Nhờ một chút cơ duyên, tôi may mắn được đánh đu với nhiều thế hệ nhà báo, từ những nhà báo đang sung sức đến những nhà báo đã cao niên, từ lãnh đạo báo chí cấp cao cho đến phóng viên tập sự nhút nhát. Và điều tôi đúc kết được là càng ngày các nhà báo càng có quan điểm đơn giản về nghề báo. Thậm chí đâu đó đã xuất hiện khuynh hướng coi báo chí như một nghề kiếm ăn bình thường, không hề có hoài bão gì, không hề có sứ mệnh gì. Ý niệm sự thật và chính nghĩa trở nên mong manh khi nhà báo chấp nhận xã hội như một bức tranh được vẽ sẵn và cây bút của nhà báo chỉ dùng để tô màu. Đáng sợ hơn, nếu hành vi tô màu của nhà báo không phụ thuộc vào năng lực của mình mà phụ thuộc vào mong muốn của những người ban lợi ích cho mình! Tôi thường phải rất cố gắng để tránh khỏi kiểu cười chua chát khi mường tượng hình ảnh nhà triết học lừng lẫy thế kỷ 18 của nước Pháp – Edmund Burke nhìn lên khu vực dành cho báo chí trong lâu đài Versailles mà bảo rằng: “Trên kia là đẳng cấp thứ tư và họ nắm giữ quyền lực nhiều hơn ba đẳng cấp quý tộc, tăng lữ và thường dân”.  



NÓI LÁO NGỌT BÙI HAY NÓI THẬT ĐẮNG CAY ?

LÊ THIẾU NHƠN

Đối với tôi, ngày 21-6 mỗi năm bao giờ cũng là dịp tự vấn nghề báo tốt nhất. Giữa hoa mừng và chúc tụng, tôi cố dành ra một khoảng lặng để suy nghĩ thật nghiêm túc về chức phận cầm bút trót đeo mang. Không còn ở độ tuổi hai mươi chớp nhoáng hy vọng vội vàng thất vọng, tôi cho rằng xã hội thông tin càng nở rộ thì vai trò của nhà báo càng bị đặt vào nhiều hoàn cảnh thử thách cam go hơn!

Cứ trôi miên man theo các sự kiện, nhà báo không dễ định vị bản thân và càng không dễ thấu hiểu đồng nghiệp mình. Lịch sử báo chí Việt Nam đã có một bề dày nhất định, nhưng đến hôm nay chỉ có mỗi cuốn “Bốn mươi năm nói láo” ít nhiều có thể giúp các nhà báo nhìn thấy chính họ và công việc của họ. Vũ Bằng đã lấy cột mốc từ cái tiểu phẩm châm biếm đầu tay “Lọ văn” viết năm 16 tuổi để năm 1969 cho ra đời cuốn “Bốn mươi năm nói láo”. Đôi lúc tôi cứ băn khoăn, trước khi vĩnh viễn rời khỏi thế giới chữ nghĩa nhọc nhằn vào năm 1984, nếu Vũ Bằng viết thêm một cuốn sách về nghề báo thì liệu ông có đặt tên là “Mười năm năm nói thật” không? Chỉ cần “Bốn mươi năm nói láo” đã đủ chứng minh sự tận tụy của Vũ Bằng với nghề báo rồi. Một cuốn sách khác về nghề báo, có lẽ phải đợi lớp hậu sinh khả úy. Thế nhưng, ai sẽ viết khi công nghệ số thúc ép mỗi nhà báo cuống cuồng theo đuổi tin tức mà hầu như không có thời gian để đánh giá từng vấn đề một cách sâu sắc hơn, tinh tế hơn, nhân văn hơn?

Nhờ một chút cơ duyên, tôi may mắn được đánh đu với nhiều thế hệ nhà báo, từ những nhà báo đang sung sức đến những nhà báo đã cao niên, từ lãnh đạo báo chí cấp cao cho đến phóng viên tập sự nhút nhát. Và điều tôi đúc kết được là càng ngày các nhà báo càng có quan điểm đơn giản về nghề báo. Thậm chí đâu đó đã xuất hiện khuynh hướng coi báo chí như một nghề kiếm ăn bình thường, không hề có hoài bão gì, không hề có sứ mệnh gì. Ý niệm sự thật và chính nghĩa trở nên mong manh khi nhà báo chấp nhận xã hội như một bức tranh được vẽ sẵn và cây bút của nhà báo chỉ dùng để tô màu. Đáng sợ hơn, nếu hành vi tô màu của nhà báo không phụ thuộc vào năng lực của mình mà phụ thuộc vào mong muốn của những người ban lợi ích cho mình! Tôi thường phải rất cố gắng để tránh khỏi kiểu cười chua chát khi mường tượng hình ảnh nhà triết học lừng lẫy thế kỷ 18 của nước Pháp – Edmund Burke nhìn lên khu vực dành cho báo chí trong lâu đài Versailles mà bảo rằng: “Trên kia là đẳng cấp thứ tư và họ nắm giữ quyền lực nhiều hơn ba đẳng cấp quý tộc, tăng lữ và thường dân”. 

Có nhiều lý do để phân bua cho chất lượng tác phẩm báo chí hiện nay. Ai cũng phải làm liền tay, phải nhanh phải nhiều mới đáp ứng được tốc độ nhật báo, tốc độ internet. Tuy nhiên, những bài báo chụp giựt và hời hợt chỉ tạo nên sự phồn vinh giả tạo mà thôi. Một nền báo chí không thể phát triển nếu độc giả không tìm thấy những bài báo đáng đọc lần thứ hai. Tôi có thói quen sưu tầm những bài báo hay, nhưng càng ngày kết quả thu lượm càng thưa vắng dù mặt bằng báo chí đang đa dạng dần lên. Vì sao? Vì những nhà báo gạo cội đã mỏi mệt, mà những nhà báo trẻ không thể thay thế. Có thể trách giận chăng, nếu các nhà báo trẻ biện minh họ phải bận rộn hoàn thành những bài báo mưu sinh cấp thời. Chính Hội Nhà báo VN cũng phát hiện thực tế bẽ bàng này, nên vài năm gần đây luôn chi ra khoản kinh phí không nhỏ để đầu tư cho tác phẩm báo chí chất lượng cao! Thế nhưng bao giờ mới có bài báo cỡ như “Cái đêm hôm ấy đêm gì?” của Phùng Gia Lộc, thì không ai dám tiên liệu!

                                

                                         Một cảnh trong phim "Nghề báo"!

    Tôi chưa bao giờ nguôi mơ ước làng báo Việt Nam sẽ có được những nhà báo lớn, mà tác phẩm của họ giúp công chúng biết đắn đo đặt cược cho tương lai. Nếu không đủ sức thu nạp như Thomas Friedman viết “Chiếc lexus và cây ô liu” hoặc “Thế giới phẳng”, thì cũng can đảm như Tom Plate viết “Lời tự thú của một nhà báo Mỹ” hay chọn con đường khái quát như Jeferey Archer viết “Quyền lực thứ tư”. Đáng tiếc, kinh tế thị trường đang đẩy giới nhà báo vào thế chông chênh giữa nghiệp vụ và cơm áo. Tôi có cảm giác nhiều đồng nghiệp của mình bắt đầu giông giống MC chuyên nói những câu đèm đẹp theo kịch bản có sẵn. Nguy hiểm hơn là một bộ phận không nhỏ các nhà báo thiếu kiềm chế đã sa vào trào lưu nịnh thối – chửi hôi khi chung đụng với doanh nghiệp. Khi muốn xin tài trợ hoặc muốn xin quảng cáo thì gắn lên cho họ nhiều thứ son phấn mà họ không thể có hoặc không muốn có, nhưng khi họ gặp trục trặc thì xúm lại miệt thị, dèm pha đủ đường. Thật sự, qua trường hợp dư luận bủa vây một nữ đại gia thủy sản ở miền Tây Nam bộ, tôi rất ngượng bởi nhớ đến bài thơ “Xem gặt lúa” của Bạch Cư Dị viết từ đầu thế kỷ thứ 9: “Phận mình tài cán gì, việc nông trang chẳng biết, lương hưởng ba trăm hộc, ăn kết năm vẫn dư, nghĩ lại thấy thẹn thùng, suốt ngày lòng bứt rứt”. Những người trực tiếp làm ra của cải cho đất nước, lẽ ra phải được báo chí ứng xử đàng hoàng hơn, tử tế hơn.

    Vài năm gần đây, báo chí cũng không thoát khỏi từ trường ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Mỗi tờ báo muốn nuôi cán bộ, phóng viên đã phải gồng gánh một cách chật vật, nên việc đối đãi cộng tác viên càng gay go gấp bội. Có một câu chuyện tuy riêng tư nhưng tôi vẫn muốn kể ra để mọi người hiểu “bếp núc” nghề báo. Tôi có mời một giáo sư ngôn ngữ giữ chuyên mục thường xuyên hàng tuần. Mỗi tháng, tôi mang nhuận bút đến tận nhà cho ông. Có lần không thu xếp được, tôi gọi cho cậu cháu nội của giáo sư ngôn ngữ vốn đang làm việc cho một công ty đa quốc gia có trụ sở gần tòa soạn ghé đến nhận dùm. Chàng trai ấy mọi bữa gặp tôi ở nhà riêng đều rất thân thiện, nhưng sau khi ký nhuận bút dùm ông nội thì lại quay ra nhìn tôi với ánh mắt rất lạ lùng. Tôi vẫn đang thắc mắc với tình huống có vẻ khó hiểu kia thì mấy hôm sau vị giáo sư điện thoại: “Mình xin lỗi. Mình không cộng tác nữa. Hôm trước đi nhận nhuận bút về, cháu mình nói: “Cháu thấy người ta trả cho trí tuệ của ông một cái giá bèo bọt, cháu buồn lắm. Từ nay ông đừng viết nữa. Mỗi tháng cháu biếu ông mấy triệu!”. Mình chẳng phải mê tiền, nhưng căng thẳng giữa ông cháu sẽ không hay. Mình xin lỗi nhé!”. Thì ra vậy. Sở dĩ tôi thấy chàng trai ấy có vẻ lạ lùng vì ánh mắt hắt ra vài tia phẫn nộ. Trước đó cậu cháu không hề biết nhuận bút mỗi bài của ông nội là bao nhiêu, nên khi đi nhận thay cảm thấy hụt hẫng và xót xa vì so sánh với thu nhập tính bằng đô la Mỹ của chính mình. Tôi không giận vị giáo sư và càng không giận cháu nội của ông. Tôi chỉ mong có cơ hội giải thích cho chàng trai ấy rằng, không có tờ báo nào chèn ép hay khinh thường cộng tác viên, nếu điều kiện kinh tế thuận lợi, nhuận bút sẽ trả gấp năm, gấp mười như thế. Tuy nhiên, mệnh đề “nếu” không phải lúc nào cũng thuyết phục được người khác.
So với 10 năm trước hoặc 20 năm trước thì cuộc sống của các nhà báo bây giờ đã được cải thiện rất nhiều. 

Nhà báo ở biệt thự, không hiếm. Nhà báo đi xe hơi, không hiếm. Có thể khấp khởi mừng thầm “kim môn tàng kiều”, chốn giàu sang sẽ có người đẹp, chốn giàu sang sẽ có điều hay chăng? Chưa chắc. Cách gõ bàn phím máy tính chỉ nhỉnh hơn cách viết tay bản thảo về thao tác kỹ thuật, chứ không khẳng định được sự tiến bộ nào về tư duy đề tài hay phương pháp phản biện. Thỉnh thoảng đọc lại những gì mình viết khi mới vào nghề, tôi nhận ra không ít sự vụng về và sự ngây ngô, nhưng khẩu khí thật thắng thắn và lối nói thật chân thành. Cổ nhân dạy, tuổi trẻ là lương tri của thời đại, quả không sai. Cái thuở bê con không sợ hổ dữ, cái thuở tiểu ngư gặp Long Vương không biết mặt để chào, xem ra cũng lắm ưu việt. Ít nhất trên những bài báo ngỡ ngây dại ấy, độc giả không thấy nhà báo uốn éo ngôn từ để đón lỏng chút xu thời hay che chắn chút toan tính! Bây giờ, cái nồng nhiệt ngày xưa không thể nào tìm lại được, nhưng tôi vẫn dặn mình rằng, nghề báo rất cao quý, đừng bao giờ để lộ ra sự hèn mọn trước những kẻ có quyền và những kẻ có tiền!

                                  6-2013