số người phê bình hàn lâm dùng đủ phương pháp phê bình khoa học mà thực tế việc đánh giá lại rất thiên vị. Thì ra, dùng “vũ khí” gì trong phê bình không phải là vấn đề quan trọng nhất. Vấn đề là người sử dụng vũ khí đó mà thôi. Những phương pháp phê bình khoa học và hiện đại mà người sử dụng nó không vô tư hoặc không thành thạo thì làm gì có kết quả được. Mà nói cho cùng, khi người viết phê bình còn phải dựa vào phương pháp này nọ tức là họ vẫn chưa thuộc bài, vẫn chưa thành thạo, vẫn là thời kỳ ở “thao trường” tập luyện thì khó thành công lắm. Nhất là các phương pháp phê bình lại được sản sinh ra để dùng cho người phương Tây phê bình các tác phẩm của họ, thì người Việt Nam, người phương Đông sử dụng để phê bình các tác phẩm văn chương phương Đông liệu có hợp không? Câu trả lời này những người viết phê bình cần phải làm sáng tỏ. Nó có khập khiễng gì chăng khi áp dụng các phương pháp phê bình này vào phê bình văn chương Việt Nam, mà tôi chưa thấy một tác phẩm phê bình nào dạng này thật sự có giá trị cao?

Những kiệt tác lý luận, phê bình của văn chương nhân loại là những tác phẩm đã vượt lên trên tất cả các phương pháp. Nói như người phương Đông, đó là “vô chiêu”. Đến đây, tự nhiên tôi lại nhớ đến nhà thơ Vũ Cao khi ông nói “Lãnh đạo văn nghệ là không lãnh đạo gì cả”. Đúng rồi, không lãnh đạo gì cả, tức là đạt đến trình độ cao của lãnh đạo. Còn phê bình “vô chiêu” không dùng phương pháp phê bình gì cả, đó là đạt đến trình độ cao của phê bình. Nó đã đến trình độ thành thục, tự nhiên trong lãnh đạo và trong phê bình. Vấn đề là ở tài năng. Người có tài là người đã hơn người thường một bậc. Tài năng tự nó sẽ biến thành các phương pháp phù hợp trong từng hoàn cảnh, trường hợp cụ thể. Khi thì tình cảm, khi thì lý trí mà không khi nào thiên vị cả. Đó là các tác phẩm “Nghệ thuật thi ca” của Arixtốt, “Văn tâm điêu linh” của Lưu Hiệp, Những tác phẩm phê bình của Viên Mai, Thánh Thán (Trung Quốc), “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh...

Có người hô hào viết phê bình phải cân bằng giữa lý trí và tình cảm. Thế nào là cân bằng? Ở đời không bao giờ có sự hoàn toàn cân bằng cả! Nếu phê bình vì văn chương nghệ thuật thì tự nó sẽ có những ứng tác phù hợp một cách khách quan. Nếu phê bình vì mục đích ngoài văn chương thì tự nó sẽ lệch lạc. Cũng là nhân nào quả ấy. Tiếc rằng, rất nhiều người cầm bút viết phê bình hiện nay không hiểu điều này.

2.
“Cả thế giới đang diễn kịch” - Đó là lời của nhà viết kịch thiên tài người Anh Sếchxpia (1564-1616) thông qua nhân vật hoàng tử Hăm Lét đã nói cách đây bốn thế kỷ. Bốn thế kỷ biết bao đổi thay, câu nói ấy càng ngày càng đúng. Bây giờ tôi thấy sự diễn kịch có biểu hiện ở tất cả các lĩnh vực hoạt động trên thế giới: Chính trị, văn hóa và kinh tế. Này nhé, chỉ nhìn cái bắt tay của các nguyên thủ, từ nước nhỏ đến nước lớn, biểu hiện tình cảm với nhau thì ít, mà hướng về ống kính để quay phim chụp ảnh thì nhiều. Thế là diễn chứ còn gì? Trước kia gặp nhau là “tay bắt mặt mừng”. “Mặt mừng” là nhìn nhau, hướng vào nhau tươi cười thân thiết. Còn việc quay phim chụp ảnh là nhiệm vụ của các phóng viên. Bây giờ thì không nhìn nhau mà nhìn về ống kính. Tức là coi cái ảnh giả hơn là biểu hiện tình cảm thật?

Trong cuộc sống thì các nam nữ tân tiến hiện đại chụp ảnh cưới mất hàng chục triệu đồng nhưng toàn là ảnh giả cưới. Tháng sau mới cưới, nhưng đã chụp ảnh cưới từ mấy tháng trước. Đi thuê quần áo cưới, thuê xe cộ, mượn khung cảnh để chụp hàng trăm bức ảnh giả cưới mà không liên quan gì đến đám cưới thật cả. Lưu giữ những bức ảnh giả cưới để làm kỷ niệm. Ngày cưới thật thì đã có ảnh cưới giả phóng to hoặc những cảnh phim cưới giả chiếu trên màn ảnh cho hai họ và bạn bè, quan khách cùng xem. Thế là việc thiêng liêng nhất cũng diễn kịch! Lại còn chuyện một cô ca sĩ có khuôn mặt đẹp. Nhưng cô lại không muốn để khuôn mặt đẹp thuần hậu như thế. Cô đi thẩm mỹ viện làm cho mũi cao, dài và nhọn giống mũi người châu Âu. Cái mũi châu Âu trên một khuôn mặt châu Á đã phá hỏng khuôn mặt cô, trông rất kệch cỡm khó chịu. Nó cũng là một khuôn mặt giả, diễn kịch. Chẳng còn biết rồi nền kinh tế thị trường sẽ dẫn mọi người đi đến đâu?

Năm 2012 tôi đến Mỹ. Nước Mỹ đúng là có nhiều sức hút với thế giới về sự phát triển kinh tế, về tổ chức xã hội. Tôi thấy nước Mỹ cũng bình an, người dân Mỹ cũng thân thiện. Thì dân tộc nào bản chất tốt đẹp cũng là chính! Tượng Nữ thần Tự do ở New York du khách khắp thế giới nườm nượp đến thăm quan. Mọi người cũng xếp hàng rất nghiêm túc từ xa vào gần để được chiêm ngưỡng. Tượng Nữ thần Tự do là một công trình nghệ thuật văn hóa của thế giới. Nhưng khi đến Trụ sở Đại hội đồng Liên hợp quốc thì tôi hơi bất ngờ về bức ảnh của ông Ban Kimoon, Tổng thư ký đương nhiệm của Liên hợp quốc to và giống y như người thật đứng ở trước cửa. Nhiều du khách đến bên cạnh bức hình để chụp ảnh, quay phim, coi như được chụp ảnh với Tổng thư ký Liên hợp quốc ở trước cửa trụ sở thật. Tất nhiên chụp ảnh với tấm hình giả thì chả có vinh dự gì. Cũng là một cách diễn kịch. Nhưng rất nhiều người chụp. Xu hướng diễn kịch là của cả thế giới chăng? Sếchxpia đúng là thiên tài!

Thảo nào, văn chương nghệ thuật của nước ta bây giờ đa phần cũng là diễn. Phải chăng thế là hợp quy luật tiến lên của thế giới? Ai mà không diễn kịch thì bị chỉ trích là bảo thủ lạc hậu. Từ thơ thiền thời Lý - Trần đến thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, rồi thơ Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ... Đều lấy hiện thực là chất liệu, chân thực là giá trị. Ngay cả tập truyện “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ (ở thế kỷ XVIII) nói toàn những truyện truyền kỳ, nhưng truyền kỳ chỉ là vỏ bọc hình thức, còn chân thực vẫn là bản chất mà mỗi truyện đều đạt tới.

Ai cũng biết đã là văn chương nghệ thuật là phải hư cấu. Nhưng để đạt đến mức nghệ thuật thì “bịa phải như thật” như nhà văn Nguyễn Công Hoan nói. “Bịa như thật” tức là diễn để không ai biết là diễn mới là nghệ thuật cao. Đằng này, văn chương nghệ thuật của chúng ta những năm gần đây cứ lồ lộ hết, ai ai cũng biết là diễn. Đó là sự non tay đến mức ấu trĩ, sự làm xiếc để người xem nhận ra các thủ thuật. Nói cách khác, đó chỉ là trò luyện tập của các học sinh, chưa phải là văn chương nghệ thuật. Vậy mà, nhiều người lại tưởng rằng thế mới là cao siêu. Họ cho rằng quần chúng đang ở trình độ thấp, lấy tiêu chuẩn để cho mọi người không hiểu làm thước đo giá trị tác phẩm của mình. Đó là sự tự huyễn hoặc, tự lừa mình. Văn chương nghệ thuật đâu phải vậy? Có lẽ nền văn chương nghệ thuật của nước ta những năm gần đây cũng có những nét tương đồng với nền văn chương nghệ thuật Nga sau khi Liên Xô tan rã. Một xu hướng đi ngược lại với những gì trước đây đã xuất hiện. Raxun Gamzatốp đã nói đúng:“Trước đây về một lời nói thầm của nhà thơ, toàn thế giới đã nghe thấy, còn bây giờ tất cả gào rống lên trên màn hình vô tuyến nhưng chẳng ai nghe thấy gì” (Trích “Một nền văn hóa biết xấu hổ”, Lê Sơn dịch, NXB Văn học 2013, trang 30).

“Cả thế giới đang diễn kịch”. Đó là sự xô bồ của cuộc sống. Nhưng văn chương nghệ thuật phải là tinh túy của cuộc sống. Nó là bản chất, là sự kết tinh. Nó phải loại bỏ những gì giả tạo, non nớt, chỉ để còn lại vàng mười, kim cương. Giống như những câu ca dao, những khúc dân ca, có gì cao siêu đâu, đều giản dị bình thường mà lưu truyền từ đời này sang đời khác.