Nhà toán học Vũ Hà Văn – Giáo sư ĐH Yale, Mỹ bình luận về sự kiện diễn viên Nguyễn Chánh Tín vỡ nợ, kêu gọi người hâm mộ ủng hộ tài chính để giữ lại ngôi nhà đã cầm cố với 10,5 tỷ đồng: “Người mẫu cho nhân vật Nguyễn Thành Luân thì có thật, đó là đại tá Phạm Ngọc Thảo. Các nét lớn của Nguyễn Thành Luân (kỹ sư, dân làng Pháp, quan hệ với các thủ lĩnh công giáo và gia đình tổng thống Ngô Đình Diệm,  làm tỉnh trưởng… )  đều theo chân dung đại tá Thảo.  Cuộc đời thật của đại tá Thảo còn bí ẩn hơn nhân vật Nguyễn Thành Luân rất nhiều, và vẫn còn rất ít bài báo về ông (chắc chỉ bằng 1/100 số bài về bác Nguyễn Chánh Tín)… Một thoáng băn khoăn, nếu ông Thảo thoát chết và sống với lương hưu  thiếu tướng,  thì mua được nhà mấy tỷ?"



NHÂN VẬT TRÊN PHIM VÀ HÌNH MẪU NGOÀI ĐỜI

VŨ HÀ VĂN

Mấy hôm nay rộ lên chuyện cụ Nguyễn Chánh Tín mất nhà. Báo chí tơi bời, lời qua tiếng lại. Nhưng xem rồi sẽ ổn, người hâm mộ xúm vào, không có nhà to chắc cũng có nhà bé. Cũng ấm lòng người nghệ sĩ tuổi xế chiều.

Hâm mộ bác Nguyễn Chánh Tín,  9/10 là qua vai diễn để đời Nguyễn Thành Luân  từ “Ván bài lật ngửa”.  Các bạn trẻ ngày nay chắc chẳng buồn xem phim này, nhưng với thế hệ học phổ thông những năm 80 của thế kỷ trước như chúng tôi, thì  “Ván bài lật ngửa” là cả một hiện tượng. Đánh bay cả “Trên từng cây số” và “Hồ sơ thần chết”. Nói thế  đủ biết. Mà trẻ con không thích sao được, khi có một anh Nguyễn Thành Luân lạnh lùng, đẹp trai, giỏi võ, bắn súng trúng cả lưỡi dao, làm cho cả cô nhà báo Hoa Kỳ - Helen mũi hếch (nhưng mà xinh) cũng phải mê tít.  Phim này có một vai nữa cũng rất  thành công là vai cố vấn Ngô Đình Nhu, nếu nhớ không nhầm là do một diễn viên không chuyên đóng, không biết bác sau đó ra sao.

Tất nhiên,  bác Tín không phải anh Luân, bác chỉ đóng anh Luân thôi. Đừng nhầm mà  đòi bác phải như anh Luân ngoài đời. Mà anh Luân cũng không có thực nốt, anh là nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Trường Thiên Lý, chuyển thể sang kịch bản phim “Ván bài lật ngửa”.

Thế nhưng, người mẫu cho nhân vật Nguyễn Thành Luân thì có thật, đó là đại tá Phạm Ngọc Thảo. Các nét lớn của Nguyễn Thành Luân (kỹ sư, dân làng Pháp, quan hệ với các thủ lĩnh công giáo và gia đình tổng thống Ngô Đình Diệm,  làm tỉnh trưởng… )  đều theo chân dung đại tá Thảo.  Cuộc đời thật của đại tá Thảo còn bí ẩn hơn nhân vật Nguyễn Thành Luân rất nhiều, và vẫn còn rất ít bài báo về ông (chắc chỉ bằng 1/100 số bài về bác Nguyễn Chánh Tín).

Đại tá Phạm Ngọc Thảo là một trong những điệp viên kỳ lạ  nhất, chẳng những ở Việt Nam, mà còn cả trên thế giới. Từ bưng biền về sau năm 1954, chỉ trong vài năm, Phạm Ngọc Thảo từ một người còn bị nghi ngờ trở thành người rất tin cẩn của gia đình tổng thống. Đầu thập niên 1960, đại tá Thảo là người phụ trách trực tiếp chương trình Âp Chiến Lược, một chương trình mang ý nghĩa sống còn của anh em tổng thống Diệm. Song song với chương trình Âp Chiến Lược, đại tá Thảo cộng tác với rất nhiều nhân vật cao cấp ở miền Nam trong âm mưu đảo chính, trong đó có ông Trần Kim Tuyến. Những diễn biến này cũng được nói qua trong phim. Khác với trong phim, đại tá Thảo trực tiếp chỉ huy một đơn vị quân sự trong cuộc đảo chính.
“Ván bài lật ngửa” kết thúc trong cảnh Nguyễn Thành Luân đứng trầm ngâm bên mộ Ngô Đình Nhu. Ngoài đời, sau cuộc đảo chính, cuộc chiến đấu của đại tá Thảo bước vào giai đoạn căng thẳng nhất. Trong vòng chừng 15 tháng kể từ tháng 11 năm 1963, đại tá Thảo tham gia và dàn dựng ít nhất 2 cuộc đảo chính khác. Các cuộc đảo chính này đều tránh được đổ máu. Cuộc đảo chính thứ nhất dẫn đến việc  tướng Nguyễn Khánh phải rời Sài Gòn.  Cuộc thứ hai không đạt được mục đích, nhưng làm tình hình  Sài Gòn trở nên rất phức tạp. Phạm Ngọc Thảo bị toà án binh tuyên án tử hình vắng mặt.  Ông hoàn toàn có thể rút lui bí mật  nhưng tiếp tục ở lại hoạt động,  trong tình trạng bị săn đuổi  với cái giá 30.000 USD  treo trên đầu (một khoản  tiền không lồ vào thời điểm đó).  Vài tháng sau, ông bị bắt và hy sinh trong khi bị giam giữ.

Đai tá Phạm Ngọc Thảo được truy tặng hàm thiếu tướng bởi  chính phủ  cả hai miền Nam  Bắc (trước và sau 1975).   Ông Trương Như Tảng, một người biết ông Thảo, nhận xét ông đã chiến đấu hết sức mình cho một Việt Nam thống nhất.

Một thoáng băn khoăn, nếu ông Thảo thoát chết và sống với lương hưu  thiếu tướng,  thì mua được nhà mấy tỷ?